Thử hình dung ĐBSCL biến mất trên bản đồ Việt Nam
Đồng bằng châu thổ trù phú nhất Việt Nam có thể sẽ biến mất trong vòng 100 năm tới
“Vấn đề cực kỳ nghiêm trọng nhưng không thấy Quốc hội bàn bạc gì. [Cũng] ít nghe báo đài nói đến. Cần phải lặp đi lặp lại chuyện này hàng ngày trên các phương tiện đại chúng. Làm lớn chuyện này lên, nếu không thì đồng bằng tươi đẹp trù phú này sẽ biến mất…” – Bình luận bài viết từ một số độc giả.
Đầu tháng 9 vừa qua, Quốc hội Lào đã chính thức phê chuẩn kế hoạch xây dựng thủy điện Don Sahong. Sau Xayaburi được khởi công vào năm 2012, Don Sahong là công trình thủy điện thứ 2 của Lào được phê duyệt trên sông Mekong.
Hiểm cảnh của ĐBSCL
Nếu tác động của 12 con đập thủy điện vẫn ở thì tương lai thì nguy cơ sạt lở bờ sông, ven biển cũng như tình trạng xâm nhập mặn trên thực tế đang đẩy ĐBSCL vào “hiểm cảnh”.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Lê Văn. |
Lưu lượng dòng chảy các con sông giảm do các đập thủy điện đã xây dựng, mực nước biển dâng cao đang khiến “giặc mặn” tấn công và làm đảo lộn cuộc sống của người dân ĐBSCL. Tại nhiều nơi như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đang bị xâm nhập mặn vào nội địa trên 70km, và có chiều hướng tăng nhanh. Người dân đang phải “chạy mặn từng bữa”. Theo một nghiên cứu của Cục Quản lý Tài nguyên nước, trong 50 năm tới, diện tích đất bị xâm nhập mặn lớn hơn 4‰ có thể chiếm tới 47% diện tích toàn ĐBSCL. Diện tích chịu ảnh hưởng của độ mặn lớn hơn 1‰ chiếm 64% tích tự nhiên của đồng bằng này. Cùng với đó, việc mất đất do sạt lở bờ sông, ven biển đang diễn ra với tốc độ và quy mô chưa từng có. Theo một báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) thì có đến 256 điểm sạt lở nghiêm trọng dọc ven biển các tỉnh ĐBSCL đã được ghi nhận. Biển ngoạm vào bờ vài chục mét trên tổng chiều dài 450 km, nuốt đi hàng ngàn hecta đất mỗi năm. Riêng Cà Mau đã mất đến khoảng 927 ha/năm do sạt lở ven biển. Trong khi đó, việc khai thác cát và trầm tích vẫn diễn ra một cách quá mức, vượt quá khả năng tự phục hồi của hệ sinh thái. “Các mỏ cát hiện khai thác từ 28 triệu m3 đến 35 triệu m3 mỗi năm. Dự báo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có thể cần đến 1 tỷ m3 cát để phục vụ nhu cầu xây dựng, phát triển đến năm 2020”, báo cáo viết. Chúng ta đang khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Có ngắn, cắn dài, cắn cả vào ngón tay mình chẳng phải là chuyện lạ ngày nay. Tuy nhiên, cắn vào đất, cát trong trường hợp này có thể đem lại hậu quả không thể khắc phục được và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của không dưới 1 triệu người, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng biến đổi khí hậu, nói. Với 18 triệu dân, chiếm tới 90% sản lượng lúa gạo, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu, những nguy cơ mà ĐBSCL đang đối mặt có thể ảnh hưởng an ninh lương thực cũng như kinh tế – xã hội của Việt Nam. “Hãy thử hình dung một bản đồ Việt Nam không có ĐBSCL sẽ như thế nào?”, ông Thiện đặt câu hỏi.
L.V.