Thư Cho Con: Đại Gia Đỏ Tham Nhũng Tháo Chạy – Giáo Già

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thư Cho Con: Đại Gia Đỏ Tham Nhũng Tháo Chạy – Giáo Già

Ngày 25 tháng 2 năm 2021

Tin được đài RFA cho biết ngày 19-2-2021 ông Phạm Văn Sáng, nguyên giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai đã bỏ trốn ngày 19-2-2021.

Được biết ông Phạm Văn Sáng, 63 tuổi [xem hình], đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự, ra lệnh bắt tạm giam về tội ‘Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng’, từ ngày 27/1/2021. Công an đã khám xét 3 nơi ở của ông Sáng tại quận Bình Thạnh; TPHCM; thành phố Thủ Đức, và Đồng Nai, nhưng ông không có mặt.

Khi còn tại chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai, ông Sáng đã có sai phạm trong các dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm các loại rau quả theo công nghệ cao, sai phạm trong việc nhân rộng mô hình VietGAP… gây thất thoát hơn 27 tỉ đồng. Trước đó, từ giữa năm 2020, ông Sáng đã bị Ban Bí thư tỉnh Đồng Nai khai trừ Đảng vì cùng sai phạm.

Ngoài ra, trước đó, ngày 20-4-2020, đài RFA cũng cho biết bà Nguyễn Thị Thu Thủy, 62 tuổi [xem hình], người bị cáo buộc từng đề xuất Cựu Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài giao gần 5.000 m2 đất tại trung tâm quận 1 trái luật, gây thiệt hại 248 tỷ đồng, hiện đang trốn truy nã tại Hoa Kỳ.

Cũng được biết Bộ Công an đã khởi tố và ra lệnh bắt giam bà Nguyễn Thị Thu Thủy ngày 7-10-2019, nhưng trước đó bà đã sang Mỹ với lý do “chữa bệnh” từ năm 2018.

Bà Thủy đã đưa đơn cho gia đình bà nhờ luật sư Nguyễn Thành Sơn, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, thay bà làm việc với cơ quan điều tra và bảo vệ quyền lợi khi vụ án được đưa ra xét xử. Nhưng báo trong nước cho hay Luật sư Sơn đã sang Mỹ, liên lạc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam, để tiếp xúc với thân chủ, nhưng không gặp được bà.

Lùi xa hơn vài năm về trước, hồi Tháng Mười Hai, 2018, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân” đưa phái đoàn công du Hàn Quốc, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang. Ngoài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn có 20 quan chức cấp cao là các Bộ trưởng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hết hạn công tác, 9 trong số 160 người đi theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam, sau chuyến thăm, từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12 năm 2018.

Hơn 10 tháng sau, theo Hãng tin MK News, chính phủ Hàn Quốc đã không biết gì về việc 9 thành viên trong đoàn ĐBQH Việt Nam bỏ trốn, cho tới khi một người trong số đã bỏ trốn xuất hiện ở sân bay hồi đầu năm 2019, và xin trở về Việt Nam, thì vụ việc mới được vỡ lẽ. [Xem ảnh chụp màn hình Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, hôm 23/9/2019 đưa tin về người Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc].

Đến ngày 5-11-2019, đài RFA loan tin 3 trong 9 người không trở về VN mới bị phát hiện. Thông tin này được thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ, diễn ra ngày 5/11, và được truyền thông trong nước loan tin cùng ngày.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ, diễn ra vào ngày 2/10, báo giới quốc nội cũng đã được Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết rằng ông đã nhận trách nhiệm trong việc 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông không thể cung cấp danh sách 9 người này vì “chưa có thẩm quyền”.

Hôm 18/10/2019, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc [xem hình], cũng đã khẳng định 9 người bỏ trốn lại Hàn Quốc nằm trong đoàn doanh nghiệp VN, do Bộ Kế hoạch Đầu tư lên danh sách, đi dự Diễn đàn Đầu tư & Thương mại hai nước tại Hàn Quốc.

Ông Phúc đã từng thông tin cụ thể về vụ này với Infonet.vn rằng: “Họ không ở trong đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch quốc hội dẫn đầu sang thăm chính thức Hàn Quốc. 9 người này chỉ đi nhờ chuyên cơ”, nhưng danh sách được tất cả đồng loạt che giấu.

Như vậy, tính đến ngày 5/11, theo thông tin của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thì 3 trong số 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc đã về nước, 6 người vẫn còn đang ở lại xứ sở Kim Chi, nhưng danh tánh những người  trốn chạy vẫn được bao che giấu kín.

Trong khi đó, nói với báo Zing, Bộ Trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng [xem hình], cho biết đơn vị đang chuẩn bị thông báo cho báo chí về sự việc. “Đây là lần đầu tiên có sự việc thế này, thực sự việc rất đáng tiếc,” ông Dũng nói.

Ông Dũng khẳng định đơn vị ông khi được giao chọn lọc, thẩm định danh sách đoàn đi, đã làm rất nhiều việc, và làm hết sức cẩn thận, xem xét từng đối tượng, rồi gửi các cơ quan hữu quan có trách nhiệm để họ thẩm tra, cho ý kiến.

Thậm chí khi sang Hàn Quốc chúng tôi cũng quản chặt, bằng cách giữ lại tất cả hộ chiếu của những người đi trong đoàn,” ông Dũng nói.

Theo lịch trình, đoàn đáp xuống phi trường Gimhae (Busan), sau khi làm việc tại Bunsan, tiếp tục đến Seoul, để gặp mặt Quốc hội Nam Hàn, hội kiến Tổng Thống Moon Jae In, và tham gia “Diễn Đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Nam Hàn.” Sau đó quay trở về Việt Nam, từ phi trường Incheon, để những người ở lại “vượt biên bằng chuyên cơ” của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, làm cuộc “tháo chạy” của những “đại gia đỏ”.

Song song với việc “tháo chạy” bằng chuyên cơ của Chủ tịch Quốc Hội CSVN, ngày 13/7, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa [xem hình] do đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Trước đó, vào tối 10/7, bà Thoa bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí“.

Trước khi bị truy nã, bà Thoa được xác nhận hành vi đồng lõa với cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong việc ‘hô biến’ 6.000m2 đất ‘vàng’ (khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM) từ tài sản nhà nước sang tay tư nhân.

Vào năm 2016, bà Thoa từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật, khiển trách về mặt Đảng, do có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy; Giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang; Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004-5/2010).

Bà Thoa cũng bị Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương, do còn liên quan đến một loạt những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá Bóng đèn Điện Quang, và kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Đến ngày 16/8/2017, bà Thoa chính thức rời chức Thứ trưởng. Bà từng có 18 năm gắn bó tại Bóng đèn Điện Quang, trước khi về làm Thứ trưởng. Trong giai đoạn bà Thoa chèo lái, Điện Quang đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Vào tháng 4/2016, cổ phiếu của Điện Quang lên mức trên 77.000 đồng/cổ phiếu. Bà Thoa từng lọt vào top những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam năm 2016.

Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội Facebook lan truyền tin về việc bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương CSVN, đang trốn tại Pháp, bị Bộ Công An CSVN bắt giữ đưa về Việt Nam, chờ xét xử. Đây là thông tin dẫn lại tin từ trang cá nhân của Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long), viết: “Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Công Thương, đã có mặt ở Việt Nam, trên chuyến bay từ Paris về Việt Nam, hôm 16 Tháng Giêng. Sau khi cách ly 14 ngày (tại Trà Vinh), sẽ được đưa ra xét xử trong các vụ án liên quan tới ông Vũ Huy Hoàng và Đinh La Thăng.”

Điều này phù hợp với một bức hình được đưa lên Facebook nói là một Doanh trại quân sự tỉnh Trà Vinh, nơi cách ly COVID-19, cũng được cho là nơi giam giữ bà Thoa. (Hình: Facebook).

Tuy nhiên, hôm 18 Tháng Giêng, Thiếu Tướng Tô Ân Xô, chánh Văn Phòng Bộ Công An CSVN, đã bác bỏ tin này và cho biết “thông tin trên là ‘tin vịt,’ không đúng sự thật.”

Nhìn về chuyện tháo chạy của “cán bộ VC tham nhũng” Bộ Công an CS Việt Nam hôm 26/06/2017 ra quyết định truy nã ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX). Bản tin đăng trên trang web bộ này nói “Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí, và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án ngày 16/6/2017”.

Được biết PVTEX là một trong các doanh nghiệp thua lỗ của PetroVietnam (PVN).  PVTEX Chụp lại hình ảnh ông Vũ Đình Duy (trái).

Trả lời BBC tiếng Việt hôm 27/06, điều tra viên Đinh Quốc Thiện, thuộc C46, Bộ Công an, mô tả điều được gọi là lệnh truy nã này là chỉ “có tính thủ tục” bởi đối tượng bị truy nã đã ra nước ngoài từ tháng 10 năm 201:

“Chúng tôi vẫn phải ra lệnh truy nã trong nước theo thủ tục và sau đó mới làm việc với các cơ quan chức năng để phối hợp truy nã quốc tế”.

“Đối tượng bị truy nã đã xuất cảnh sang Thái Lan từ tháng 10/2016, còn sau đó đi đâu thì không biết,” ông Thiện nói thêm.

Ông Vũ Đình Duy là một trong 5 người bị khởi tố trong vụ án hình sự của dự án nhà máy xơ sợi Đình Vũ của PVTEX. Dự án này có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng trong đó chủ đầu tư chỉ có 30% vốn còn lại “toàn bộ đều đi vay”.

Hai năm kể từ khi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy gặp khó khăn về kinh doanh và thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồngdừng hoạt động hẳn vào cuối năm 2015[xem hình].

PVTEX, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), mới đây ra thông cáo báo chí nói về lệnh khởi tố “dàn lãnh đạo cũ” của họ. Thông cáo viết:

“…Liên quan đến sai phạm của một số cá nhân thuộc Công ty PVTEX trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, Công ty PVTEX và cấp có thẩm quyền đã tiến hành kiểm điểm, có hình thức xử lý. Hiện nay các cá nhân này không còn thuộc biên chế của Công ty.

“Công ty PVTEX cũng đã tham mưu cấp có thẩm quyền các phương án tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh. Công ty PVTEX sẽ nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương”.

Vinachem cho biết ông Duy đã vắng mặt tại cơ quan kể từ ngày 24/10, sau khi nhận được các đơn xin nghỉ phép để đi khám bệnh tại nước ngoài, nghỉ phép năm, và nghỉ việc không hưởng lương. Tuy nhiên, đơn này đã không được Vinachem phê chuẩn, theo chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ Công thương. “Từ 24/10 đến nay, lãnh đạo Vinachem không thể liên lạc được với ông Duy và cũng không biết ông này đi đâu. Sau nhiều lần liên lạc bất thành, Vinachem gửi văn bản báo cáo chính thức tới Bộ Công Thương vào ngày 2/11,” VnExpress hôm 4/11 nói.

Đầu tháng 10/2016, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra tại dự án Xơ sợi Đình Vũ, nêu một loạt sai phạm “có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát, lãng phí lớn” và kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Cùng ngày, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh trích lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Vụ trưởng kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương:

“Nhiều trường hợp đi nước ngoài chữa bệnh có thể là có bệnh thật. Nhưng cũng không loại trừ những trường hợp đi nước ngoài để trốn tránh. Ví dụ về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh đi nước ngoài chữa bệnh để trốn tránh là khá điển hình, hay trường hợp ông Vũ Đình Duy.”

“Với những vụ lớn, nhạy cảm và có khả năng dẫn đến việc trốn chạy thì lẽ ra các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan chủ quản của người bỏ trốn phải phối hợp với các cơ quan khác để quản lý cán bộ.”

Ngày 26/6/2017, Bộ Công an ra quyết định truy nã đặc biệt đối với ông Duy, đồng thời với việc khởi tố ông với tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng“. Thời điểm ông bị truy nã chỉ cách ngày 23/7/2017, tức là ngày mà giới chức Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’, chưa đầy một tháng.

Một số nguồn tin từ Ba Lan nói, trước đó, vào tháng 5/2017, ông Duy đã được giới chức Ba Lan cấp giấy cư trú dài hạn theo dạng di dân lao động. Giấy cư trú này có thời hạn ba năm, và do một công ty thuộc chủ là người Trung Quốc, làm môi giới đăng ký cho ông.Rời Việt Nam, ông Duy nói ông tới sống tại thủ đô Warsaw của Ba Lan.Ông dành nhiều thời gian hàng tuần tới Berlin, thủ đô của Đức, nơi ông Trịnh Xuân Thanh, một người họ hàng thân thiết của ông, tới sống từ 7/2016, và là người mà ông Duy nói là “mối quan hệ duy nhất ở Berlin” của mình.

Tại Berlin, “tôi sống trong căn hộ của anh Trịnh [Xuân Thanh]“, Vũ Đình Duy nói [xem hình]. Tuy nhiên, ông Thanh và gia đình không sống tại căn hộ này. Việc đi lại của ông kể từ sau khi rời Việt Nam dường như diễn ra rất thuận lợi, bởi “chúng tôi [ông Duy và ông Trịnh Xuân Thanh] đều có hộ chiếu ngoại giao, không cần visa, cứ đặt vé là đi“, ông Duy khai. Ông thường ở Berlin “trong những ngày cuối tuần, có tuần ở tới thứ Hai hoặc thứ Ba“. “Thường chúng tôi đi đánh golf hoặc đi uống bia, thế thôi,” ông nói.

Ngày 26/06/2017, Vũ Đình Duy bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng“, xảy ra tại Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) và Công ty cổ phần đầu tư xây lắp Kinh Bắc (PVC.KBC) và bị truy nã đặc biệt toàn quốc cùng ngày. Vào thời điểm đó, một điều tra viên thuộc C46, Bộ Công an, nói với BBC rằng lệnh truy nã này là “có tính thủ tục” bởi đối tượng bị truy nã đã ra nước ngoài từ tháng 10/2016.

Hôm 31/5/2018, Bộ Công an Việt Nam khởi tố bổ sung tội ‘Nhận hối lộ’ đối với ông Vũ Đình Duy và phát thêm lệnh truy nã. Trang web Bộ Công an đưa tin khởi tố bổ sung tội “Nhận hối lộ” với bị can Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex). Điều cần lưu ý là Vũ Đình Huy và Trịnh Xuân Thanh cùng mang tội như nhau nhưng Thanh thì bị công an VC bắc cóc về VN xử tội [bất kể hệ quả ngoại giao] còn Duy thì yên thân ở hải ngoại.

Rời Vũ Đình Huy, xin nói đến việc truy nã đỏ ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy [xem hình nhỏ trên góc trái]. Tin được Đức Hoàng đăng ngày 18/09/2019 trên (VNF) cho biết “Bộ Công an đã đề nghị Interpol (Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế) hỗ trợ truy bắt, đưa ông Bùi Quang Huy vào danh sách truy nã đỏ, nếu bắt được sẽ đưa về Việt Nam”. Thông tin này được Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết tại cuộc họp báo bên lề hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 39 (ASEANAPOL 39) diễn ra hôm nay (18/9).

Trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả phối hợp truy bắt ông Bùi Quang Huy, chủ Công ty Nhật Cường Mobile, Trung tướng Trần Văn Vệ cho hay sau khi cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đối tượng này đã trốn khỏi nơi cư trú. Bộ Công an đã ra quyết định truy nã trong nước và quốc tế, đồng thời đã đề nghị Interpol hỗ trợ truy bắt, đưa vào danh sách truy nã đỏ. “Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có đề nghị các nước ASEAN truy nã, nếu bắt được sẽ trao trả về Việt Nam để xử lý”, ông Vệ cho biết.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, ông Bùi Quang Huy bị khởi tố hôm 14/5 với tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 188 và điều 221 Bộ luật Hình sự. Theo Bộ Công an, ông Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5. Ngày 9/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với bị can Bùi Quang Huy về tội “Rửa tiền”.

Ông Phạm Chí Dũng [lúc chưa bị bắt đi tù] có bài viết đăng trên Blog của đài VOA, ngày 6/6/2019 [xem phụ đính]. Theo đó Bộ Công an đã phải tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 31/5/2019 để thông tin về “ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, không trình diện, cũng không có mặt ở nơi cư trú kể từ lúc khám xét cho đến khi khởi tố vụ án”.

Sau đó, tin được đăng trên “Đấu trường chứng khoán” ngày 12-01-2021 cho biết “Bị can Phạm Nhật Vinh [xem hình] (Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Kim, là thành viên HĐQT Sadeco) đã có sai phạm gây thiệt hại cho Sadeco hơn 940 tỉ đồng. Đến nay, do Vinh bỏ trốn nên đang bị truy nã quốc tế.

Ngày 12.1.2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC03) vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) vụ án ‘vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí’, chuyển Viện KSND cùng cấp, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nhiệm kỳ 2015 – 2020) và 18 đồng phạm. Trong vụ án này còn có hành vi sai phạm của ông Phạm Nhật Vinh (Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Kim, là thành viên HĐQT Sadeco).

Theo KLĐT, Phạm Nhật Vinh đã có hành vi cùng với các thành viên HĐQT Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) biểu quyết thống nhất chọn Công ty Nguyễn Kim làm cổ đông chiến lược, với giá phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là 40.000 đồng/cổ phần tại cuộc họp HĐQT Sadeco ngày 2.8.2017, không thông qua đấu giá, thẩm định giá theo quy định, gây thất thoát, thiệt hại cho Sadeco hơn 940 tỉ đồng, phạm vào tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 bộ luật Hình sự.

Theo KLĐT,  PC03 đã tổ chức thi hành các Quyết định và lệnh đối với Phạm Nhật Vinh. Tuy nhiên, Phạm Nhật Vinh đã xuất cảnh đi nước ngoài.

Chuyện tháo chạy của các “đại gia đỏ” là chuyện dài, nói hoài không biết đến bao giờ mới hết, nên Giáo Già xin tạm dừng lại, chờ có dịp viết tiếp. Điều đáng lưu ý là “VC gào thét ‘chống Mỹ cứu nước’; nhưng bọn chúng, từ đại gia đến hầu hết cấp lãnh đạo hàng đầu đảng và nhà nước, đều âm thầm ‘tháo chạy sang Mỹ’, chớ chưa thấy tên nào tháo chạy sang Tàu…

Hẹn con thư sau

Giáo Già

Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng

(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)

Phụ đính

Bùi Quang Huy đào thoát: Thêm một vết đen trên mặt Bộ Công an

06/06/2019 – Phạm Chí Dũng

Sau khi bị nghi ngờ về ‘tay trong’ và phải chịu chỉ trích thâm cay không chỉ từ báo chí và dư luận xã hội mà còn từ nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 – 6 năm 2019, Bộ Công an đã phải tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 31/5/2019 để thông tin về “ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, không trình diện, cũng không có mặt ở nơi cư trú kể từ lúc khám xét cho đến khi khởi tố vụ án”.

“Sao bắt hàng được mà bắt người thì không?”

Vẫn là Lương Tam Quang, Chánh văn phòng – Người phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam – quan chức đã được phong hàm Trung tướng sau nhiều lần lập thành tích trả lời theo lối ‘chưa có thông tin gì’ trước báo chí về hàng loạt vụ việc mà đến khi đó đã rõ như ban ngày, như Vũ ‘nhôm’ – tức Trần Đại Vũ mà được đồn đoán có họ hàng với Trần Đại Quang – đào thoát sang Singapore, vụ câu lưu và sau đó là bắt giam Trung tướng công an kiêm ‘anh hùng lực lượng vũ trang’ Phan Văn Vĩnh về tội ‘bảo kê đánh bạc công nghệ cao’…

Theo Lương Tam Quang, do trong thời gian khám xét, Bộ Công an chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy nên chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

“Riêng Bùi Quang Huy, từ lúc khám xét đến lúc khởi tố vụ án, đã không đến trình diện, mặc dù đã vận động gia đình, và cũng không có mặt ở nơi cư trú. Do vậy, ngày 18/5, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Bùi Quang Huy” – tướng Quang giải thích thêm trong cuộc họp báo ngày 31/5.

Nhưng Bộ Công an sẽ lẹo lưỡi ra sao trước câu hỏi “Sao bắt hàng được mà bắt người thì không? Nhẽ ra lúc đó anh có thể khởi tố vụ án và bị can cùng lúc” của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – một tiếng nói phản biện hiếm hoi trong số gần 500 mái đầu ‘nghị gật’ mà đã bị Bộ Công an gầm ghè vì cái tội ông Nhưỡng lôi tuột ‘thành tích’ tiếp nhận và điều tra quá chậm trễ đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân ra trước mặt báo chí và công luận?

Một câu hỏi không hề dễ nuốt. Nhưng vẫn chưa hết…

“Khả năng thứ nhất là lộ lọt, qua quá trình triển khai nghiệp vụ để lộ lọt thông tin và bị can biết được nên trốn thoát. Khả năng thứ hai là quy trình không chặt chẽ, quá trình làm việc xác minh chưa chặt chẽ. Khả năng thứ ba là có người nào đó báo tin cho bị can Bùi Quang Huy” – khi kỳ họp Quốc hội mới khai mạc, một đại biểu Quốc hội là ông Lê Thanh vân đã liên tiếp xuất hiện trên mặt một số tờ báo nhà nước với những câu hỏi và nhận định ‘chết người’ dành cho Chung ‘con’ và Bộ Công an.

Rốt cuộc, kẻ nào đã mật báo cho Bùi Quang Huy để ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn ngay trước mũi Bộ Công an, Nguyễn Xuân Phúc và cả ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng?

Có ‘dính’ Chung và Hải?

Hàng loạt đồn đoán và ám chỉ trong dư luận, trên mạng xã hội và trên mặt báo quốc doanh từ trước khi Hội nghị trung ương 10 diễn ra vào trung tuần tháng 5 năm 2019 về sân sau Bùi Quang Huy của Chung ‘Con’, tức Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, giờ đây trở nên phức tạp hơn hẳn bởi sự biến mất của Huy.

Trong khi đó, lại rộ lên dư luận về vụ khám xét công ty Nhật Cường và truy bắt Bùi Quang Huy là nhằm lôi ra chuyện buôn lậu hàng Tàu mà có người nghi là có thể có các thiết bị gián điệp được Trung Quốc cài vào.

Không đề cập trực tiếp về dư luận trên, nhưng báo điện tử Viettimes rút tít một cách hàm ý: “Báo động nguy cơ đối với chủ quyền quốc gia Việt nam nhìn từ vụ án Công ty Nhật Cường”, mà cụ thể trong bài là những khái niệm “chủ quyền thông tin” hoặc “chủ quyền trong không gian số”.

Cùng thời gian này, vụ Huawei của Trung Quốc vẫn đang gây chấn động trong chính giới quốc tế. Nhiều quốc gia đã cắt hợp tác với Huawei vì lo sợ bị thiết bị tình báo Trung Quốc theo dõi.

Cũng đang xuất hiện dư luận cho rằng vụ Nhật Cường sẽ ‘đốt’ không chỉ Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung mà cả Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải. ‘Đốt’ như thế nào và với nhiệt lượng đến mức độ nào thì chưa rõ, nhưng xác suất Chung và cả Hải ‘vô can’ trong vụ Nhật Cường thì gần như không thể có.

Vết đen nhơ nhớp

Trong khi đó, Bộ Công an lại phải nhận một vết đen nhơ nhớp bởi cách thông tin cái sau đá cái trước của về vụ Bùi Quang Huy. Bởi vào ngày 14/5/2019, chính Bộ Công an thông báo là đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Bùi Quang Huy và 8 người khác vì tội “Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” – được hiểu rõ ràng là Huy đã phải tra tay vào còng. Nhưng đến ngày 19/5/2019, cũng Bộ Công an lại thông báo Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5.

Cho đến nay, vở kịch vẫn được tái công diễn và còn nguyên giá trị lịch sử ‘và giá trị ‘nghệ thuật’ của nó kể từ vụ Dương Chí Dũng vào năm 2012, Trịnh Xuân Thanh năm 2016, Vũ Đình Duy và Vũ ‘Nhôm’ trong năm 2017…Tất cả đều có thời gian để cao bay xa chạy khiến người ta không khỏi nghi ngờ rằng nhờ được mật báo bởi những người ‘trong ngành.’

Đặc biệt là vụ Trịnh Xuân Thanh đầy kỳ bí. Bởi cho dù Thanh đã ‘tự nguyện về nước đầu thú’ theo cách tuyên truyền của Bộ Công an và đã có quá đủ thời gian để cơ quan điều tra Bộ này bắt Thanh phải mở miệng, cho tới nay vẫn không có bất kỳ công bố nào bởi bất kỳ quan điều tra nào về việc nhóm nào hoặc quan chức cao cấp nào đã bắn tin và mở đường cho Thanh ‘ra đi tìm đường cứu nước’ ở tận Đức.

Còn nhớ vào năm 2012 sau khi bị bắt lại ở Campuchia và bị đưa ra tòa, cựu tổng giám đốc Vinalines Dương Chí Dũng đã khai về một ‘ông anh trên Bộ Công an’ đã mật báo để Dũng kịp thời đào thoát chỉ ít tiếng đồng hồ trước khi lực lượng cảnh sát điều tra từ từ bước vào nhà y theo một cung cách rất ‘đúng quy trình’. Khi đó đã ồn ào dư luận về kẻ mật báo chính là Phạm Quý Ngọ – Thứ trưởng Bộ Công an. Nhưng rất may cho Ngọ là ông ta đã tránh bị truy tố vì căn bệnh xơ gan cổ trướng trong bụng, nhưng ông ta đã không thể tránh khỏi cửa địa ngục.

Những viên tướng nào phải chịu trách nhiệm?

Rốt cuộc, vụ Bùi Quang Huy đào thoát ngay trước mũi công an khi vụ việc đã được đưa vào ‘tầm ngắm’ – mà bằng chứng rõ nhất là vụ khám xét cơ sở doanh nghiệp Nhật Cường – phải được ‘giải thích’ như thế nào để đầu xuôi đuôi lọt? Vụ khám xét cơ sở Nhật Cường có phải là động tác đánh động cho Bùi Quang Huy bỏ trốn? Các cơ quan an ninh điều tra, cảnh sát điều tra và quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an đã ‘làm ăn’ đến nông nỗi nào mà khiến lại phát sinh thêm một Bùi Quang Huy đến mức phải ‘truy nã quốc tế’, sau những tiền lệ đậm màu sắc ‘phe cánh chính trị’ như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng, Phan Văn Anh Vũ?

Rốt cuộc và sau tiền lệ Tổng cục 5 tình báo Bộ Công an phải giải thể với hàng loạt tướng lĩnh bị khởi tố và tống giam vì cung cách làm tình báo chỉ toàn mùi ‘hai đê’ (đất và đô), những viên tướng nào trong đội ngũ có đến 200 tướng công an phải chịu trách nhiệm về vụ Bùi Quang Huy đang biến mất và sẽ có thể biến mất mãi mãi?

Một chuyên án an ninh quốc gia về ‘gián điệp’ và tội danh ‘phản bội’ nữa chăng?

Nếu Bùi Quang Huy bỏ trốn không đơn thuần bởi tội danh ‘buôn lậu’ mà là ‘xâm phạm an ninh quốc gia’, vụ việc sẽ trở nên ghê gớm và sắc máu hơn nhiều. Lẽ đương nhiên là khi đó không chỉ Nguyễn Đức Chung mà cả Hoàng Trung Hải sẽ phải cùng chịu trách nhiệm về vụ này, để Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ có thêm một đầu việc kiểm tra hoặc thêm một đầu vụ án.

Phạm Chí Dũng