Thư Cho Con: Xương Cá Rô Trong Cuống Họng CSVN – Giáo Già
Ngày 23 tháng 1 năm 2018
H,
Tin được đài RFA phổ biến ngày 18-1-2018 cho biết “Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền sau khi Mỹ rút khỏi TPP” Bản tin viết:
Tổ chức theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) lên án chính phủ Việt Nam đã ‘tiếp tục gia tăng đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017’ Trong bản Phúc Trình Toàn Cầu thường niên lần thứ 28 được công bố vào sáng ngày 18 tháng 1 năm 2018 tại New York, Hoa Kỳ, Human Rights Watch cho rằng, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp Định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam đã khởi động lại chiến dịch đàn áp nhắm vào những nhà hoạt động, bắt giữ hàng chục blogger và kết án nhiều nhà hoạt động với những mức án nặng nề… với ít nhất 24 blogger bị kết án nặng nề vì có những bài viết và vận động dân chủ nhân quyền, trong đó có:
- Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh Bị Kết Án 10 Năm Tù;
- Nhà Hoạt Động Trần Thị Nga Chín Năm Tù;
- Nhà Hoạt Động Trẻ Phan Kim Khánh 6 Năm Tù;
- Nhà Báo Tự Do Nguyễn Văn Hóa 7 Năm Tù…
Ngoài ra, còn nhiều nhà hoạt động bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” như:
- Cựu Tù Nhân Chính Trị Nguyễn Bắc Truyển;
- Trương Minh Đức;
- Nguyễn Văn Túc;
- Nguyễn Trung Tôn Và Phạm Văn Trội…
- Blogger Nguyễn Văn Đài và người cộng sự Lê Thu Hà vẫn đang bị tạm giam từ tháng 12 năm 2015 đến nay mà vẫn chưa đưa ra xét xử….
Trước vấn nạn này Ông Giám Đốc Ban Á Châu của Tổ Chức Human Rights Watch Brad Adams kêu gọi các đối tác thương mại và những nhà tài trợ quốc tế cần cương quyết đưa yêu cầu cải thiện nhân quyền khi giao dịch và tài trợ cho những dự án thực hiện tại Việt Nam…
Trước đó, trong báo cáo thường niên 2018 của Freedom House, được công bố hôm 16/1, Việt Nam bị xếp vào danh sách các nước không có tự do với điểm số 6/7, trong đó 7 là thấp nhất. Theo báo cáo này, quyền chính trị của người dân được xếp hạng 7/7 tức là không có quyền hạn chính trị nào. [Xem phụ đính 1].
Từ đó, theo dõi diễn biến phiên toà của CSVN mọi người đều thấy sự hèn hạ của CSVN bộc lộ qua các phiên tòa vừa được phổ biến. Đài RFA phát đi sáng ngày 22-1-2018 cho biết Tòa án Nhân dân Hà Nội vào sáng thứ hai ngày 22 tháng 1 đã tuyên án:
- 13 năm tù giam đối với ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN. Thăng bị kết án vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi chỉ định PVC là nhà thầu duy nhất thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dù Thăng biết rõ PVC không đủ năng lực về cả tài chính lẫn kinh nghiệm, gây thiệt hại 119 tỷ đồng cho PVN;
- Tù chung thân đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng giám đốc tổng công ty xây lắp dầu khí PVC. Thanh bị tòa tuyên hai mức án là 14 năm tù giam về tội cố ý làm trái; và chung thân do tham nhũng, nên án phạt cuối cùng cho ông là tù chung thân.
Ngoài ra, ông Thanh và ông Thăng còn phải bồi thường mỗi người 30 tỷ do tội cố ý làm trái. Riêng ông Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường thêm 4 tỷ do hành vi tham ô trong việc lập hồ sơ khống rút 13 tỷ đồng của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Cũng trong phiên xử, 17 cựu viên chức khác của Tập đoàn dầu khí cũng bị tuyên án mỗi người từ 30 tháng tù treo đến 16 năm tù giam. Ngoài ra, còn có 3 bị cáo bị tuyên 3 năm tù treo và được thả tự do ngay tại tòa.
Đó là theo AFP, phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài không được phép tham dự phiên tòa, cũng như vào phòng truyền thông xem trực tiếp phiên xử.
Trong khi đó những vụ xử những nhà bất đồng chính kiến, toà án và viện kiểm sát cùng nhau kết tội bị cáo, bất chấp những lý lẽ chính xác mà bị cáo đưa ra để bác bỏ lời buộc tội mình. Thông tin về các phiên xử cũng được kiểm soát chặt chẽ; những tranh luận của bị cáo rất xác đáng thì không được đưa tin, những gì bất lợi cho bị cáo thì lại được nhà nước chỉ đạo cho báo chí tha hồ khai thác. Hơn thế nữa, một đám đông dư luận viên, và những kẻ có lợi ích gắn bó với đảng cộng sản, tha hồ tung ra những luận điệu gọi là “dân chúng hồ hởi”, đồng tình, tán thành với bản án bị cho là “nghiêm khắc trừng trị” những kẻ “phá hoại đất nước”. Bọn này không cần biết đến luật pháp được áp dụng đúng hay sai thế nào, trình tự tố tụng và tranh luận tại toà diễn ra thế nào, chúng chỉ cần biết “kẻ xâm phạm lợi ích của đảng và nhà nước bị kết án là pháp luật nghiêm minh”.
Ngoài ra, cũng có một đám đông “hồ hởi” hưởng ứng, không thèm biết pháp luật được thi hành thế nào. Họ chỉ cần biết có quan chức tham nhũng bị xét xử là vui mừng rồi. Tâm trạng của những người vui mừng cũng xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau, họ quá chán ghét bọn quan chức cộng sản nên cứ thấy ai trong đám đó bị tù là mừng.
Có điều cũng cần lưu ý là không ai thấy có hình ảnh, âm thanh nào kèm theo những lời nói của Trịnh Xuân Thanh trong suốt phiên toà. Đến khi Trịnh Xuân Thanh xin lỗi Nguyễn Phú Trọng thì các báo của nhà nước đồng loạt đưa những clip rõ ràng cho thấy và nghe lời nhận tội của Trịnh Xuân Thanh; và lời xin lỗi của y can đối với “bác tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, đảng trưởng đảng CSVN.
Điều khôi hài hơn hết có lẽ là ngày 17/01/2018, truyền thông nhà nước (bit.ly/2Dqurew) đồng loạt đưa tin “Trịnh Xuân Thanh xin về Đức, Đinh La Thăng xin về quê ăn tết trước khi chịu án tù“. Rõ hơn là khi được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, “Trịnh Xuân Thanh òa khóc nức nở, gửi lời xin lỗi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin được tha thứ, và mong sẽ được sang Đức thăm vợ con trước khi chịu án tù”. Tuy nhiên, một phóng viên của một hãng truyền thông nước ngoài đang thường trú tại Hà Nội nói với nhật báo Người Việt với điều kiện ẩn danh: “Tôi đã hỏi cả luật sư và bố của ông Thanh về chi tiết xin tòa cho sang Đức để chăm sóc con thì đó không phải lời chính xác của ông Thanh nói tại tòa. Đại ý ông này nói là xin tòa tuyên một mức án mà cho ông ấy có cơ hội quay lại Đức đoàn tụ cùng gia đình sau khi đã chấp hành án. Tôi nghĩ các báo lề phải thêm thắt vụ ông Thanh xin đi nước ngoài, để góp thêm cái nhìn xấu về ông này và người dân chửi ông ấy thôi.” Từ đó, cũng có một câu hỏi được đặt ra là “Tại sao Thanh không xin cho vợ con về Việt Nam thăm ông ta trong tù?”
Phần Đinh La Thăng, bài tường thuật trên báo Tuổi Trẻ ghi nhận chuyện ông nhắc đến những “món nợ chưa trả được” ở hai cương vị Bộ trưởng Giao Thông-Vận Tải và Bí thư Thành ủy Sài Gòn, mà ông đã “nổ” trước đây. Đó là:
- “Đường bộ cao tốc Bắc-Nam;
- Sân bay Long Thành;
- Đường sắt cao tốc để người dân có thể ‘ăn sáng Hà Nội, tối cà phê Sài Gòn’,
- Đưa Sài Gòn trở lại vị trí ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’;
- Giúp Sài Gòn thành nơi ‘bình an, không cướp giật’;
- Đưa Củ Chi thành trung tâm hành chính mới;
- Giúp Cần Giờ ‘ước vọng trở thành Singapore.’”…
Sau đó, Thăng ngỏ lời “xin được về ăn cái Tết cuối cùng bên gia đình, bạn bè, người thân trước khi chấp hành án.” Ông nói về gia cảnh với “thân phụ 87 tuổi phải đi cấp cứu.” Thăng cũng được ghi nhận là “cúi đầu xin lỗi đảng, nhà nước và nhân dân;” chớ không có cái “nổ sảng” khi nói tới những “món nợ” khổng lồ chưa trả, hay sẽ không bao giờ trả được.
Luật sư Trần Thu Nam cho rằng hành động của các bị cáo từng có thời “thét ra lửa” có gì đó “không bình thường”. Ông nói thêm: “Câu chuyện nghẹn ngào tôi đã từng gặp nhiều rồi. Ở những người từng có chức vụ, quyền hạn lớn mà nghẹn nào thì tôi ít gặp. Cũng dễ hiểu thôi, họ đang ở cái thế hơn người, quyền lực rất lớn, và hiện nay rơi xuống đáy vực, cho nên có thể họ bị sốc vì tinh thần, vì rất nhiều các vấn đề khác. Cũng có thể đó là một cái nghệ thuật để mà gây ra thương cảm cho hội đồng xét xử và hoặc là lấy lòng dư luận; rồi của những người đằng sau đó nữa”.
Trong khi đó Luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA Việt Ngữ rằng: “Tôi là luật sư trong nhiều vụ án của những người bất đồng chính kiến thì tôi thấy rằng mặc dù những người đó họ bị giam giữ rất là khắc nghiệt nhưng khi ra tòa thì họ vẫn rất thanh thản, và có những người họ còn hát ở tòa, chứ người ta không có khóc như ông Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh”.
Điều này làm lộ rõ cái hèn của bọn cầm đầu CSVN khi so sánh chúng với sự kiên cường của những nhà đấu tranh “Chống Tàu Diệt Việt Cộng”, ít nhứt cũng là sự có mặt để nhận những bản án bất công trước tòa của sinh viên trẻ Nguyễn Phương Uyên; của Bà Trần Thị Nga, một nhà hoạt động xã hội bị bắt bỏ tù trong phiên tòa xử bà ngày 21/12/2017; của Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên toà phúc thẩm Tòa án tỉnh Khánh Hoà ngày 30 tháng 11 năm 2017 [xem 3 hình dưới từ trái sang phải].
Cũng được biết thêm là khác với những lời nói sau cùng trước tòa của Đinh La Thăng và Trình Xuân Thanh mang đủ mùi vị xin xỏ hèn hạ; những lời Mẹ Nắm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói với mẹ, trong cuộc gặp mẹ, sau tám tháng trời mẹ không biết gì về tung tích của con, Quỳnh nói: “Mẹ ơi con xin lỗi mẹ. Nếu làm từ đầu con sẽ vẫn đi con đường này mẹ à. Con vẫn đi con đường để con đấu tranh cho tự do dân chủ.”
Rời phiên tòa xử những tên hèn CSVN để bước sang phiên tòa khác. Đó là phiên tòa được phóng viên Hòa Ái của đài RFA tường thuật ngày 5-1-2018, nói rằng: “Dân giữ đất can đảm hơn qua án tử hình ở Đắk Nông”. Bản tin của đài RFA cho biết “Tòa án tỉnh Đắk Nông, vào chiều ngày 3 tháng Giêng năm 2018 tuyên án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến, người đã nổ súng chống công ty tư nhân lấy đất của dân hồi tháng 10 năm 2016. Bản án này bị dư luận chỉ trích là một bản án bất nhân và không có công lý”. Bản tin cũng cho biết: “Truyền thông trong nước đưa tin hàng chục người dự phiên tòa sơ thẩm đối với 3 bị cáo Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường và những người khác cùng vụ việc; đã gây náo loạn sau khi Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên án vào chiều thứ Tư, ngày 3 tháng Giêng”.
Ba bị cáo vừa nêu lần lượt lãnh các bản án tử hình, 20 năm tù giam và 12 năm tù giam với cáo buộc giết người vì đã nổ súng khiến 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương, trong cuộc tranh chấp đất với Công ty tư nhân Long Sơn tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông [Xem hình ba bị cáo Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường tại phiên tòa sơ thẩm ở Đắk Nông].
Sau khi xảy ra vụ việc, ông Đặng Văn Hiến và ông Hà Văn Trường bỏ trốn xuống huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Sau đó theo lời khuyên của nhiều người hai ông ra đầu thú để được “hưởng sự khoan hồng của pháp luật”. Ngày ông ra đầu thú, nhiều người đã rơi nước mắt, trong đó có cả những viên công an đi còng tay ông.
Những người phản đối các bản án, mà họ cho là quá nặng và không thỏa đáng, là thân nhân của 3 bị cáo cùng với người dân địa phương. Họ mong muốn Tòa án tỉnh Đắk Nông phải xem xét lại mức án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến và cần phải xử lý hành vi xem thường pháp luật của Công ty Long Sơn. Dân chúng sinh sống tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực đều khẳng định nguyên nhân dẫn đến vụ việc nổ súng xảy ra là do Công ty Long Sơn đã đàn áp và phá hoại tài sản của người dân.
Được biết tranh chấp giữa Công ty Long Sơn và các hộ dân ở tiểu khu 1535 xảy ra do Công ty Long Sơn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho thuê đất để làm dự án nông lâm nghiệp, nhưng được yêu cầu chờ chính quyền xử lý phần diện tích tranh chấp với các hộ dân; nhưng Công ty Long Sơn đã liên tiếp manh động; cụ thể như sau:
- Chiều ngày 23 tháng 10 năm 2016 cho hơn 30 nhân viên được trang bị hung khí cùng xe ủi, xe máy cày đến phá hàng trăm cây điều của hai gia đình nông dân Đặng Văn Hiến và Hoàng Văn Thắng nên mới xảy ra cớ sự.
- Trước đó, hồi cuối tháng 3 năm 2013, Công ty Long Sơn cũng đã tiến hành cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân trong khu vực của dự án với hình thức tương tự và Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức đã ra quyết định đình chỉ việc cưỡng chế.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình từng đích thân đến địa phương để thị sát và đã chỉ đạo ngừng cưỡng chế.
Qua bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến, dư luận thắc mắc vì sao Tòa án tỉnh Đắk Nông không suy xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trước hành vi xem thường pháp luật trong thời gian dài của Công ty Long Sơn.
Phần Báo Dân Trí thì cho biết sau khi tòa tuyên án, nhiều người dân đã bật khóc vì thương cho những đứa con của ông Đặng Văn Hiến. Nhiều người dân theo dõi vụ xử án qua mạng cũng bày tỏ phẫn nộ khi tòa tuyên án phạt nặng nhất cho nhóm nông dân, những người mà theo họ đã bị “dồn đến bước đường cùng” mới phải dùng đến súng.
Ông Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động về quyền đất đai được biết tiếng ở Việt Nam, nói bản án tử hình là quá bất công. Ông Phương nói: “Giống như những kẻ trộm, kẻ cướp xông vào cướp thì người dân có quyền tự vệ bằng mọi biện pháp để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Với vụ ở Đắk Nông, ông ấy cũng bảo vệ tính mạng của mình và gia đình khi bị lực lượng [công nhân] ném đá vào trong nhà. Cho nên tôi thấy việc đó chỉ là tự vệ và mức án tử hình là quá bất công”.
Một trong những luật sư bào chữa cho các nông dân, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, phát biểu trên trang Facebook cá nhân rằng ông “thất vọng” với quyết định của tòa án. “10 năm bị ‘áp bức’ bởi công ty Long Sơn, nhiều người dân bị tù tội vì chống lại công ty Long Sơn, hàng chục ha rẫy đã bị san bằng nhiều năm qua, trong hoàn cảnh tài sản bị hủy hoại, tính mạng bị đe dọa… là không bị kích động sao? Hiến đã nổ súng chỉ thiên 2 phát, nhưng bọn chúng vẫn xông vào tấn công là không bị kích động và phòng vệ sao?”
Theo Báo Dân Trí, kể từ sau khi “người nông dân cầm súng” Đặng Văn Hiến bị bắt, người dân ở tiểu khu 1535 đã thay nhau chăm sóc cho gia đình của ông Hiến, là gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, với con trai chưa tròn 2 tuổi ngày ông bị bắt đi. Sau khi tòa tuyên án, một người dân khẳng định với Dân Trí rằng “Nếu chú ấy phải chết, chúng tôi sẽ góp tiền nuôi hai đứa con của chú ấy đến khi trưởng thành”.
Theo nhận định của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, hệ thống công quyền kết hợp với các nhóm lợi ích đang là nguyên nhân dẫn đến những vụ “nổi dậy” tiếp diễn của người nông dân tại Việt Nam. Ông Phương nói:
“Luật pháp, các cơ quan công quyền, bao gồm tòa án, viện kiểm sát…, đã không bảo vệ được cho người dân mà chính họ lại trở thành công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích cướp đất của dân. Cho nên, người dân bắt buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng là sử dụng súng để bảo vệ mảnh đất của mình”.
Ông Phương cho rằng bản án tử hình trong vụ Đắk Nông mang tính chất răn đe nhưng sẽ khó ngăn được làn sóng nổi dậy của người nông dân trong tương lai:
“Bản án này cho thấy rõ nhà nước Cộng sản đang muốn kết án thật nặng để nhằm ngăn chặn làn sóng tái diễn trong tương lai. Tuy nhiên theo tôi, kết án tử hình như vậy cũng không làm thay đổi được thực tế hiện nay có hàng triệu người dân đang bị cướp bóc đất đai sẽ không vì bản án này mà dừng đấu tranh. Thậm chí, xung đột đất đai trong tương lai sẽ xảy ra rất nhiều”.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có những người từng khuyên nhủ các bị cáo ra đầu thú bày tỏ sự thất vọng trước bản án tử hình dành cho bị can Đặng Văn Hiến. Qua trang Facebook của Quốc Ấn Mai, chúng tôi được biết chủ tài khoản Facebook này là một phóng viên trong thời điểm vụ nổ súng ở Đắk Nông xảy ra và anh cũng là người đã khuyên nông dân Đặng Văn Hiến nên đầu thú. Facebooker Quốc Ấn Mai chia sẻ nỗi day dứt trong lòng rằng anh luôn đối diện với câu hỏi của những người dân ở tiểu khu 1535 rằng nhà báo sẻ ra sao khi rơi vào tình cảnh những đơn thư gửi lên các cấp chính quyền đều rơi vào im lặng? và nhà báo sẽ phản ứng thế nào nếu có vợ mang thai mà bị bảo vệ Công ty Long Sơn đánh tới chết?
Câu hỏi dành cho chính mình của Facebooker Quốc Ấn Mai là “nếu một thời gian dài bị cướp bóc và chứng kiến người thân bị cướp bóc, tôi sẽ làm gì?” Nó được cụ Lê Đình Kình, đại diện cho người dân Đồng Tâm trả lời:
“Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả.”
Một trường hợp khác là những dân oan ở Thủ Thiêm, Sài Gòn hồi năm ngoái từng tuyên bố sẽ hy sinh cả mạng sống để giữ đất khi nói với RFA. Một dân oan Thủ Thiêm cho biết:
“Khi biết tin họ xử ép những người dân oan thì tinh thần của dân oan càng lên cao hơn. Tại vì không khi nào tòa án bênh vực cho người dân oan hết. Tòa án bây giờ là chịu sự chỉ đạo trực tiếp của nhóm lợi ích, phải bênh cho nhóm lợi ích, chứ không tuân theo luật pháp nữa. Chuyện đó là chúng tôi biết trước rồi, lường hết những gì xấu nhất có thể xảy ra. Phiên tòa này kể như càng kích động và xúi giục dân phải can đảm hơn và đấu tranh quyết liệt đến cùng.”
Trong khi đó cựu tù nhân lương tâm, Luật sư Lê Công Định, qua trang Facebook cá nhân nhận định: Nạn cường hào, ác bá và cướp đất ngày nay nghiêm trọng hơn thời Thực dân Pháp đô hộ Việt Nam và ông cũng cảnh báo hãy đừng quên vai trò cốt lõi của nông dân trong các biến động xã hội trong lịch sử Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam cận đại đã ghi lại vụ án xảy ra ở đồng Nọc Nạn, Bạc Liêu gần một thế kỷ trước, gia đình nông dân Biện Toại phải chiến đấu không cân sức với bọn cường hào và lực lượng Phú Lang Sa cầm quyền để bảo vệ đất khẩn hoang của gia đình.
Lịch sử Việt Nam thời hiện đại, cũng ghi lại các vụ án tương tự của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Hải Phòng; gia đình thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, ở Thạnh Hóa, Long An…
Do vậy, sáu (6) tổ chức xã hội dân sự, cùng ít nhứt 585 cá nhân, đã mau lẹ cùng ký tên vào một bản tuyên bố, yêu cầu Chủ tịch nước và Tòa án Tối cao của Việt Nam cần phải nghiêm túc xem xét lại vụ án và bản án tử hình đối với nông dân nổ súng chống công ty tư nhân cướp đất ở Đắk Nông. Bản tuyên bố đề ngày 8 tháng Giêng, ghi rõ những người ký tên trong bản tuyên bố này nhận thấy bản án mà Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên cho các nông dân đã buộc phải nổ súng trước sự đàn áp và phá hoại tài sản của người dân trong thời gian dài là quá nặng và không có công lý; do đó là công dân Việt Nam và người gốc Việt ở hải ngoại cần thiết đòi hỏi Nhà nước ‘của dân, do dân, vì dân’ phải thực thi công lý. Nội dung bản tuyên tuyên bố nêu lên 6 điểm để chứng minh bản án đối với các nông dân ở Đắk Nông là bất công và phi lý, bao gồm:
- Các bị cáo bị cáo buộc với tội danh ‘giết người’ hoàn toàn không phù hợp với diễn biến của vụ án cũng như hành vi của các bị cáo;
- Nông dân Đặng Văn Hiến đã ra đầu thú nhưng không nhận được sự khoan hồng của pháp luật [như nhiều người khuyên] mà lại bị tuyên khung hình phạt nặng nhất là án tử hình;
- Chính quyền tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức tắc trách trong việc giải quyết dứt điểm tranh chấp đất kéo dài tại địa phương, đã xem thường nguyện vọng chính đáng của người dân;
- Luật pháp và cơ quan thực thi pháp luật không bảo vệ công dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ mà trở thành công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích để cướp đất của dân;
- Quy định pháp lý về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã tạo ra quyền lực nguy hiểm để tước đoạt đất của người dân; và
- Xã hội sẽ bị bất ổn, rối loạn khi người dân không còn niềm tin vào pháp luật cũng như các cơ quan thực thi pháp luật. [Xem phụ đính 2].
Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, một người ký tên trong bản tuyên bố vào tối ngày 9 tháng Giêng, từ Nha Trang cho RFA biết:
“Sự việc đau lòng ở Đắk Nông làm cho dư luận rất nhiều người bị sốc. Khi tôi nhận được bản tuyên bố để yêu cầu Nhà nước xem xét lại bản án này thì lập tức tôi ký. Tôi cũng đưa lên trang Facebook của tôi, đồng thời tôi cũng liên lạc với một số trí thức mà tôi quen biết ở trong và ngoài nước để họ cùng tham gia ký. Rõ ràng thì tâm sự và ý muốn của tôi cũng trùng hợp với ý muốn của rất nhiều người, cho nên kết quả ký cũng rất nhanh. Chúng tôi cho rằng bản án này vô cùng bất công.”
Thêm một bản tin khác cho thấy cái hèn của bọn cầm quyền CSVN khi bắt lại người cựu tù nhân lương tâm Vũ Hùng. Bản tin được đà BBC loan đi ngày 5-1-2018 cho biết: “Cựu tù nhân Vũ Văn Hùng ‘đột ngột bị bắt’.” Được biết Ông Vũ Văn Hùng hay viết blog về các vấn đề xã hội với bút danh Tụ Tinh Thần. Ông Vũ Văn Hùng, từng bị án 3 năm tù vì “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Lần nầy ông bị bắt theo tội “Cố ý gây thương tích“.
Bà Lý Thị Tuyết Mai, vợ ông Hùng cho BBC biết hôm 4/1, ông Hùng, 51 tuổi, đi họp Hội Giáo chức Chu Văn An từ trưa nhưng đến tối khi bà về nhà thì không thấy ông đâu. Bà nói: “Tôi đi tìm khắp nơi, hỏi bạn bè thì bạn bè nói hình như bị bắt. Trời mưa gió, hai mẹ con đi tìm ở công an quận Hà Đông, đến công an phường Thanh Xuân Bắc thì mới biết”. Bà Mai cho biết khi đến quận thì thấy ông Hùng ngồi ở trực ban, bị còng vào ghế. “Tôi hỏi ‘anh bị sao’ thì anh Hùng nói ‘anh bị người ta vu khống và đánh anh’. Tôi hỏi tại sao lại thế thì họ không cho tôi lại gần, rồi họ mở khóa đưa anh ấy đi đâu không biết,” bà Mai nói tiếp. Bà Mai cho biết một cán bộ công an tên Kim Minh Đức cho biết ông Hùng bị bắt vì “gây rối trật tự công cộng” nhưng có lệnh tạm giam theo tội “cố ý gây thương tích“.
Trả lời BBC hôm 16/1, người hỗ trợ pháp lý cho ông Hùng, luật sư Ngô Anh Tuấn, cho biết hôm 4/1 ông Hùng thuật lại rằng “Có hai thanh niên lạ mặt tát liên tiếp vào mặt ông” và đe dọa nếu ông không về nhà ngay thì sẽ tấn công. “Ông Hùng lúc đó cũng có phản kháng và đó là cái cớ để người ta bắt giữ ông,” ông Tuấn nói.
Bà Mai cho biết gia đình đã nhận “Lệnh tạm giam”, nhưng tội danh bị đổi thành “Cố ý gây thương tích.” Luật sư Tuấn cho rằng, “Việc bị bắt vì một tội và tạm giam vì một tội khác hay xảy ra đối với giới bất đồng chính kiến.” Luật sư cho biết theo luật, hai tháng tạm giam, ông Hùng sẽ phải được thả về, và triệu tập khi tòa xét xử vụ án.
Vào chiều ngày 5 tháng giêng, lúc 5:10 phút bà Lý thị Tuyết Mai, vợ của thầy giáo Vũ Hùng, khi có mặt tại trụ sở Công an Quận Thanh Xuân, chờ để gửi một số đồ dùng cá nhân vào cho thầy giáo Vũ Hùng, nói với Đài Á Châu Tự Do [RFA] một số thông tin về việc người chồng bị bắt giữ:
“Anh Hùng bị công an bắt từ chiều hôm qua, sau khi bắt họ đưa về Công an Phường Thanh Xuân Bắc. Rồi tối hôm qua họ đưa anh ấy lên Quận Thanh Xuân. Hiện giờ đang ở quận Thanh Xuân và tôi cũng đang đứng chờ anh điều tra viên để gửi đồ vào cho anh Hùng. Anh điều tra viên nói đang làm việc, khi nào xong sẽ gọi tôi vào gửi đồ gồm quần áo, thức ăn cho anh Hùng. Hôm qua họ nói anh Hùng gây gối trật tự công cộng; nhưng khi tôi đến lúc hơn 10 giờ và tôi hỏi thì anh Hùng nói là họ vu khống và đánh anh ấy nữa.”
Đài RFA có liên lạc qua điện thoại với điều tra viên tên Kim Minh Đức, được nêu tên phụ lý vụ việc, cũng như Công an Quận Thanh Xuân nhưng không ai bắt máy.
Thầy giáo Vũ Hùng hiện cư ngụ cùng gia đình tại Lô 53, Khu Dân cư mới Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ông từng là giáo viên môn Vật Lý tại trường Trung học Cơ sở Bích Hóa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Bản thân ông từng phải đi tù hai lần. Lần thứ nhất vào năm 2007 sau khi ông cho một đồng nghiệp cùng trường mượn xem một số sách về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Vào trung tuần tháng 9 năm 2008, ông bị bắt giữ cùng đợt với 9 nhà đấu tranh ôn hòa khác. Việc bắt giữ diễn ra sau phiên xử blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Thầy giáo Vũ Hùng bị bắt lúc đó với lý do “kẻ những khẩu hiệu treo ở cầu Thăng Long với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng”. Trước khi bị bắt ông tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhân dịp rước đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Sau lần bị bắt vào năm 2008, thầy giáo Vũ Hùng bị tuyên án 3 năm với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.” Trong khi bị giam tù, thầy giáo Vũ Hùng từng nhiều lần tuyệt thực để phản đối cách đối xử của nhà tù đối với những người bị giam giữ, cũng như phản đối bản án mà ông cho là vi phạm nhân quyền. Sau khi mãn án tù, thầy giáo Vũ Hùng mất nghề giáo, phải phụ bán chè với chị gái để kiếm sống nhưng vẫn tiếp tục sinh hoạt cùng các nhà bất đồng chính kiến và giới xã hội dân sự độc lập.
Đứng trước vụ việc, ngày 6-1-2018, ông Nguyễn Tường Thụy nói: “Cần vạch rõ âm mưu bức hại Cựu Tù nhân Lương tâm Nhà giáo Vũ Văn Hùng”. Sau khi xâu chuỗi lại sự việc ông Thụy cho rằng công an đã dàn dựng để bắt Vũ Văn Hùng một cách trắng trợn và thô bỉ, từ việc đi dự kỷ niệm Hội Giáo chức Chu Văn An, anh trở thành kẻ lúc thì đi xe máy gây tại nạn, lúc thì cầm dao đâm người, gây rối trật tự công cộng:
- Như đã nói, việc an ninh tìm cách gây sự ngay khi mọi người đến nhà hàng nên mọi người phải giải tán sớm. Có thể khẳng định có chủ trương gây sự để bắt Vũ Hùng ngay từ đầu và chúng đã theo dõi anh trên đường về;
- Tại sao chúng không bắt anh khi vừa ra khỏi nhà hàng mà theo anh đến gần nhà mới bắt (nhà anh ở phường Kiến Hưng quận Hà Đông) rồi đưa trở lại giam ở phường Thanh Xuân Bắc, rồi đưa anh giam ở nhà giam giữ ở quận;
- Tại sao tối hôm qua thì nói anh Hùng đi xe máy say gây tai nạn trong khi anh Hùng không hề đi xe máy, sáng nay lại nói anh cầm dao đâm người, gây rối trật tự công cộng. Rồi lại nói việc này của thành phố;
- Tại sao mấy việc ấy lại cần phải cấp thành phố giải quyết?
- Những mâu thuẫn trong các câu trả lời của công an cho thấy mọi chuyện công an hoàn toàn bịa ra. Vì bịa đặt nên mỗi người nói một cách.
- Bản tính Vũ Văn Hùng là người chất phác hiền lành, nhường nhịn. Không một ai từng tiếp xúc với anh có thể tin anh lại đi gây gổ với người khác. Chỉ có những người được giao việc đi bắt anh gây gổ với anh mà anh là nạn nhân. Người cần bắt là bọn ấy chứ không phải Vũ Hùng.
- Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên nhận xét về Vũ Văn Hùng như sau: “Anh Hùng là người vô cùng hiền lành, ít nói, khiêm nhường và có nét gì đó mang phong cách của một người tu hành. Cho dù rất kiên cường, dứt khoát khi đối mặt với bạo quyền nhưng với bạn bè, anh em, đồng đội thì anh lại nhường nhịn, thậm chí nhẫn nhịn đến khó tin”.
- Mưu đồ dựng chuyện để bắt Vũ Văn Hùng nhằm mục đích gì?
Từ đó, ông Thụy nêu nghi vấn “Sẽ có 2 khả năng”:
- Công an bắt anh để đe dọa, khủng bố tinh thần và đánh trả thù sau mấy ngày thì thả ra. Việc khi bị bắt, anh bị còng tay và bị đánh ngay khi bị bắt nói lên sự trả thù đó.
- Hoặc có thể họ tạo dựng ra hồ sơ rồi truy tố. Điều này đã thành thủ đoạn quá quen thuộc đối với ngành công an. Việc bịa đặt ra chứng cứ trắng trợn để bắt bỏ tù Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng… và nếu lần này đến Vũ Hùng cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam muốn bắt bỏ tù ai cũng được. Về khả năng này, Phạm Thanh Nghiên cũng đã dự báo: “Tôi không bất ngờ về việc anh Vũ Văn Hùng hay bất cứ một cựu TNLT nào bị bắt, nhất là trong thời điểm này. Tuy nhiên, phịa ra lý do “gây rối trật tự công cộng” để bắt anh Hùng thì công an Hà Nội quả là quá vụng về, cho dù họ luôn là bậc thầy của những trò vu khống. Tôi lo ngại rằng điều mà nhà cầm quyền này muốn nhắm đến là điều 79, hoặc 88 chứ không đơn thuần là điều 318 “gây rối trật tự công cộng”.
Dù như thế nào thì đã rõ ràng một âm mưu bức hại Cựu Tù nhân lương tâm Vũ Văn Hùng đang được thực hiện. Công luận cần lên tiếng kịp thời, vạch ra những trò vu khống bẩn thỉu để bảo vệ Cựu Tù nhân Lương tâm Nhà giáo Vũ Văn Hùng. Từ đó, “Bản Lên Tiếng Của Hội Giáo Chức Chu Văn An Về Việc Thầy Giáo Vũ Văn Hùng Bị Tạm Giữ, Tạm Giam” đã mau chóng được phổ biến “khẩn thiết kêu gọi những người có lương tri, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các cơ quan ngoại giao quan tâm lên tiếng yêu cầu công an của nhà cầm quyền CSVN trả tự do ngay lập tức cho thầy giáo Vũ Văn Hùng”. [xem phụ đính 3].
Nếu những vấn nạn được trình bày từ đầu, bên trên, là những miếng xương cá mắc trong cuống họng của CSVN thì vấn đề BOT được trình bày tiếp theo đây là miếng xương cá rô trong cuống họng đang gây nhức nhối trên đường làm sụp đổ CSVN trong thời gian sắp tới.
BOT là từ viết tắt của xây dựng, vận hành và chuyển giao. Các dự án BOT thời gian qua đã tiến hành mở nhiều trạm thu phí đường bộ trên khắp cả nước và gặp phải sự phản kháng của người dân, đặc biệt là các lái xe vì họ cho rằng những trạm thu phí này hoặc thu phí quá cao hoặc được lập ở vị trí không hợp lý. Vấn đề thực sự sôi đông khi xảy ra biến cố “BOT Cali Lậy”.
Có rất nhiều chuyên gia, nhà báo đã chỉ rõ hàng loạt những bất cập, vô lý trong việc đặt vị trí trạm, cũng như quá trình xây dựng tuyến đường tránh Cai Lậy này. Cụ thể:
- Nhà đầu tư chỉ xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12km;
- Nhưng lại đặt trạm thu phí vắt ngang trên quốc lộ 1A;
- Bắt buộc mọi phương tiện giao thông, dù không lưu thông qua tuyến tránh cũng bị thu phí;
- Quy mô xây dựng 4 làn xe, 7 cây cầu; nhưng
- Thực tế chỉ xây dựng 2 làn xe, 5 cây cầu;
- Thời gian thu phí bị rút ngắn từ 89 tháng xuống còn 77 tháng; và
- Đẩy mức thu phí lên giá cao ngất ngưởng từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng/1 lượt xe…
Vì những bất cập trên, người dân đã phản ứng rất quyết liệt ngay từ khi Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí 1/8/2017. Vì những vấn nạn nêu trên nên có những chống đối ồn ào. Những xe đi qua trạm đã chống đối bằng nhiều phương pháp bất bạo động khác nhau như sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ, tiền có mệnh giá lớn, tiền bị ướt, bỏ tiền trong chai để trả, khiến người thu tốn rất nhiều thì giờ để cho xe qua trạm, khiến lưu thông bị ứ đọng…
Dư luận nhìn chung nói đây là “Cuộc chiến tiền lẻ đánh BOT”. Nó buộc trạm thu phí này nhiều lần phải xả trạm, cho xe được lưu thông mà không trả phí, làm thiệt hại quyền lợi của chủ BOT. Nó khiến nhà nước phải cho huy động cảnh sát tới giải quyết [xem hình Cảnh sát được huy động trong ngày 30/11 tại trạm BOT Cai Lậy].
Có điều cần lưu ý là theo một thông tin chưa kiểm chứng, xuất hiện trên mạng xã hội, cho rằng Công ty Bắc Ái nắm 65% cổ phần tại BOT Cai Lậy và Công ty này có trụ sở tại Số nhà 215 đường Mê Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây chính là địa chỉ nhà riêng của Ngô Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình TVAd. Ông Ngô Hồng Thắng, sinh năm 1971, là con trai của Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII. Vậy, ông chủ của BOT Cai Lậy Ngô Hồng Thắng chính là con của Ngô Văn Dụ.
Cũng được biết thêm Ngô Văn Dụ là đệ tử ruột của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Vợ hiện thời của Nông Đức Mạnh lại là Đỗ Huyền Tâm, cựu đại biểu quốc hội, chủ đầu tư của nhiều công trình, trong đó có công trình BOT, mà nghe nói chỉ nhờ thế của Nông Đức Mạnh mà công ty của bà Huyền Tâm mới lãnh được công trình BOT và do đó mới trả được nợ ngân hàng để bà không bị tra tay vào còng. Bao nhiêu đó đủ cho thấy nguồn lợi từ BOT lớn như thế nào.
Trở lại chuyện ồn áo của BOT Cai Lây, tin được phổ biến trên đài RFA ngày 12-12-2017 cho biết anh Lê Tấn Tú, chủ Công ty dịch vụ cứu hộ Tú Anh, đã được BOT Cai Lậy thuê để cẩu những xe gây ách tắc tại trạm thu phí này. Ngày 1/12, xe của anh Tú đã được yêu cầu kéo một chiếc xe đang tranh cãi với nhân viên thu phí. Chủ chiếc xe này được nói là của một thành viên của nhóm Bạn Hữu Đường Xa. Sau khi sự việc này xảy ra, một số tài xế của nhóm Bạn Hữu Đường Xa đã tới công ty của anh Tú để “nói chuyện” về vụ việc tại BOT Cai Lậy. Trong lúc đang nói chuyện, hai bên đã xảy ra cãi cọ và anh Tú đã lấy cây rựa (dùng để chặt cây) chém một tài xế. Tài xế này sau đó được đưa vào bệnh viện với vết thương dài 15 cm ở tay. Anh Tú đã thừa nhận hành vi của mình với cơ quan xử lý nội vụ. Công an quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ ngày 12/12 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ công ty cẩu xe ở trạm BOT Cai Lậy để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.
Trước đó, để đối phó với việc người dân dùng tiền lẻ mua vé qua trạm, nhà cầm quyền đã cho công an “mời” những tài xế và bà bán nước (Bà Tám – chủ quán nơi nhiều tài xế ngồi nghỉ ngơi) tại trạm BOT Cai Lậy làm việc liên quan đến chuyện công an mặc thường phục đánh tài xế tại trạm BOT.
Theo dõi diễn tiến nội vụ ông Trần Văn Nhàn, từ Australia, đã nêu ý kiến trên mạng là:
“Quốc lộ 1 là tài sản quốc gia, người dân đã nộp thuế và các loại phí liên quan qua các hình thức trực thu hoặc gián thu. Do vậy, quyền thụ hưởng là đương nhiên. Khi nghĩ về các trạm thu phí BOT làm tôi liên tưởng đến các quán CƠM TÙ được đám ma cô, đầu trâu mặt ngựa bảo kê lộng hành, ép buộc các xe đò phải ghé vào và ép hành khách ăn, kể cả khi họ chưa đói, và không đủ tiền ăn”.
Hiệu ứng từ tại trạm thu phí Cai Lậy đã lan rộng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân ở nhiều trạm thu phí khác trên cả nước như các Trạm thu phí BOT Ninh An (Khánh Hòa), BOT Sóc Trăng, BOT Cần Thơ – An Giang, BOT Bờ Đậu (Thái Nguyên), BOT Biên Hòa (Đồng Nai)… Điển hình cho thấy ngày 22-1-2018 Trạm thu phí Phụng Hiệp, Cần Thơ, phải “xả trạm” vì bị giới tài xế phản đối (Xem Hình: Thanh Niên).
Tin được báo Người Việt cho biết Trạm thu phí BOT Phụng Hiệp ở Cần Thơ phải “xả trạm” nhiều lần trong hai ngày qua trước áp lực của giới tài xế “không chịu mua vé qua trạm.” Tờ Thanh Niên cho hay: “Liên tục trong 2 ngày 21 và 22 Tháng Giêng, tình hình tại BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp lại tiếp tục ‘ngột ngạt’ vì các tài xế phản đối, mặc dù chủ trương miễn, giảm phí dịch vụ qua trạm đã được công bố.” Vẫn theo tờ Thanh Niên: “Khoảng 14 giờ ngày 22 Tháng Giêng, một số xe khi lưu thông qua BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp đã dừng xe tại cả 3 làn thu phí, không chịu mua vé qua trạm.” Một số tài xế đòi “giảm sâu” trong khi một số tài xế khác đòi dẹp hẳn trạm thu phí.
Tờ báo dẫn lời một vài tài xế chạy xe tải, như tài xế Nguyễn Văn Lớn, chạy xe khách BS 94B – 002.81, dừng tại làn xe thứ 2 (hướng Cần Thơ đi Phụng Hiệp), kêu ca: “Tôi chạy xe hợp đồng từ Châu Đốc (An Giang) về Bạc Liêu phải qua 2 trạm thu phí BOT, mỗi lượt phải mất 50,000 đồng/vé. Nghe nói có giảm nhưng giảm chỉ có 5,000 đồng/vé, trong khi xe đóng phí đường bộ hết rồi mà còn đóng phí đi đường như vầy, tăng thêm gánh nặng.”… Hơn một tuần lễ trước đây, nhiều trạm thu phí BOT từ miền Trung tới miền Nam phải “xả trạm” liên tục cũng vì sự chống đối quyết liệt của người dân đối với những thứ “phí” kiểu cướp ngày.
Một số tài xế và dân địa phương tại khu vực thu phí BOT Sóc Trăng vào ngày 10 tháng Một tổ chức múa lân gần trạm để ăn mừng khi BOT này tiến hành xả trạm [Xem hình người dân múa lân ăn mừng xả trạm]. Đội múa lân sư rồng xuất hiện tại khu vực cách trạm BOT khoảng 100m. Một tài xế cầm micro nói rằng cánh tài xế thuê đội múa lân để ăn mừng xả trạm. Người này còn cho biết là cứ mỗi khi BOT Sóc Trăng xả trạm thì đội múa lân sẽ biểu diễn hết ngày hôm đó.
Theo thống kê của Vnexpress, một xe hơi đi tức Bắc vào Nam phải đi qua khoảng 40 trạm thu phí với chi phí trung bình khoảng 35,000 đồng một lượt một xe. Như vậy, chi phí cho các trạm BOT cho một xe đi từ Bắc vào nam là khoảng 1,3 triệu đồng.
Trước sự chống đối của người sử dụng công lộ qua các trạm thu phí BOT trên cả nước, ngày 11 Tháng Mười năm 2017, Bộ GTVT phải ra một văn bản về “việc xử lý các bất cập về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm BOT.” Theo đó, miễn hoặc giảm phí cho một số loại xe, nhất là các loại xe địa phương quanh khu vực có trạm BOT. Có vẻ lệnh lạt đưa xuống không được “chủ đầu tư” thi hành sốt sắng, và mức giảm cũng không làm dân chúng hài lòng. Nhiều báo tại Việt Nam đưa tin giới tài xế dùng “tiền lẻ” trả “phí” tại trạm thu phí BOT Sông Phan (do Bộ Quốc Phòng CSVN làm chủ đầu tư) trên quốc lộ 1, qua tỉnh Bình Thuận, làm quãng đường huyết mạch Bắc-Nam này bị “rối loạn” nên phải xả trạm rất nhiều lần trong mấy ngày qua. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đường về miền Tây, bị “ách tắc” nên sự đi lại giống như chịu cực hình tại các trạm thu phí đi từ Cần Thơ tới các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu. Người ta thấy từ thành phố Cần Thơ xuống Bạc Liêu, một đoạn đường dài khoảng 100 km mà có tới ba trạm thu phí BOT gồm trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp đặt tại quận Cái Răng của Cần Thơ, trạm BOT Sóc Trăng và trạm BOT Bạc Liêu. Theo quy định của nhà cầm quyền trung ương về việc đặt các trạm thu phí BOT thì phải cách nhau khoảng 100 km. Nhưng “nhà đầu tư” đã “ăn dày” đến độ lập 3 trạm, buộc người dân phải phản ứng.
Nhiều dư luận cho biết hầu như 100% công trình BOT được Bộ Giao thông Vận tải áp dụng hình thức “chỉ định thầu” – một thủ pháp hay thủ đoạn độc quyền trong đấu thầu mà luôn mang lại lợi lộc lẫn tiêu cực ghê gớm cho giới quan chức. Cho tới nay, có tới 88 trạm thu phí BOT ở Việt Nam. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải “ăn” đến 74 trạm BOT. Có một sự thật là vào thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng, BOT đã trở nên một cơn dịch tràn khắp đất nước, kéo theo đến hai chục ngân hàng tham dự việc cho vay vốn để một số chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, sau đó chia lợi cho nhau.
Bởi BOT trải dài từ Bắc chí Nam, nơi nào cũng có những vấn nạn phủ ngập mọi chống đối, từ người dân bị bóc lột, từ các nhóm lợi ích cấu kết với nhà cầm quyền, chưa có cách giải quyết, nên Thủ tướng phải “Yêu cầu Bộ Công an xử lý các ‘đối tượng’ kích động gây rối các trạm BOT”. Đúng vậy, tin được đài RFA phổ biến ngày 18-1-2018 cho biết: “Vào tối ngày 18/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cung cấp cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu về các đối tượng chống phá, gây rối tại các trạm thu phí BOT thời gian vừa qua”.
Công điện của Thủ tướng có đoạn viết “Tình hình phức tạp tại các trạm thu giá xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt các tỉnh phía Nam, nếu không được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền ở các địa phương tập trung phối hợp xử lý thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thông qua việc phá hoại hình thức đầu tư BOT’.”
Chưa biết nội vụ sẻ còn đi đến đâu, nhưng trước mắt Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nói: “Vụ này ông Phúc sai rồi! Ông nên nghĩ lại, chứ ông làm thế thì ai còn tin vào các lời có cánh của ông nữa ông Phúc. Rút lại đi còn kịp, hoặc cho nó chìm xuồng là hơn ông ạ.” Phần ông Đỗ Minh Tuấn thì quyế liệt hơn khi nói: “Thủ tướng đã đầu hàng. Lực bất tòng tâm. Có lẽ đằng sau BOT là cả một dây thế lực lớn liên quan đến nhiều Đại hội Đảng chứ không chỉ Bộ GTVT.”
Như vậy, qua một số sự kiện tiêu biểu nêu trên, phương trình Nguyễn Ngọc Huy đã ứng nghiệm với “Ủy ban quốc tế yểm trợ VN tự do” [tiêu biểu như Human Right Watch, Fredom House], với sự nồng nhiệt ủng hộ của đồng bào trong vào ngoài nước qua các “Bản Tuyên Bố Lên Án CSVN” với sự “Chống Đối BOT Từ Bắc Chí Nam” ở quốc nội. Tất cả làm thành “Xương Cá Rô Trong Cuống Họng CSVN”. Chúng đang khiến CSVN nhức nhối, chúng đang Làm Ung Thối Cơ Thể CSVN, chúng góp phần ‘Diệt Cộng’ song hành với việc ‘Chống Tàu’ của toàn dân từ quốc nội đến hải ngoại.
Nếu thực tế “Chưa có chế độ độc tài nào trên thế giới, tự cổ chí kim, sụp đổ vì quần chúng chỉ đứng nhìn, ngày đêm mơ ước…” Đúng vậy, “độc tài độc đảng CSVN đang từng bước sụp đổ từ sự đấu tranh bất bạo động qua hình ảnh những miếng xương cá rô trong cuống họng CSVN”
Hẹn con thư sau,
Giáo Già (Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Phụ đính 1
https://www.hrw.org/vi/news/2018/01/18/313870
Thông cáo phát hành ngay
Việt Nam: Lại một đợt đàn áp các blogger và nhà hoạt động nhân quyềnHoa Kỳ rút khỏi TPP khiến số người bị bắt giữ tăng đột ngột
(New York, ngày 18 tháng Giêng năm 2018) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề cập trong bản Phúc trình Toàn Cầu 2018 của mình, Việt Nam đã gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017. Bất chấp thực tế đó, hầu hết các nhà tài trợ cho Việt Nam vẫn tiếp tục coi trọng thương mại hơn nhân quyền.
Trong bản Phúc trình Toàn cầu dài 643 trang, xuất bản thường niên lần thứ 28, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá tình hình thực thi nhân quyền ở hơn 90 quốc gia. Trong bài đề dẫn, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth viết rằng thái độ của nhiều nhà lãnh đạo chính trị sẵn lòng đứng ra bảo vệ các nguyên tắc nhân quyền cho thấy việc hạn chế các âm mưu độc tài mang hình thức dân túy là hoàn toàn khả thi. Khi kết hợp với khối quần chúng đã thức tỉnh và các nhân tố hoạt động đa phương hữu hiệu, các nhà lãnh đạo đó đã thể hiện một thực tế là có thể kiềm chế được sự trỗi dậy của các chính phủ chống nhân quyền.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa ước thương mại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam ra tay khởi động lại chiến dịch đàn áp nhằm vào những người hoạt động nhân quyền, bắt giữ hàng chục blogger và nhà hoạt động, và kết án nhiều người với mức án tù nặng nề. Các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội, tự do đi lại và tự do tôn giáo tiếp tục bị đè nén nghiêm trọng ở Việt Nam, với một nhà nước độc đảng. Côn đồ được nhà nước bảo trợ thường tấn công những người bất đồng chính kiến, trong khi tình trạng công an bạo hành, trong đó có cả những trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ, vẫn còn là một vấn nạn nghiêm trọng.
“Trong thời kỳ đàm phán TPP, chính quyền Việt Nam biết rằng nếu bắt giữ các nhà hoạt động thì sẽ gây hình ảnh tồi tệ,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Nhưng họ đã lột bỏ tấm mặt nạ này sau khi chính quyền Trump rút khỏi TPP, và bắt đầu xét xử và áp các mức án tù nặng nề đối với những người dân lên tiếng kêu gọi dân chủ và chấm dứt chế độ cai trị độc đảng một cách ôn hòa.”
Năm 2017, có ít nhất 24 người bị kết án vì viết bài và vận động cho dân chủ, nhân quyền. Trong số những người bị kết án nói trên có blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm), bị kết án mười năm tù; Trần Thị Nga, chín năm tù; Phan Kim Khánh, sáu năm tù; và Nguyễn Văn Hóa, bị kết án bảy năm tù.
Trong 14 tháng qua, công an đã bắt ít nhất 28 người với các tội danh về “an ninh quốc gia” có phạm vi áp dụng lỏng lẻo, được sử dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán và hoạt động ôn hòa, trong đó có các cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội. Blogger Phạm Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà vẫn đang bị công an tạm giam từ tháng Mười hai năm 2015 mà chưa đưa ra xét xử. Ban đầu, họ bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước. Tháng Bảy năm 2017, cáo trạng lại đổi sang tội lật đổ.
Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì một nhà nước độc đảng, hạn chế nặng nề các quyền tự do cơ bản và trừng phạt những người bất đồng chính kiến. Hiện nay, có ít nhất 119 ngườiđang phải thi hành các mức án tù nặng nề vì thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền phê chuẩn, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị đảng cầm quyền cho là nguy cơ đối với quyền lực độc tôn của mình.
Chính quyền Việt Nam cấm tất cả các đảng chính trị, công đoàn lao động hay các tổ chức nhân quyền độc lập. Các nhóm tôn giáo chỉ được hoạt động dưới sự giám sát của chính quyền. Công an sử dụng nhiều biện pháp để đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động ngoài các tổ chức tôn giáo chính thức, có đăng ký với chính quyền và do chính quyền kiểm soát, như theo dõi thường xuyên, đe dọa, sách nhiễu, ép buộc từ bỏ tín ngưỡng, đưa ra kiểm điểm ở chỗ đông người và đôi khi dùng vũ lực quá mức.
Các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền liên tục phải đối mặt với nguy cơ bị công an sách nhiễu, theo dõi gắt gao, thẩm vấn đe nẹt cũng như gây sức ép với người sử dụng lao động, cơ quan chủ quản, chủ nhà và gia đình. Công an thường quản chế tại gia trái pháp luật hoặc câu lưu tạm thời để cản trở họ không tham gia được các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, hội luận nhân quyền, gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài hay dự các phiên tòa xử các bạn hoạt động của họ. Chính quyền cũng ngăn cấm các blogger và nhà hoạt động đi ra nước ngoài, đôi khi đưa ra các lý do về an ninh quốc gia rất mơ hồ. Tháng Sáu, chính quyền tước quốc tịch Việt Nam của cựu tù nhân chính trị Phạm Minh Hoàng và trục xuất ông sang Pháp.
Nạn hành hung cơ thể các blogger và các nhà vận động nhân quyền xảy ra thường xuyên. Nhiều nạn nhân cho biết họ bị những người lạ mặt mặc thường phục đánh đập ngay trước mặt cảnh sát mặc sắc phục mà họ không làm gì để can thiệp. Các nhà vận động nhân quyền Việt Nam cũng thường bị công an thẩm vấn với tính chất đe nẹt trong thời gian kéo dài, hay bị tạm giam dài ngày mà không được tiếp cận nguồn hỗ trợ pháp lý hay gia đình thăm gặp.
“Các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam thường xuyên phải chịu rủi ro bị mất tự do cá nhân, sự an toàn của bản thân và thậm chí cả mạng sống để thúc đẩy nhân quyền và các quyền chính trị, dân sự cơ bản,” ông Adams nói. “Các đối tác thương mại và nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần cương quyết đưa yêu cầu cải thiện nhân quyền trở thành một phần hữu cơ của mọi giao dịch và dự án tài trợ đối với Việt Nam.”
Muốn đọc chương riêng về Việt Nam trong Phúc trình Toàn cầu 2018 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, vui lòng truy cập:
https://www.hrw.org/vi/world-report/2018/country-chapters/313835
Muốn đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:
https://www.hrw.org/vi/asia/vietnam
Muốn đọc thêm thông tin về tù nhân chính trị Việt Nam, vui lòng truy cập:
https://www.hrw.org/vi/video-photos/interactive/2017/11/02/free-vietnams-political-prisoners
Muốn có thêm thông tin, xin liên hệ:
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hay email: adamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdamsỞ Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hay email: siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động), hay email: robertp@hrw.org. Twitter @Reaproy
Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 06:45
Phụ đính 2
TUYÊN BỐ VỀ BẢN ÁN TỬ HÌNH TẠI ĐẮK NÔNG
Của các cá nhân và tổ chức quan tâm đến vận mệnh của đất nước
Sự việc và Nhận định
- Vào hai ngày 2/1/2018 và 3/1/2018 Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xét xử sơ thẩm vụ án nổ súng làm 16 người thương vong xảy ra vào ngày 23/10/2016 tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông liên quan đến Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Long Sơn.
- Được biết sự kiện bi thảm xảy ra do nông dân mất đất vô cùng bức xúc trước hành động của đoàn cưỡng chế đất do Công ty Long Sơn phái đến san ủi khu đất đang tranh chấp nhiều năm trước đó.
- Đây là vụ án mà dư luận đặc biệt quan tâm kể từ sau vụ án Đoàn Văn Vươn nổi tiếng vào năm 2012. Rất nhiều người dân địa phương đã sát cánh cùng thân nhân các bị cáo đến theo dõi phiên tòa sơ thẩm diễn ra trong hai ngày đầu năm mới.
- Phiên tòa đã kết thúc vội vã vào chiều ngày 3/1/2018 với kết quả gây phẫn nộ lớn trong công luận nói chung và người dân địa phương có quyền lợi liên quan đến vụ án nói riêng. Ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, bị tuyên án tử hình, các nông dân khác tham gia vào vụ nổ súng đều bị tuyên án nặng từ 9 tháng đến 20 năm tù giam.
- Khi được nói lời sau cùng, ông Ninh Viết Bình, 35 tuổi, người bị tuyên án 20 năm tù, đã nói trong nước mắt rằng “Nếu không có Công ty Long Sơn thì hôm nay các bị cáo đã không có mặt tại tòa và đã không gây ra tội lỗi.”
- Nói cách khác, dư luận theo dõi vụ xử án đều cùng chung nhận định rằng hành động của các bị cáo, đặc biệt ông Đặng Văn Hiến, đều xuất phát từ tâm lý phẫn uất do bị dồn đến đường cùng, và việc sử dụng súng để chống trả là việc làm bất đắc dĩ trước hành vi trái pháp luật ngay trước đó của những người bị hại.
Tuyên bố
Trước sự kiện bi thảm nói trên và bản án nặng nề dành cho các nông dân mất đất, chúng tôi đồng lòng đưa ra tuyên bố như sau:
- Thứ nhất, bản án sơ thẩm dành cho ông Đặng Văn Hiến là sự phỉ báng công lý, vì tội danh “giết người” hoàn toàn không phù hợp với diễn biến vụ án cũng như hành vi của các bị cáo, và hội đồng xét xử đã không xem xét thấu đáo, hợp tình hợp lý mọi tình tiết của vụ án, đặc biệt là hành động tự vệ trong trạng thái tinh thần bị kích động của các nông dân mất đất trước sự tấn công và cướp phá tài sản ngang ngược, bất chấp pháp luật của đoàn cưỡng chế đất do Công ty Long Sơn phái đến. Không ai cổ vũ giải pháp bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, nhưng rõ ràng tòa án đã không phân tích đầy đủ nguyên nhân và điều kiện phạm tội của các bị cáo trước khi tuyên án.
- Thứ hai, sau hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng gây hậu quả nghiêm trọng, ông Đặng Văn Hiến đã ra đầu thú với mong ước hưởng sự khoan hồng của pháp luật, mà lẽ ra ông đương nhiên có quyền hưởng theo các quy định pháp lý hiện hành, bởi vì đầu thú là tình tiết giảm nhẹ hình phạt mà hội đồng xét xử nên cân nhắc khi lượng hình. Tuy nhiên giờ đây ông Hiến lại phải chịu hình phạt nặng nhất trong khung hình phạt.
- Thứ ba, chính quyền tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức rõ ràng hoàn toàn tắc trách trong việc giải quyết dứt khoát tranh chấp đất kéo dài tại địa phương, khiến người dân không an cư lạc nghiệp; điều đó vừa thể hiện thái độ xem thường nguyện vọng chính đáng của nhân dân, vừa phần nào đó góp phần gây nên hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc nói trên.
- Thứ tư, luật pháp và các cơ quan thực thi pháp luật lẽ ra phải bảo vệ công dân, bảo vệ quyền lợi và tài sản hợp pháp của họ, thì nay lại mặc nhiên trở thành và được sử dụng như công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích cướp đất của dân một cách trắng trợn. Ai đã cho phép Công ty Long Sơn tự lập đoàn cưỡng chế đất với quyền sử dụng vũ khí và quyền tấn công dân địa phương, nói cách khác ai đã trao thẩm quyền thực thi pháp luật cho một công ty tư nhân như vậy? Câu hỏi này dứt khoát phải được làm rõ.
- Thứ năm, nguồn gốc chính của sự kiện bi thảm tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông suy cho cùng là ở quan niệm và quy định pháp lý về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, bởi nó mặc nhiên trao cho các chính quyền địa phương một quyền lực nguy hiểm là tước đoạt đất của người dân để trao cho các nhóm lợi ích vốn thừa và sẵn sàng sử dụng tiền bạc trục lợi bằng cách hối mại quyền thế.
- Thứ sáu, xã hội chắc chắn sẽ bất ổn và rối loạn khi người dân không còn đặt niềm tin vào pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật, bởi lúc đó họ sẽ tự ban phát công lý cho chính mình với hậu quả là xung đột xã hội sẽ gia tăng. Bản án tử hình nặng nề trong vụ án này hoàn toàn không giúp ngăn chặn tình trạng phản kháng của nông dân mất đất trong tương lai, mà ngược lại càng khiến người dân phẫn nộ vì công lý chẳng những không được thực thi, mà còn bị nhạo báng bởi những kẻ cầm cán cân công lý sai lệch.
Yêu cầu
Vì những lẽ nêu trên, chúng tôi yêu cầu Chủ tịch Nước và Tòa án Tối cao nước Cộng hòaXHCN Việt Nam nghiêm túc xem xét lại vụ án và bản án này. Điều mà chúng tôi, trong tư cách công dân Việt Nam và người gốc Việt, cần và đòi hỏi ở một nhà nước của dân, do dân và vì dân là: CÔNG LÝ.
Lập vào ngày 8 tháng 1 năm 2018
Cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi.
Trân trọng
Biệt chú: Giáo Già xin cáo lỗi không đăng hết DANH SÁCH 6 TỔ CHỨC VÀ 585 CÁ NHÂN KÝ TÊN vì quá dài sau khi ngừng thu thập chữ ký từ 21:00 ngày 12.01.2018.
Phụ đính 3
Bản Lên Tiếng Của Hội Giáo Chức Chu Văn An
Về Việc Thầy Giáo Vũ Văn Hùng Bị Tạm Giữ, Tạm Giam
Trưa 4/1/2018, thầy giáo Vũ Văn Hùng (Vũ Hùng), cựu TNLT đi tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm thành lập Hội Giáo chức Chu Văn An (HGCCVA). Sau khi buổi họp mặt buộc phải dừng và chia tay một cách bất thường thì thầy Vũ Hùng bị mất tích. Gia đình bạn bè gọi ĐT chỉ nghe chuông, không thấy trả lời, đi dò tìm hỏi CA, đến 10h đêm mới biết thầy đang bị giữ ở CA phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân Hà Nội. Khi đến nơi chị Mai (vợ VVH) thấy chồng mình bị còng tay, hỏi CA đang canh giữ lý do gì thì họ trả lời thầy Hùng “đâm người”, bạn bè hỏi thì họ trả lời “do say rượu đi xe máy đâm phải người ta, đang nhập viện”. Hỏi biên bản, người làm chứng thì đều trả lời vu vơ…
Ngay sau khi gặp được chồng ở phường TXB, họ lập tức cho taxi đến áp tải thầy đi đâu gia đình bạn bè không ai biết, thầy chỉ kịp nói với vợ, “anh bị gài bẫy, vu cáo”. Chị Mai xin đi theo họ ngăn lại, hỏi CA phường này chở đi đâu, được trả lời “không biết”. Đến sáng 5/1, chị Mai tiếp tục đến CA phường TXB hỏi, họ mới cho biết thầy bị đưa lên quận Thanh Xuân và cho số ĐT của điều tra viên Kim Minh Đức để liên lạc. Chị Mai tiếp tục đến CA quận Thanh Xuân tìm chồng, đến trưa mới nhận được thông báo của CA quận “về việc bắt người phạm tội quả tang”, tạm giữ thầy Hùng về “hành vi gây rối trật tự công cộng” điều 318 BLHS. Ngày 6/1, chị Mai cùng anh em bạn bè đã tìm gặp luật sư Ngô Anh Tuấn ký hợp đồng bảo vệ pháp lý cho thầy Hùng. Buổi chiều cùng ngày luật sư đã gọi điện đến CA để làm thủ tục pháp lý, nhưng phía CA với lý do là ngày nghỉ và hẹn đến chiều 8/1 mới làm việc. Đầu giờ chiều ngày 8/1, luật sư có mặt ở phòng trực CA quận, họ lại hẹn đến 3h mới làm việc. Làm xong thủ tục thì lý do hết giờ nên luật sư vẫn chưa được gặp thân chủ. Trưa 10/1, luật sư mới được vào gặp thân chủ (Vũ Hùng), còn chị Mai vẫn chưa được gặp chồng (mặc dù mọi thủ tục pháp lý đã làm xong từ chiều 8/1) nhưng với lý do “phải trình lãnh đạo xem xét mới được gặp”. Sau đó chị Mai đã nhiều lần ĐT và nhắn tin cho CA để hỏi về việc thăm gặp chồng nhưng không được trả lời. Mãi đến khoảng 3h20 chiều ngày 13/1 (hết lệnh tạm giữ), chị Mai mới được vào thăm gặp chồng 5p dưới sự giám sát chặt chẽ của CA, chỉ được hỏi thăm sức khỏe. Tối ngày 13/1, CA điện thoại cho chị Mai thông báo chồng chị có lệnh tạm giam. Chiều ngày 15/1, chị Mai đến CA quận mới nhận được thông báo bằng văn bản, chồng chị bị giam “về hành vi cố ý gây thương tích” theo điều 134 BLHS. Mọi thông tin từ phía thầy Hùng bị ngăn chặn, chỉ biết được sau buổi gặp mặt buộc phải chia tay bất đắc dĩ, ra bến xe buýt đợi xe về bị hai kẻ mặc thường phục bám sát, gây sự và lao vào tát thầy. Sau đó thầy Hùng đi xe buýt về cửa hàng chị gái, rồi tiếp tục đi bộ về nhà, gần đến nhà trên đoạn đường vắng, bị vây và bắt cóc.
Những người có lương tri ai cũng biết rõ thầy giáo Vũ Văn Hùng là người có tấm lòng yêu nước nhiệt huyết, tích cực tham gia vận động cho dân chủ nhân quyền ở VN. Thầy là người hiền lành, tử tế, thẳng thắn, sống có tình có nghĩa chưa bao giờ gây hấn với ai. Trước đó thầy đã bị CA phiền nhiễu viết giấy triệu tập nhiều lần. Mặt khác, buổi gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập hội đã được phía CA “quan tâm đặc biệt” từ nhiều ngày trước khi diễn ra. Mặc dù, mọi sinh hoạt luật pháp không cấm. Nhưng ngày họp mặt đã có nhiều thành viên không đến được bởi lý do bị câu lưu. Trong lúc gặp mặt nhiều an ninh đã xuất hiện trong và ngoài nhà hàng, thầy Hùng liên tục có ĐT từ phía an ninh quận Hà đông, sau đó chủ nhà hàng đột nhiên ra yêu cầu thanh toán để “lấy chỗ cho khách khác đến”. Mọi người buộc phải chia tay, thầy Hùng ra về thì xảy ra sự việc và diễn biến như chúng tôi đã trình bày trên. Ai cũng có thể nhận thấy, sự việc xảy ra đối với thầy Hùng là có cơ sở để nói, do dàn dựng và nó không nằm ngoài kế hoạch đàn áp dân chủ nhân quyền.
Từ việc bắt cóc trái pháp luật, sau đó đến việc thông báo tạm giữ một tội, thông báo giam giữ lại tội khác, cung cách làm việc tùy tiện bất nhất và đến giờ mọi người cũng chưa được biết đối tượng cụ thể thầy Hùng “cố ý gây thương tích” như thông báo ngày 15/1 của phía CA. Không biết sau này, họ định cáo buộc tội gì nữa khó ai có thể biết. Tất cả những gì diễn ra nếu không phải do dàn dựng, bắt cóc, vu cáo, quy chụp người vô tôi để đạt mục đích không lương thiện thì ai là người chân chính có thể nói khác được điều này.
Vậy Hội Giáo chức Chu Văn An khẩn thiết kêu gọi những người có lương tri, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các cơ quan ngoại giao quan tâm lên tiếng yêu cầu công an của nhà cầm quyền CSVN trả tự do ngay lập tức cho thầy giáo Vũ Văn Hùng.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của quý vị!
Hà Nội, ngày 16/1/2018
HGCCVA đồng ký tên