Thủ tướng Malaysia: Thăm TC với trọng tâm là hợp tác quốc phòng – Cũng “xoay trục” sang TC?
Hôm nay, 31/10/2016, thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu chuyến công du kéo dài sáu ngày tại TC, nhằm thắt chặt quan hệ lâu năm giữa hai nước. Đây là lần thứ ba ông Najib thăm chính thức TC kể từ năm 2009.
Theo chương trình dự kiến, thủ tướng Malaysia sẽ hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình vào thứ Năm tới. Ngày mai, ông Najib, hiện nắm luôn chức bộ trưởng Tài Chính Malaysia, sẽ hội đàm với thủ tướng Lý Khắc Cường. Hai vị thủ tướng sẽ chứng kiến lễ ký kết hơn 10 hiệp định và biên bản ghi nhớ giữa hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, tài chính và xây dựng.
Theo Tân Hoa Xã, chuyến viếng thăm lần này của thủ tướng Najib đặt trọng tâm nhiều hơn vào hợp tác quân sự và nhân dịp này hai nước sẽ đúc kết một hiệp định quốc phòng quan trọng đầu tiên.
Trên trang Facebook cá nhân hôm thứ Năm tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết là trong chuyến đi của thủ tướng Najib, nước này sẽ ký hợp đồng mua các tàu tuần duyên của TC. Nhưng thông tin này sau đó đã bị xóa đi. Nếu đúng như thế thì đây sẽ là hợp đồng quan trọng đối với Bắc Kinh.
Tờ South China Morning Post hôm nay trích lời một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Hoa cho rằng hợp đồng nói trên sẽ là một thắng lợi lớn về ngoại giao và chiến lược, và sự kiện này sẽ khiến cho Hoa Kỳ quan ngại.
Từ năm 2009 đến nay, về quan hệ thương mại song phương, TC vẫn là đối tác hàng đầu của Malaysia, còn Kuala Lumpur hiện là đối tác đứng hàng thứ 8 của Bắc Kinh; trong khối ASEAN, Malaysia là đối tác lớn nhất của TC. – Theo RFI
***
Chuyến viếng thăm TC của thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu từ ngày 31/30/2016 sẽ lại càng làm thay đổi bối cảnh địa chính trị của vùng Đông Nam Á theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, chỉ một tuần sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khởi động chiến lược “xoay trục” tương tự.
Cũng giống như tổng thống Duterte, thủ tướng Najib đi Trung Quốc lần này dẫn theo một phái đoàn đoàn doanh nghiệp hùng hậu, vì ông đang rất cần thu hút vốn đầu tư của TC vào Malaysia, đặc biẹt là trong các lĩnh vực công nghệ mới và cơ sở hạ tầng. Theo lời tiến sĩ Mustafa Izzuddin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, thủ tướng Najib muốn thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Malaysia trong năm 2017 để tạo thêm tính chính đáng cho vai trò lãnh đạo của ông, qua đó củng cố cơ may tái thắng cử cho liên minh cầm quyền của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018.
Đổi lấy đầu tư vào Malaysia, Bắc Kinh có thể giành được một đồng minh chiến lược khác trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, mở rộng mạng lưới ủng hộ TC trong khối ASEAN. Vào tuần trước, tổng thống Duterte của Philippines, một trong những quốc gia chủ chốt trong tranh chấp này, đã chính thức tuyên bố “chia tay” với đồng minh Hoa Kỳ, đánh dấu một thay đổi quan trọng về địa chính trị Đông Nam Á.
Theo lời chuyên gia Mustafa Izzuddin, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, TC xem Malaysia là quốc gia có vai trò quan trọng trong khối ASEAN và là một bên tranh chấp Biển Đông mà Bắc Kinh có thể đối thoại dễ dàng hơn nhằm giải quyết tranh chấp này, nhất là cho tới nay lập trường của Kuala Lumpur không rõ ràng.
Malaysia hiện cũng đòi chủ quyền trên khoảng một chục đảo ở Biển Đông, nhưng khác với Việt Nam, Philippines hay Đài Loan, chính quyền thủ tướng Najib hầu như không có phản ứng gì trước những hành động áp đặt chủ quyền của TC trên vùng biển này, thậm chí không hề tỏ thái độ khi các tàu tuần duyên TC xâm nhập vùng biển của Malaysia ở Biển Đông. Thủ tướng Najib không muốn tỏ ra cứng rắn với TC trong hồ sơ này có lẻ vì sợ làm phật lòng đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia.
Chuyến viếng thăm TC lần này của thủ tướng Malaysia cũng diễn ra vào lúc vụ tai tiếng tài chính quỹ phát triển 1MDB khiến uy tín quốc tế của ông Najib bị sứt mẻ nặng nề. Trong nước cũng như ngoài nước, ngày càng có nhiều người yêu cầu ông phải từ chức.
Do vụ tai tiếng quỹ 1MDB mà thủ tướng Malaysia trong thời gian qua ít đi thăm các nước phương Tây, với hậu quả là đầu tư trực tiếp từ những nước này sụt giảm, cho nên Kuala Lumpur càng cần đến đầu tư từ TC.
Bắc Kinh cũng đang khai thác vụ tai tiếng quỹ 1MDB đã thắt chặt hơn nữa quan hệ với Malaysia, cụ thể là bỏ tiền ra để cứu quỹ này khỏi phá sản. Giới lãnh đạo TC biết rằng Hoa Kỳ, một đồng minh chủ chốt của Malaysia, đã gây áp lực rất nhiều lên thủ tướng Najib trong vụ tai tiếng quỹ 1MBD. Với chủ trương ngược lại là không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác, Bắc Kinh càng lôi kéo được Kuala Lumpur về phía họ, về mặt kinh tế lẫn chiến lược. – Theo RFI