Tiến trình phòng thủ và hệ thống cơ sở hành chính, quân sự của VNCH trên đảo Hoàng Sa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tiến trình phòng thủ và hệ thống cơ sở hành chính, quân sự của VNCH trên đảo Hoàng Sa

Trước năm 1945, thời Pháp thuộc, tại vùng quần đảo Hoàng Sa, lực lượng quân đội Pháp tại VN chỉ lập căn cứ ở đảo Hoàng Sa (Pattle), một đảo gần đất liền để tàu ra cho gần. Đảo Hoàng Sa tuy không bằng đảo Phú Lâm (cũng thuộc hệ thống quần đảo Hoàng Sa) nhưng ở gần trung tâm quần đảo, gần nhiều đảo, việc kiểm soát dễ dàng hơn ở Phú Lâm.

Về hệ thống nhà cửa, cơ sở, hai ngôi nhà lớn nhất trên đảo là đồn binh và ty khí tượng (kiêm luôn công việc của bưu điện) cùng ngó về hướng bắc, nằm gần giữa đảo hơn là mé bờ biển phía nam. Trước mặt đồn binh là một sân bóng chuyền và cột cờ. Trước khi Trung Cộng chiếm đảo, tại cột cờ này có một bia bằng xi măng do một đơn vị Thủy quân Lục chiến VNCH xây dựng. Trên cùng của bia là phù hiệu của binh chủng TQLC, phía dưới có ghi “Tiểu đoàn 1 Thủy quân Lục chiến….” Bia có ghi ngày lập nữa, nhưng những người trên đảo, ít ai để ý đến những chi tiết này. Kế bên sân bóng chuyền nằm bên phải đồn binh là dãy nhà của binh sĩ phòng thủ đảo. Trên nóc đồn binh, góc trông ra mé biển (phía nam) là một tháp canh, một góc khác có một đèn pha. Nhà của ty khí tượng (chỉ có 4 người) ở phía tây của đồn binh, cách đồn binh chừng 30 mét. Chếch về phía trái của nhà, là một dãy nhà phụ của ty khí tượng, gồm bốn gian: một nhà kho, kế bên là lò bánh mì, kế đó là nhà chứa hơi hydro, gian còn lại là nhà bếp. Tòa nhà rộng mênh mông dài 24 mét, rộng 4 mét, mà chỉ có 4 người ở.

Một nhà nữa trên đảo là nhà bếp của đồn binh, phía tây bắc của 1 giếng nước trên đảo, cách giếng chừng vài chục mét, cách đồn binh chừng 150 mét. Từ nhà khí tượng và đồn binh có những đường mòn đi về phía giếng, đi ra bờ biển phía nam và đi ra giếng nước. Đây là những đường được tạo thành do bàn chân người dẫm nát cây cỏ, do sự tiện lợi chứ không do một cuộc sắp xếp. Người ngoại quốc từ các tàu đánh cá đậu ngoài khơi, phía nam của đảo lên bờ, vào đảo đổi nước ngọt lấy đồ ăn tươi, rau, trái cây do những con đường mòn hướng nam-bắc này.

Về lực lượng và hệ thống phòng thủ, thời Pháp thuộc, số lính khố xanh trấn đóng tại đây chừng vài chục người, dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan Pháp. Khi Nhật đảo chánh Pháp (tháng 3/1945), anh em trên đảo bị bỏ rơi, bèn kiếm gỗ làm bè thả trôi về đất liền. Sau mấy ngày nhịn đói, khát, họ tách vào bờ biển Quy Nhơn. Người Nhật chiếm đảo, rồi xây lô cốt xung quanh đảo để phòng thủ. Quân Nhật đã đem đá từ Quảng Nam ra xây 5 lô cốt trên bờ biển, gồm: 1 lô cốt ở phía Nam (ở cuối các đường mòn từ ty khí tượng và đồn binh đi ra bờ biển phía Nam). 1 lô cốt ở góc đông bắc và 1 lô cốt ở góc đông nam nhằm bảo vệ cầu tàu và mạn phía đông của đảo; một ở phía Bắc (ở cuối con đường mòn từ giếng ra bờ biển phía Bắc); một lô cốt ở góc đông bắc.

Sau khi Nhật đầu hàng, Pháp trở lại Đông Dương họ lại ra trấn giữ đảo. Toán khí tượng đầu tiên sau khi Pháp trở lại Đông Dương, ra đảo làm việc vào tháng 9/1947. Toán quân nhân Pháp gồm 1 trung đội hoàn toàn người Pháp. Lúc ấy tình thế đã biến chuyển, tàu không đi vòng ra nhóm Tuyên Đức (Groupe de L’Amphitrie) nữa, vì nơi đó người Tàu đã chiếm rồi (Ngày 29-10-1946, Trung Hoa gởi 4 chiến hạm từ đảo Hải Nam đến Hoàng Sa), đụng độ với toán lính Việt-Pháp của quân đội Liên Hiệp Pháp, nhưng phải rút lui. Họ bèn quay ra chiếm đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29 tháng 11/1946. Sau khi Trung Cộng chiếm được lục địa Trung Hoa, đã đưa quân ra Phú Lâm, biến thành một căn cứ đồ sộ: làm đường xe hơi chạy từ đầu tới cuối đảo, xây một công sự gồm 5 dãy nhà 6 căn, 4 dãy 2 căn và 2 cột ăng ten cao 12 mét. Vào thời gian đó, Trung Cộng xây cất 50 cơ sở và 1 cầu tàu dài 100 mét. Trung Cộng cũng chiếm đảo Linh Côn trong nhóm Linh Côn. Thế là hòn đảo Phú Lâm thơ mộng đã lọt vào tay Trung Cộng. Mỗi buổi sáng trời tốt, anh em bảo vệ đảo nhìn về phía Đông Bắc thấy hòn đảo Phú Lâm qua kính thiên văn mà thấy xót xa.

Người Pháp canh phòng các đảo rất kỹ. Họ dùng xà lúp đi tuần quanh các đảo luôn. Chân cầu tàu năm 1974 còn dấu tích căn nhà để xà lúp. Họ xua đuổi các tàu bè lại gần đảo. Đuổi mà không đi là họ bắn ngay. Năm 1955, Pháp rút khỏi Việt Nam, việc bảo vệ đảo do một đơn vị quân đội Quốc gia Việt Nam đảm trách (Ngày 26 tháng 10/1955, nền đệ nhất Cộng Hòa thành lập, Quân đội Quốc gia VN cải danh thành Quân đội VNCH). Về sau, một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến VNCH có nhiệm vụ bảo vệ các đảo còn lại. Sau đó, số quân đóng trên đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng và các đảo khác rút xuống còn 1 đại đội, và do đại đội thuộc tiểu đoàn 42/162 đảm trách. Ngày 8 tháng 5/1957, Hải vận hạm Hàn Giang chở một đại đội TQLC khác từ Nha Trang ra thay thế. Đơn vị TQLC có đầy đủ phương tiện nên thường xuyên tổ chức đi tuần, canh phòng.

Ngày 5-10-1959, Tỉnh đoàn Bảo An thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiệm vụ bảo vệ quần đảo. Tỉnh đoàn cử 43 quân nhân Bảo An ra thay đại đội Thủy quân Lục chiến để giữ các đảo trên. Tuy vậy, trên đảo Hoàng Sa vẫn còn 1 trung đội Thủy quân Lục chiến gồm 30 người. Giữa năm 1964, Bảo An đổi thành Địa phương quân. Lực lượng Bảo An tỉnh Quảng Nam thuộc Bộ Chỉ huy Tiểu khu của tỉnh này. Đơn vị Địa phương quân phương tiện eo hẹp, không có ca nô đi kiểm soát các đảo, nên chỉ trấn đóng trên đảo Hoàng Sa mà thôi. Về sau, quân số giảm xuống, chỉ còn 1 trung đội do 1 sĩ quan cấp thiếu úy hoặc trung úy chỉ huy. Riêng với trung đội vừa đến đảo vào sáng 1/12/1973 là trung đội cuối cùng trước khi trận hải chiến xảy ra.

Theo Vương Hồng Anh
Nguồn: dongsongcu

* Phần này được biên soạn dựa theo tài liệu của sử gia Trần Thế Đức phổ biến trong cuốn đặc khảo về Hoàng Sa, xuất bản vào năm 1974.)