Điểm Báo Pháp – 16-2-2016
Tổng thống Barack Obama phát biểu khai mạc thượng đỉnh Mỹ – ASEAN tại Sunnylands, California ngày 15/02/2016. – REUTERS/Kevin Lamarque
Theo RFI – Thu Hằng – 16-02-2016
Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ: Obama thách thức Bắc Kinh
Theo thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, khi tiếp đón lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á, tổng thống Mỹ chỉ có một ý nghĩ trong đầu, đó là TC và mục đích chính của hội nghị thượng đỉnh lần này là nhằm ngăn cản sức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Thế nhưng, Washington một mực cam đoan rằng đây không phải là một cuộc họp thượng đỉnh «chống Trung Hoa». Thậm chí, tờ Global Times, được Le Figaro trích dẫn, khẳng định: «ASEAN sẽ không trở thành đồng minh của Washington chống Trung Hoa», đồng thời nhấn mạnh các nước ASEAN «không dại dột chọn một bên và phá vỡ mối quan hệ với nhau để đi theo chiến lược của Mỹ».
Dù vậy, TC vẫn là chủ đề chính trong các cuộc hội đàm, diễn ra trong bối cảnh «không cà vạt» và cách xa trung tâm chính trị Washington, nhằm tạo bầu không khí thoải mái, thuận lợi cho các cuộc trao đổi thẳng thắn.
Bài báo nêu một số nội dung làm việc, gồm: các mối quan hệ kinh tế, hiệp định tự do thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của TC trong khu vực, tiếp đó, các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng nằm trong chương trình nghị sự. Cuối cùng là sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố Daech và chiến lược để dập tắt các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Thông qua hội nghị, tổng thống Mỹ muốn truyền tải tới TCmột «thông điệp thẳng thắn» rằng các cuộc xung đột trong khu vực phải được giải quyết theo con đường hòa bình, bằng cách «tôn trọng các nguyên tắc quốc tế, chứ không theo cách các cường quốc đối xử thô bạo với các nước nhỏ», theo phát biểu của ông Ben Rhodes, trợ lý cố vấn về an ninh quốc gia. Và tổng thống Obama hy vọng sẽ thuyết phục được lãnh đạo các nước ASEAN ra được thông cáo chung nêu rõ nguyên tắc trên.
Từ trước tới nay, Washington thường đánh giá ASEAN là một tổ chức nhỏ và không đoàn kết để có thể trở thành một đối tác có trọng lượng. Tuy nhiên, từ năm 2011, chính quyền của tổng thống Obama đã biến hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành một trong những trụ cột trong chính sách «tái cân bằng » của Mỹ tại châu Á.
Với hơn 620 triệu dân, ASEAN được Washington xếp vào hạng thứ tư về trao đổi thương mại, chỉ sau TC, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản. Bốn trên tổng số 10 nước, gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, đã trở thành đối tác của hiệp định TPP và Hoa Kỳ đang cố thuyết phục những nước còn lại tham gia.
Trước quan ngại về yêu sách lãnh thổ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, các quốc gia láng giềng với TC tăng cường yêu cầu hợp tác quân sự với Hoa Kỳ… Tác giả bài báo kết luận chiếc lá chắn an ninh luôn đi liền với việc phát triển trao đổi thương mại.
ASEAN, trọng tâm của «ván bài lớn» tại biển Đông
Đánh giá về tầm quan trọng của hiệp hội các nước Đông Nam Á trong chiến lược xoay trục của Mỹ tại châu Á, vẫn theo nhật báo Le Figaro, «ASEAN là trọng tâm của «ván bài lớn » tại biển Đông».
Hội nghị thượng định ASEAN-Mỹ, theo lời mời của tổng thống Obama, càng phản ánh rõ lợi ích của các cường quốc tại khu vực chiến lược, nơi trung chuyển tới 5,3 nghìn tỷ đô la hàng hóa hàng năm.
Thế nhưng, tổng thống Obama phải đối mặt với một khối bị chia rẽ ngay từ khi được thành lập vào năm 1967, trong thời chiến tranh lạnh. Tình hình còn nghiêm trọng hơn kể từ khi Washington và Bắc Kinh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.
Đi tiên phong là Philippines và Việt Nam, hai quốc gia ủng hộ một lập trường chung của khối ASEAN trước những công trình bồi đắp đảo nhân tạo của TC tại biển Đông và hiện đang đàm phán chiến lược hợp tác quân sự song phương sâu rộng với Hoa Kỳ. Manila vừa mới chấp nhận cho Lầu Năm Góc sử dụng tám căn cứ quân sự tại Philippines, đánh dấu sự trở lại của quân đội Hoa Kỳ, sau khi căn cứ Subic Bay đóng cửa vào năm 1992.
Ngược lại, Cam Bốt, đồng minh số 1 của TC tại ASEAN, lại tìm cách phá hoại mọi nỗ lực trong việc xác định lập trường chung của khối về vấn đề biển Đông khi quốc gia này giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2012. Đây cũng là kịch bản mà các nhà ngoại giao Mỹ đang tìm cách ngăn ngừa vào năm nay, khi tới lượt Lào, một đồng minh khác của Bắc Kinh, giữ chức chủ tịch ASEAN.
Miến Điện và Thái Lan tỏ ra không muốn tham gia vào cuộc tranh chấp này. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Thái Lan rõ ràng đang xích lại gần TC hơn kể từ cuộc đảo chính vào năm 2014. Còn Singapore «chơi trò đu dây » khi chấp nhận cho Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đóng tại một căn cứ ở quốc đảo này, nhưng lại không dám đối đầu trực tiếp với người «anh cả » TC.
Từ trước vẫn tỏ ra khá kín tiếng, hai nước Malaysia và Indonesia bắt đầu quan ngại về những yêu sách biển đảo của TC và trở thành mục tiêu chính trong chiến dịch vận động hành lang của Washington. Hoa Kỳ tìm cách «quyến rũ » hai quốc gia Hồi Giáo bằng vũ khí kinh tế và tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thế nhưng, theo nhận định của ông Wilfried Herrmann, giám đốc một trung tâm nghiên cứu tại Bangkok, được Le Figaro trích dẫn, quá trình gây ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á sẽ còn gian nan vì «các nước ASEAN rất thực dụng và họ nhận thấy Mỹ sẽ còn bị vướng chân tại khu vực Trung Đông trong thập kỷ tới, trong khi đó TC đóng vai trò chủ đạo từ nhiều thế kỷ nay trong khu vực này».
Bạo loạn mang màu sắc chính trị ở Hồng Kông
Một tuần sau cảnh bạo loạn tồi tệ nhất từ trước tới nay tại Hồng Kông và hơn một năm sau «Cách mạng Dù Vàng » đòi dân chủ, Bắc Kinh tố cáo những làn sóng «ly khai có khuynh hướng khủng bố». Ngày 09/02/2016, cuộc đụng độ đã khiến 124 bị thương, trong đó có 90 cảnh sát và 5 nhà báo.
Theo nhận định trong bài báo «Bạo loạn mang màu sắc chính trị ở Hồng Kông » của Le Monde, người dân địa phương ủng hộ việc bảo vệ bản sắc của Hồng Kông trước mối đe dọa mang tên «Đại lục hóa » đang diễn ra tại Đặc khu hành chính, mà trên pháp lý, còn được hưởng thể chế dân chủ cho đến năm 2047. Những người này ít nhiều tỏ ra «bài TC» và khai thác nỗi thất vọng của tầng lớp trung lưu Hồng Kông ngày càng nghèo đi.
Ngày 12/02, Bắc Kinh đã lên giọng phản đối và cho rằng «cuộc bạo loạn do một tổ chức địa phương có tư tưởng ly khai và cực đoan dàn dựng». Còn Trương Hiểu Minh, chủ nhiệm văn phòng chính phủ TC tại Hồng Kông, không ngần ngại quy những người tham gia phong trào là «những phần tử cực đoan đòi ly khai có khuynh hướng khủng bố» hay «những kẻ côn đồ đã tham gia bạo loạn». Đây là lần đầu tiên, Bắc Kinh sử dụng thuật ngữ «ly khai » đối với Hồng Kông, mà trước đó chỉ được sử dụng cho những phong trào ly khai tại Tân Cương và Tây Tạng.
Nhật báo Le Monde nhận định, cuộc bạo loạn không thực sự mang tính «bài TC» mà được khơi mào khi một nhóm biểu tình xuống đường bảo vệ những người bán hàng rong trước sự kiểm soát của đội ngũ thanh tra.
Người dân địa phương cho rằng, việc kiểm soát những gánh hàng rong này đồng nghĩa với việc can thiệp vào bản sắc riêng của Hồng Kông, hiện đang bị đe dọa, cũng giống như can thiệp vào quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự chủ giáo dục hay sự độc lập của tư pháp.
Có ít nhất sáu tổ chức tham gia vào cuộc ẩu đả vừa qua. Trên thực tế, các nhóm biểu tình tỏ ra bất mãn với lãnh đạo đặc khu hành chính Lương Chấn Anh, được cho là thân Bắc Kinh. Giáo sư Đại học Lingnan, Stephan Chan phân tích: «Vấn đề người bán hàng rong chẳng có gì là mới. Nhưng mọi vấn đề mà phong trào Dù Vàng vẫn còn bị bỏ ngỏ. Nếu chính phủ Hồng Kông tiếp tục cố tình bỏ lơ nguồn gốc của sự khó chịu này, thì các nhóm biểu tình ủng hộ hành động bạo lực sẽ ngày càng nhiều hơn vì người dân Hồng Kông không nhìn thấy giải pháp nào khác».
Lãnh đạo một phong trào địa phương có tên Civic Passion cho biết «cảnh sát đã nổ súng và chĩa vũ khí về phía đám đông» và khẳng định chính hành động này đã làm gia tăng căng thẳng. Cuộc bạo loạn tại khu Mong Kok đã giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của cảnh sát Hồng Kông, vì không đủ khả năng xử lý một cuộc «ẩu đả đường phố».
Khoảng bốn mươi người tham gia đã bị buộc trình diện tại tòa án đặc khu vào ngày 11/02 và có nguy cơ đối mặt với mức án lên tới mười năm tù giam, vì đã «tham gia bạo loạn». Những người này sau đó đều được tại ngoại để chờ phiên tòa chính thức sẽ diễn ra vào ngày 07/04. Nhiều người trong số họ bị thương ở đầu vì những cú đánh của cảnh sát và có ý định khiếu nại.
Năm Bính Thân đánh dấu sự đi xuống của nền ngoại thương TC
TC khởi đầu một năm mới với những dấu hiệu khá bi quan khi xuất-nhập khẩu tụt dốc mạnh vào tháng Giêng năm 2016, minh chứng cho sự tăng trưởng chững lại của nền kinh tế. Đây là nhận định được nhật báo Công Giáo La Croix đăng trong bài: «Năm Bính Thân đánh dấu sự đi xuống của ngoại thương TC».
Theo các số liệu được công bố ngày 15/02/2016, xuất khẩu của TC đã giảm 11% trong vòng một năm, dừng ở mức 160 tỉ euro. Phía nhập khẩu cũng bị giảm 19% trong vòng một năm, chỉ đạt khoảng 102 tỉ euro.
Tuy nhiên, TC không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với tình trạng ngoại thương sụt giảm. Theo chuyên gia phân tích Thuy Van Pham, sản lượng bán ra của TC giảm mạnh là do các bạn hàng truyền thống của nước này, như Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và các quốc gia châu Á đang trỗi dậy, đang thu hẹp cơ cấu kinh tế.
Tương tự, nhập khẩu giảm do ảnh hưởng từ mức đầu tư thấp, cũng như ảnh hưởng từ mức thặng dư của nền công nghiệp nặng và thị trường bất động sản. Ngoài ra, giá nguyên liệu thô và dầu mỏ giảm mạnh cũng khiến sản lượng nhập khẩu giảm xuống.
Ông François Candelon, chuyên gia cao cấp của công ty tư vấn Boston Consulting Group, đánh giá: «Xuất khẩu chỉ thể hiện một phần nhỏ, khoảng 5%, của mức tăng trưởng chung của TC, trong khi đó sức tiêu dùng trong nước chiếm tới một nửa».
Vài năm trở lại đây, mô hình kinh tế của TC đã có nhiều thay đổi sâu sắc, chuyển dịch từ việc tập trung vào đầu tư công và công nghiệp nặng, sang dịch vụ và tiêu dùng.
Do vậy, kết quả xấu của cán cân ngoại thương TC lại có thể trở thành một tin tốt đối với Bắc Kinh, vì dù lượng xuất khẩu ít hơn nhập khẩu, TC vẫn đạt được mức thặng dư kỉ lục 58 tỉ euro vào tháng Giêng năm 2016, cho phép lấp đầy một phần lỗ hổng trong dự trữ ngoại tệ.
Châu Âu tiếp tục bị chia rẽ nghiêm trọng về người nhập cư
Vấn đề người nhập cư tại châu Âu lại trở nên nổi cộm khi cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu sắp diễn ra trong hai ngày vào cuối tuần này. Chủ đề trên được tất các các nhật báo Pháp đề cập trong số ra ngày hôm nay.
Dưới dòng tựa «Cuộc đối mặt Berlin-Paris về người nhập cư», bài xã luận trên tờ Le Monde nhận định từ đầu cuộc khủng hoảng tị nạn, tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra thống nhất với nhau, song thực tế hoàn toàn ngược lại.
Ngày 13/02, thủ tướng Pháp Manuel Valls đã tuyên bố: «Châu Âu không thể tiếp nhận thêm người tị nạn. Nước Pháp đã cam kết tiếp nhận 30.000 tị nạn và sẵn sàng tiếp nhận số lượng trên, song không thêm một người nào khác». Trong khi đó, nước Đức đã mở rộng cửa cho hơn 800.000 người vào năm 2015. Paris chỉ trích bà Angela Merkel đã tạo điều kiện cho làn sóng nhập cư, còn Berlin lấy làm tiếc là Liên Hiệp Châu Âu thiếu tinh thần tương ái.
Về sự chia rẽ Pháp-Đức về vấn đề người nhập cư, nhật báo Libération đăng tựa: «Trước lòng dũng cảm của Merkel là sự hèn nhát của Valls». Dù bị cô lập, bà vẫn không thay đổi chính sách tiếp nhận người tị nạn. Thủ tướng Đức tin rằng: «Một lục địa với 500 triệu dân không thể để những nền tảng của mình bị lung lay và phải khuất phục trước 1,5 hay 2 triệu người nhập cư».
Cũng cùng quan điểm trên, nhật báo La Croix nhận định, «người phụ nữ mạnh mẽ nhất thế giới, theo như lời bình luận của tạp chí Forbes, chưa bao giờ lại bị cô lập như hiện nay» ngay trong nước Đức hay trong Liên Hiệp Châu Âu. Nhật báo Công Giáo đánh giá, sau 10 giữ chức thủ tướng, bà đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.