Thủ đoạn chính trị (Phần 4) – Vũ Tài Lục
Chương 4:
Mưu kế
Có lúc người toan đánh bể đầu.
Đầu ta chẳng bể sống càng lâu.
Sống lâu ta nghĩ trăm ngàn kế,
Nghĩ kế đưa người xuống vực sâu.
NGUYỄN XUÂN THỦY
Mưu kế
Văn gia Nicolas Gogol trong thiên tiểu thuyết Newsky Prospect viết:
“Thôi! Xin đừng có tin cái đại lộ Newsky đấy nữa. Mỗi lần tôi đi qua đó tôi đã phải kéo cổ áo lên để khỏi phải nhìn thấy những sự vật mà tôi chợt bắt gặp. Tất cả chỉ là một sự dối lừa quỷ quyệt, tất cả chỉ là giả trá che đậy, không có lấy chút ít sự thật nào. Bạn nhìn cái ông mặc áo lông cừu đi bên đường kia, chắc bạn nghĩ rằng ông ta là nhà triệu phú phải không? Lầm rồi, cả gia tài ông ta chỉ còn chiếc áo sang trọng ấy thôi. Bạn nhìn thấy hai người vạm vỡ khôi ngô đứng trước cổng nhà thờ kia, chắc bạn tưởng họ đang bàn bạc với nhau về nghệ thuật kiến trúc hẳn. Lầm rồi, cả hai đang đấu láo để tìm lý do tại sao hai con quạ lại chầu đít vào nhau trên nóc nhà thờ… Đến đêm thì sự lừa đảo còn trắng trợn ghê gớm hơn, mọi màu sắc đều giả tạo, mọi cử động đều vờ vịt…”
Đời sống xã hội là một chuỗi dài những lừa lọc. Thứ nhất là đời sống chính trị. Chẳng hạn như những nhà ngoại giao của các cường quốc hay đế quốc. Cứ mỗi lần sửa soạn chiến tranh thì họ nói rất nhiều về hòa bình và tình giao hảo thân thiện giữa các nước. Ngoại trưởng của những cường quốc hay đế quốc bắt đầu bênh vực hoặc kêu gọi một hội nghị hòa bình có nghĩa là bên trong đã sẵn có một kế hoạch chiến tranh tàn bạo. Với chính trị lời nói tốt là để che việc làm tàn bạo.
Trong sinh hoạt thường nhật, cũng như trong sinh hoạt chính trị, Khổng Tử vẫn nói: “Sảo nhi hiếu độ tất công, dụng nhi hiếu độ tất thắng, trí nhi hiếu mưu tất thành” (Đã khéo rồi mà lại đo ngắm cho cẩn thận thì việc phải tốt, đã dùng mà biết cùng người cộng tác thì phải thắng, đa trí mà lại nhiều mưu thì phải thành).
Phương pháp lập mưu cổ nhân đưa ra năm điểm căn bản:
a) Trước hết là quyết đoán. Mưu mà còn hoài nghi thì chẳng bao giờ thành.
Sự thắng lợi của César, chín mươi phần trăm chính là ở lúc vượt qua sông Rubicon. Lúc đến bên bờ sông, bỗng dưng César tự nhủ: Hay là thôi, ta còn đủ thì giờ để quyết định trở lại. Nhưng ông đã chận đứng ngay mọi ám ảnh có thể làm hại nghiệp lớn rồi mạnh dạn kéo quân lên cầu.
Trần Hưng Đạo Vương trỏ kiếm xuống sông mà thề: “Nếu không thắng giặc Nguyên quyết không trở về sông này nữa”.
Chư quân dục Viên Thiệu đuổi đánh Đổng Trác (Tào Tháo?), Thiệu dùng dằng, chập sau nói thằng con yêu của ta nó bị mắc bệnh lở ngứa, ta áy náy không yên, chi bằng hãy nán cuộc binh đao này lại cũng chẳng muộn gì.
b) Thứ nhì mưu quý là ở chỗ cần xét cho kỹ.
Lịch Tự Cơ bày mưu xui Hán Cao Tổ trả lại đất cho các nước, rồi cho họ làm chư hầu. Trương Lương nghe tin nói lật đật chạy vào can. Trương Lương quay ra bảo với Lịch Tự Cơ rằng: Tiên sinh bày mưu đó mới chỉ biết một mà chưa biết hai. Tào Tháo là con cáo già chính trị, thế mà trong đời ông nhiều lần phải nói câu: Nếu không được tiên sinh soi sáng thì quả nhân đã nhầm lớn.
c) Ba là thâm sâu:
Sự dĩ sảo thành, dĩ chuyết bại (việc thành nhờ lo toan khéo léo, bại vì vụng về). Trịnh Vũ Công muốn đánh nước Hồ nên đem con gái cho vua Hồ để vua Hồ tin. Rồi lại thiết triều mà hỏi quần thần rằng muốn dùng binh thì đánh nước nào. Có một vị tâu lên nước Hồ nên đánh. Vũ Công làm mặt giận mắng: Hồ là nước anh em mà ngươi dám nói vậy sao. Mắng xong rồi lôi ra chém. Vài ngày sau quân Trịnh ồ ạt kéo vào diệt tan nước Hồ.
Đời Tống có người muốn trả thù một kẻ quyền cao chức trọng, bèn về nhà viết quyển dâm thư tuyệt tác, rồi đem tẩm thuốc độc vào từng trang vì đã biết thói quen của kẻ quyền thế kia lúc đọc sách hay nhấm nước bọt mà giở trang. Viết xong đem dâng cho kẻ thù đọc. Mải say mê với bút pháp và dâm tình, kẻ quyền thế kia không hay là mỗi lần nhấm nước bọt để sang trang là một lần đi dần đến cõi chết.
d) Bốn là chu đáo:
Ông Yết Tuyên Tử nói: “Hành kế vụ thực thi, vận sảo tất phòng tổn, lập mưu lự trung biến… Thử sách trở nhi hậu sách sinh, nhất đoan chí nhi sổ đoan khởi. Bách kế điệp xuất, toàn vô, di sách”.
(Thi hành mưu kế là phải làm đâu ra đấy, phải đề phòng những tổn hại, lập mưu phải lo những biến chuyển bất kỳ… Dù cho kế sách này bị trở ngại đã có ngay kế sách khác thế vào. Một tung ra có cả chục mưu kế tiếp.)
Để thắng trận Xích Bích, Khổng Minh và Chu Du đã phải lập bao nhiêu mưu mẹo mới lừa được Tào Tháo. Giả mê ngủ để cho Tưởng Cán vào tròng. Khổ nhục kế Hoàng Cái chịu đòn. Bởi sự ẩn hiện của Bàng Thống để mớm cho Tào Thào xích thuyền mà đốt cho dễ.
Ấy vậy mà vẫn còn thiếu gió đông, đến nỗi làm cho Chu Du lo thành bệnh. Gia Cát lập đàn cầu phong.
e) Điểm tuyệt khó của mưu là hai chữ thích đáng. Yết Tuyên Tử nói rằng: “Kế hữu khả chế ngu, bất khả chế trí, hữu khả chế trí bất khả chế ngu. Nhất dĩ kế vi kế, nhất dĩ bất kế vi kế. Duy kế chi chu, trí ngu tịnh chế. Giả trí giả nhi ngu, tức dĩ kế thi. Ngu giả nhi trí, tức dĩ trí đầu. Mỗi ngộ địch hồ sở kiến, phản hồ địch sở nghi, tác kế mịch bất thành hĩ. Cố kết tất nhân nhân nhi đầu.” (kế là để chế ngự, có kế chỉ để chế ngự kẻ ngu mà không chế ngự được người trí, nhưng cũng có kế chế ngự được người trí mà không chế ngự được kẻ ngu. Kế dĩ nhiên là kế rồi, tuy nhiên có lúc không dùng kế mà chính là kế. Kế nào hết sức chu đáo thì mới mong chế ngự được cả hai người trí lẫn kẻ ngu. Trí bề mặt nhưng trong lòng ngu thì rất dễ mắc kế, kẻ ngu nhưng hay mưu mẹo phải dùng trí mà lừa. Cho nên dùng kế cần xét từng người.)
Khổng Minh chỉ còn ba ngàn quân trong thành, bỗng nghe thám báo hàng vạn quân Tư Mã Ý đến vây đánh. Ông ung dung sai người mở cổng thành, rồi sắp bàn rượu ngồi trên mặt thành gẩy đàn. Tư Mã Ý mới trông cảnh tượng ấy, trong bụng nghi hoặc Khổng Minh có mưu gì nên vội cho quân rút lui. Thấy Tư Mã Ý rút rồi, Khổng Minh tức tốc đem quân chạy.
Giả thử Tư Mã Ý là Lã Bố, chắc Khổng Minh không dám dùng cái mưu nguy hiểm đó. Lã Mông xin Tôn Quyền cho Lục Tốn ra thay mình lãnh đạo Kinh châu là mưu lấy một người giỏi nhưng chưa tiếng tăm để lừa Vân Trường vốn là con người hiếu danh, giả thử Vân Trường là Tuân Úc hay Quách Gia những con người cẩn trọng thì cái mưu kia vô dụng.
Như vậy là mưu kế lừa được người trí mà không lừa được kẻ ngu và mưu kế lừa được kẻ ngu mà không lừa được người trí.
Trương Phi râu hùm vểnh ngược, hai mắt trợn trừng, tay cầm xà mâu, cưỡi ngựa đứng sững trên cầu. Lại thấy sau rừng có động, bụi bay mù mịt, quân Tào tưởng có quân mai phục, dừng ngay ngựa không dám tiến nữa. Các tướng Tào ai cũng sợ là mẹo Khổng Minh, không dám tiến gần nữa và bày thành thế trận. Các tướng Tào đứng dàn hàng chữ nhất ở bên tây cầu, rồi sai ngựa bảo với Tào Tháo. Tháo nghe tin cũng lật đật chạy đến. Trương Phi trợn mắt tròn xoe trông thấy hậu quân có tán vóc vàng, mão viết (mao việt?) tinh kỳ, đoán biết Tào Tháo hoài nghi nên đến xem, Phi bèn hét lên một tiếng cực to rằng: ta là Trương Dực Đức đây, ai dám địch với ta nào. Tào Tháo thấy Trương Phi kiêu dũng thế có ý muốn rút lui. Như vậy là bất kế vi kế.
Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể: Năm Kiến Hưng thứ ba, ở Ích châu có tin báo rằng Man vương là Mạnh Hoạch khởi loạn đem mười vạn quân xâm nhập bờ cõi. Khổng Minh liền vội vã vào chầu và tâu với Hậu chủ: Nay rợ phương Nam không phục là một họa lớn của nhà nước. Tôi xin lĩnh một đại quân đánh mới xong.
Giản Nghị đại phu Vương văn Nghị cản nói: Phương Nam là xứ ma thiêng độc, cây cối không mọc được. Thừa tướng cầm quyền to nhà nước không nên đem thân vào đó. Vả lại bọn Mạnh Hoạch phản nghịch chẳng qua như bệnh đậu ghẻ mà thôi. Thừa tướng chỉ nên sai một đại tướng đi đánh chắc chắn cũng thành công. Khổng Minh nói: Đất Nam xa cách, nhân dân còn man rợ, thu phục thật khó. Ta phải xuất thân ra đánh, nên cũng liệu cơ mà làm, không có khinh thường mà ủy thác cho người khác được.
……………………………………
Lại nói về quân tàn đạo của Mạnh Hoạch là Úng Dĩ nghe tin Khổng Minh đem đại quân đến, liền cùng Cao Định, Chu Bao thương nghị chia quân làm ba đường. Cao Định ở giữa, bên tả là Úng Dĩ, bên hữu là Chu Bao, tất cả dẫn năm sáu vạn quân ra nghênh địch. Cao Định sai Ngạc Hoán làm tiền
bộ tiên phong ra đón quân Thục.
Khi đại quân của Khổng Minh đã tiến đến địa phận Ích châu, Tiền bộ tiên phong là Ngụy Diên, phó tướng Trương Dực, Vương Bình vừa vào khỏi giới khẩu thì gặp quân Ngạc Hoán đến. Hai bên dàn trận, Ngụy Diên ra ngựa mắng rằng:
– Phản tặc kia, mau mau đầu hàng đi cho sớm.
Ngạc Hoán tế ngựa lại đánh nhau với Ngụy Diên. Được vài hiệp, Diên giả thua chạy. Hoán đuổi theo, chừng được vài dặm, bỗng tiếng reo nổi dậy ầm ầm, Trương Dực, Vương Bình hai mặt đổ ra chặn mất đường về. Ba tướng hợp sức đánh đón về, bắt được Ngạc Hoán, giải về trại nộp Khổng Minh. Khổng Minh sai cởi trói, cho ăn uống tử tế, rồi hỏi rằng:
– Ngươi là bộ tướng của ai?
Ngạc Hoán đáp: Tôi là bộ tướng của Cao Định.
Khổng Minh nói: Ta biết Cao Định là người trung nghĩa, nay vì Úng Dĩ xúi giục, mới đến nỗi thế. Ta tha cho mày về bảo Cao Định lại hàng, kẻo mắc vạ to đấy.
Ngạc Hoán lạy tạ lui ra, về ra mắt Cao Định, thuật lại chuyện Khổng Minh nhân đức và ngỏ ý cảm ân Khổng Minh biết ngần nào.
Hôm sau Úng Dĩ đến chơi trại Cao Định hỏi rằng: Ngạc Hoán làm sao về được thế?
Định nói: Đó là Gia Cát Lượng tha cho về.
Dĩ nói: Đây là mẹo của Gia Cát Lượng khiến cho chúng ta bất hòa với nhau đó. Cao Định trong bụng hồ nghi, chưa biết tin đường nào. Bỗng có tin Thục tướng đến khiêu chiến. Úng Dĩ dẫn ba vạn quân ra nghênh địch, đánh nhau chưa được vài hiệp, Dĩ đã quay đầu chạy mất. Diên dẫn quân đuổi đánh hai mươi dặm mới rút về.
Hôm sau Úng Dĩ lại dẫn quân đến. Khổng Minh ba hôm liền không cho quân ra. Đến hôm thứ tư, Úng Dĩ, Cao Định chia quân làm hai đường đến cướp trại Thục. Khổng Minh đã sai Ngụy Diên phục sẵn từ lâu. Quả nhiên, quân hai người kéo đến thì bị quân phục đổ ra giết mất quá nửa và bắt sống rất nhiều. Ngụy Diên giải cả về trại. Khổng Minh sai giam quân Úng Dĩ một bên, quân Cao Định một bên, rồi cho quân sỹ nói phao lên rằng: nói là người của Cao Định thì tha, còn người của Úng Dĩ thì giết sạch. Quân sỹ ai ai cũng nghe biết tin ấy cả. Một lát Khổng Minh cho đòi bên quân Úng Dĩ lên trướng mà hỏi rằng: chúng bay là bộ hạ của ai? Chúng nói dối rằng chúng tôi là bộ hạ của Cao Định.
Khổng Minh liền tha tội, lại cho ăn uống, rồi sai người đưa ra khỏi trại, tha về. Khổng Minh lại cho đòi quân của Cao Định lên hỏi, thì chúng nói rằng: Chúng tôi mới thực là quân sỹ của Cao Định.
Khổng Minh cũng tha, cho cơm rượu ăn uống và bảo: Hôm nay Úng Dĩ có sai người đến đầu hàng muốn dâng đầu chủ chúng bay và đầu Chu Bao để lấy công, nhưng ta không nỡ thế. Chúng bay có phải bộ hạ của Cao Định thì tha cho về, không được làm phản nữa, nếu ta lại bắt được quyết không tha đâu.
Chúng cùng lạy tạ ra đi, về đến trại nhà, thuật chuyện lại với Cao Định. Định liền sai người đến trại Úng Dĩ dò la xem sao, thấy quân Úng Dĩ được tha về, ai cũng có bụng cảm ân đức của Khổng Minh. Nhiều người muốn hàng theo Cao Định. Nhưng Cao Định vẫn chưa yên tâm lại sai người đến thám trại Khổng Minh xem hư thực thế nào, không ngờ bị quân canh bắt được đem nộp. Khổng Minh giả tảng không biết, cho là quân do thám của Úng Dĩ, mới gọi vào trướng hỏi rằng:
– Nguyên súy mày đã hứa đem nộp đầu Cao Định, Chu Bao, làm sao để lỡ hẹn, không mang đến, thằng này lại sang đây do thám chi đây.
Tên quân ấy nói hàm hồ cho xong việc. Khổng Minh đãi cơm rượu, rồi viết một bức thư, giao cho hắn và dặn rằng: Mày cầm giấy này về trao cho Úng Dĩ, bảo hắn làm mau đi, chớ để lỡ. Tên quân lạy tạ trở về, ra mắt Cao Định trình tờ thư của Khổng Minh lên, Cao Định coi xong thư giận nói rằng: Ta thực lòng đãi nó, nó lại muốn hại ta, dung thứ sao được.
Lập tức gọi Ngạc Hoán lên thương nghị. Ngạc Hoán nói: Khổng Minh là người nhân đức ta làm phản không nên. Vả lại việc làm phản là tại Úng Dĩ gây ra cả, chi bằng giết quách hắn đi về hàng Khổng Minh là hơn.
Định hỏi: Thế thì hạ thủ làm sao bây giờ?
Hoán nói: Chúa công làm mở tiệc rượu, mời Úng Dĩ đến chơi. Nếu hắn không có bụng gì tất đi lại như thường. Nhược bằng không đến tất là có bụng khác. Chúa công nên đem quân đánh mặt trước, tôi xin phục quân ở đường nhỏ mặt sau trại, thế nào cũng bắt sống được hắn. Cao Định nghe lời mở tiệc mời Úng Dĩ. Dĩ quả nhiên nghĩ lời quân sỹ tha về hôm trước, không dám đến.
Đêm hôm ấy, Cao Định dẫn quân kéo đến trại Úng Dĩ. Quân của Úng Dĩ được Khổng Minh tha về đều nhớ ơn Cao Định, liền thừa cơ kéo cả về giúp Cao Định. Quân sỹ chưa kịp đánh nhau đã chạy tán loạn. Dĩ vội vàng lên ngựa lẻn ra đường sau núi. Đi chưa được vài dặm bỗng đâu tiếng trống nổi lên om sòm, một toán quân tràn ra, Ngạc Hoán cầm kích quất ngựa xông lên. Dĩ chưa kịp trở tay, đã bị Hoán đâm một nhát kích ngã lăn xuống ngựa, rồi chặt lấy đầu. Quân bộ hạ của Dĩ đầu hàng cả, Định dẫn hai toán quân đem đầu Dĩ lại hàng Khổng Minh. Khổng Minh ngồi trong trướng quát quân sỹ lôi Cao Định ra chém.
Cao Định kêu rằng: Tôi cảm ơn Thừa tướng nên đem đầu Úng Dĩ về hàng cớ sao lại chém?
Khổng Minh cười ầm lên nói rằng: Ngươi định trá hàng che mắt ta ru?
Định nói: Thừa tướng lấy gì làm bằng mà cho tôi là trá hàng?
Khổng Minh mở trát lấy ra một phong thư, đưa cho và bảo rằng: Chu Bao đã sai người dâng hàng thư đến đây nói ngươi với Úng Dĩ kết nghĩa sống chết với nhau, có lẽ đâu một chốc mà ngươi nỡ giết hắn, cho nên ta biết ngươi đến trá hàng.
Định kêu lên rằng: Chu Bao nó làm kế phản gián đấy, Thừa tướng chớ có tin.
Khổng Minh nói: Ta cũng chưa vội tin ngay một mảnh thư đâu, nhưng người có bắt được nốt Chu Bao thì ta mới coi làm thực.
Định nói: Thừa tướng chớ nghi, để tôi xin bắt nốt Chu Bao lại nộp có được không?
Như vậy là ngu giả nhi trí tức dĩ chí đầu và bách kế điệp xuất. (Kế nọ theo kế kia mà tiếp nối).
Vận dụng mưu lược
Sự vận dụng mưu lược biến hóa khôn lường, nó thay đổi theo từng người từng việc, từng nơi từng lúc. Tuy nhiên cũng có thể khái quát vào mấy nguyên tắc sau đây:
1) Giữ bí mật: Ông Quỷ Cốc Tử nói: “Thánh nhân chi đạo tại ẩn giữ nặc” (đạo của ông thánh là ẩn mật). Yết Tuyên Tử nói: “Mưu thành ư mật, hại ư tiết, tam quân chi sự mạc trọng ư mật” (mưu thành là do kín đáo, bại là do tiết lộ, việc binh không gì trọng bằng bí mật). Cơ sở của mưu lược là bí mật cho nên Hoài Nam Tử mới viết trong thiên Binh lược huấn rằng: “Binh quý mưu chi bất trắc dã, hình chi ẩn nặc dã xuất ư bất ý, bất khả dĩ thiết bị dã. Mưu kiến tắc cùng, hình kiến tắc chế. Cố thiện dụng binh giả, thượng ẩn chi thiên, hạ ẩn chi địa, ẩn chi ư nhân). (Mưu quý là ở chỗ bất trắc, không lộ hình tích để có thể bất kỳ đánh tới làm địch không liệu được. Để lộ hình thì mưu cùng. Cho nên người giỏi việc binh tất phải giỏi về phép ẩn). Làm chính trị cũng chỉ có một chữ ẩn đứng đầu, hãy giấu kỹ lực lượng của ta, ý muốn của ta, sở trường sở đoản của ta, như thế cổ nhân gọi là thượng thiện.
Trong bất cứ biến động lịch sử nào kẻ thắng là kẻ giữ được bí mật của mình và biết nhiều bí mật của đối thủ. Fouché thắng Robespierre chỉ trên trận tuyến này, cả hai đều thông minh và giỏi chính trị. Nhưng Robespierre đã kém Fouché về mười năm làm giáo học trường nhà dòng. Mười năm ấy, Fouché phải chịu những quy luật của trường rất khắt khe, khắc khổ thầm lặng và tối tăm. Nhờ không khí ngột ngạt mà Fouché đã tìm đến một cái học trên hẳn Robespierre là: kỹ thuật im lặng – một nghệ thuật ngụy trang – thầm kín và tự chủ để quan sát – biết đến sâu kín tâm hồn con người. Fouché hơn Robespierre ở chỗ suốt đời Fouché không ai có thể nhận thấy dù một lần ông ta biến sắc mặt, mừng vui hay hờn giận, hãi sợ hay lo âu, những đường gân trên mặt Fouché hoàn toàn do tâm não ông ta định đoạt, bộ mặt Fouché chẳng khác nào bức tường cao và dầy của một nhà tu kín.
Cũng như Trotsky thua Staline sau này chính cũng bởi tại Staline nắm được toàn bộ kế sách của Trotsky. Trotsky xử dụng lại bài học tháng Mười 1917 tức là phương pháp tổng khởi nghĩa bằng cách lựa ra một đạo quân kiên quyết chiếm trọn các cơ sở trọng yếu để làm tê liệt bộ máy chính quyền. Staline biết thế nên cũng tung người của mình chực sẵn ở những nơi đó bắt trọn tất cả những người của Trotsky. Khoảng ba giờ sau Trotsky mới biết kế hoạch của mình hoàn toàn thất bại.
Nói về sự kiện lịch sử trên, nhà văn Malaparte có những nhận định: Sức mạnh của Staline (một người kém xa Trotsky về học vấn) là tính nhẫn nại lạnh lùng. Staline như một con thú rình mồi, lặng lẽ theo dõi tất cả những hành động vội vã, sôi nổi của Trotsky bằng những bước nặng nề chắc nịch và chậm chạp của một anh chàng nông dân. Staline kín như miệng bình, lạnh như miếng thép, còn Trotsky thì kiêu hãnh, bồn chồn nung nấu với quá nhiều tham vọng.
2) Vận dụng mâu thuẫn: “Tam Quốc chí diễn nghĩa” hồi thứ 13 có đoạn:
Hiến Đế khóc nói rằng: Trẫm bị hai thằng giặc ấy khinh nhờn đã lâu. Nếu giết được thì may lắm.
Dương Bưu tâu: Tôi có một mẹo, trước làm cho hai đứa tự tàn hại lẫn nhau rồi sau mới mời Tào Tháo đem binh vào giết sạch lũ giặc, yên triều đình.
Hiến Đế hỏi: Kế ấy là gì?
Bưu tâu: Tôi nghe vợ Quách Dĩ rất hay ghen, sai người đi lại với vợ nó, dùng kế phản gián, hai thằng giặc ấy tất giết lẫn nhau.
Vua liền viết tờ mật chiếu, đưa cho Dương Bưu, sai Bưu thi hành kế ấy.
Bưu lập tức sai vợ, lấy cớ có việc đến phủ Quách Dĩ, nhân dịp bảo vợ Dĩ rằng: Tôi nghe Quách tướng quân thường cùng với phu nhân Lý Tư Mã có tư tình với nhau, tình thân mật lắm, nếu quan Tư Mã biết chuyện tất bị tai vạ. Phu nhân nên giữ gìn đừng cho đi lại nữa là hơn.
Vợ Dĩ đem lòng ngờ ngay chồng, nói: Thảo nào đêm ấy nhà tôi không về, chẳng hóa ra đi làm việc vô sỉ đó. Giá phu nhân không nói thì tôi không biết, để từ nay tôi xin giữ gìn. Vợ Bưu từ giã về. Vợ Dĩ ra tiễn, hai ba lần tạ ơn rồi mới trở vào.
Được vài ngày, Quách Dĩ lại sắp sang nhà Lý Thôi ăn yến. Vợ Dĩ ngăn nói rằng: Lý Thôi là người bất trắc lắm, vả lại thời nay người anh hùng không chắc đứng lâu được với nhau. Phu quân sang bên ấy, ví dụ trong khi ăn uống, Lý Thôi đánh thuốc độc, thiếp làm thế nào?
Quách Dĩ nhất định không nghe. Vợ hai ba lần ngăn cản. Buổi chiều Lý Thôi sai người đem biếu một mâm rượu. Vợ Dĩ bỏ thuốc độc vào đồ ăn rồi mới bưng vào cho chồng. Dĩ định ăn ngay thì vợ can lại nói: Đồ ăn ở ngoài đưa lại, không nên ăn ngay. Nói rồi đem đổ một ít cho chó ăn thử. Chó ăn chết liền.
Từ đấy Quách Dĩ bắt đầu ngờ Lý Thôi.
Một hôm tan chầu, Lý Thôi lại mời Quách Dĩ về nhà uống rượu. Dĩ cũng đến. Tàn tiệc, Dĩ say mới trở về. Ngẫu nhiên đêm hôm ấy đau bụng. Vợ thấy vậy mới nói: Thôi lại ăn phải thuốc độc rồi!
Nói rồi đem nước giải độc cho uống. Dĩ uống xong thổ ra hết đồ ăn, thì khỏi đau bụng. Dĩ giận lắm nói rằng: Ta với Lý Thôi cùng toan việc lớn với nhau, nay bỗng dưng muốn hại ta. Ta không liệu trước tất mắc tay nó.
Liền sửa soạn giáp binh bản bộ đi đánh Lý Thôi. Có người bảo với Lý Thôi, Thôi nổi giận nói rằng: Quách Dĩ sao dám thế. Cũng đem giáp binh bản bộ lại đánh.
Xã hội do mâu thuẫn xung đột mà biến hóa. Làm chính trị dựa vào mâu thuẫn làm đòn bẩy để thay đổi thời và tạo thế lực. Chưa thấy mâu thuẫn phát hiện thì phải tìm cách phát hiện mâu thuẫn. Mâu thuẫn chưa có thì phải chế tạo mâu thuẫn.
Trong nội chiến Quốc-Cộng bên Tàu, trận tuyến mâu thuẫn rất rộng lớn và đã được Cộng sản khai thác triệt để. Tất cả bộ máy tuyên truyền của Cộng sản được động viên để dùng vào kế hoạch chế tạo mâu thuẫn.
Tỷ dụ: đối với hàng ngũ Quốc Dân đảng, Cộng sản phân định ra nhiều thành phần, nào thành phần ngoan cố, thành phần tứ đại gia (Tưởng, Tống, Khổng, Trần), thành phần khai minh, thành phần tiến bộ.
Đối với giai cấp tư bản, Cộng sản chia ra nào là:
cường hào, quan liêu, tư bản, giai cấp đại tư bản, giai cấp tư sản dân tộc.
Đối với nông dân Cộng sản chia ra nào là: địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông, cố nông.
Đối với trí thức Cộng sản hô danh từng phần tử bằng những danh từ khác nhau như: phần tử dân chủ, phần tử tiến bộ, phần tử bảo thủ, phần tử lạc hậu.
Sau đó Cộng sản mới chế tạo mâu thuẫn suốt lượt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, địa chủ xung đột với phú nông, trung nông oán ghét phú nông, bần cố, thù hằn địa chủ. Phe tứ hào trong nội bộ đảng quốc dân xung đột với phe khai minh tiến bộ v.v… Phần tử dân chủ đả kích phần tử lạc hậu bảo thủ.
Cùng lúc ấy Cộng sản lại mở ra một màng lưới trận tuyến thống nhất là kháng Nhật, thống nhất chiến tuyến để thu về một mối mà cô lập kẻ thù chính.
Cộng sản gọi chung đường lối trên là phân hợp chiến lược.
Chiến lược phân hợp ấy như sau:
Phân gồm có nhiều hình thức: phân hóa, phân tán, phân ly, phân cách, phân liệt, phân băng.
Hợp cũng có nhiều hình thức: liên hợp, kết hợp, đoái hợp, tập hợp, củ hợp, đoàn kết, hợp tác.
Cùng nhằm vào mục tiêu phân chia kẻ thù làm cho lực lượng đối phương yếu đi và tập trung lực lượng để cho mạnh lên. Nhưng mọi hình thức phức tạp kể trên lại có những tác dụng khác nhau và mỗi hình thức trên là một chiến thuật tinh vi đã được nghiên cứu kỹ càng.
3) Thuận phản: Thang đánh vua Kiệt, nhưng sợ người đời chê mình tham lam không phục, nên Thang lập mưu nhường thiên hạ cho Quang Vũ. Nhưng lại sợ Quang Vũ nhận nên sai người đến nói với Quang Vũ rằng: Thang giết vua mà lại muốn đổ tiếng ác cho ông bằng cách nhường thiên hạ cho ông đấy. Quang Vũ hoảng sợ không nhận rồi nhẩy xuống sông chết. Như thế gọi là thuận phản. Thủ đoạn này mang nhiều tính chất Đông phương. Nó bắt nguồn từ triết lý của Bão Tử: “Thánh nhân hậu kỳ thân nhi thân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn, phi kỳ vô tư gia? Cố năng thành kỳ tư.” (Thánh nhân thường đặt thân mình ở sau người để rồi mà lại ở trước người. Không nghĩ tới thân mình để thân mình tồn tại. Làm điều vô tư để thành cái tư.) Thủ đoạn thuận phản rất kỳ diệu. Nếu nhìn không kỹ người ta có thể bảo nó là những gì không tưởng, mơ hồ. Tỷ dụ Quỷ Cốc Tử nói: “Dục cao phản hạ, dục thủ phản dữ” (muốn lên cao nên xuống thấp, muốn lấy thì nên cho) nhưng xin độc giả hãy đọc tiếp: giỏi dùng thuận phản thì lấy lùi làm tiến, lấy thủ làm công, lấy nhỏ làm lớn, lấy thấp làm cao, lấy cong làm thẳng, lấy nhục làm vinh, lấy âm làm dương, v.v… thì nguyên tắc thuận phản sẽ dần dần hiển hiện tính chất kỳ diệu của nó.
Koutouzov ra lệnh cho toàn thể quân đội rút lui để cho Nã Phá Luân tiến vào nước Nga. Lệnh của ông được mọi người đón nhận với nụ cười mỉa mai cho là sỉ nhục. Rồi mùa đông tới, quân Nã Phá Luân vì tiến mau quá mà không có củng cố nên sa lầy. Koutouzov hạ lệnh phản công toàn thắng. Thế chẳng là lấy nhục làm vinh, lấy thoái làm tiến đó sao.
Mao Trạch Đông bị Quốc quân đuổi ra khỏi sào huyệt Thụy kim ở phía Nam. Quân Mao phải chạy ngược lên phía Bắc để đến Diên an, mà sau này Cộng sản mệnh danh cuộc đi vĩ đại đó là vạn lý trường chinh. Sở dĩ Cộng sản có đủ tư cách để gọi là trường chinh, nhờ biết áp dụng tài tình nguyên tắc thuận phản. Phe Mao, Chu không chạy dài, trái lại họ đã lợi dụng tình thế tuyệt vọng này bằng cách suốt dọc đường Nam lên Bắc, hễ cứ nghỉ ngơi chỗ nào là đánh chiếm chỗ ấy, rồi thực hiện cải cách ruộng đất để tuyên truyền. Khi nào phe Quốc Dân đảng tới lại chạy, nhưng dù sao họ cũng lưu lại nơi vừa chạy những vết tích sâu đậm của chủ nghĩa. Bởi thế nên tổng kết cuộc hành trình từ Thụy kim lên Diên an, người ta có thể nói thua về quân sự nhưng thắng về chính trị.
Khoảng 1946, Tưởng Giới Thạch mở cuộc tấn công quy mô vào sào huyệt Cộng sản. Tưởng gọi là Bắc phạt. Nhưng việc làm của Tưởng không được dân chúng ủng hộ, vì cuộc kháng chiến vừa xong dân chúng còn đang hãi hùng với chiến tranh. Nay lại nghe thấy Tưởng phát động chiến tranh nên toàn dân sôi nổi công kích họ Tưởng, khiến cho uy tín của họ Tưởng giảm sút nhiều lắm. Phản đối biến thành bạo động khắp nơi.
4) Bạn thù: Khi Mao Trạch Đông đánh nhau với Tưởng Giới Thạch, ông có đề ra tám sách lược, đó là:
a) Quan điểm trường kỳ.
b) Vũ trang đấu tranh.
c) Căn cứ địa nông thôn.
d) Công tác nông dân.
e) Vận động quần chúng thành thị.
f) Công tác binh vận.
g) Chiến tuyến thống nhất.
h) Công tác đặc vụ.
Tám sách lược trên này, trong có sách lược chiến tuyến thống nhất rất quan trọng đối với nguyên tắc sách ứng bạn thù và là một khâu chính của chiến tranh chính trị. Sách ứng bạn thù là đấu trí nặng hơn đấu lực. Không dùng máu mà dùng mưu, không đánh mà hóa. Hóa cái hữu dụng của đối phương thành vô dụng. Hóa thế đa số của đối phương thành thiểu số. Hóa sở trường của đối phương thành sở đoản. Hóa lực lượng của đối phương thành lực lượng của ta.
Vương Doãn dùng kế mỹ nhân để biến Lã Bố đang là thù của đám triều thần ra thù của Đổng Trác.
Fouché âm thầm dệt màng lưới để cô lập Robespierre mà hạ thủ.
Hitler ký hòa ước với Nga để khỏi lo về mặt Đông cho rảnh tay giải quyết mặt Tây. Nga sô ký hòa ước với Đức để tranh thủ thời gian làm ổn định tình hình nội bộ.
Chính sách viễn giao cận công của Trương Nghi giúp cho Tần thành công việc thống nhất.
Thiện biến và minh biến
Thời chiến quốc thần tử nước Tề là Trương Sửu bị bắt ở nước Yên (Yên vương?) muốn giết Sửu nhưng Sửu trốn thoát. Chạy đến biên cảnh nước Yên lại bị tên tiểu lại ở biên cương bắt được. Trương Sửu mới nghĩ ra một kế, bèn ghé tai nói nhỏ với tên tiểu lại kia rằng: “Vua Yên muốn giết tôi là vì có người bảo tôi có giấu viên ngọc bích rất quý, vua hỏi ngọc, tôi lấy đâu ra mà dâng. Vua không tin, tra khảo, tôi nhận liều là đã nuốt vào trong bụng rồi, vua bèn sai mổ bụng tôi để lấy may tôi trốn được. Bây giờ nếu ngài không tha tôi thì khi bị giải trước mặt Yên vương tôi sẽ khai là đưa ngọc bích cho ngài và ngài cũng nuốt vào bụng rồi”.
Tên tiểu lại nghe xong sợ hãi lắm bèn tha cho Trương Sửu đi thoát.
Như vậy gọi là phép thiện biến (hay biến hóa).
Kinh Dịch viết: “Cùng tắc biến, biến tắc thông”. Sự vật biến đổi không ngừng, con người sống trong xã hội mà không hiểu cái lẽ thường biến tất sẽ lâm vào thế cùng. Dùng mưu mà không biết biến mưu tất mưu cùng.
Thời đại trôi đi một cách vô tình, lịch sử tàn bạo lạnh lùng, nó tiến theo con đường cần thiết của nó. Loạn Thập nhị Sứ quân lịch sử đòi hỏi một lực lượng đứng lên thống nhất và người thống nhất nó được gọi là Vạn Thắng Vương, đó là bước đi không thể không có được. Tuy nhiên trong sự đòi hỏi không tránh được của lịch sử vẫn mở cho muôn ngàn lối khác nhau.
Đấu tranh chính trị là vận động mưu lược để biến tất cả những điều kiện khách quan của lịch sử, của tình thế thành ra những cơ hội cho đảng, đó là điều mà Lénine luôn luôn nhắc nhở đảng viên của đảng ông.
Như vậy đấu tranh chính trị thành bại tùy thuộc vào hai chữ thiện biến.
Sau bữa uống rượu luận anh hùng với Tào Tháo, biết Tào Tháo nghi mình nên Lưu Bị rất hãi sợ. Vừa lúc có xẩy ra việc Công Tôn Toản bị Viên Thuật đánh bại. Lưu Bị mới chạy ngay vào xin với Tào cho mình cử binh đi đánh Viên Thuật. Đó là cái mưu biến của Lưu Bị như Bị đã nghĩ hôm trước: Ta không nhân dịp tìm kế thoát thân còn đợi đến bao giờ? Tào Tháo thấy Lưu Bị xin như vậy, bằng lòng cho.
Huyền Đức về nhà trọ, suốt đêm thu xếp khí giới và ngựa chiến đeo ấn tướng quân, đốc thúc để đi cho chóng. Quan Công, Trương Phi mới hỏi: Sao phen này anh đi vội vàng thế? Lưu Bị đáp: Ta ở Hứa đô như chim lồng cá lưới, chuyến này được đi như cá vào bể lớn, chim lên mây xanh, không bị giam hãm trong lồng lưới nữa.
Bấy giờ Trình Dục và Quách Gia đi khám xét tiền lương vừa về, nghe thấy Tào Tháo đã sai Lưu Bị đem binh sang Từ châu, vội vàng vào bẩm rằng: Sao thừa tướng sai Lưu Bị đi đốc binh?
Tháo đáp: Cho ra để chặn đường Viên Thuật. Dục nói: lúc Lưu Bị giữ chức mục ở Dự châu chúng tôi đã xin thừa tướng giết đi thừa tướng không nghe, nay lại cho đi cầm quân, thế là thả rồng xuống bể, đuổi hổ về rừng, sau này muốn trừ đi còn làm sao được nữa? Quách Gia nói: nếu thừa tướng không giết Lưu Bị cũng chớ nên sai đi ra ngoài. Cổ nhân dạy: một ngày thả giặc để lo muôn đời. Xin thừa tướng nghĩ lại.
Đầu năm 1947, toàn thể học sinh khắp nước Trung Hoa xuống đường với những biểu ngữ: Đả đảo chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Quân Mỹ cút đi. Học sinh, sinh viên phẫn uất về vụ một nữ sinh viên bị lính Mỹ cưỡng hiếp. Các sử gia gọi đó là vụ Trầm Sùng, nữ sinh viên kia là Trầm Sùng. Sự thực đấy là một vụ cưỡng hiếp có tổ chức khéo léo để nhân cơ hội ấy mà Cộng sản biến thành phong trào bài Mỹ. Trầm Sùng là một nữ đảng viên đảng Cộng sản. Theo bản điều tra của nhà đương cục lúc ấy thì chính Trầm Sùng đêm Réveillon đã mời một lính Mỹ đến với cô và anh Mỹ say rượu ngờ nghệch kia đã mắc vào tròng.
Hoài Nam Tử nói:
“Thánh nhân giả, năng âm năng dương, năng nhược năng cường tùy thời nhi động tĩnh, nhân tư nhi lập công. Vật động nhi tri kỷ phản. Sự mạnh nhi sát kỳ biến. Hóa tắc vị chi tượng, vận tắc vị chi ứng. Thị dĩ chung chi nhi vô sở khốn”.
(Bậc thánh nhân, lúc ẩn lúc hiện, lúc tỏ ra yếu lúc làm ra mạnh tùy theo thời mà hành động. Xét vốn mà gây lời. Lúc biến động nhìn thấy ngay những mối mâu thuẫn, sự việc vừa nhô lên biết ngay đến những biến hóa để nhân hình tượng của biến hóa mà vận dụng mưu cho thích ứng).
Nước Ngụy đem quân đánh nước Hàn, Hàn cầu cứu nước Tề. Tề Uy Vương hội họp quần thần lại hỏi: nên cứu sớm hay cứu muộn?
Mưu thần Thành Hầu thưa: sớm hay muộn gì cũng chẳng bằng không cứu.
Mưu thần Điền Kỷ nói: nếu không thì Hàn rơi vào tay Ngụy?
Tôn Tẫn bây giờ mới chậm rãi nói: nếu bênh Hàn khi Ngụy chưa đánh mà đã cứu nguy thì là ta thay Hàn mà chịu đòn với Ngụy. Ta kết thân với Hàn để chọc cho Ngụy muốn phá Hàn quốc. Tất nhiên Hàn quốc càng thấy cần phải đi với ta, bây giờ Ngụy mệt rồi, ta đem quân cứu Hàn tất phải thắng. Như vậy được cả lợi lẫn danh. Như vậy là minh biến.
Thừa thế và nắm cơ hội
Chu Vũ Vương sai người đi quan sát động tĩnh của triều đình vua Trụ. Người quan sát trở về bảo:
Triều đình nhà Thương đã loạn rồi. Vũ Vương hỏi: Loạn đến trình độ nào? Người quan sát đáp: Người tốt không thấy mà người xấu đầy đường. Vũ Vương nói: Vẫn chưa phải là thời cơ đã đến.
Người quan sát lại đi sang nước Thương, ít lâu sau về bảo: Thương triều càng loạn. Vũ Vương hỏi: Loạn như thế nào? Người quan sát đáp: Các người hiền đức phải bỏ trốn. Vũ Vương nói: Vẫn chưa phải là thời cơ đã đến.
Người quan sát đành phải quay sang nước Thương một lần nữa. Ít lâu sau về bảo rằng: Thương triều loạn lớn rồi. Vũ Vương hỏi: Loạn đến mức nào? Người quan sát đáp: Dân chúng oán ghét thâm gan tím ruột mà không ai dám hé răng. Vũ Vương vỗ tay cười nói: Đã đến lúc rồi đó.
Chu Vũ Vương đến tìm ông Lã Thái Công bàn mưu phạt Trụ. Thái Công bàn: Tiểu nhân đầy đường thì nhân mạng rẻ rúng, người hiền trốn chạy thì cương kỷ bắt đầu vỡ, dân oán mà không dám oán dám than, là chính trị hà khắc đã quá mức, ta đem binh mà đánh tất sẽ thắng lớn.
Chu Vũ Vương điểm trên hơn ba ngàn quân tinh nhuệ, tiến đánh nhà Thương, thế như gió bão, vài ngày bắt giết được vua Trụ tiêu diệt nhà Thương.
Kinh Dịch dạy “Thời thừa lục long nhi ngự thiên” (thời đến thì cưỡi sáu con rồng mà ngự trị cõi trời) nắm được cơ hội, thừa thế chỉ cần làm vừa phải cũng gây được công to. Lão Tử nói: “Mạt triệu dị mưu” (điểm mạt hiện lên thì dễ đánh).
Trung cộng chiếm Trung Hoa lục địa nhanh như cuộn đất để tiến, chẳng phải vì tại quân sự của Cộng sản giỏi mà vì thừa được thế. Cái thế tương tự như cái thế của Chu Vũ Vương hưng binh phạt Trụ.
Thế nào là cơ?
Điểm chuyển biến của việc, chỗ giao điểm của tình thế, lúc khẩn trương, gọi là cơ. Yết Tuyên Tử nói:
“Hữu mục tiền tức thị cơ, chuyển thuấn tức phi cơ dã, hữu thừa chi tức vi cơ, thất chi tắc vô cơ dã. Mưu chi nghi thâm, tàng chi nghi mật, địch ư thức, lợi ư quyết.” (Trông thấy ở trước mắt đấy là cơ, chớp mắt bỏ qua đi thì đấy không phải là cơ nữa. Có thể thừa thế được gọi là cơ, không thể thừa thế được hoặc bỏ lỡ đi thế là thất cơ. Đứng trước thời cơ phải mưu cho sâu, giữ cho kín, nhận cho tinh, rồi hành động quyết liệt).
Thế nào là thừa thế?
Nhân một lợi điểm chế tạo ra quyền là thừa thế. Thừa được thế khác nào như người lăn khối đá tròn từ trên đỉnh núi cao xuống.
Năm 1799 là năm thứ ba mà cuộc cách mạng Pháp đi vào chỗ đổ vỡ và hỗn loạn, con người chán nản và mệt nhọc vì những vụ chém giết lẫn nhau và những cuộc vui sa đọa. Thối nát, nghèo đói bắt đầu xuất hiện. Cơ quan chấp chính Directoire bị dân chúng báng nhạo khinh rẻ. Sở dĩ cơ cấu này còn đứng vững được chính là vì nước Pháp chỉ muốn yên thân. Sau khi đã ấp ủ quá nhiều mộng ảo và sau nhiều lần vỡ mộng giờ đây nước Pháp cần nghỉ ngơi. Chính quyền Directoire yếu quá không đủ sức đem lại những gì dân chúng đòi hỏi, thủ đô tương đối còn yên tĩnh chút ít, nhưng các tỉnh khác thì quá tệ. Hơn lúc nào hết nước Pháp cần mong có một vị lãnh tụ, một người hùng.
Đôi lúc người ta đã nghĩ đến dòng dõi của chế độ quân chủ chuyên chính là Louis XVIII. Nhưng không thể xong được các tay tổ cách mạng sợ hãi bị trả thù nên quyết sống mái với dòng dõi này. Tuy nhiên cũng phải tìm ra giải pháp. Đúng lúc ấy thì một tiếng sét nổ trên trời: tin Bonaparte bất thần trở về Pháp. Nghe tin ấy Sieyes nói: chúng ta đang cần một thanh gươm báu, đó là Bonaparte. Tin này vang dội khắp Paris. Bonaparte đi đến đâu đều được thiên hạ chào đón nồng nhiệt. Trong thâm tâm mọi người đều nhận thấy chuyến về của Bonaparte là cơ hội cứu vớt nền Cộng hòa và thể chế dân chủ.
Ngay chiều hôm tin loan ra, tướng Moreau mỉm cười nói với Sieyes rằng: Ban ngày ông ta đứng đón nhận những nghi lễ và tụng chiếu lệ, nhưng đêm xuống thì bắt đầu cuộc đấu tranh gay go hơn với mọi quỷ kế, thủ đoạn.
Thoạt tiên Bonaparte tìm đến Barras đưa ra đề nghị ông sẽ dùng quân đội làm cuộc đảo chính để đòi hỏi sửa đổi bản hiến pháp. Hiến pháp mới, Barras sẽ được nắm trọn quyền hành pháp còn Bonaparte thì nắm quân đội. Barras thừa hiểu, một khi Bonaparte nắm xong quân đội rồi thì quyền hành pháp của mình còn nghĩa lý gì nữa, nên Barras từ chối. Thất vọng với Barras, Bonaparte tới ve vãn Gohier, nhưng cũng không đem đến kết quả nào khả quan hơn. Chỉ còn lại một mình Sieyes, mặc dầu không ưa Sieyes lắm, nhưng chẳng làm thế nào hơn. Bonaparte nhờ Talleyrand thu xếp cuộc gặp gỡ giữa ông và Sieyes, Sieyes thỏa thuận thảo tờ hiến pháp mới.
Được một trong đám người vai vế của Directoire cùng âm mưu rồi, bây giờ Bonaparte còn bốn trở ngại lớn lao nữa phải vượt qua:
1) Sự đồng lõa của bộ trưởng cảnh sát công an.
2) Barras không ngăn trở, Barras đứng trung lập.
3) Những phương tiện tài chánh quan trọng.
4) Sự ủng hộ của quân đội.
Fouché con người trầm lặng và thủ đoạn nhất lúc đó không bị Bonaparte thuyết phục, ông đã nhìn thấy rõ tình thế và tự ý ủng hộ Bonaparte. Chính Fouché đã khuyến khích Bonaparte phải hành động gấp, thứ nhất là thỏa hiệp với Barras.
Bonaparte đi cùng với Fouché đến Barras. Chỉ một cái lắc đầu của Barras là công việc thất bại.
Nhưng trước Fouché, con nhện độc nguy hiểm với màng lưới khắp nơi, Barras cảm thấy chán ngấy những cố gắng đương đầu quá ư gay cấn.
Barras đành khuất phục và đặt điều kiện bảo đảm lợi thế cho mình và bốn triệu đồng tiền vàng (giá bằng 40 triệu quan nặng) số tiền này do nhà tài phiệt Collot ứng ra.
Còn trở ngại lớn nhất là quân đội. Nói chung toàn thể quân đội không phản đối việc làm của Bonaparte nhưng tâm lý không phản đối ấy có nhiều điểm phức tạp như họ lo nền Cộng hòa có thể đổ vỡ, họ là quân đội, họ muốn trung thành với chế độ. Trong khi ấy bộ trưởng chiến tranh Crancé thì nhất quyết chống lại bất cứ một cuộc đảo chánh nào. Crancé đem việc làm của Bonaparte tố cáo với Gohier và Moulin (hai nhân vật quan trọng của Directoire). Vì quá mệt mỏi Gohier và Moulin không coi lời của Crancé là quan trọng lắm, hai ông đợi bằng chứng. Crancé liền gởi mật báo viên của ông đến nhưng tên mật báo viên khi thấy việc làm trở nên to chuyện, sợ hãi chùn lại đến thú thật với Fouché. Fouché cho giam chặt tên này luôn. Crancé chịu thua.
Và cứ thuận buồm xuôi gió như vậy Bonaparte nhẩy vào nắm toàn bộ chính quyền nước Pháp, bằng một kỹ thuật đảo chính mới nhất mà lịch sử ghi là ngày 19 Brumaire. Mặc dầu ngày đó có nhiều sơ hở, về phần Sieyes cũng như về phần Bonaparte, nhưng vẫn có Napoléon Đại đế ra đời bởi vì nhu yếu lịch sử đòi hỏi. Vì là một cái thế không thể khác hơn được nữa.
Trước ngày 19 Brumaire, Bonaparte chỉ là một anh quân nhân thuần túy, Bonaparte thắng vì đã thừa được thế lại có thêm Fouché bên cạnh để dạy mình nắm cơ hội. Sau ngày 19 Brumaire người ta thấy cuốn sách gối đầu giường của Bonaparte là những trước tác của Machiavel. Chính Bonaparte đã sai vị công thần của mình là Charles Phillips Toussaint dịch cuốn Le Prince và xuất bản vào năm 1799.
Vũ Tài Lục