Thư Cho Con: VC đấu tranh bằng… quì gối – Giáo Già (Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy)
Ngày 5 tháng 12 năm 2014
H,
Mấy tuần trước, chiều ngày Thứ tư, 19/11/2014, báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trước Quốc hội, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng nói:
“Đại biểu yêu cầu tôi nói ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về quan hệ Việt Nam – Trung quốc, vấn đề này khó, nhưng tôi xin trình bày khái quát 6 chữ. Đó là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”
Sau đó, tin được đài BBC phát đi cho biết:
“Ông Dũng có phiên trả lời chất vấn vào chiều ngày 19/11. Trước câu hỏi về chủ trương của Đảng Cộng sản sau khi Trung quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, ông Dũng nói cần gìn giữ hòa bình, hữu nghị. ‘Đối với Trung quốc chúng ta là láng giềng, dù mưa bão chúng ta vẫn là láng giềng, mãi mãi là láng giềng’.”
Đến ngày 21-11-2014, thông tín viên Anh Vũ của đài RFA phát đi bản tin cho biết thêm: Từ Genève, ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève trong nhiều năm, khẳng định:
“Ông Thủ tướng Dũng dạo này có cách phát biểu khôn ngoan hơn các nhà lãnh đạo ở Việt Nam, vì ông ấy phát biểu trước Quốc hội, và với phát biểu là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” thì ăn tiền hơn. Đây là một phát biểu khá mạnh mẽ của ông Dũng vì trong đó có chữ đấu tranh. Trong hoàn cảnh của đất nước ta, vừa là láng giềng với Trung quốc vừa phải đối phó với âm mưu thôn tính thì cái cách của ông Dũng có lẽ là tương đối phù hợp. Nhưng cái chính là nói có đi đôi với làm hay không, và lãnh đạo Việt Nam cảm nhận được bao nhiêu % cái đó để thực hiện chủ trương ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’, cho nó đủ đô của nó? Tức là hợp tác là bao nhiêu % và đấu tranh là bao nhiêu %?”
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn tỏ ra lo ngại về phát biểu này, ông nói với Anh Vũ của đài RFA:
“Tôi thì hết sức lo ngại về lời tuyên bố này của TT Nguyễn Tấn Dũng. Việt Nam ‘hợp tác’ về cái gì với Trung quốc ở biển Đông? Theo các tài liệu loan truyền từ trong nước thì lãnh đạo Việt Nam đã nhìn nhận với Trung quốc là có ba vùng biển tranh chấp và Việt Nam có khai thác chung với Trung quốc ở một số lô dầu khí. Khi nhìn nhận đây là vùng biển là ‘có tranh chấp’, theo tập quán quốc tế, khu vực này sẽ chia đôi, hay là cộng đồng khai thác. Thì vấn đề ‘Vừa hợp tác vừa đấu tranh’ với Trung quốc ở khu vực biển Trường Sa chỉ có nghĩa là hai bên khai thác trên thềm lục địa của Việt Nam, nhưng Việt Nam cố gắng ‘tranh đấu’ để hưởng nhiều hơn Trung quốc một chút. Còn trong trường hợp khi Trung quốc đã tuyên bố ‘vùng nhận diện phòng không’ trên khu vực bắc quần đảo Trường Sa, dĩ nhiên Việt Nam không thể ‘hợp tác’ được với Trung quốc rồi, mà tranh đấu thế nào, thật tình là nan giải.”
Mặt khác, dư luận cũng rất dễ dàng đặt câu hỏi là: “Liệu lời nói của Thủ tướng trước Quốc hội có trở thành nghị quyết của Đảng làm kim chỉ nam cho guồng máy Nhà nước vận hành theo đúng như lời nói của Thủ tướng không? Hay Thủ tướng chỉ ‘nổ’ cho khoái cái ‘lỗ miệng” của người lúc nào cũng có sẵn trong người một ‘thùng đạn’ nhãn hiệu VC?”
Đúng vậy, trở lại câu nói của Dũng hai vấn đề được đặc biệt lưu ý là “hợp tác” và “đấu tranh”.
Trong vấn đề “hợp tác” thì đâu còn gì để nói nữa khi Dũng đã là Thái thú của Tàu rồi thì “hợp tác” chỉ là “tuân lịnh”. [Xem biếm họa của Babui trích từ DCV)
Xin nhắc lại, lâu rồi, trên đường tiến chiếm VN Trung cộng đã không từ nan bất cứ thủ đoạn nào. Nói rõ hơn, để xâm chiếm VN, Trung cộng đã dùng “vũ khí nóng” trong cuộc chiến biên giới năm 1979 với 60 vạn quân đánh bất ngờ vào sáu tỉnh biên giới, giết sạch, phá sạch. Tuy bị thảm bại, rút quân về, Trung cộng vẫn tiếp tục chiếm giữ các vị trí chiến lược bên trong lãnh thổ VN. Mặc dầu sau đó CSVN cho ghi thẳng vào Hiến Pháp Trung quốc là kẻ thù truyền kiếp. Nhưng không bao lâu sau thì Hiến Pháp lại được sửa, câu ấy bị gỡ bỏ. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng cho xóa cả chứng tích, bia mộ…; ra lịnh cho toàn dân không được nhắc tới; xa hơn nữa là nguyện trung thành với phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt… để lần hồi cho các nhà thầu Trung quốc chiếm tới 90% các công trình trọng điểm của VN…
Cũng xin nhắc lại, sau khi chiếm được Hoàng Sa trong tay Việt Nam Cộng Hòa, đến năm 1988 Trung quốc đã dễ dàng tiến chiếm đảo Gạc Ma (Trường Sa) vào ngày 14 tháng 3 do đại tướng Lê Đức Anh, trong vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng, đã ra lệnh cho hải quân CS Việt Nam “không được nổ sung” [theo tiết lộ của thiếu tướng Lê Mã Lương ngày 14/6/2014 tại hội thảo Minh Triết Biển Đông]… Đến thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, một viên chức ngoại giao đã đề nghị Nhà nước nên yêu cầu Trung quốc để phía Việt Nam được đến Gạc Ma trục vớt 3 chiếc tàu bị bắn chìm cùng 61 thi thể các bộ đội đã chết trên biển cũng bị Nông Đức Mạnh nghe xong liền nói: “Có nên làm việc đó không? Cứ để họ nằm đó cũng đã làm sao“… Hơn một thập niên sau, rồi cho đến nay, Trung quốc xây một kiến trúc quân sự trên đó, lãnh đạo VC im lặng không dám lên tiếng bảo vệ chủ quyến, lại càng không dám kêu gọi đồng minh giùp đỡ để bảo vệ chủ quyền, dù đã được Mỹ công khai lên tiếng giúp đỡ và bảo vệ. Thái độ và hành vi thụ động đó phản ảnh đe doạ của Dương Khiết Trì qua tuyên bố “vào mặt” Nguyễn phú Trọng, Nguyễn tấn Dũng tại Hà Nội vào ngày 16 tháng 8 rằng: “VC
- Không được sử dụng các “tư liệu” mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa);
- Không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải;
- Cuối cùng VC là đứa con hoang phải qay trở về với tổ quôc khổ đau nghĩa là không được đi xa khỏi đường lối của Trung cộng về Biển Đông…”
Và, trong bài “Tầm Quan Trọng Của Đảo Nhân Tạo Gạc Ma”, đăng trên các diễn đàn, khi kết thúc Giáo sư Nguyễn Văn Canh đã viết:
“Hơn một tuần lễ nay, (27 tháng 11, 2014), báo chí quốc tế nói tới TC đang xây một phi trường khác trên đảo Chữ Thập. Dần dần nhiều đảo nhân tạo, từ mãi phía Nam của vùng Trường Sa, qua Chữ Thập lên tận Gaven, xuống Colin, rồi Gạc Ma, chiếm một diện tích về phía Nam Trường Sa từ Bắc xuống Nam dài khoảng hơn 100 hải lý, và từ Đông sang Tây độ 90 hải lý, trên đó các kiến trúc kiên cố quân sự được xây cất. Quân đội TC sẽ đồn trú trên đó. Và với đà diễn tiến này, chỉ trong vòng vài ba năm nữa lúc đó quân trú phòng của VC sẽ rút khỏi Trường Sa và lãnh dạo VC thế hệ này hoàn tất nhiệm vụ chuyển giao chủ quyền Biển Đông cho TC, dù một ít lính hải quân của VC sẽ ‘làm vật tế thần’ trong vài cuộc tấn công nhỏ của hải quân TC để che mặt với quốc dân Việt và thế giới”.
Trở lại năm 1990, Thỏa hiệp Thành Đô ngày 4 tháng 9 của một số lãnh đạo hàng đầu CSVN đã nói rõ [xin trích một đoạn ngắn]:
“Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…. Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc“. [GG in đậm và gạch dưới].
Bước sang lãnh vực “đấu tranh”, chỉ nói riêng trong cuộc tranh chấp ở biể dông, hiện tại TC rất sợ các quốc gia có liên quan đấu tranh trên mặt trận pháp lý, đấu tranh ngoại giao đa phương, đấu tranh nghị trường khu vực và quốc tế… Nguyễn Tấn Dũng đã có mấy lần nói chuyện kiện TC ra tòa trọng tài quốc tế…; nhưng mãi cho tới nay có ai thấy Dũng cho tiến hành vụ kiện nào đâu. Ngay trong nội bộ của Đảng và Nhà nước cũng có ai thấy Thủ tướng cho ra được Nghị quyết nào để thi hành, để cho Đảng và Nhà nước theo đó mà “đấu tranh”. Vậy thì làm sao hiểu được Dũng sẽ đấu tranh với Trung cộng theo kiểu cách nào. Phải chăng đó là kiểu cách của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cong lưng, nghiêng mình đứng trước hàng quân Trung cộng [xem hình].
Giờ đây, hãy nhìn cách “đấu tranh” của Nguyễn Tấn Dũng: Tin được TTX/CSVN nêu rõ:
“Vào lúc Bắc Kinh rốt ráo bồi đắp và mở rộng các bãi đá mà Trung quốc chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tại các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Miến Điện kết thúc ngày hôm qua, 13/11/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã liên tiếp kêu gọi các nước không làm thay đổi thực trạng các bãi đá, rạn san hô và bãi cát ngầm ở Biển Đông.” [GG in đậm và gạch dưới]
Như vậy là trước sau như một, chuyện kiện Trung cộng là chuyện không bao giờ có; và chuyện giữ thực trạng là chuyện thật:
- Cái gì Trung cộng chiếm hôm qua thì đã là của chúng.
- Cái gì Trung cộng chiếm hôm nay thì đang là của chúng.
- Cái gì Trung cộng sẽ chiếm ngày mai thì sẽ là của chúng.
Và thực trạng của đảng và Nhà nước CHXHCNVN là những cái ghế Thái thú của Dũng và những lãnh đạo hang đầu CSVN đang ngồi, để chậm nhứt là năm ba năm sau thực trạng của Việt Nam sẽ là một tỉnh lỵ của Tàu.
Do vậy, xin được nhại thơ Trần Kế Xương mà nói rằng:
Lẵng lặng mà nghe chúng… đấu tranh
Đứa thì… quì gối, đứa… bưng bô
(Xem biếm họa của Babui trích từ diễn đàn DCV) để thấy rõ hơn “ĐẠI HỌA MẤT NƯỚC” mà cùng nhau tận lực “Chống Tàu Diệt Viêt Cộng”
Hẹn con thư sau,
Giáo Già (Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)