Thực chất mối quan hệ Trung-Triều trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên
Thiện Ý
Theo tin tổng hợp giới truyền thông quốc tế, vào sáng hôm 24-8-2016 vừa qua Bắc Triều Tiên đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm ở gần thành phố duyên hải Sinpo và bay được khoảng 500 km trước khi rơi xuống biển trong khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản. Như vậy, đây là lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo lần thứ hai của Bắc Triều Tiên, kể từ đầu năm đến nay.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi cuộc thử nghiệm mới nhất này của Bắc Triều Tiên là hành động khiêu khích “không thể tha thứ” và “rõ ràng đã thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”. Trong khi các nhà ngoại giao từ Tokyo và Seoul lên án mạnh mẽ những hành động của Bình Nhưỡng, thì Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Bắc Kinh lại tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác rộng hơn và có nỗ lực ngăn cản Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khi 15 nước thành viên họp để bàn biện pháp trừng phạt mới tiếp theo các biện pháp trước đây. Động thái này khác với vụ việc gần nhất là Trung Quốc đã tham gia các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn của Liên Hiệp Quốc đối với các hành động của Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư (tháng 1-2016) và tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng đem đầu đạn nguyên tử một tháng sau đó. Cung cách ứng xử không nhất quán này khiến nhiều người tự hỏi, thực chất mối quan hệ Trung-Triều trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên là gì?
Theo nhận định của chúng tôi, thực chất mối quan hệ Trung-Triều trên hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên là mối quan hệ “Lá mặt, lá trái”. Lá mặt mang tính giả tạo, lá trái mới là thực chất.
Lá mặt là Trung Quốc bề ngoài cố tạo ra cho chế độ Bắc Triều Tiên “bộ mặt độc lập tự chủ” và mối quan hệ Trung-Triều là quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia độc lập có chủ quyền. Do đó, riêng về vấn đề thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vẫn đã, đang và sẽ có thêm nhiều mâu thuẫn giả tạo trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng; và để giải quyết những mâu thuẫn này trên hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, đảng và nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn phải tỏ ra có nhiều khó khăn, cần nhiều nỗ lực thuyết phục, áp lực theo đường lối ngoại giao thông thường hay đặc biệt, chứ không thể ra lệnh, ép buộc đảng và nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên như một công cụ. Nhưng tất cả chỉ là những động tác giả nhằm che đậy “Lá trái”.
Lá trái là thực chất mối quan hệ Trung -Triều là quan hệ bất bình đẳng và lệ thuộc toàn diện. Từ quá khứ trong chiến tranh ý thức hệ, đến hiện tại trong chiến lược toàn cầu mới, Bình Nhưỡng chỉ có chủ quyền trên nguyên tắc,lệ thuộc toàn diện chính trị, kinh tế, quân sự quốc phòng vào chế độ Bắc Kinh trên thực tế. Chính sự lệ thuộc này đã biến Bình Nhưỡng thành công cụ chiến lược một thời của Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại.
Hiện tại thực hiện đối sách “Lá mặt, lá trái” trên hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh bề ngoài bao lâu nay luôn tỏ ra không tán đồng, đôi lúc chống đối gay gắt và tham gia có mức độ, lúc mạnh, lúc yếu,các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhương. Thế nhưng bên trong, từ lâu dường như chính Trung Quốc đã là nước duy nhất bao che, hổ trợ hay làm thay để Triều Tiên có được và trở thành nước có vũ khí hạt nhân với hai ý đồ:
– Một là để Bình Nhưỡng dùng vũ khí hạt nhân hù dọa theo kiểu “Chén sành đổi chén kiểu” để “tống tiền” Hoa Kỳ và các nước giầu có trong vùng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay quốc tế nói chung (nhận viện trợ để đổi lại việc ngưng các cuộc thử nghiệp hạt nhân…)
– Hai là để Bắc Kinh có điều kiện và cơ hội được quốc tế phải cầu cạnh như một nước duy nhất ảnh hưởng được đối với Bình Nhưỡng, để có thế làm cao giá mặc cả thủ lợi, khi được yêu cầu đứng ra làm trung gian triệu tập các hội nghị đa phương với Bình Nhưỡng. Ví dụ các hội nghị sáu bên gồm Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc với Bắc Triều Tiên trong quá khứ để giải quyết vấn đề thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thế nhưng sau vài lần vẫn chưa thành. Phải chăng vì vai trò trung gian vẫn còn giá trị lợi dụng đối với Trung Quốc, hay chưa đến lúc đủ lợi cho phép công cụ của mình chấp nhận bất cứ giải pháp nào liên quan đến thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng ?
Tất cả những suy luận trên đây của chúng tôi đều dựa trên quan sát diễn biến các sự kiện thực tế: rằng một chế độ độc tài toàn trị nhỏ yếu, tự cô lập trong nhiều thập niên qua (1948-2016) với thế giới bên ngoài, kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, đa số nhân dân sống trong cảnh lầm than, chết đói, chết lạnh thường xuyên; tương phản với đời sống sa hoa, no thừa của giai cấp thống trị thuộc đảng Lao Động Triều Tiên và những thành phần dân chúng được tuyển chọn để trang bị cho có bộ mặt cuộc sống phồn hoa để khoa trương tuyên truyền lừa bịp với thế giới bên ngoài, thì làm sao có thể tự tồn trong nhiều thập niên qua, lại có thể tự chế tạo ra được vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm trung, tâm xa, cũng như trang bị nhiều khí tài quân sự hiên đại phô trương sức mạnh quân sự, quốc phòng của Bình Nhưỡng …nếu không có vai trò chủ yếu bao che, nuôi sống, hổ trợ mọi mặt chế độ này của Trung Quốc.
Tựu chung chúng tôi cho rằng, mọi biểu hiện mâu thuẫn trong quan hệ Trung- Triều nói chung, trên hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên nói riêng bao lâu nay đều mang tính giả tạo để che đây thực chất là cả đôi bên đều có chung mục đích khai thác vấn đề vũ khí hạt nhân để thành đạt ý đồ và lợi ích riêng. Vì nếu không có sự chống lưng của Trung Quốc chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên không thể tồn tại được trong nhiều thập niên qua;và chắc chắn chế độ Bình Nhưỡng không thể tự thân nghiên cứu, điều chế, tích lũy chất liệu chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm trung và tầm xa, nếu không có sự bao che, kín đáo ngầm hổ trợ của Bắc Kinh. Sau cùng nếu không có thế dựa Trung Quốc, chế độ độc tài toàn trị Bắc Triều Tiên bị quốc tế bao vây cô lập trong nhiểu thập niên không thể tổn tại, có hành động hung hăng, bất chấp biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và ngang nhiên sống ngoài vòng luật pháp quốc tế như thế.
Thiện Ý
Houston, ngày 27-8-2016