Thư Cho Con: Sacramento Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy – Giáo Già

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thư Cho Con: Sacramento Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy – Giáo Già

Ngày 26 tháng 8 năm 2016

H,

Vào lúc 11 giờ 15 phút sáng ngày Thứ Bảy, 20-8-2016, buổi tưởng niệm cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và các anh hùng sát cánh đấu tranh cùng Giáo sư đã được tổ chức tại Stockton Boulevard Partnership, 5625 Stockton Blvd., Sacramento, CA 95824.

Tiếp theo phần nghi thức chào cờ và tưởng niệm trước bàn thờ Tổ Quốc và di ảnh cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Giáo sư Trần Minh Xuân, đại diện ban tổ chức, được mời lên diễn đàn chào mừng quan khách và các phái đoàn tham dự đến từ xa như các phái đoàn của Khu hội Cựu tù nhân Chánh trị Stockton, Hội Cao niên Diên Hồng Oakland, Thanh niên Sinh viên Cờ Vàng San Jose, Sinh viên San Francisco…; cùng một số vị từ xa như Đức quốc, Canada, Úc châu, các tiểu bang xa như New York, Delaware, Texas… có email, điện thoại, gởi thư thăm hỏi, gởi bài tham luận [xem trong phần phụ đính 6, 7, 9 và 9] và chúc buổi lễ thành công [xem hình quan khách tham dự].

Sau đó, Giáo sư Xuân đã nói qua vài nét đặc biệt về Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy rất đáng được lưu ý. Ông cho biết Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2 tháng 11 năm 1924 tại Chợ Lớn, nhưng tổ quán ở Tân Uyên, Biên Hòa, Nam Việt Nam, qua đời ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris, Pháp Quốc, trên đường đến Hòa Lan tham dự Đại hội Liên Minh Dân Chủ Việt Nam toàn thế giới với sự có mặt của vài thành viên đang âm thầm hoạt động ở quốc nội [xem Di cải II). Giáo sư Huy làm thơ ký bút hiệu Đằng Phương, hoạt động chánh trị lấy bí danh Hùng Nguyên. Ông học trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Sau đó tự học thi đậu bằng Tú Tàị. Qua Pháp học ở Đại học Paris. Năm 1963 đậu Tiến sĩ Chính trị học [tối ưu] tại Đại học Luật khoa và Khoa học Kinh tế, viện Đại học Paris. Ông từng là Khoa trưởng Luật khoa và Khoa học Xã hội Cần Thơ. Giáo sư chuyên về Luật Hiến Pháp, Bang giao Quốc tế, thông thạo Pháp, Anh và Hán văn. Ông dạy hầu khắp các trường đại học tại Việt Nam, kể cả các trường Cao đẳng Quốc phòng, Tham mưu cao cấp, và Đại học Chiến tranh Chính trị… Từ năm 1976, những năm lưu vong, Ông là Phụ khảo tại Đại học Luật khoa Harvard.

Những năm cuối cùng tại Việt Nam, ông là Tổng thư ký Phong trào Quốc gia Cấp tiến [Chủ tịch là Giáo sư Nguyễn Văn Bông] và Đồng Chủ tịch Liên minh Quốc gia Dân chủ Xã hội gồm 6 chính đảng đối lập. Năm 1964 Ông thành lập đảng Tân Đại Việt và lãnh đạo đảng cho đến khi qua đời.

Trên bình diện văn hóa, Giáo sư Xuân [xem hình] cho biết Giáo Sư Huy đã để lại một công trình sáng tác đồ sộ gồm hàng chục tác phẩm lẫy lừng, trải dài trên nhiều lãnh vực khác nhau. Để khỏi mất nhiều thì giờ ông xin quan khách xem tiểu sử Giáo sư Huy có ghi trong các quyển “Di cáo Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy” được ban tổ chức kính biếu quan khách tham dự buổi lễ. Tuy nhiên, xin được ghi lại đây một số tác phẩm tiêu biểu như:

  • Thơ Hồn Việt,
  • Quốc Triều Hình Luật,
  • Dân Tộc Sinh Tồn,
  • Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung,
  • Hàn Phi Tử,
  • Lịch Sử Các Học Thuyết Chánh Trị,
  • Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời

Cho tới nay bài thơAnh hùng vô danhtrong tậpThơ Hồn Việtđược coi như bất tử [có để ở bàn tiếp tân và xem trong phần phụ đính 4], trong đó có những câu được nhiều người thuộc nằm lòng như:

Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,

Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,…

Trọn bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” [xem phụ đính 4] đã được anh Nghĩa trong phái đoàn Stockton diễn ngâm hết sức điêu luyện khiến người nghe vô cùng xúc động.

Bên cạnh đó, khi nói tới 13 liệt sĩ của Việt Nam Quốc Dân Đảng lên máy chém Giáo sư đã thấy: Tử thần kính cẩn đứng ghi tên / Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc (trong bài “Ngày tang Yên Bái”) khiến người nghe vô cùng cảm khái.

Đặc biệt, trong lễ tưởng niệm, ngoài việc tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, ban tổ chức cũng đồng thời tưởng niệm các anh hùng từng sát cánh đấu tranh cùng Giáo sư như:

  • Bác sỹ Nguyễn Tôn Hoàn và hiền nội [Phan thị Bình],
  • Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Giáo sư Nguyễn Đình Huy, Giáo sư Đồng Tuy,

Các tướng lãnh:

  • Trần Văn Nhựt, Lê Quang Lưỡng, Đỗ Kiến Nhiễu, Chung Tấn Cang, Diệp Quang Thủy.

Các dân biểu:

  • Nhan Minh Trang, Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân, Trương Vĩ Trí, Phạm Văn Trọng.

Các nhơn sĩ:

  • Nguyễn Văn Tại, Trần Văn Chiêu, Cao Minh Châu, Dương Quang Tiếp, Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn văn Nghiệp, Nguyễn Văn Khiêm, Dương Quang Thừa, Trần Thúc Vũ, Trần Quang Liêm, Hồ Văn Quí, Hồ Văn Phàng, Lê Quốc Quân, Nguyễn Đình Phúc, Phạm Văn Hy, Huỳnh Hữu Thọ, Trần Công Nghị, Đỗ Như Thân, Trần Quang Minh, Trần Quang Trí,…….…..

Đặc biệt ban tổ chức đã nghiêm trang tưởng niệm anh Nguyễn Văn Hoàng, Giáo sư Phụ khảo của trường Cao Đẳng Thương Mãi Minh Trí [Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là một thành viên sang lập], người Chủ tịch Mặt Trận Tự Do Cứu Quốc Việt Nam bị Việt Cộng xử bắn tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung ngày 31-5-1983, một môn sinh ưu tú, cũng là một đồng chí trung kiên của Giáo sư. Khi hay tin, Giáo sư Huy có ngay lời phân ưu trên báo Tự Do Dân Bản; và tại Houston, Texas, ngày 26-11-1983 Giáo sư Huy làm ngay bài thơ “Điếu Một Môn Sinh”, trong đó có những câu đầy xúc động [xem toàn bài trong phần phụ đính 5]:

Nhưng giữa phong ba nỗi bất ngờ

Trên đường tranh đấu rủi sa cơ

Trò đà ngã gục ngày hôm ấy

chết hiên ngang dưới bóng cờ

Nghe tin trò đã phải hy sinh

Xao xuyến trong tâm mối nghĩa tình

Thầy thấp nén hương thờ liệt sĩ

Cho nhà ái quốc cựu môn sinh

Suối vàng trò hãy cứ an tâm.

Đặc biệt hơn nữa là tưởng niệm anh Vương Từ Mỹ [hình ngồi mặc áo sọc ngang], cựu sinh viên khóa 3 trường Bộ Binh Thù Đức, nguyên Chánh sự vụ Nha Sưu tầm tài liệu Phủ Thủ tướng, vừa qua đời ngày 20-6-2016 tại San Francisco, mà ái nữ của anh là cô Vương Kim Ánh, một sinh viên ưu tú, sẽ thuyết trình về chuyện “Tiếp nối con đường Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy” trong buổi lễ tưởng niệm. Cô Ánh cho biết:

“Sau khi con đến Mỹ, Ba con thường than phiền trong thời gian sau này tổ chức thiếu thành phần trẻ tham gia các hoạt động chống lại sự cai trị gian ác của Việt cộng độc đảng độc tài nơi quê nhà; và mong muốn lớp người trẻ dấn thân phục vụ đất nước nhiều hơn. Do con rất ngưỡng mộ Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và thán phục con đường đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt của Giáo sư Huy cũng như lý tưởng cả cuộc đời của Ba nên con đã nói với chồng con là anh Nguyễn Hữu Tuấn cùng có mặt ở đây hôm nay, ý muốn được tham gia các hoạt động của Ba và các bác các chú theo con đường đấu tranh chống cộng sản cai trị cả nước bằng độc đảng độc tài, đấu tranh cho độc lập tự do, cho nền dân chủ pháp trị cho đất nước Việt Nam, đấu tranh cho dân tộc sinh tồn mà chính Ba đã cùng Giáo sư tham gia lúc thiếu thời theo lý tưởng của đảng trưởng Trương Tử Anh. Do đó con đã ngỏ ý xin Ba cho vợ chồng con tham gia vào các hoạt động của tổ chức bên cạnh Ba. Ba rất mừng khi được biết ý muốn của con chúng con và Ba đã thu xếp cho con và chồng con được tuyên thệ vào đảng Tân Đại Việt ngày 24 tháng 11 năm 2012 để làm thế hệ tiếp nối con đường đấu tranh đang chờ được thành tựu của Ba và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy [xem hình banner của ‘Tuổi trẻ cờ vàng’ bày tỏ ý nguyện ‘3 thế hệ một tấm lòng quyết tâm bảo vệ tổ quốc’. Từ đó, con rất hân hạnh được chồng con tham gia vào các hoạt động của Ba bên cạnh các bác, các chú, đặc biệt trong các phiên họp của tổ chức mà con cùng chồng con đưa Ba đi họp…” [Xem toàn văn và hình trong phần phụ đính 1].

Sau đó, anh Nguyễn Hữu Sơn, một cựu sinh viên Học viện Quốc gia Hành Chánh được mời nói chuyện về “Con đường Dân Tôc Sinh Tồn của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy”. Trong bài phát biểu của mình ông Sơn cho biết: Ở trang 5, quyển 2, bộ Dân Tộc Sinh Tồn (DTST) đã viết: “Nhân dân VN phải tự hào về một chủ thuyết dân tộc do người VN đề xuất, vì quyền lợi của nhân dân và tổ quốc VN. Ở ngưỡng cửa thế kỷ 21 này, vào lúc chủ nghĩa ngoại lai cộng sản đã phá sản, chủ nghĩa thần quyền lạc hậu gây tang thương đẫm máu, chủ nghĩa ‘DTST’ phải chiếm lĩnh vị trí ý thức hệ chỉ đạo để hồi phục đất nước trên mọi lãnh vực, nhất là xây dựng lại niềm tự hào dân tộc và dân chủ tự do.’‘ [Cũng xin xem toàn văn và hình trong phần phụ đính 2].

Trong phần phát biểu của quan khách hiện diện, song song với ông Hội trưởng Hội Cao niên Trần Gia TườngTiến sĩ Nguyễn Khắc Lee cùng bày tỏ lòng ngưỡng mộ và ca ngợi công lao của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy; cựu Dân biểu Trần Minh Nhựt, cựu Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, đã hùng hồn kể lại những chi tiết rất đáng quan tâm về Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy mà ông là Trưởng ban Vận động thành lập, đồng thời với những kỷ niệm không quên đối với Giáo sư Huy, xin trích một đoạn ông nói về kỷ niệm này như sau:

Tại Việt Nam, ngay khi tin GS Nguyễn Ngọc Huy qua đời được Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA loan báo, một số Anh Em tôi vừa ra khỏi nhà tù VC sau hơn 13 năm khổ sai , Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, Cựu Đại tá Dân Biểu Nhan Minh Trang, Cựu DB Phạm Văn Trọng , Cưu DB Trương Vỹ Trí, tôi, Cựu DB Trần Minh Nhựt… đã cùng một số Chiến hữu Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến và các Đồng chí Đảng Tân Đại Việt còn kẹt lại trong nước, âm thầm tổ chức một Buổi Lễ Cầu Siêu cho Cố GS tại một ngôi chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất tại Gò Vấp, Gia Định rất trang nghiêm và nhiều xúc động không ai kềm giữ được giọt lệ tiếc thương người quá Cố !!!” [Xin xem hình và toàn văn bài phát biểu trong phần phụ đính 3].

Xen kẻ giữa các bài phát biểu, và tiếp theo sau phần phát biểu, các anh em Thanh niên Sinh viên Cờ Vàng đã trình diễn các màn hợp ca xuất sắc với phần chủ động của anh Minh Huy, các cô Diễm Trang, Mỹ Phượng, và với phần phụ họa hào hứng của một số khách tham dự vô cùng xuất sắc. Ngoài ra cũng được biết thêm là toán Tuổi Trẻ Cờ Vàng cũng có quà tặng cho các diễn giả và ban tổ chức để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và lưu niệm ngày tưởng niệm cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

Buổi lễ kết thúc vào lức 2 giờ chiều sau phần ăn nhẹ và thưởng thức ca nhạc đấu tranh do Thanh niên Sinh viên cờ vàng hợp ca với sự phấn khởi tham dự của quan khách.

Hẹn con thư sau,

Giáo Già

(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)