Thương chiến Mỹ – Trung và nghệ thuật của sự kiên nhẫn
Nguồn: Keyu Jin, “The Art of Wait and See”, Project Syndicate, 11/07/2019 – Biên dịch: Phan Nguyên
Những người hiện đang hy vọng về một thỏa thuận thương mại cuối cùng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không nên hồi hộp nín thở. Trái ngược với những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang nghĩ, người Trung Quốc vẫn chưa bước vào đường cùng, và sẽ không đột nhiên nhượng bộ trước các đòi hỏi của Trump.
Một cuộc đàm phán thành công thường đòi hỏi mỗi bên phải hiểu được quan điểm của bên còn lại. Người ta có thể nghi ngờ về sự khôn ngoan trong cách tiếp cận cuộc tranh chấp của Trung Quốc cho đến lúc này, nhưng nếu không có sự hiểu biết sâu sắc hơn về tư duy ngắn hạn và dài hạn của Trung Quốc thì sẽ có rất ít tiến triển.
Những người ủng hộ Trump nhấn mạnh rằng Trump nên được đối xử một cách nghiêm túc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đồng ý. Họ đã bác bỏ những yêu cầu quá mức và vô lý của chính quyền Trump nhưng không hề nghi ngờ về ý định kiềm chế Trung Quốc của họ. Mục tiêu đó ít liên quan đến quan ngại của các doanh nghiệp cụ thể, và thậm chí có thể bắt nguồn từ sự thù địch về văn minh và chủng tộc của Mỹ đối với Trung Quốc. Do đó, người Trung Quốc đã phải điều chỉnh tính toán chiến lược, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nếu nhìn xa hơn cuộc đình chiến mới nhất giữa Trump và Tập Cận Bình, cách tiếp cận tổng thể của Trung Quốc đối với cuộc tranh chấp thương mại là bình tĩnh chờ đợi. Người Trung Quốc đã nhận thấy sau khi sự việc xảy ra rằng việc tỏ ra quá háo hức muốn đạt một thỏa thuận sẽ khiến họ trông yếu thế và dễ bị tổn thương trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Bây giờ Trung Quốc biết rằng nếu cho Trump một phân, ông ta sẽ cố gắng đòi cả dặm. Sau khi Trung Quốc đưa ra thêm các nhượng bộ lớn trong vòng đàm phán hồi tháng 5, Mỹ đã đe dọa sẽ áp thêm thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc; và ngay cả với thỏa thuận “ngừng bắn” mới, các mức thuế quan hiện hữu vẫn được giữ nguyên.
Chính phủ Trung Quốc sẽ không muốn trông giống như triều đình Mãn Thanh trong giai đoạn suy tàn. Do đó, chiến lược chờ-và-xem hiện tại của Trung Quốc được đặt ra dựa trên hai nhận định. Đầu tiên, Trung Quốc đã kết luận rằng sự hiếu chiến bốc đồng của Trump sẽ tiếp tục tàn phá nền kinh tế Mỹ, có khả năng buộc Trump phải xuống nước trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Thứ hai, Trung Quốc biết rằng tuyên bố chiến thắng gần đây của Trump trước Mexico là một hành động biểu diễn nhằm đối phó với sự lo lắng ngày càng tăng của thị trường; thỏa thuận mới nhất giữa Mỹ và Mexico gần như hoàn toàn dựa trên các thỏa thuận được ký kết trước đó cũng như các nhượng bộ tưởng tượng của Mexico vốn chỉ tồn tại trên các dòng tweet của Trump. Trong bất cứ tình huống nào, Trung Quốc sẽ không vội vàng nhượng bộ khi sự bất ổn của thị trường có thể buộc Mỹ phải thay đổi lập trường bất cứ lúc nào.
Quan trọng hơn, do các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghi ngờ rằng mối quan tâm thực sự của chính quyền Trump không phải là đạt được một thỏa thuận mà là tìm cách làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, họ sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đổ vỡ đàm phán khác. Để quản lý phí tổn kinh tế của cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã kích hoạt một số đòn bẩy bù đắp, nhiều trong số đó không có sẵn ở Hoa Kỳ. Chúng bao gồm kích thích tài khóa và tiền tệ, các biện pháp khuyến khích tăng trưởng tín dụng và tăng cường hệ thống tài chính Trung Quốc. Và điều này, đến lượt nó, đã cho phép giảm giá đồng Nhân dân tệ để bù đắp cho những bất lợi đối với xuất khẩu do thuế quan của Mỹ.
Theo quan điểm đang trở nên phổ biến tại Trung Quốc, bất kỳ đòn bẩy hay lợi thế nào mà Mỹ có trước Trung Quốc trong thương mại đều không thể bì kịp sự sẵn sàng chịu đựng áp lực của người dân Trung Quốc. Họ sẽ có những hy sinh cần thiết để duy trì niềm tự hào dân tộc và tránh ấn tượng phải quỵ lụy trước phương Tây. Động lực yêu nước này đã được tăng cường hơn nữa khi Trung Quốc nghiên cứu cuộc xung đột thương mại Mỹ – Nhật trong những năm 1980.
“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, Tôn Tử đã viết như vậy trong cuốn Binh pháp. Qua thời gian, các lãnh đạo Trung Quốc đã chú ý đến lời khuyên này, cố gắng hiểu được các động lực chính trị nội bộ của Hoa Kỳ. Họ biết rằng Trump đang đánh vào những nỗi sợ hãi ăn sâu trong nước của Trung Quốc, và điều này phải được đáp trả bằng sự tái sắp xếp chiến lược, chứ không phải bằng sự quản lý chiến thuật.
Theo đó, Trung Quốc đã chấp nhận rằng việc chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ đòi hỏi không chỉ việc điều chỉnh các chính sách kinh tế trong nước và một thái độ tự lực. Trung Quốc còn cần kết bạn mới và xoa dịu những kẻ thù cũ, và đó là lý do tại sao Trung Quốc đang hàn gắn quan hệ với Nhật Bản và – nhờ Trump – với Nga. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa Á- Âu sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự đồng ý ngầm của Điện Kremlin. Một dấu hiệu cho thấy sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga là một đường ống dẫn khí đốt của Nga ban đầu hướng đến Nhật Bản hiện đã được định tuyến lại, hướng tới Trung Quốc.
Đồng thời, Trung Quốc đang tận dụng những nghi ngờ về chủ nghĩa tự do phương Tây bằng cách thúc đẩy một thế giới quan mới của riêng mình. Điểm yếu của phương Tây đã bị phơi bày bởi sự phục hồi kinh tế chậm chạp của họ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tuổi thọ người dân giảm ở một số nhóm dân cư, mức sống trì trệ, và sự sụp đổ của các liên minh truyền thống. Khi xuất khẩu một mô hình thay thế, Trung Quốc đang ủng hộ một cách không ngại ngần sự can thiệp của nhà nước để cải thiện sinh kế, cũng như một hệ giá trị coi phúc lợi tập thể quan trọng hơn các mong muốn cá nhân. Trung Quốc cũng đang nỗ lực để vượt qua hoặc giảm thiểu tác động của các liên minh quân sự đang làm nền tảng cho trật tự do phương Tây lãnh đạo.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thể đơn giản xóa bỏ quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ. Tại một thời điểm nào đó, Trung Quốc sẽ cần đóng góp cho hệ thống thương mại toàn cầu một cách tương xứng với những gì mà Trung Quốc đã được hưởng từ hệ thống đó. Điều này có thể có nghĩa là chấp nhận nhập khẩu nhiều hơn và nghiêm túc hơn về bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ. Nhưng trong ngắn hạn, sẽ không thực tế nếu kỳ vọng Trung Quốc thay đổi luật pháp hoặc từ bỏ mô hình phát triển của mình như chính quyền Trump đòi hỏi.
Về phần mình, Hoa Kỳ nên xem xét đến quan điểm của Trung Quốc. Trung Quốc, một nền văn minh 5.000 năm tuổi, biết rằng những kẻ tuyệt vọng tìm kiếm một thỏa thuận cuối cùng sẽ thua cuộc, trong khi những người kiên nhẫn và tỉnh táo sẽ chiến thắng. Lập trường đó sẽ định hướng chiến lược cho Trung Quốc, cả trong thời gian trước mắt cũng như trong dài hạn.
Keyu Jin là Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh tế London, là thành viên của nhóm Lãnh đạo Trẻ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.