Thư Cho Con – Giáo Già

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thư Cho Con – Giáo Già

Chia Lửa Với Đoan Trang Trên Đường Chống Tàu Diệt Việt Cộng

Ngày 22 tháng 10 năm 2020

Tin được phổ biến trên đài RFA ngày 18-10-2020 cho biết “Đặc ủy Nhân quyền Đức ‘quan ngại sâu sắc’ việc Phạm Đoan Trang bị bắt” [Xem hình: Nhà báo Phạm Đoan Trang (trái) và Đặc uỷ Nhân quyền của Đức – bà Bärbel Kofler / Photo: RFA]

Tin cho biết Bà Bärbel Kofler – Đặc ủy Nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức hôm 16-10-2020 bày tỏ trên tài khoản Twitter rằng, bà quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Việt Nam bắt giam nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Phạm Đoan Trang.

“Tôi vô cùng lo ngại về việc giam giữ bà Phạm Đoan Trang – – tác giả, nhà hoạt động nhân quyền và là cựu học giả của Villa Aurora LA.

Tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam bảo vệ quyền tự do bày tỏ chính kiến, được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế”, bà Bärbel Kofler viết.

Tài khoản Twitter của Tòa đại sứ Đức tại Việt Nam sau đó cũng dẫn lại nguyên văn phát biểu này của Đặc ủy nhân quyền Đức. Năm 2017, tổ chức People In Need của Cộng hòa Séc trao cho cô Trang giải thưởng Homo Homini 2017 và vinh danh cô là “một trong những nhân vật hàng đầu của bất đồng chính kiến Việt Nam đương đại”. Tháng 9-2019, Tổ chức Phóng viên không biên giới trao giải thưởng Tự do Báo chí hạng mục Tầm ảnh hưởng cho cô Phạm Đoan Trang vì các đóng góp của bà cho tự do báo chí ở Việt Nam.

Được biết “Đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 24 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam” diễn ra trong hai ngày 06 và 07 tháng 10/2020. Đúng vào ngày này, “tại Sài Gòn, chính quyền Việt Nam đã bắt nhà báo độc lập Phạm Thị Đoan Trang”, tác giả nhiều quyển sách hướng dẫn tranh đấu cho nhân quyền và tự do ngôn luận, đồng thời là thành viên Nhóm Hành Động Vì (xã) Đồng Tâm.

Theo thông tin của bộ Ngoại Giao Mỹ, trong cuộc họp trực tuyến dài ba tiếng đồng hồ, hai phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam đã đề cập rộng rãi đến các vấn đề nhân quyền, tầm quan trọng của tiến độ và hợp tác song phương hướng về Nhà nước thượng tôn pháp luật, tự do ngôn luận, lập hội, tự do tôn giáo và quyền lao động. Các cộng đồng thiểu số và khuyết tật cũng không bị bỏ quên trong cuộc đối thoại Mỹ-Việt, mà tiến bộ về nhân quyền và tự do được xem là chìa khóa để xây dựng quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt, theo thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ.

Trưởng đoàn đối thoại của Mỹ là Scott Busby, quyền trợ lý thứ nhất phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Trưởng đoàn Việt Nam là vụ trưởng vụ Tổ chức Quốc tế bộ Ngoại Giao Đỗ Hùng Việt. Trong khi đó tại Việt Nam, vào lúc nửa đêm ngày 06/10/2020, nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt. Truyền thông Hoa Kỳ và các blogger tại Sài Gòn, Hà Nội cho biết Phạm Đoan Trang bị công an bắt tại nhà trọ và cáo buộc nhà hoạt động cho nhân quyền và dân chủ «tàng trữ, phát tán tài liệu chống Nhà nước».

Biết sớm muộn gì cũng bị lao tù, nhà báo Phạm Đoan Trang, trong bức thư ngày 27/05/2019, đã kêu gọi bạn hữu tiếp tục tranh đấu cho bộ Luật Bầu cử và tổ chức Quốc Hội, quảng bá các tác phẩm tranh đấu bất bạo động và viết báo… [Xem phụ đính 1].Blogger Đoan Trang còn là thành viên của Nhà Xuất Bản Tự Do và Nhóm tranh đấu cho dân làng Đồng Tâm.

Liên quan đến cô Phạm Đoan Trang, luật sư Đặng Đình Mạnh hôm 17-10 cho hay, một hôm trước luật sư nhận được thông báo “Để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc giai đoạn điều tra”. Theo luật sư Đặng Đình Mạnh thì trong thời gian tới các luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Miếng, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân và Ngô Anh Tuấn cũng sẽ sớm làm thủ tục đăng ký bào chữa với cơ quan điều tra.

Cộng hoà Séc, Mỹ và hàng chục tổ chức nhân quyền, nhà xuất bản quốc tế sau đó đã lên tiếng chỉ trích việc làm này của phía Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho cô Trang lập tức và vô điều kiện.

Điển hình như Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal cảm thấy bất bình và cần lên tiếng trên sóng RFA phát về Việt Nam. Dân biểu này nói:

…Sau vụ việc nhà báo trẻ tuổi Nguyễn Văn Hóa được tôi xác nhận bảo trợ mới rồi, nhưng  giờ tới lượt Phạm Đoan Trang bị bắt cùng ngày với vòng đối thoại nhân quyền Mỹ Việt hôm 6/10 khiến tôi vô cùng bất bình. [Xem hình: Dân biểu Mỹ Alan Lowenthal phát biểu trước Hạ viện Mỹ về nhân quyền ở Việt Nam hôm 11/6/2015].

Tôi nghĩ rõ ràng Việt Nam đã lợi dụng tình hình bận rộn trước bầu cử trên chính trường Hoa Kỳ để tăng gia đàn áp giới bất đồng chính kiến mà mới nhất là nhà báo Phạm Đoan Trang, một tác giả, một người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vinh danh hồi năm ngoái.

.…Xu hướng bắt giữ những nhà hoạt động, đàn áp phong trào dân chủ, điển hình như khi vòng đối thoại nhân quyền Mỹ Việt năm nay vừa kết thúc, cũng như trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng, càng khiến tôi tin rằng Việt Nam thực sự muốn dập tắt mọi tiếng nói, mọi chống đối trước khi Đại hội Đảng cộng sản diễn ra năm 2021.

Tôi đã ngay lập tức liên lạc với ông Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng như với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở đây, nhằm bày tỏ mối quan tâm sâu sắc trước sự đàn áp bắt bớ những nhà hoạt động dân chủ, đồng thời yêu cầu đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội áp lực Việt Nam trả tự do ngay tức khắc cho những người này.

…Tôi còn biết nhà báo Phạm Đoan Trang đã viết một thư ngỏ, qua đó nói rằng cô biết mình sẽ bị bắt một ngày không xa và muốn người bên ngoài cũng như cộng đồng quốc tế thấu hiểu khát vọng của cô trong việc tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ.

…Tôi sẽ dùng bức thư này để một lần nữa nhắc nhở các đồng nhiệm của tôi rằng Chính phủ Việt Nam rất sợ những nhà báo độc lập thường phô bày chủ trương kiểm duyệt đàn áp báo chí của nhà cầm quyền…

…Việt Nam đang đi theo một hướng sai lầm, chuyện bắt giữ nhà hoạt động Phạm Đoan Trang ngay sau cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ Việt vừa rồi là một sai lầm điển hình và đáng ngại nhất.  Chúng tôi trong lập pháp Hoa Kỳ phải nói lên sự thật để mong nhà cầm quyền Việt Nam hiểu rằng thăng tiến nhân quyền, tôn trọng tự do báo chí, chấp nhận tư tưởng đối kháng là những điều kiện tiên quyết cho một Việt Nam phát triển.

Ngoài ra, Ủy Ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vào ngày 7 tháng 10 phát đi kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Ngoài ra CPJ còn kêu gọi phía Việt Nam hủy những cáo buộc đưa ra đối với cô này. Theo CPJ thì cô Phạm Đoan Trang là một nhà báo nổi bật tại Việt Nam. Cô đóng góp bài viết đều đặn cho những trang web độc lập. Ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại khu vực Đông Nam Á kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam phải dừng việc đối xử với các nhà báo độc lập như những tội phạm.

Trước CPJ, các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế gồm Human Rights Watch, Phóng viên Không Biên giới và Ân Xá Quốc tế cũng có phản đối và kêu gọi tương tự đối với việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang. Tiếp đến, hai tổ chức theo dõi nhân quyền khác là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền cũng lên tiếng về trường hợp này.

Cũng được biết thêm là Lực lượng công an, an ninh Việt Nam trong nhiều năm qua từng bắt giữ, đánh đập, tra tấn cô Phạm Đoan Trang đến mức thương tật, cũng như hạn chế quyền đi lại của cô. Trong 3 năm qua cô phải thay đổi chỗ ở 50 lần để tránh sự truy bắt của an ninh Việt Nam.

Có điều rất đáng quan tâm là Trịnh Hữu Long, một người gắn bó với Đoan Trang trong Luật Khoa Tạp Chí, đã có bài viết liên quan đến nội vụ cho rằng “Khi Tự Do Cho Đoan Trang Là Không Đủ” vì “Mỗi lần có nhà hoạt động nào đó bị bắt, các chiến dịch “Tự do cho A,” “Free B” lại nổi lên, như một cách phản ứng với hành vi đàn áp nhân quyền của chính quyền. Đây là một hình thức đấu tranh thuộc loại cổ xưa nhất, phổ biến nhất, quen thuộc nhất”. [Xem phụ đính 2].

Trịnh Hữu Long cho biết thêm là “Tôi đã ở trong những phong trào đó, thậm chí tổ chức những chiến dịch đó nhiều lần trong suốt chín năm qua. Và sau cùng tôi phải tự hỏi: tôi sẽ làm việc này đến bao giờ? Và liệu có ích lợi gì hay không? Người bị bắt thì vẫn bị bắt. Người bị kết án tù thì vẫn bị kết án. Thậm chí các án tù ngày càng dài hơn. Và ngày càng nhiều người bị bắt hơn. Không có bất cứ thay đổi nào về pháp luật, thể chế cả. Bất chấp mọi nỗ lực của người dân trong nước lẫn nước ngoài. Và rồi nếu may mắn lắm thì những chiến dịch vận động này sẽ giúp được cho người tù được… đi tị nạn ở nước ngoài, vốn là điều không phải ai cũng mong muốn”.

Trinh Hưu Long nói:

Đoan Trang cho tôi một câu trả lời cho những trăn trở của mình:

“Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.”  

“Cô viết như vậy trong một tâm thư đề ngày sinh nhật lần thứ 41 của cô, 27 Tháng Năm, 2019, khi đang sống rày đây mai đó để trốn công an. Bức thư này, cô dặn, chỉ công khai khi cô bị bắt có án. Bắt có án khác với bắt cóc vài giờ, vài ngày rồi thả. Sau nhiều lần bị bắt cóc, lần này họ bắt có án. Hai mươi năm tù đang treo lơ lửng trên đầu Đoan Trang. Nếu muốn tự do cho riêng mình, Đoan Trang đã từng có ít nhất hai cơ hội”…

Trinh Hữu Long viết thêm:

“Hơn một lần Đoan Trang nói với tôi rằng cách hoạt động tốt nhất là làm mẫu, làm gương, trực tiếp làm những gì mình muốn người khác làm. Có như vậy thì xã hội mới thấy được dân chủ, nhân quyền, pháp quyền trên thực tế nó ra làm sao, hình hài nó như thế nào, còn chỉ nói suông thì không ăn thua… Giới hoạt động có một từ lóng là “chia lửa,” nghĩa là san sẻ những công việc nguy hiểm cho nhiều người, mỗi người một chút, để giảm bớt rủi ro nhau. Việc chia sẻ đó có thể do phối hợp với nhau, nhưng rất thường xuyên là do không hẹn mà thành, nghĩa là có những người chủ động tham gia mà không hề quen biết hay bàn bạc trước.

…Trang hay nói với tôi, những việc này có gì to tát đâu, có gì khó khăn đâu, trình độ của cô có phải là không ai có đâu, tại sao luẩn quẩn mãi vẫn chỉ có vài người làm? Vài người làm, nghĩa là vài người gánh toàn bộ rủi ro. Vài người đó sẽ đi tù, để rồi những người ở lại như chúng ta sẽ lại giận dữ, sẽ lại đòi trả tự do, rồi mọi việc sẽ lại chìm xuồng, chúng ta trở về với nhịp sống cũ…

…Ta sẽ chịu luẩn quẩn mãi với cái ván bài mà chính quyền soạn sẵn hay sao? Sẽ đòi trả tự do cho hết người này tới người kia hay sao? Rồi sẽ lại quay trở về với nhịp sống cũ lấm lem bận rộn trong cái lồng vĩ đại chứa 100 triệu người đó hay sao?

…Mọi chuyện sẽ khác đi nếu có thêm nhiều người tham gia làm những việc như Trang làm, hay là những việc khác để kiến tạo thay đổi xã hội. Làm như vậy sẽ có hai cái lợi.

  1. Một là “chia lửa” cho những người hiện vẫn đang đấu tranh, giảm rủi ro cho họ, và hạn chế khả năng họ bị bắt như Đoan Trang. Nguồn lực của chính quyền có hạn. Họ có thể đầu tư theo dõi và kiểm soát một vài người, còn lên đến hàng nghìn người thì mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Đó là chưa kể chúng ta có thể “chia lửa” từ bên ngoài Việt Nam. Chẳng hạn như “Báo Cáo Đồng Tâm” là việc chỉ cần ngồi thu thập dữ liệu trên Internet và phỏng vấn qua điện thoại một vài người là đã có thể viết được, không cần thiết phải ở trong nước.
  2. Hai là bình thường hóa các hoạt động báo chí, xuất bản độc lập; bình thường hóa các sinh hoạt chính trị vốn đang bị cho là “nhạy cảm.” Khi những hoạt động này trở nên bình thường, nghĩa là được xã hội cho là việc phi nhạy cảm, thì dần dần chính quyền cũng phải thừa nhận nó. Cũng giống như trước đây, làm ăn kinh doanh cá thể bị cho là tội phạm, nhưng người ta vẫn làm, dần dần chính quyền phải thừa nhận nó là một thành phần kinh tế. Kể từ năm 1986, họ không còn coi làm ăn cá thể là tội phạm nữa. Tất cả mọi người đều được lợi.

Với tôi, cách tốt nhất để giúp Đoan Trang và những người như Đoan Trang là bản thân mỗi người hãy bắt tay vào làm một cái gì đó, để rồi sau cùng, tất cả mọi người sẽ được lợi khi không gian chính trị trở nên tự do hơn, không ai còn bị bắt bớ, giam cầm vì viết sách, viết báo nữa. Ta sẽ không còn phải đòi tự do cho người này, công lý cho người kia nữa. Đoan Trang đã hoàn thành sứ mệnh của cô ấy. Bây giờ đến lượt những người ở lại như chúng ta. Kể cả ngày mai Đoan Trang được trả tự do, dù Đoan Trang ở trong nước hay nước ngoài, thì sứ mệnh này vẫn là của mỗi người trong chúng ta.

Nếu có yêu Trang, hãy làm tiếp những việc Trang làm.

* * *

Nói đến chuyện ” với Đoan Trang, Giáo Già nhớ tới bài thơ “Đừng Lo Lửa Tắt” đã viết từ lâu, nay xin ghi lại đây như niềm tin với “lửa của Đoan Trang”:

Đừng Lo Lửa Tắt

Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi vui với ai (Vũ Hoàng Chương)

Em ơi lửa tắt đừng lo

Ta cùng nhóm lại và chờ đoàn viên

Câu kinh tiếng kệ triền miên

Trà ngon nung ấm hương thiền ngất ngây

Rượu thiền ta lại uống say

Chớp mi nháy mắt nhìn ngày hồi hương

Cờ vàng rực sáng con đường

Ta cùng nhóm lửa ướp hương nhơn tình

Giáo Già

(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)

Phụ đính 1

NẾU TÔI CÓ ĐI TÙ….

Sài Gòn, ngày 27/5/2019

Gửi các anh chị em, bạn bè thân yêu của tôi,

Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.

Tôi có một số mục đích định trước như vậy. Thế nhưng đi tù chỉ là bước đầu để thực hiện các mục đích này, còn muốn hoàn thành thì rất, rất cần sự tiếp sức của các bạn.

Tôi trông cậy vào các bạn. Xin giúp tôi hoàn thành các mục đích sau, nếu tôi có phải vào tù.

Trân trọng cảm ơn tất cả.

1.           Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới Mong các bạn làm mọi cách để gắn việc tôi đi tù (nếu có) với luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới. Làm sao để công luận biết rằng tôi đã tham gia nghiên cứu và đưa ra luật mới về bầu cử và tổ chức quốc hội, và tôi bị bắt một phần là vì lý do đó. Tôi muốn có một phong trào xã hội rộng lớn thúc đẩy việc thông qua hai luật này.

2.           Quảng bá các cuốn sách tôi viết Tôi mong rằng việc mình bị bắt, đi tù hoặc gặp bất kỳ điều gì khác, nhất là đi tù, sẽ là cơ hội để quảng bá các cuốn sách tôi viết, giúp sách được nhiều người đọc hơn, dưới bất kỳ hình thức gì dù là bản in hay bản điện tử hay sách nói. Tôi viết nhiều sách nhưng đây là những cuốn tôi mong muốn phổ biến nhất:

a) Chính trị bình dân;

b) Cẩm nang nuôi tù;

c) Phản kháng phi bạo lực;

d) Politics of a Police State (tiếng Anh);

e) Các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.

3.           Biến việc đi tù thành cơ hội để tận dụng. Nhà nước CHXHCN Việt Nam lâu nay luôn coi tù nhân lương tâm là một công cụ để mặc cả, trao đổi với nước ngoài. Khi trả tự do cho một tù nhân lương tâm và tống xuất người đó ra nước ngoài, nhà nước thu được rất nhiều cái lợi: ký được một hiệp định kinh tế nào đó, đánh bóng hình ảnh “tôn trọng nhân quyền”, vô hiệu hóa một biểu tượng đấu tranh vì tự do, và phớt lờ tất cả các yêu cầu cải cách thể chế.

Tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi. Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.

Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta.

Nói cách khác, tôi không muốn có một phong trào kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho Trang”. Tôi muốn một phong trào xã hội rộng lớn, thúc đẩy việc “trả tự do cho Trang và thông qua luật bầu cử mới”, “trả tự do cho Trang và bảo đảm bầu cử tự do, công bằng”, v.v.

Tóm tắt ba mục (1), (2) và (3) Nếu tôi bị bắt, tôi mong muốn các bạn làm truyền thông theo hướng vận động mỗi người, nếu ủng hộ tôi thì không cần làm gì nhiều, cũng không cần hô hào “tự do cho Trang”, mà chỉ cần truyền bá thông điệp sau:

  • “Tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Đoan Trang”, hoặc
  • “Tôi ủng hộ Đoan Trang, nên tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Trang”, hoặc
  • “Yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam”, hoặc
  • “Ủng hộ ứng viên độc lập vào Quốc hội”.

* * *

Vài điểm xin các bạn lưu ý thêm:

1.           Xin chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ là hai mẹ con đang đơn độc. Công an cũng đã đe dọa các anh trai và chị dâu tôi rất nhiều; xin bảo vệ họ.

2.           Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.

3.           (Nhưng) tôi nhận hành vi: Tôi luôn khẳng định tôi là tác giả của các cuốn “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”, cũng như tất cả các sách và báo cáo khác tôi từng viết và để tên thật.

Tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam. Tôi muốn được mọi người nhắc đến như một người viết, luôn cố gắng để góp phần khai dân trí về các giá trị tự do, dân chủ, và luôn đấu tranh để thay đổi xã hội.  

4.           Nếu có thể, xin vận động để tôi được nhận cây đàn guitar của tôi. Đối với tôi, đàn guitar quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa giáo.

5.           Tôi không quan tâm đến số năm tù theo bản án, do đó tôi không cần luật sư bào chữa để giảm án – một điều hẳn nằm ngoài khả năng của các luật sư trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Thay vì thế, tôi mong các luật sư có thể làm một kênh truyền tải thông tin giữa tôi và mọi người bên ngoài.

6.           Không ưu tiên tôi hơn các tù nhân lương tâm khác.

7.           Nếu có vận động để trả tự do cho tôi, xin các bạn bắt đầu từ khoảng năm thứ ba hoặc thứ tư (tính từ thời điểm bị bắt), và xin hết sức lưu ý gắn mọi chiến dịch vận động với việc thực hiện các mục đích tôi đã nêu trên.

Kịch bản lý tưởng là tôi được trả tự do mà vẫn ở Việt Nam (không bị tống xuất ra nước ngoài) và những mục đích tôi đề ra đều được hoàn thành.

Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ.

Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.

Phạm Đoan Trang

Phụ đính 2

Khi ‘tự do cho Đoan Trang’ là không đủ

Oct 12, 2020 cập nhật lần cuối Oct 12, 2020

Trịnh Hữu Long (Luật Khoa Tạp Chí)

Mỗi lần có nhà hoạt động nào đó bị bắt, các chiến dịch “Tự do cho A,” “Free B” lại nổi lên, như một cách phản ứng với hành vi đàn áp nhân quyền của chính quyền. Đây là một hình thức đấu tranh thuộc loại cổ xưa nhất, phổ biến nhất, quen thuộc nhất. [Xem hình: Nhà báo Phạm Đoan Trang / Facebook Pham Doan Trang)

Tôi đã ở trong những phong trào đó, thậm chí tổ chức những chiến dịch đó nhiều lần trong suốt chín năm qua. Và sau cùng tôi phải tự hỏi: tôi sẽ làm việc này đến bao giờ? Và liệu có ích lợi gì hay không?

Người bị bắt thì vẫn bị bắt. Người bị kết án tù thì vẫn bị kết án. Thậm chí các án tù ngày càng dài hơn. Và ngày càng nhiều người bị bắt hơn. Không có bất cứ thay đổi nào về pháp luật, thể chế cả. Bất chấp mọi nỗ lực của người dân trong nước lẫn nước ngoài.

Và rồi nếu may mắn lắm thì những chiến dịch vận động này sẽ giúp được cho người tù được… đi tị nạn ở nước ngoài, vốn là điều không phải ai cũng mong muốn.

Đoan Trang cho tôi một câu trả lời cho những trăn trở của mình:

“Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.”

Cô viết như vậy trong một tâm thư đề ngày sinh nhật lần thứ 41 của cô, 27 Tháng Năm, 2019, khi đang sống rày đây mai đó để trốn công an. Bức thư này, cô dặn, chỉ công khai khi cô bị bắt có án. Bắt có án khác với bắt cóc vài giờ, vài ngày rồi thả. Sau nhiều lần bị bắt cóc, lần này họ bắt có án. Hai mươi năm tù đang treo lơ lửng trên đầu Đoan Trang.

Nếu muốn tự do cho riêng mình, Đoan Trang đã từng có ít nhất hai cơ hội.

Một là sau lần bị tạm giữ hình sự chín ngày hồi năm 2009, nếu cô ngoan ngoãn và không đụng chạm đến các đề tài nhạy cảm, không giao lưu với các thành phần bị cho là “phản động” thì cuộc sống của cô, dù không được tự do theo đúng nghĩa của nó, cũng ít nhất là an toàn và no đủ.

Một lần nữa là khi Đoan Trang ra nước ngoài, đặc biệt là khi học ở Mỹ, cô có cơ hội không thể tốt hơn để ở lại định cư lâu dài khi có ít nhất ba cơ quan, tổ chức nhận bảo trợ hồ sơ của cô.

Vậy thì tại sao Đoan Trang lại chọn trở về và không chịu rời đi? Vì Đoan Trang hiểu tự do cho riêng cô không có nghĩa lý gì với đất nước cả. Đất nước cần những người dấn lên và cơi nới không gian tự do cho tất cả. Điều đó đơn giản và dễ hiểu biết bao, nhưng khó thành hiện thực biết bao.

Đoan Trang cũng có thể hoạt động và đóng góp từ bên ngoài, vốn là việc nhiều người – trong đó có tôi – đang làm, nhưng cô đã chọn cách khó nhất là trở về và đấu tranh trực diện. Cô viết báo, viết sách, dạy học ngay trước mắt công an.

Hơn một lần Đoan Trang nói với tôi rằng cách hoạt động tốt nhất là làm mẫu, làm gương, trực tiếp làm những gì mình muốn người khác làm. Có như vậy thì xã hội mới thấy được dân chủ, nhân quyền, pháp quyền trên thực tế nó ra làm sao, hình hài nó như thế nào, còn chỉ nói suông thì không ăn thua.

Nỗ lực làm mẫu, làm gương đó của Đoan Trang đến nay thành công đến đâu, có bao nhiêu người làm theo thì tôi chưa rõ, nhưng liên quan đến việc Đoan Trang bị bắt, tôi xin kể thế này.

Giới hoạt động có một từ lóng là “chia lửa,” nghĩa là san sẻ những công việc nguy hiểm cho nhiều người, mỗi người một chút, để giảm bớt rủi ro cho nhau. Việc chia sẻ đó có thể do phối hợp với nhau, nhưng rất thường xuyên là do không hẹn mà thành, nghĩa là có những người chủ động tham gia mà không hề quen biết hay bàn bạc trước.

Ta thử hình dung nếu như những gì Đoan Trang làm suốt năm năm qua, kể từ khi về nước, được chia ra cho năm người, 10 người, thì liệu Trang có bị bắt hay không? Gần đây nhất, nếu hai bản Báo Cáo Đồng Tâm không phải là do Trang trực tiếp làm (với một số bạn khác hỗ trợ) thì liệu Trang có bị bắt hay không? Đó là những ví dụ nhỏ cho thấy nếu có thêm nhiều người tham gia thì rủi ro cho Trang đã có thể thấp hơn rất nhiều.

Trang hay nói với tôi, những việc này có gì to tát đâu, có gì khó khăn đâu, trình độ của cô có phải là không ai có đâu, tại sao luẩn quẩn mãi vẫn chỉ có vài người làm? Vài người làm, nghĩa là vài người gánh toàn bộ rủi ro. Vài người đó sẽ đi tù, để rồi những người ở lại như chúng ta sẽ lại giận dữ, sẽ lại đòi trả tự do, rồi mọi việc sẽ lại chìm xuồng, chúng ta trở về với nhịp sống cũ…

Ta sẽ chịu luẩn quẩn mãi với cái ván bài mà chính quyền soạn sẵn hay sao? Sẽ đòi trả tự do cho hết người này tới người kia hay sao? Rồi sẽ lại quay trở về với nhịp sống cũ lấm lem bận rộn trong cái lồng vĩ đại chứa 100 triệu người đó hay sao?

Mọi chuyện sẽ khác đi nếu có thêm nhiều người tham gia làm những việc như Trang làm, hay là những việc khác để kiến tạo thay đổi xã hội. Làm như vậy sẽ có hai cái lợi.

Một là “chia lửa” cho những người hiện vẫn đang đấu tranh, giảm rủi ro cho họ, và hạn chế khả năng họ bị bắt như Đoan Trang. Nguồn lực của chính quyền có hạn. Họ có thể đầu tư theo dõi và kiểm soát một vài người, còn lên đến hàng nghìn người thì mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Đó là chưa kể chúng ta có thể “chia lửa” từ bên ngoài Việt Nam. Chẳng hạn như “Báo Cáo Đồng Tâm” là việc chỉ cần ngồi thu thập dữ liệu trên Internet và phỏng vấn qua điện thoại một vài người là đã có thể viết được, không cần thiết phải ở trong nước.

Hai là bình thường hóa các hoạt động báo chí, xuất bản độc lập; bình thường hóa các sinh hoạt chính trị vốn đang bị cho là “nhạy cảm.” Khi những hoạt động này trở nên bình thường, nghĩa là được xã hội cho là việc phi nhạy cảm, thì dần dần chính quyền cũng phải thừa nhận nó. Cũng giống như trước đây, làm ăn kinh doanh cá thể bị cho là tội phạm, nhưng người ta vẫn làm, dần dần chính quyền phải thừa nhận nó là một thành phần kinh tế. Kể từ năm 1986, họ không còn coi làm ăn cá thể là tội phạm nữa. Tất cả mọi người đều được lợi.

Với tôi, cách tốt nhất để giúp Đoan Trang và những người như Đoan Trang là bản thân mỗi người hãy bắt tay vào làm một cái gì đó, để rồi sau cùng, tất cả mọi người sẽ được lợi khi không gian chính trị trở nên tự do hơn, không ai còn bị bắt bớ, giam cầm vì viết sách, viết báo nữa. Ta sẽ không còn phải đòi tự do cho người này, công lý cho người kia nữa.

“Tự do cho Đoan Trang” là tốt, nhưng tốt hơn cả là mỗi người tự cởi trói cho chính mình khỏi những gông cùm tư tưởng và bắt tay vào hành động.

Đoan Trang đã hoàn thành sứ mệnh của cô ấy. Bây giờ đến lượt những người ở lại như chúng ta. Kể cả ngày mai Đoan Trang được trả tự do, dù Đoan Trang ở trong nước hay nước ngoài, thì sứ mệnh này vẫn là của mỗi người trong chúng ta.

Nếu có yêu Trang, hãy làm tiếp những việc Trang làm.