Thư Cho Con: Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy & Đại Họa Mất Nước – Giáo Già (Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy)
Ngày 7 tháng 8 năm 2014
H,
Năm 2008, vào tháng 7, tại thành phố Vancouver, cuộc họp mặt rộng rãi những người từng thương yêu, mến mộ, cố GS Nguyễn Ngọc Huy đã hình thành Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy, với cựu Luật sư Trần Minh Nhựt làm Trưởng ban Vận động, Trần Minh Xuân và Nguyễn Hữu Ninh cùng làm Phó ban.
Khác với Gia đình Nguyễn Ngọc Huy, gồm những thành viên trong thân tộc của cố GS, điển hình như các con của GS như Nguyễn Ngọc Quốc Thụy, Nguyễn Ngọc Thúy Tần, Nguyễn Ngọc Khánh Thụy [đã qua đời], các cháu ngoại, và các bà con nội ngoại trong gia đình, từ quốc nội đến hải ngoại; Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy mang ý nghĩa rộng hơn, bao gồm những người có liên quan xa gần với cố Gs Nguyễn Ngọc Huy, lúc Người còn sanh tiền, cũng như sau khi qua đời, cũng từ quốc nội đển hải ngoại. Ðó là những người mến mộ cố GS Nguyễn Ngọc Huy, những đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, môn sinh, những người có dịp gần gũi hay chưa một lần tiếp chuyện GS nhưng rất cảm phục và thương mến GS trên nhiều lãnh vực khác nhau, từ văn hóa, giáo dục, đến chánh trị…, nhứt là cảm phục cuộc đấu tranh bền bĩ chống độc đảng độc tài, đấu tranh cho một nước Việt Nam Dân chủ Hiến định và Pháp trị.
Kể từ đó, Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy đã có những đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh bền bĩ, bên cạnh cuộc đấu tranh tích cực của các tổ chức thừa kế sự nghiệp chánh trị của cố GS là Đảng Tân Đại Việt đang do Bác sĩ Mã Xái làm Chủ tịch đương nhiệm và Liên Minh Dân Chủ Việt Nam do Ông Nguyễn Hữu Ninh làm Chủ tịch tân nhiệm, vừa đắc cử trong Đại hội toàn thế giới tại thành phố Vancouver, Canada, mà thành phần lãnh đạo vừa tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1-8-2014.
Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy, do tính cách rộng rãi nêu trên, nó không có cơ chế như một tổ chức chánh trị, hay một đoàn thể xã hội dân sự. Do vậy tầm hoạt động của nó có thể lan rộng và bao trùm trên nhiều lãnh vực khác nhau. Nhờ đó, trước hiểm họa xâm lăng của Trung cộng, đất nước có thể bị rơi vào vòng Bắc thuộc lần thứ 5, các thành viên trẻ trong Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy, đặc biệt là các hậu duệ trẻ của cố GS, có ngay sáng kiến thực hiện cuốn phim chiến lược vạch trần dã tâm xâm lược của Trung cộng, với sự tiếp tay của Việt cộng, lấy tên là Đại Họa Mất Nước.
Trong ý thức không cúi đầu chấp nhận làm nô lệ cho đế quốc Trung cộng, các anh em đã thành lập Ban Truyền Thông gồm 11 thành viên trẻ, làm việc trong tinh thần đồng đội, ròng rã trong gần 1 năm, để cuốn phim Đại Họa Mất Nước được phát hành vào năm 2010.
Ngay sau đó, phim Đại Họa Mất Nước được trình chiếu ra mắt ở nhiều nơi, in ra nhiều bản để biếu không cho người xem. Nhờ Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy không giữ bản quyền và phim được in ra không giới hạn để biếu không cho người xem nên có rất nhiều mạnh thường quân cung ứng phương tiện để in thêm rất nhiều bản để biếu tặng người xem trong các dịp họp mặt cộng đồng, các hội Tết… Nó cũng đã tạo ra hàng loạt các cuộc Hội Luận, phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn điện tử, lan truyền sâu rộng ở quốc nội. Những email từ trong nước gởi ra hải ngoại cho biết đã có một số người sao chép, in ra nhiều bản, để tiếp tay phổ biến cho nhiều người xem, bất chấp mọi khó khăn đe dọa, khiến CSVN vô cùng bối rối, tìm cách bắt giữ một số người, trong số này có Bà Hồ Thị Bích Khương…
Đến nay, chỉ cần đánh 4 chử “Đại Họa Mất Nước” tìm trên Google người xem sẽ thấy hiện ra nhiều trang web nói về cuốn phim này. Đã có hàng chục tổ chức hội đoàn VN ưu ái để youtube về cuộn phim trên trang web của mình. Chỉ riêng 1 youtube trên trang web VIETVUNGVINH đã có 1.693.544 người vào xem. [Xin click vào http://www.youtube.com/watch?v=fpYuc2gs2bk để xem và để tiếp tay phổ biến rộng rải thêm].
Riêng nhà xuất bản MekongTynan, sau khi ghép tên Nguyễn Ngọc Huy Foundation đã ghép thêm tên Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy vào giấy phép xuất bản các cuốn sách được ấn hành, điển hình là cuốn Thư Cho Con tập 23 của Giáo Già và Mai Thanh Truyết vừa phát hành vào đầu tháng 7 năm 2014 vừa qua, cùng mang hướng đấu tranh giải tỏa Đại Họa Mất Nước là “Chống Tàu Diệt Việt Cộng“.
Do Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy không phải là một tổ chức có cơ chế điều hành, có bầu cử, có ban chấp hành, có chủ tịch, có giám sát… nên người của Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy không đòi hỏi phải có ghi danh. Nó không có danh sách, không có đóng niên liễm… Do vậy, mọi người đều có thể tham gia mà không có bất cứ ràng buộc nào. Năm 2008 cựu Luật sư Trần Minh Nhựt với Trần Minh Xuân và Nguyễn Hữu Ninh chỉ là 3 người trong ban vận động cho Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy được hình thành, chớ chính danh không ai là đại diện cho Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy. Do đó, khi tham dự các buổi sinh hoạt, dù lớn dù nhỏ, Giáo Già chỉ tham dự với tư cách là một thành viên của Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy mà thôi, nếu ban tổ chức có giới thiệu là đại diện thì đó chỉ là sự không hiểu rõ, mà vì tế nhị Giáo Già không tiện đính chánh, để khỏi làm phiền người giới thiệu. Điều này đã thể hiện rõ nét khi Giáo Già được mời phát biểu trong buổi lễ vinh danh và phủ cờ cho cố ca nhạc sĩ Việt Dũng; khi nói về người nghệ sĩ “chống nạng đi vào lịch sử” này Giáo Già chỉ nhân danh là người của Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy; và, mới đây, trong buổi hội luận ở San Jose, cũng như trong cuộc phỏng vấn của Diễn đàn Việt Vùng Vịnh vừa qua, vấn đề cũng diễn ra như vậy.
Tuy nhiên, do tích cách tế nhị của vấn đề, và trong tư cách là người cao niên trong đại gia đình, cũng là người trong ban vận động hình thành đại gia đình, có ai có thiện cảm muốn biết rõ hơn về Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy có thể liên lạc với Giáo Già, hay cựu Luật sư Trần Minh Nhựt, hoặc ông Nguyễn Hữu Ninh…
Khi mọi người kính trọng cố GS Nguyễn Ngọc Huy, mọi người thương mến cố GS Nguyễn Ngọc Huy, ai cũng có thể là người của đại gia đình, để những ngày giỗ cố GS mọi người đều có thể cùng về tham dự, cùng chung nhau uống một ly rượu và cùng nhau chia sẻ những buồn vui bên nhau mà không phải có bất cứ một e dè nào. Cũng xin nói thêm là ai cũng có thể tổ chức giỗ cố GS và mời các thân hữu cùng tham dự. Rộng hơn nữa, không nhứt thiết phải là ngày giỗ, mà bất cứ một dịp đặc biệt nào đó những người thương yêu, mến mộ GS, những người trong Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy đều có thể tổ chức họp mặt để cùng nhau chung chia tâm sự…
Có một vấn đề rất tế nhị nhưng cũng rất quan trọng cần được nói rõ là trong thời gian qua có người bị dư luận cho là của Liên Minh Dân Chủ VN, những người từng có thời được coi như thân cận với GS Nguyễn Ngọc Huy, lại có lời nói [còn ghi rõ trong một cuốn băng ghi âm cuộc hội luận ở Pháp] và hành động [đi với người từng theo cán bộ cao cấp VC, điển hình như Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Thanh Sơn…], ngược lại với đường lối đấu tranh của cố GS Nguyễn Ngọc Huy, thì dứt khoát họ không phải là người của Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy, hay nói cách khác nặng hơn họ là những đứa “con hoang” trong Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy… Xin dư luận cứ phỉ nhổ họ, lên án họ; đừng vì họ mà làm ô danh GS Nguyễn Ngọc Huy, và ô danh cả Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy.
Từ đó, trong khuôn khổ ngày tưởng niệm năm thứ 24 cố GS, mới đây, ngày 1 tháng 8 năm 2014 [GS qua đời ngày 28-7-1990, tổ chức giỗ trể vài ngày cũng không sao] Giáo Già rất hân hạnh được ban tổ chức cho nói đôi lời về cố GS và Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy. Dịp này Giáo Già đã cảm hứng đọc 4 câu thơ lục bát kính dâng hương linh người quá cố như sau:
Long lanh hột nắng lưng trời
Gom mây tôi viết đôi lời cho anh
Sinh tồn dân tộc đấu tranh
Ba sinh hương lửa bình minh quê nhà
Do mỗi câu thơ đều bàng bạc tinh thần văn hóa Việt và chuyên chở hướng đấu tranh cho một quốc gia Việt Nam dân chủ Hiến định và Pháp trị của GS, theo tư tưởng Nguyễn Ngọc Huy, Giáo Già xin được diễn giải vắn tắt:
1. Chữ hột trong câu đầu Long lanh hột nắng lưng trời mang ý nghĩa rất đặc biệt:
- Chữ “hột” là chữ được người Miền Nam VN thường dùng, không như chữ hạt, có cùng nghĩa, thường được nhiều người dùng; vì chữ hột được hình thành từ 3 mẫu tự, tượng trưng cho nền văn hóa VN có tam tài, là Thiên Địa Nhơn để chỉ trên có Trời, giữa có người và dưới có đất; nó cũng tượng trưng cho tam đa là 3 điều thường được nhiều người mơ ước là Phước Lộc Thọ; nó cũng tượng trưng cho nền văn hóa Tây phương “triangle”, văn hóa “tam giác”, bên dưới là cạnh nằm ngang làm nền tảng vững chắc cho 2 cạnh còn lại chụm đầu hướng thượng, vươn lên trời cao, hình ảnh của kim tự tháp [pyramid];
- Không như chữ “hạt”, chữ “hột” có chữ “ộ” ở giữa, được hình thành từ chử o, hình ảnh của vòng tròn kín đáo, không kẻ hở, hình ảnh tròn đầy, viên dung, của “mẹ tròn con vuông”. Chữ “ộ” cũng là chữ “o” có dấu mũ ở trên tượng trưng cho sự che chở của Trời và dấu nặng ở dưới tượng trưng cho nền tảng vững chắc của Đất; hình ảnh chữ “ộ” ở giữa cũng là hình ảnh dân gian “ở giữa không mất phần mền”, tức là người nằm giữa đấp mền 2 người nằm 2 bên kéo qua kéo lại cách nào người nằm giữa vẫn không mất phần… ấm;
- Chữ hột cũng tượng trưng cho hột giống, cần thiết để gieo trồng, cho đơm bông kết trái, truyền thừa đời đời;
- Chữ hột cũng tượng trưng cho hột gà hột vịt, sẽ nở thành con gà con vịt, đẻ ra hột gà hột vịt… truyền thừa miên viễn.
- Đó cũng là ý nghĩa của Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy truyền thừa đời đời miên viễn.
2. Câu thứ 2: Lấy ý từ câu: “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” trong truyện Kiều của Nguyễn Du; lấy ý từ Thơ Hàn Dũ đời Đường: “Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại?” Nghĩa là: Mây che ngang núi Tần, biết quê nhà ở đâu? ý nói Kiều nhớ nhà. Ở đây Giáo Già muốn nói đến hiện tượng nước bị sức nóng của mặt trời làm bốc thành hơi bay lên trời; hơi nước là những hột nước nhỏ li ti bốc lên trời tụ thành những đám mây. Giáo Già gom những hột nước long lanh trong nắng, như những hột nắng, tụ thành những đám mây, tượng trưng cho nỗi nhớ nhà [như Kiều nhớ nhà], cũng là nỗi nhớ thương người quá cố, nhớ quê hương đang bị trầm luân bên kia bờ Thái Bình Dương, để viết thành đôi lời thơ cho anh [tiếng những người thân cận quen gọi cố GS, lúc Người còn sanh tiền, cũng như khi đã qua đời: anh Ba Huy].
3. Câu thứ 3: Những người trong Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy đấu tranh “chống Tàu diệt Việt cộng” theo chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn.
4. Câu thứ 4: Theo “Từ điển truyện Kiều” của Đào Duy Anh thì sách “Truyền Đăng Lục” chép là: có người mộng thấy một vị lão tăng, trước mặt có tia khói rất nhỏ. Vị tăng nói rằng: “Đó là khói hương của một người đàn việt kết nguyện, người đàn việt đã trải qua ba kiếp mà hương vẫn còn“. Trong tiếng Việt, thành ngữ “hương lửa ba sinh” được dùng để chỉ lời nguyền, lời thề có ứng nghiệm đến ba kiếp, ba đời người, chưa dứt… Nhà văn Doãn Quốc Sỹ cũng có tác phẩm “Ba Sinh Hương Lửa” gồm 7 chương. Cuộc đấu tranh của Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy đang góp phần cùng người quốc gia chuyển biến đêm đen độc đảng độc tài CSVN thành bình minh rạng rỡ cho dân tộc VN nơi quê nhà.
Trở lại chuyện đại họa mất nước, dư luận không quên Hội nghị Thành Đô, được tổ chức tại Tứ Xuyên trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, quy tụ các lãnh đạo cao cấp của hai nước Việt Nam – Trung Quốc; phía Việt Nam có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và cố vấn ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng; phía Trung Quốc có Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng.
Kết quà hội nghị đã được Wikileaks xác định trong một văn kiện được ghi nhận trong 3,100 bức điện lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nó có các chi tiết như sau:
“Biên bản buổi họp kín giữa Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư đảng CSVN; Đỗ Mười, Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, đại diện phía Việt Nam; và Giang Trạch Dân, TBT/CSTQ; Lý Bằng, Thủ tướng, đã họp 2 ngày từ 3 và 4-9-1990, tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ”.
“Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ Nghĩa Cộng Sản, đảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung Ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây…”
“Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc”. (Hết trích) [Xem hình bên dưới: Từ trái qua phải. Lý Bằng, Giang Trạch Dân (nắm tay Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng (chắp tay)]
Kết quả của Hội nghị Thành Đô năm 1990 đó đã khiến ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Cơ Thạch cho rằng: “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu”.
Nó đã khiến Trung Quốc luôn miệng nói hai nước Việt-Trung là “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan”.
Sau đó, Giang Trạch Dân đưa ra chiêu bài 16 chữ vàng gồm “Láng giềng hữu nghị (mục lân hữu hảo), hợp tác toàn diện (Toàn diện hợp tác), ổn định lâu dài (Trường kỳ ổn định), hướng tới tương lai (Diện hướng vị lai)”.
Nó lập tức được Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đồng thuận và cam kết luôn luôn thực hiện với quyết tâm cao độ. Bản tuyên bố chung về 16 chữ vàng này đã chính thức được Giang Trạch Dân và Lê Khả Phiêu ký vào tháng 2 năm 1999.
Từ đó đến nay cả hai bên Việt-Trung đã và đang từng bước tiến hành để VN trở thành “một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung Ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây” và Trung Quốc “cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc”
Thời gian còn lại, theo cam kết từ Hội nghị Thành Đô đó chỉ còn có 6 năm. Do vậy mọi người chúng ta phải tận lực hơn nữa trong việc “Chống Tàu Diệt Việt Cộng”.
Tuổi trẻ quốc nội đã lên đường. Những kết quả ngoạn mục được liên tục ghi nhận trong thời gian qua, từ những hành động đấu tranh chống độc đảng độc tài, bất chấp sợ hãi, tù ngục, cho dầu có bị công an đánh đập, bắt bớ, họ vẫn đấu tranh. Họ là những trí thức trẻ, những sinh viên đã tốt nghiệp hay còn theo học ở các đại học, những blogger trẻ đòi hỏi nhân quyền, những nhà đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam, những người tù lương tâm kiên cường chống độc đảng độc tài… Họ cũng là một số đảng viên có thế giá hiên ngang bỏ đảng. Mới đây, là sự phản tỉnh của 61 đảng viên Cộng sản từng giữ các chức vụ cao cấp trong bộ máy Đảng Cộng Sản và Nhà nước CS Việt Nam, tiêu biểu là những đảng viên kỳ cựu và nổi tiếng như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Tương Lai, Nguyễn Trung, Huỳnh Kim Báu, Nguyên Ngọc, Hạ Đình Nguyên, Kha Lương Ngãi, Tô Nhuận Vỹ, Lữ Phương, Nguyễn Thị Kim Chi, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Phạm Chi Lan… Tuy đó chỉ mới là sự phản tỉnh nửa vời, nhưng có thể là sự báo biểu một cuộc “đại phản tỉnh” như tiên liệu của cố GS Nguyễn Đình Huy của Phong trào Thống nhứt và Xây dựng Dân chủ tổ chức bất thành cuộc Hội thảo Quốc tế Phát triển VN tại Sài Gòn trước đây không lâu. Nó cũng xuất phát từ những áp lực mạnh mẽ của quốc tế… Tất cả đã và đang khiến CSVN từng bước nhượng bộ và Trung Quốc cũng đã phần nào nao núng trong việc lấn áp Việt Nam…; điển hình như chuyện giàn khoan HD 981 ở biển đông, như một số không nhỏ các cấp lãnh đạo CSVN chuyển hướng cầu cạnh Mỹ…; đăc biệt là tấm gương Tổng Thống Nga Putin bị trừng phạt vì vụ Ucraina cũng phần nào khiến Trung Quốc chột dạ… Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy xin được góp phần vào đại cuộc.
Sau cùng, nhân ngày giỗ, trước hương linh cố GS Nguyễn Ngọc Huy, Giáo Già, người của Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy, xin được một lần nữa kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm và xin được mượn lời cố Tổng Thống Hoa Kỳ Lincoln, trong diễn văn vinh danh các chiến sĩ gục ngả ở chiến trường Gettysburg, trong cuộc Nội Chiến Mỹ, với chút thay đổi, để tâm niệm:
“Chúng tôi, những người còn sống, phải hiến thân cho công việc dang dở mà Giáo sư đã kiên trì đẩy đi tới. Chúng tôi phải hiến thân cho nhiệm vụ còn lại từ tay Giáo sư đã vinh hiển trao cho, chúng tôi hứa tiếp nhận thêm sự tận tụy cho lý tưởng mà Giáo sư đã cống hiến toàn bộ cho đến hơi thở cuối cùng”*
Hẹn con thư sau,
Giáo Già
(Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
____________________
* Xin trích nguyên văn lời của cố Tổng Thống Lincoln: “It is for us the living to be dedicated here to the unfinished work which they who fought here have thus far so nobly advanced. It is for us to be here dedicated to the great task remaining before us – that from these honored dead we take increased devotion to that cause for which they gave the last full measure of devotion”.