Thử nghiệm thành công vắc xin Zika trên khỉ
Các nhà nghiên cứu sắp chế tạo được vắc xin chống virút Zika. Một vắc xin đang được thử nghiệm dùng công nghệ DNA để kích hoạt phản ứng của hệ miễn nhiễm chống Zika – là virút mà khi thai phụ bị nhiễm sẽ gây dị tật cho thai nhi.
Thuốc tiêm DNA đang được thử nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, gọi tắt là NIH, nằm ở ngoại ô thủ đô Washington, là một thế hệ vắc xin mới.
Vắc xin DNA hoạt động khác với các vắc xin thông thường rất nhiều. Các loại vắc xin thường sử dụng tế bào của virút đã yếu đi hoặc đã chết để kích hoạt một phản ứng miễn nhiễm trong cơ thể.
Còn vắc xin DNA sử dụng bản sao gien của mầm bệnh. Loại DNA này được đưa vào các tế bào trong phòng thí nghiệm, tại đó các protein được nhân bản từ virút, nhưng không gây bệnh.
Ông Barney Graham, phó giám đốc của Trung tâm nghiên cứu vắc xin ở NIH, nói rằng khi các tế bào đó được đưa vào cơ thể, các mảnh DNA hệ thống sẽ phát triển giống như mầm gây bệnh. Ông nói:
“Điều mà chúng tôi cần là đưa mặt bên ngoài của virút gây bệnh đến cho hệ miễn nhiễm để hệ này nhận biết virút với những kháng thể, và sản xuất ra nhiều kháng thể đó hơn. Để mà khi chúng ta gặp phải virút thật, các kháng thể đó có thể ngăn không cho virút phát bệnh.”
Cho đến giờ ở Mỹ, chưa có loại vắc xin DNA nào được chứng minh có thể sử dụng cho con người, nhưng các nhà nghiên cứu đang cố gắng.
Những thí nghiệm lâm sàng ban đầu về vắc xin DNA đang được thực hiện. Phòng thí nghiệm của Bác sĩ Graham đang tìm cách chế tạo ra một liều đủ công hiệu.
Một cuộc nghiên cứu được đăng trên tập san Khoa học nói rằng các nhà khoa học nhận thấy 17 trong số 18 chú khỉ rezut được tiêm hai liều vắc xin DNA thử nghiệm được bảo vệ hoàn toàn không mắc bệnh. 6 chú khỉ được tiêm một liều vắc xin yếu hơn đã bị nhiễm bệnh do Zika gây ra, nhưng có lượng virút ít hơn trong người so với nhóm các động vật thí nghiệm không được tiêm vắc xin.
Theo Bác sĩ Graham thì có một tiến bộ đáng kể trong việc nghiên cứu vắc xin này:
“Đây là một phản ứng nhanh và hy vọng là nó có thể nhanh chóng được đưa ra thử nghiệm trước khi hết dịch bệnh để chúng ta tìm được câu trả lời thực sự là ‘vắc xin này có hiệu nghiệm hay không?’ Nếu có thì mức kháng thể cần là bao nhiểu để bảo vệ cơ thể chúng ta.”
Bác sĩ Graham nói rằng phương án sử dụng DNA đã trở thành tiêu chuẩn cho các cuộc nghiên cứu chế tạo vắc xin phòng ngừa các loại virút gây bệnh khác, trong đó có Ebola, virút sốt xuất huyết do muỗi West Nile truyền, virút gây bệnh đường hô hấp SARS, cúm và HIV. – VOA