Thư Cho Con: Mặt Thật Nguyễn Tấn Dũng – Giáo Già

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thư Cho Con: Mặt Thật Nguyễn Tấn Dũng – Giáo Già

Ngày 25 tháng 3 năm 2015

H,

Được tin Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn CSVN sẽ đến Úc Châu ngày 17-3-2015, Cộng đồng người việt úc châu gồm: LS Võ Trí Dũng Chủ Tịch BCH/CĐNVTD/LBUC; TS Hà Cao Thắng, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/NSW; Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/VIC; BS Bùi Trọng Cường, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/QLD; Ông Đoàn Công Chánh Phú Lộc, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/SA; BS Nguyễn Anh Dũng, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/WA; Ông Lê Công, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/ACT; Ông Lê Tấn Thiện, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/NT; và Bà Trần Hương Thủy, Chủ Tịch BCH/CĐNVTDUC/Wollongong; cấp thời ra thông báo ngày 14-3-2015 kêu gọi đồng bào tham dự các cuộc biểu tình phản đối trước Quốc hội NSW ngày 17-3-2015 và trước tiền đình Quốc hội Liên bang Úc tại Canberra ngày 18-3-2015.

Sau đó, tin ghi nhận từ Úc châu cho biết Thủ Tướng VC Nguyễn Tấn Dũng đến Úc trong sự tiếp đón thờ ơ, lạnh nhạt của chính giới và truyền thông Úc. Đón Dũng tại phi trường Sydney vào tối Thứ Hai, 16.3.2015, chỉ có Đại sứ Úc tại Việt Nam Hugh Borrowman, Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sydney Hoàng Minh Sơn, cùng một nhóm nhân viên ngoại giao, và du sinh. Về phía chính giới Úc, không có bộ trưởng, thứ trưởng, hay bất cứ đại diện cao cấp nào của chính phủ liên bang cũng như tiểu bang NSW. Văn phòng Thủ Tướng Úc Tony Abbott cũng chỉ phổ biến một bản tin ngắn không đầy chục dòng về chuyến viếng thăm của NTD.

Tuy thông báo được phổ biến chỉ trong vài ba ngày ngắn ngủi, và thời gian lại đúng vào ngày đi làm, nhưng sáng ngày Thứ Ba 17-3-2015, vào lúc 9 giờ sáng, trước Quốc Hội tiểu bang NSW, Macquarie Street, Sydney, CĐNVTD Liên Bang Úc Châu kết hợp cùng CĐNVTD tiểu bang NSW, đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối NTD, quy tụ đông đảo đồng hương, trong đó có cả người bản xứ. Bên ngoài Quốc hội, Cộng đồng Người Việt hô to phản đối Nguyễn Tấn Dũng, phản đối chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam, phản đối nhà cầm quyền CSVN bán nước, phản đối tình trạng nhà cầm quyền buôn bán phụ nữ và trẻ em. Họ cũng giơ cao các khẩu hiệu bằng tiếng Anh kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do cho các tù nhân lương tâm… Ông Nguyễn Quang Duy, một Người Việt sống ở Úc cho hay: “Đồng bào Sydney Úc xuống đường biểu tình trước tiền đình quốc hội tiểu bang New South Wales buộc phái đoàn của Nguyễn Tấn Dũng phải đi cửa hậu…”

Sau đó một ngày, 18/03/2015, đoàn biểu tình lái xe vượt khoảng 300 km, đến Quốc Hội Liên Bang Úc tại Canberra để tiếp tục biểu tình phản đối Thủ tướng CSVN. Tại đây [Canberra] có 3 sự kiện đặc biệt đáng ghi nhận:

  1. Cuộc biểu tình phản đối VC Nguyễn Tấn Dũng;
  2. Vì sao VC Nguyễn Tấn Dũng không trả lời câu hỏi của báo chí;
  3. Nghĩ gì về câu nói của Thủ Tướng Úc Tony Abbott: We Australians know well the power of the Vietnamese [communist] army?

ABC News đã đăng bài tường thuật cuộc họp báo của Thủ Tướng Úc Tony Abbott, và Thủ Tướng VC Nguyễn Tấn Dũng (http://www.abc.net.au/news/2015-03-18/pm-defends-11-billion-dollar-cut-to-foreign-aid/6329672). Trong bài, ký giả Peta Donald cho biết sau khi Thủ tướng Úc giải thích lý do Úc phải cắt giảm $11 tỷ đô la tiền viện trợ cho ngoại quốc ($11 billion cut to Australia’s overseas aid program), một ký giả có hỏi Nguyễn Tấn Dũng nghĩ gì về việc cắt giảm này, nhưng NTD im lặng không trả lời (Mr Dung, who was also asked to comment on the Australian aid cut, remained silent.) Câu hỏi được đặt ra, TẠI SAO Dũng lại im lặng?

1. Có thể trình độ Anh ngữ của NTD hạn chế, không hiểu câu hỏi, hoặc hiểu nhưng không đủ khả năng trả lời, nên chọn thái độ im lặng. 

2. Thông ngôn của NTD có thể hiểu câu hỏi và đủ khả năng trả lời, nhưng không thể trong giây lát, cố vấn để NTD có thể hiểu, nhớ, và trả lời một cách ngắn gọn. Vì vậy, thông ngôn cũng im luôn.

Việc NTD lúng túng, không trả lời, khiến nhiều người bối rối, ngượng ngập và Thủ tướng Tony Abbott cũng ái ngại nhìn NTD chờ đợi câu trả lời. Ký giả hỏi NTD cũng bối rối không ít, vì không ngờ câu hỏi bình thường của mình lại tạo nên sự bẽ bàng không cần thiết cho một vị quốc khách. Người thông ngôn cho NTD cũng lo lắng không biết cách “giải quyết” trong tình huống đặc biệt ấy.

Đã vậy, trong bài báo, ký giả Peta Donald còn viết: “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người lãnh đạo một quốc gia có 10% dân số có mức sống mỗi ngày là $US1.25 hoặc ít hơn” (Vietnamese prime minister Nguyen Tan Dung, who leads a country where one in 10 people live on $US1.25 or less each day) khiến độc giả không thể không so sánh con số này với số tài sản khổng lồ của Dũng, trong đó ít nhứt cũng có $US150 triệu đô la do Trung Cộng hối lộ vào tháng 10 năm 2008, để được quyền khai thác bauxite tại Đắc Nông và Tân Rai, Việt Nam (Radio New Horizon).

Mặt khác, trong cuộc tiếp kiến, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã nói thẳng vào mặt Dũng rằng: “Viện trợ là để giúp cho nước ông (và các nước còn nghèo khác) có thêm điều kiện để cải tổ và xây dựng kinh tế vững mạnh, để nước đó có thể phát triển đến mức tự lo cho dân của mình, chứ không phải để nước đó tạo thành thói quen ăn bám“.  Về ý nghĩa lời nói của TT Tony Abbott trong một bài báo có nguyên văn: “We Australians know well the power of the Vietnamese Army,” he said, recalling a time when the two nations were at war… Giáo Già nhận được một email gởi đi từ Úc nói rằng: “Thủ tướng Úc nói như vậy là có ý nhắc đến trận đánh nổi tiếng nhất của quân đội Úc xảy ra vào ngày 18/08/1966 tại Núi Đất, xã Long Tân, Vũng Tàu. Trận đánh này được gọi là trận đánh Long Tân (Battle of Long Tan), phía Úc chỉ có 108 chiến sĩ mà đã phải đối đầu với một lực lượng VC quá chênh lệch trên dưới 20 lần (1500 – 2500 bộ đội). Kết quả là VC đã bị đánh tan tác (http://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Long_Tan) với 245 tên chết tại chỗ.”

Có điểm rất đặc biệt đáng ghi nhận là Sau khi nghe ông Abbott nói thẳng như vậy, và được hỏi có cảm tưởng gì, thì Dũng không dám trả lời mà chỉ gượng gạo cười, rồi lảng qua chuyện khác. Câu hỏi được đặt ra là “Tại sao Dũng không dám trả lời?” Có thể là tuy có thông dịch nhưng Dũng không hiểu ông Abbott nói gì; hoặc hiểu nhưng không biết trả lời sao cho ổn, đành ngậm miệng cho chắc… ăn. Tin này được báo The Guardian của Úc đăng tải cùng lúc với việc nhắc đến bản tường trình về Nhân Quyền của ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc nhiệm của Liên Hiệp Quốc, sau khi đi thị sát ở Việt Nam đã nhận định rằng tình trạng nhân quyền tại đây (VN) hiện nay còn rất tồi tệ!

Được biết thêm là sáng ngày 18/3, trước Quốc Hội Liên Bang Úc, tuy trời mưa, lại đúng vào Thứ Tư, ngày làm việc, cuộc biểu tình cũng quy tụ đông đảo đồng hương, với sự tham dự của Dân Biểu Liên Bang Chris Hayes.  Dịp này BTC cũng vạch trần bản chất lật lọng, dối trá, bất nhân của VC trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, khiến hàng triệu người Việt đã chết trên chiến trường, trong lao tù cải tạo, trong rừng sâu, trên đại dương…. Đặc biệt, BTC cũng tố cáo Nguyễn Tấn Dũng kéo bè tham nhũng, tẩu tán tiền của viện trợ từ ngoại quốc, làm thất thoát ngân sách quốc gia nhiều tỷ Mỹ kim… và đồng thanh hô vang các khẩu hiệu như: “VC cút đi! VC dối trá! Đả đảo VC! Nguyễn Tấn Dũng, kẻ dối trá! Nguyễn Tấn Dũng, trùm tham nhũng! Nguyễn Tấn Dũng, kẻ thù của Internet! Nguyễn Tấn Dũng, kẻ phản quốc dâng đất dâng biển cho Trung Cộng! Nguyễn Tấn Dũng cút đi! Tự Do cho VN! Dân Chủ cho VN!…”

Cũng được biết thêm là Dũng đã có buổi gặp gỡ, được truyền thông VC mệnh danh là “đồng bào ta tại Sydney”, nhưng số người tham dự chỉ có một vài doanh gia gọi là “Việt kiều yêu nước”, với một số du sinh đang theo học tại Sydney (do một du sinh cho biết với điều kiện được giấu tên). Buổi gặp gỡ “đồng bào ta tại Sydney”… đã không được VC cho truyền thông tham dự, kể cả SBS Radio.

Như vậy, chuyến công du của Dũng ở Úc châu coi như thất bại, cho dầu nó có khiến dư luận nghĩ rằng đây là nỗ lực giúp Dũng hướng về phía Tây phương trên đường “thoát Trung”. Nhưng Dũng có “thoát Trung” được không khi bản chất con người Dũng là bản chất của “con ma nhà họ Hứa”, cứ “nói”, cứ “hứa”, nhưng chẳng bao giờ “làm”, như khi nhậm chức nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên đã long trọng hứa rằng “sẽ từ chức nếu không diệt được tham nhũng”; nhưng từ đó cho đến gần hết nhiệm kỳ thứ 2 rồi mà tham nhũng chẳng những không bị diệt mà càng lúc càng trầm trọng hơn; do Dũng dùng tham nhũng làm “lợi ích” ban phát cho đàn em, mua phiếu trong hàng ngũ các ủy viên Trung ương Đảng, cho Dũng chẳng những không bị “trừng phạt” mà còn củng cố vị thế Dũng…; có thể giúp Dũng ngồi lên ghế Tổng Bí thư, tiến lên vị thế Tổng thống của nước “VN dộc tài mới” như Tổng thống Putin của Nga sô hiện hành.

Mặt thật của Dũng là “lá mặt” “lá trái”; chẳng những Dũng không “thoát Trung” mà lúc nào cũng “gắn bó với Trung”, ngay từ sau ngày cấp lãnh đạo Trung cộng đích than sang Hà Nội chỉ thị cho Dũng làm Thủ tướng, để từ đó lúc nào Dũng cũng hành động cho những “lợi ích” của Trung cộng.  Điển hình như mới đây Dự án Formosa trị giá 15 tỷ USD bao gồm Khu liên hợp gang thép công suất 22 triệu tấn/năm và Cảng nước sâu Sơn Dương ở Hà Tĩnh, được cấp phép từ năm 2008, bị Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm, trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đúng ra Hà Tĩnh chỉ được cấp phép tối đa 50 năm, nhưng ngày 21/5/2008 Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với thời hạn 70 năm; nhưng ngày 3/3/2015 sau phiên họp Chính phủ tại Hà Nội, Thanh tra Nguyễn Văn Nên cho báo chí biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý không thay đổi thời hạn giấy phép kéo dài 70 năm của Fomosa; sử dụng diện tích 3.300 ha, bao gồm 2.000 ha trên đất liền và 1.200 ha mặt nước, ở phía Nam Vịnh Vũng Áng, Hà Tĩnh; nó còn được miễn thuế đất 15 năm, và cho thuê 33 triệu m2 vuông đất với giá rẻ chỉ có 80 đồng/m2/năm, tiền thuê mặt nước 10 triệu đồng/km2; nó còn nợ gần 200 tỷ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường…

Nhận định về sự kiện vừa nêu, TS Nguyễn Quang A một nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từ Hà Nội phát biểu: “Đây là một vấn đề hết sức là nghiêm trọng, bởi vì chính các cơ quan nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước này là những nơi vi phạm pháp luật rất là nghiêm trọng. Việc hợp thức hoá một quyết định trái với qui định của nhà nước thì tôi nghĩ cũng lại là trái pháp luật nữa. Về vấn đề Vũng Áng thì đúng là một chuyện hết sức kỳ quặc. Quyết định này cho thấy có những thế lực thực sự đã bán rẻ theo ý người ta.” 

Được biết, vấn đề an ninh quốc phòng đối với dự án Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh rất quan trọng, vì nó khá gần đảo Hải Nam của Trung Quốc, nếu có chiến tranh Trung Quốc dễ khống chế vịnh Bắc Bộ cắt đứt hải lộ Bắc Nam; đó là chưa nói tới sự kiện đường bộ từ Lào qua Hà Tĩnh chỉ tốn vài giờ vận chuyển. Chính Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ CS Việt Nam tại Trung Quốc đã từng nói: “Hà Tĩnh là cái yết hầu của miền Trung và hơn nữa nó xây dựng thành một thứ căn cứ, ở trong đó phức tạp lắm chứ không phải chỉ đơn giản là chỗ luyện thép đâu. Cho nên tôi cho là những người lãnh đạo chỉ huy các tỉnh chỉ thấy tiền mà không thấy nguy hiểm cho đất nước.”

Còn nhớ, theo Dân Trí Online, tỉnh Hà Tĩnh cho biết chính Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký cho phép địa phương thực hiện việc cấp chứng nhận đầu tư thời hạn 70 năm; mà Hoàng Trung Hải là một tên VC gốc Tàu 100%. Trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII (tháng 7.2007), Nguyễn Tấn Dũng đã nhất quyết đề cử Hoàng Trung Hải vào vị trí quan trọng thứ hai trong chính phủ: Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế. Mặc dù lúc đó một số cán bộ ở Ban Tổ chức Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã gửi Tâm Huyết Thư cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tố cáo lý lịch người Hán của ông Hoàng Trung Hải, nhưng vẫn không ngăn chặn được. Đã vậy, Nguyễn Tấn Dũng còn tin tưởng giao phó cho ông ta vô số trọng trách quán xuyến nền kinh tế khác, để rồi, nhờ “công lao” của cặp bài trùng Nguyễn Tấn Dũng – Hoàng Trung Hải mà Trung Quốc đã đặt chân vào; và từng bước khống chế nhiều vị trí xung yếu về an ninh, quốc phòng ở Việt Nam, với một loạt dự án thuê đất rừng đầu nguồn ở một số tỉnh, dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hai dự án du lịch của người Hoa trên đèo Hải Vân, dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận

Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cũng cảnh báo về những nguy cơ nảy sinh từ việc Việt Nam cho Trung Quốc thuê hàng chục cây số dọc bờ biển Hà Tĩnh và vùng cửa khẩu Vũng Áng.

Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà thầu Trung Quốc trúng thầu đến 90% các dự án hạ tầng trọng điểm ở Việt Nam, với vô số hệ luỵ về an ninh, quốc phòng… và những thiệt hại không thể kể hết, như:

Về cung cách quan liêu của người lãnh đạo VC gốc Tàu 100% Hoàng Trung Hải [xem hình] này, xin được ghi lại nơi đây một phần bài viết của blogger Nguyễn Văn Tuấn như sau:

“…Tôi vừa dự một hội nghị chuyên ngành từ Phú Quốc về, và trong thời gian ngắn ngủi đó cũng được nhìn thấy sự quan liêu và lãng phí ghê gớm trong các quan chức cao cấp ở nước ta.

Hội nghị thu hút khoảng 270 người đến tham dự, với sự tài trợ nhiệt tình của các công ti dược. Khách sạn Sasco Blue Lagoon Resort được chọn làm nơi tổ chức, và khách tham dự đã đặt phòng từ một tháng trước. Tưởng rằng đã đặt phòng thì chắc ăn sẽ có phòng để ở, nhưng ở Việt Nam “sự đời” không đơn giản như thế.

Một số khách đến ngày hội nghị, đến nơi check-in thì được biết là đã… mất phòng! Tại sao? Tại vì phái đoàn tùy tùng của ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ra thị sát hay đi holiday gì đó ở đảo Phú Quốc, và vì khách sạn là của Nhà nước, nên họ phải dành phòng cho tùy tùng của ông phó thủ tướng, và tống cổ khách đi khách sạn khác. Một kiểu làm business rất đặc thù của các công ti thuộc Nhà nước Việt Nam.

Chưa hết. Khoảng 10 khách mời và diễn giả (speakers) của hội nghị từ Hà Nội cũng không tham dự được, cũng chỉ vì người ta dành ưu tiên cho chuyến bay của ông Hoàng Trung Hải. Cần nói thêm rằng những người này đã mua vé máy bay (Vietnam Airlines) từ cả tháng trước. Nhưng bất chấp mọi qui luật business, Vietnam Airlines vẫn lấy chỗ của các hành khách này để cho đoàn tùy tùng của ông Hoàng Trung Hải! Một số còn “đau” hơn, vì họ đã bay vào Sài Gòn, nhưng đành phải bay về Hà Nội chứ không có chỗ để đi Phú Quốc.

Tôi có cơ duyên được tạm trú tại khách sạn Sasco Blue Lagoon Resort cùng với ông Hoàng Trung Hải, nhưng không có cơ duyên diện kiến ngài. Tôi thường ăn sáng tại một nhà ăn có 2 tầng, và tôi thường chọn tầng trên để nhìn ra biển. Nhưng vì sự có mặt của Hoàng Trung Hải nên tôi và một số bạn bị đuổi xuống tầng dưới. Làm quan lớn cỡ như ông Hoàng Trung Hải đúng là sướng thiệt vì được “ăn trên ngồi trước”, cũng là một hình thức đóng vai các quan thuộc địa của Pháp ngày xưa mà Ba tôi thường kể lại.

Đến ngày ngài phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lên đường về Hà Nội thì lại là một sự kiện trên đảo Phú Quốc. Xe quân đội biển số đỏ chận các nút đường, và xe công an biển xanh hú còi, dọn đường cho xe của ngài đi.

Nghe nói ông Hoàng Trung Hải và tùy tùng đi thị sát tiến độ thi công công trình sân bay Phú Quốc. Nhưng cũng có tin là ông ta đi thị sát công trình gì đó ở Hà Tiên rồi nổi hứng ra Phú Quốc chơi. Nhưng dù là Hà Tiên hay Phú Quốc thì ông ta cũng chỉ tiêu ra vài phút ngắm nhìn công trình, chỉ tay phía bên này, chỉ tay phía bên kia để phóng viên chụp hình.

Tính ra thời gian ông Hoàng Trung Hải lưu lại trên Phú Quốc chỉ có một ngày, nhưng ông ta và tùy tùng ông ta đã gây ra biết bao phiền toái cho người dân. Đó là chưa nói đến khoản chi phí rất lớn để lo cho ông ấy và tùy tùng của ông ấy.

Sống ớ nước ngoài lâu, tôi chưa bao giờ chứng kiến cái cảnh bộ trưởng hay phó thủ tướng đi mà có xe cảnh sát dọn đường, chưa bao giờ chứng kiến cảnh bộ trưởng, thậm chí thủ tướng, ăn trên ngồi trước. Tôi cũng từng có cơ duyên gặp một hay hai bộ trưởng Úc nên thấy được phong cách bình dân của họ như thế nào. Thủ tướng Úc đi công tác các tiểu bang chỉ có 2 người (ông ấy và bảo vệ) và đi trên chuyến bay dân sự như mọi người dân khác. Còn ở Việt Nam, tôi thấy các quan chức cứ như là những ông trời hay thần thánh sao ấy…”

Hẹn con thư sau,

Giáo Già (Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)