Thực trạng nợ công ở Việt Nam hiện nay

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thực trạng nợ công ở Việt Nam hiện nay
9.6.2016
Bất động sản Việt Nam tiếp tục gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế với căn hộ và nhà không bán được, gây nợ trong hệ thống ngân hàng và tài chính, theo báo cáo được công bố chính thức. Ảnh chụp ngày 4 Tháng Mười Một năm 2013 tại Hà Nội. AFP PHOTO
Kế hoạch vay, trả nợ của chính phủ và các hạn mức vay nợ năm nay vừa được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt.
Vấn đề chính phủ vay nợ, việc sử dụng các khoản vay sao cho có hiệu quả lại là mối quan tâm của nhiều người dân Việt Nam.
Nợ vay phải trả – vay mới
Thông tin được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 7 tháng 6 cho biết trong năm nay cơ quan điều hành dự kiến dành ra khoản tương đương hơn 12 tỷ đô la Mỹ để trả nợ. Số này gồm khoản trả trực tiếp đã được bố trí trong dự toán ngân sách năm, khoản trả nợ vay nước ngoài của chính phủ về cho vay lại và khoản đảo nợ.

Thu không đủ chi, mặc dù tốc độ thu luôn luôn tăng; thế nhưng tốc độ chi luôn vượt tốc độ thu. Cho nên bội chi ngân sách là một bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam.
– Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Trong khi đó chính phủ Việt Nam có kế hoạch vay khoản tương đương hơn 20 tỷ đô la Mỹ. Số vay này được cho biết hơn phân nửa để bù đắp bội chi.
Bộ Kế hoạch Đầu tư của Việt Nam báo cáo rằng với khả năng thu như hiện nay thì tổng thu ngân sách sẽ không đủ để chi thường xuyên và trả nợ.
Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 8 tháng 6 loan tin tính đến cuối năm ngoái nợ công của Việt Nam ở mức 62,2% GDP (Tổng sản phẩm nội địa), nợ chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ ở mức 16% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Hệ quả
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long có đánh giá về tình trạng mất cân đối trong thu chi của Việt Nam lâu nay và nguyên nhân dẫn đến thực trạng có thể nói không mấy sáng sủa đó:
“Thực chất vấn đề ngân sách của Việt Nam luôn luôn bội chi. Điều này đã thấy rất rõ. Có nghĩa là thu không đủ chi, mặc dù tốc độ thu luôn luôn tăng; thế nhưng tốc độ chi luôn vượt tốc độ thu. Cho nên bội chi ngân sách là một bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam.
 
Để cân đối ngân sách thì phải phát hành ngân sách trong nước và nước ngoài, phải đi vay. Chính vì vậy làm cho nợ công có xu hướng tăng rất lớn. Và thực chất nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam hằng năm bây giờ tăng lên rất cao. Ví dụ năm 2015, nghĩa vụ trả nợ công là trên 400 nghìn tỷ.
 
Trong bối cảnh tình hình hiện nay thì một trong những lý do của vấn đề đó là đầu tư dàn trải, không có hiệu quả. Chính vì vậy chúng ta thấy rằng đó là một cảnh báo, một báo động cho thực trạng nền tài chính Việt Nam. Chính vì vậy hệ số rủi ro tín dụng rất cao. Theo tính toán vào tháng tư năm 2015 thì Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia có cảnh báo chỉ số về hệ số rủi ro tín dụng rất cao gần 290 điểm. Trong khi đó Hy Lạp khi vỡ nợ là hơn 300 điểm.
000_Hkg7716649.jpg
Nhân viên nhà máy thép Thành Đô biểu tình đòi khoản nợ chưa được thanh toán trước cửa HDBank ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 14 tháng 8 năm 2012. AFP PHOTO
Đây là một cảnh báo về nguy cơ rủi ro rất lớn đối với khủng hoảng nợ công của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng mới lên để bù đắp những thiếu hụt buộc phải đi vay một mức rất lớn.
 
Một lý do nữa là kỷ luật tài chính không nghiêm!”
Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính hiện đang làm việc ở Việt Nam, cũng có những nhận định về vấn đề nợ nần của chính phủ Việt Nam hiện nay như sau:
“Vấn đề tài chính của Việt Nam rất khó khăn. Khó khăn vì nền kinh tế không phát triển kịp để ngân sách có thể thu thuế. Vì vậy nợ công có thể tăng lên với mức nguy hiểm cho việc ổn định kinh tế.
 
Nếu không có đủ tiền để trả nợ mà phải đi vay tiếp để đảo nợ thì tình hình tài chính – kinh tế như thế là bất ổn rồi.
 
Một vấn đề nữa là phải vay với điều kiện nào! Vay ở trong nước thì lại đụng chạm đến nguồn tài chính cho phát triển nền kinh tế. Chính phủ lại cạnh tranh với doanh nghiệp về vốn trên thị trường. Còn đi vay ở nước ngoài thì vay với lãi suất nào? Tôi thấy không phải dễ dàng đi vay mãi để trả nợ được.”
Cách giải quyết
Vấn đề chính phủ vay vốn nước ngoài thông qua nhiều kênh khác nhau để phát triển kinh tế đất nước là chuyện bình thường. Tương tự như những doanh nghiệp, việc vay vốn để kinh doanh làm ăn là điều bắt buộc. Tuy nhiên vốn vay về để sinh lời là điều kiện tiên quyết.
Như trình bày của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long vừa rồi thì những nguồn vốn vay tại Việt Nam lâu này không được sử dụng một cách hiệu quả.
 
Phải đổi tư duy, đổi phong cách làm việc. Tiếp đãi người dân, doanh nghiệp phải ‘thân thiện’ hơn chứ không phải làm khó khăn cho người ta!
– Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành
Ông này đưa ra một số đề xuất để giải quyết vấn nạn hiện nay về nợ chính phủ:
“Tôi nghĩ trước hết mọi hoạt động đều phải tính toán đến hiệu quả. Chính vì thế mà ông tân thủ tướng, trong giai đoạn vừa mới lên xem vấn đề hiệu quả là số một. Ví dụ nhiều dự án đầu tư tràn lan nhưng thực chất bị phá sản, bị chết yếu hoặc đình trệ, kém. Rõ ràng như thế rồi thì không phải vì ‘đã phóng lao phải theo lao’ hay ‘cố đấm ăn xôi’ tiếp tục đầu tư. Trong môi trường hội nhập, trong nền kinh tế thị trường mà cạnh tranh là sức ép lớn nhất; muốn cạnh tranh được phải có hiệu quả.
 
Tiếp đến là kỷ luật tài chính phải hết sức nghiêm minh, có chế tài – xử phạt minh bạch, rõ ràng. Và phải dám nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra sự thật và qui trách nhiệm rõ ràng. Đó là những ‘phán xét’ cuối cùng, răn đe những người làm sai!”
Thực tế cho thấy Việt Nam có rất nhiều qui định nhưng việc thực thi không đến nơi đến chốn. Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành thì yếu tố con người hiện nay là điều mà ông cho là quan trọng bậc nhất. Ông trình bày:
“Vấn đề quan trọng bậc nhất đối với tôi là vấn đề đào tạo cán bộ, những người phục vụ nhân dân, những người làm công vụ. Phải đổi tư duy, đổi phong cách làm việc. Tiếp đãi người dân, doanh nghiệp phải ‘thân thiện’ hơn chứ không phải làm khó khăn cho người ta!”
Ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhận nhiệm vụ có cuộc gặp với doanh giới tại Sài Gòn ngày 29 tháng tư. Ông yêu cầu các bộ, ngành chức năng phải có báo cáo trình chính phủ trước ngày 1 tháng 7 tới đây để rồi chính phủ sẽ ra những quyết định giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để họ hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên theo ý kiến của những người theo dõi tình hình kinh tế của Việt Nam như chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành thì chính ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng ra than phiền trước quốc hội là ‘trên bảo, dưới không nghe’. Thế rồi với cơ chế chính trị như hiện nay thì chính phủ không có quyền quyết định hoàn toàn, mọi chủ trương còn phải qua Bộ Chính trị Đảng Cộng sản.
Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA