Thủ Tướng Úc tố cáo âm mưu che giấu tại địa điểm rớt máy bay – LHQ thông qua nghị quyết.
Theo VOA
Thủ tướng Australia tố cáo có âm mưu che giấu với việc phá hoại bằng chứng tại địa điểm máy bay Malaysia rơi ở miền đông Ukraine. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Malaysia phủ nhận tin tức cho rằng chiếc hộp đen của máy bay lâm nạn đã được mở trước khi giao lại cho các giới chức Malaysia.
Thủ tướng Australia Tony Abbott nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin cho tới giờ vẫn là một người tốt trên phương diện ngôn từ nhờ đã chấp thuận một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đòi bảo đảm quyền tiếp cận an toàn cho các nhà điều tra quốc tế tại địa điểm chuyến bay MH 17 của hãng Malaysia Airlines bị rơi.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Canberra, ông Abbott đã than phiền về những gì đã xảy ra cho xác nạn nhân và xác máy bay trước khi các nhà điều tra tới nơi.
Ông Abbott mô tả những đoạn video mới nhất ở hiện trường trông giống như một vụ phá sập nhà.
“Sau hành vi tội ác là âm mưu che giấu. Những gì chúng ta đã nhìn thấy là các bằng chứng bị phá hoại trên một qui mô công nghiệp và dĩ nhiên việc đó phải chấm dứt.”
Các giới chức Malaysia đã tiếp nhận máy thu âm buồng lái và máy ghi dữ kiện phi hành của chiếc máy bay xấu số. Hai máy đó được giao bởi các phần tử đòi ly khai thân Nga hiện đang kiểm soát khu vực mà chiếc Boeing 777 rơi xuống hôm thứ năm.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã điều đình trực tiếp qua điện thoại với một viên thủ lãnh phiến quân để họ giao lại các máy thường được gọi là hộp đen. Ông Razak cũng cho biết đôi bên còn đạt được thỏa thuận về việc giao lại toàn bộ các thi hài và quyền tiếp cận đầy đủ của toán nhân viên quốc tế đối với địa điểm này.
“Khi nào những việc đó được hoàn tất thì cuộc điều tra về chuyến bay MH 17 mới thật sự bắt đầu và chỉ có như vậy thì các nạn nhân mới nhận được sự tôn trọng mà họ xứng đáng được có.”
Đối với sự chủ động giao tiếp của nhà lãnh đạo Malaysia với phe đòi ly khai ở Ukraine, một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói rằng đó là một việc “hoàn toàn có thể thông cảm” trong tình huống hiện nay.
Malaysia có 44 công dân trên chiếc máy bay lâm nạn. Hà Lan có 198 người và Australia có ít nhất 27 người.
Những nước này cùng với Hoa Kỳ và Ukraine cho rằng máy bay đã bị các phần tử đòi ly khai ở miền đông Ukraine bắn rơi bằng phi đạn địa đối không.
Mức độ của sự dính líu và trách nhiệm của Nga trong âm mưu che giấu vụ việc đang được bàn thảo sôi nổi trong giới ngoại giao và tình báo.
Đại sứ Nga tại Malaysia, bà Lyudmila Vorobyeva, hôm nay phủ nhận sự dính líu của chính phủ bà hay của phe đòi ly khai.
“Phe nổi dậy không có hệ thống phòng không nào có thể bắn rơi một chiếc máy bay ở độ cao 10 kilomét. Họ không có những hệ thống loại đó. Nga chưa bao giờ cung ứng hệ thống này.”
Bà Vorobyeva nói thêm rằng Tây phương đang giở thủ đoạn và “đổ lỗi cho người khác và tố cáo người khác mà không có bằng chứng.”
Sau cuộc họp báo của vị đại sứ Nga, hàng trăm người biểu tình – do cánh thanh niên của đảng UMNO, đảng chính trị lớn nhất Malaysia, tổ chức, đã tụ tập bên ngoài sứ quán Nga.
Những người biểu tình hô to khẩu hiệu “chúng tôi muốn có công lý.”
Mấy ngày sau khi chiếc máy bay chở khách của Malaysia bị bắn rơi trong khu vực do các phần tử phiến quân kiểm soát ở miền đông Ukraine, chỗ chiếc máy bay rơi vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của các phần tử nổi dậy thân Nga.
Một chuyến xe lửa chở thi thể được giữ lạnh của gần 300 nạn nhân của chiếc máy báy Malaysia đã rời thành phố Torez của Ukraine do phe phiến quân kiểm soát hôm thứ Hai, vài ngày sau khi các giới chức và thân nhân của các nạn nhân yêu cầu trao trả thi thể các nạn nhân để an táng. Các nhà điều tra Hà Lan được phép tiếp xúc với chuyến xe lửa cho hay các thi thể được cất giữ đàng hoàng. Nhưng các phần tử nổi dậy thân Nga tiếp tục ngăn chặn cuộc điều tra của quốc tế tại hiện trường.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Hai tỏ ý nghi ngờ rằng các phiến quân có thể đang phá hoại mọi bằng chứng.
“Họ liên tục không cho các nhà điều tra quốc tế được tiếp cận không hạn chế với hiện trường chiếc máy bay rơi. Khi các nhà điều tra tiến đến gần, họ bắn súng chỉ thiên. Các phần tử đòi ly khai đang phi tang hiện trường – tất cả những điều đó tạo ra một câu hỏi là họ đang cố che giấu cái gì?”
Tổng thống Obama tố giác vai trò của Nga ở miền đông Ukraine bằng những ngôn từ mạnh nhất, và yâu cầu Tổng thống Vladimir Putin cắt đứt quan hệ với những kẻ đòi ly khai để tránh rủi ro bị quốc tế cô lập nhiều hơn nữa.
Bây giờ là lúc Tổng thống Putin và Nga phải từ bỏ cái chiến thuật mà họ đã thực hiện và phải thực tâm cố gắng giải quyết những hành động thù địch.
Tổng thống Nga hôm thứ Hai nói rằng không nên chính trị hóa thảm kịch này.
“Không một ai nên, hay được quyền, dùng thảm kịch này để đạt những mục tiêu chính trị ích kỷ của mình. Những thảm kịch như thế này không nên dùng để chia rẽ mà phải để đoàn kết mọi người lại với nhau.”
Các giới chức quân sự Nga hôm thứ Hai thách thức những cáo buộc nói rằng các phần tử đòi ly khai đã bắn rơi chiếc máy bay của Malaysia Airlines bằng một phi đạn của Nga. Họ nói rằng không có ảnh nào từ vệ tinh chứng minh cho điều đó. Giới quân sự Nga muốn quy lỗi cho Kiev.
Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Igor Makushev nói:
“Hệ thống kiểm soát không lưu của Nga phát hiện một chiếc máy bay của không lực Ukraine, có lẽ là một chiến đấu cơ SU-25 bay cùng hướng với chiếc Boeing của Malaysia.”
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chiều thứ Hai biểu quyết thông qua một nghị quyết do Australia đề nghị đòi phải để cho quốc tế được tiếp cận không hạn chế với địa điểm máy bay rơi và đòi thực hiện một lệnh ngưng bắn quanh khu vực này. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop phát biểu:
“Nghị quyết yêu cầu quyền tiếp cận an toàn, an ninh, đầy đủ và không hạn chế tại địa điểm máy bay rơi để các nhà điều tra có thể làm việc. Quyền được tiếp cận này không được cung cấp là một sự đê tiện, và là một sự lăng mạ đối với các nạn nhân và thân nhân của họ.”
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop hoan nghênh kết quả cuộc biểu quyết, gọi đó là một đáp ứng rõ ràng đối với một hành động hoàn toàn không thể chấp nhận.