Thư Cho Con: CSVN Độc Tài Công An Phiệt – Giáo Già
Ngày 30 tháng 3 năm 2016
H,
Cùng lúc với nhiều cơ quan truyền thông quốc tế và quốc nội, ngày 23-3-2016, phóng viên Mặc Lâm của đài RFA cho biết Tòa án Nhân dân Hà Nội mở phiên xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh, được biết rộng rãi qua cái tên blogger Anh Ba Sàm, và bà Nguyễn Thị Minh Thúy; về tội vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Sau một ngày chờ đợi, bản án đưa ra: Anh Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù giam, bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam.
Phóng viên GNsP nói: bà Lê Thị Minh Hà (vợ anh Ba Sàm) cho biết, các cơ quan tiến hành tố tụng không đưa ra được bằng chứng nào để kết tội ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Trước tòa, ông Vinh và bà Thúy luôn khẳng định vô tội. [Xem thêm bài “Blogger hàng đầu của Việt Nam lãnh án 5 năm tù” của Asia Sentinel. Người dịch: Trần Văn Minh (thuộc nhóm Chống Tàu diệt VC) trong phụ đính].
Hình AFT: Blogger Basàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thủy, tại Tòa án Nhân dân Hà Nội ngày 23/3/2016.
Có 7 luật sư bảo vệ cho Ba Sàm và Nguyễn Thị Minh Thúy. Có 4 đại sứ quán có đại diện bên trong phiên tòa là Hoa kỳ, Úc, Canada và EU; nhưng ông Martin Patzelt, nghị sĩ, thành viên Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội CHLB Đức đã đến Hà Nội ngày 21 tháng 3 để theo dõi phiên xử anh Ba sàm, nhưng không nhận được hồi âm nên không được vào, mặc dầu ông đã gởi thư xin được tham dự phiên tòa từ hai tháng trước. Bà Lê Thị Minh Hà là vợ của anh Ba sàm và bà Thuyên mẹ của chị Minh Thúy được vào tham dự phiên tòa.
Diễn tiến bên ngoài phiên tòa cho biết: Lúc 8 giờ 20 chị Teresa Thảo, một người hoạt động cứu trợ dân oan cho biết: Trước cửa tòa án có khoảng 200 người dân phản đối phiên tòa bất công hô to “Tự do cho Minh Thúy, tự do cho Ba Sàm”. Chung quanh tòa án có rất rất đông lực lượng an ninh chìm nổi, các lực lượng CSGT, CSCĐ, CS113, dân phòng…
[Xem hình: Những người ủng hộ blogger Nguyễn Hữu Vinh đứng trước Tòa án Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016. AFP photo]
Lúc 8:45 phút: Một số dân oan từ các tỉnh, và nhiều nhất là dân oan Dương Nội, cùng kéo về ủng hộ cho anh Ba sàm và chị Minh Thúy. Hoàng Bình và Việt Quân từ Sài Gòn cũng ra Hà Nội tham dự phiên tòa. Bà Cấn Thị Thêu cho biết: Tôi thấy rất là đông bà con những người yêu mến Minh Thúy và anh Ba sàm đến tham dự phiên tòa. Lực lượng an ninh cảnh sát bao vây chúng tôi rất đông. Lúc 9 giờ 30: Cựu TNLT Nam Trung đang có mặt tại hiện trường cho hay: “Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị bắt tại ngã tư Tràng Thi – Triệu Quốc Đạt. Chưa đầy 10 phút sau đó, Blogger Nguyễn Đình Hà cũng bị bắt cách đó 50m”. Lúc 10 giờ 15: Phóng viên GNsP ở Hà Nội cho biết: “Nhà báo Đoan Trang bị bắt tại tư gia và đưa về đồn công an phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ở nhà theo dõi phiên tòa cũng bị bắt!” Bà Thúy Nga cho biết: “Bà Trần Thị Hài dân oan Bình Dương, bà Hồ Thị Liên dân oan Nghệ An, bà Trần Thị Hoàng dân oan Tiền Giang bị công an cộng sản bắt cóc tại ngã tư Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội; và đưa lên taxi đi đâu chưa rõ. Ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hoàng bị an ninh cộng sản chặn tại cửa nhà không cho đi”…
Sau cáo trạng luận tội, tất cả 7 luật sư đều phát biểu một cách tương đối đầy đặn, thẳng thắn, rõ ràng, nêu chứng cứ rất rành mạch và thuyết phục. Sau đó, đến phần tranh luận, viện kiểm sát đưa ra một số chứng cứ rất yếu. Khi luật sư trình bày trở lại thì Viện kiểm sát làm thinh không trả lời nổi tất cả những luận điểm của luật sư đề ra [Xem Toàn văn bài LS Hà Huy Sơn trả lời phỏng vấn của Bauxite Việt Nam trong phần phụ đính]. Có điều rất đáng quan tâm là trong bài viết “Phiên tòa Ba Sàm: Làm nhục công dân bằng sự ngu dốt” blogger Đoan Trang tiết lộ:
“Có một chi tiết mà những người không được vào dự phiên tòa ‘công khai’ xử Anh Ba Sàm và Minh Thúy chưa biết, đó là: Hội đồng xét xử, với ngài thẩm phán Nguyễn Văn Phổ, và hai hội thẩm viên già nua, đều là những người mù tịt về CNTT, về Internet, về blog và mạng xã hội… Họ thậm chí còn phát âm sai những từ mà ngay cả đứa trẻ cũng có thể đọc được, ví dụ gmail được các ngài đọc thành ‘GỜ MAI’. Còn từ ‘wordpress’ với họ thì quả là một thử thách. Một nhân viên an ninh, trong buổi ‘làm việc’ hôm qua với tôi, còn cho biết, cơ quan an ninh đã đến gặp và ‘làm việc’ kỹ với ông Nguyễn Văn Phổ – thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. “Ông ấy kêu ‘tôi chả biết mạng mẽo gì đâu, chả dùng Facebook, chả bao giờ lên mạng’. Thế càng tốt, đỡ rác tai” – nhân viên an ninh nọ nói và cười hì hì…. Điều đó khiến tất cả những lập luận của ông Vinh và các luật sư, dù sắc sảo, dù hùng biện đến đâu, cũng thành vô nghĩa trước những bộ mặt ngớ ngẩn… Dùng kẻ ngu để vô hiệu hóa, tầm thường hóa trí thức – đó là chiến thuật mà chính quyền công an trị vẫn sử dụng suốt nửa thế kỷ nay… Công an thật là biết làm nhục dân quá.”
Mặt khác, blogger Đoan Trang bị giam trái phép từ 8h sáng đến 17h chiều, mặc dù chị mong muốn tham dự phiên tòa với tư cách là một nhân chứng cho vụ án. Hôm 23/3, phiên tòa diễn ra, và cách cư xử của tòa là ngay từ sáng sớm, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an đã cho người đến tận nhà bắt một trong ba tác giả về đồn để “làm rõ về bản kiến nghị“. Khi tôi [Đoan Trang] nói rằng, mọi thứ đều đã được trình bày rất rõ ràng trong văn bản gửi tòa, và nếu có gì cần làm rõ thì tôi cần phải làm việc trực tiếp với tòa, tại tòa, chứ không phải với cơ quan an ninh, thì họ giữ luôn tôi lại ở đồn đến 17h, và còn nói rằng việc ba người nhận là tác giả của bài “Ông trời con Hoàng Kông Tư vs. BBC Việt ngữ” sẽ là tình tiết mới, mở ra một vụ án khác. Xét xử và kết án mà lại bắt nhân chứng / người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, công khai cản trở họ ra tòa làm chứng. Liệu có ai tin được vào tính chất nghiêm túc của phiên tòa không (chưa nói đến tính công minh)?
Đoan Trang nói thêm: “Từ trước phiên tòa sơ thẩm xét xử Anh Ba Sàm, Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn và tôi đã gửi kiến nghị xác nhận chúng tôi là đồng tác giả của 1 trong số 24 bài viết mà công an và Viện Kiểm sát sử dụng làm bằng chứng kết tội Ba Sàm. Chúng tôi yêu cầu Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, hoặc là đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, hoặc là phải để chúng tôi vào dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Chúng tôi đợi xem tòa xử lý thế nào: hoãn xử, hay sẽ mặc kệ, không cho ai vào, không buồn đếm xỉa?”
Cũng được biết thêm là có nhiều người bị công an bắt khẩn cấp nhưng không phạm tội. Ngay sau khi phiên xử kết thúc các Facebook tràn ngập thông tin vụ xét xử. Phản ứng quốc tế trước vụ án cho thấy:
- Một ngày trước khi phiên xử diễn ra, Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch hôm 22/3 ra thông báo yêu cầu chính phủ Việt Nam phải bỏ những cáo buộc dành cho Blogger Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự là Chị Nguyễn Thị Minh Thúy. Ông Brad Adams, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Human Rights Watch phát biểu trong thông cáo báo chí rằng Blogger Nguyễn Hữu Vinh và Chị Nguyễn Thị Minh Thúy đã bị giam giữ gần hai năm chỉ vì họ đã chỉ trích đảng cộng sản và các lãnh đạo trong khi chính phủ Việt Nam đã thông qua luật về nhân quyền bảo vệ các quyền lợi của các bloggers. Ông kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho hai người và đền bù xứng đáng cho suốt thời gian họ bị giam giữ trái pháp luật.
- Ngoài ra, Tổ chức ân xá quốc tế Amnesty International hôm nay cũng ra thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do cho hai người. Giám đốc văn phòng Đông Nam Á của tổ chức này lên tiếng nói rằng hành động bắt giữ và kết án hai blogger của chính phủ Việt Nam là một ví dụ về việc giới chức chính phủ tìm cách dập tắt những chỉ trích chính đáng và tạo ra một bầu không khí sợ hãi đối với người dân khi họ muốn bày tỏ quan điểm. Việc giam giữ hai blogger trong gần hai năm qua chứng tỏ Việt Nam đã vi phạm luật của Việt Nam và quốc tế.
- Ngay sau đó, hôm 23/3, Tổ chức Bảo vệ các Ký giả [CPJ] đã ra thông báo mạnh mẽ lên án bản án của Toà án Nhân dân Hà Nội, tuyên phạt 5 năm tù đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và 3 năm tù đối với bà Minh Thuý, về cáo buộc là ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’, vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình sự. Cả hai đều bị giam cầm trong hơn 22 tháng qua. Ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ ở Đông Nam Á, nói: “Các bản án khắc nghiệt dành cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn thị Minh Thuý không phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong tư cách là một nước đã ký Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.”
- Đến ngày 24/3/2016, một ngày sau phiên xử sơ thẩm ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, cộng đồng quốc tế đã lên án kết quả của phiên tòa, và cho rằng đó là sự chà đạp lên quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của chính quyền CSVN.
- Hôm 24/3, ông Laurent Meillan, quyền đại diện khu vực của OHCHR nói: “Chúng tôi thúc giục chính phủ Việt Nam ngừng kết tội theo điều này, và các điều mơ hồ tương tự khác, vì chúng đi ngược lại nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam… và kêu gọi giới chức thả ngay các blogger và nhà hoạt động bị giam vì các cáo buộc tương tự.”
- Benjamin Ismail, người đứng đầu của Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói: “Hai công dân-nhà báo đã một lần nữa bị bỏ tù chỉ vì muốn cung cấp cho đồng bào với những bài báo và thông tin độc lập… Bản án này vô cùng nghiêm trọng vì chính phủ và nhiều quan chức tư pháp là nguồn tin của Anh Ba Sam. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên các nhà chức trách Việt Nam để ông Vinh và bà Thúy không bị giam giữ bất công.” Được biết, Việt Nam bị xếp hạng thứ 175 trong số 180 quốc gia trong bảng xếp hạng tự do báo chí vào năm 2015 của RSF.
- Văn phòng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội cũng ra thông cáo về kết quả phiên xử. Đại sứ Angelet nhắc lại quyền cơ bản, mà theo đó tất cả mọi người được tự do có và biểu đạt ý kiến một cách ôn hòa phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên, cũng như với Điều 25 của Hiến pháp. Liên minh châu Âu khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời sẽ làm việc với chính quyền CSVN nhằm cải thiện tình hình nhân quyền.
- Phần Hoa Kỳ, tuyên bố mới nhất của Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã nêu lên sự quan ngại việc chính phủ Việt Nam kết tội và tuyến án blogger Nguyễn Hữu Vinh (tức Anh Ba Sam) và bà Nguyễn Thị Minh Thủy, lần lượt năm và ba năm tù theo Điều 258 của Bộ luật hình sự Việt Nam… Những bản án này không phù hợp với các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, và với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết quốc tế khác. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt nam trả tự do vô điều kiện hai cá nhân này, cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác, và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa mà không sợ bị trả thù.
Ngoài ra, trước ngày Anh Ba Sàm bị đem ra tòa, một buổi “Ra mắt sách Anh Ba Sàm” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đến dự buổi ra mắt sách, có nhiều nhà ngoại giao thuộc Đại sứ quán các nước như Hoa Kỳ, CHLB Đức, Na Uy, Cộng đồng EU… và ngài Martin Patzelt, nghị sĩ thuộc Quốc hội Công Hòa liên bang Đức, người theo dõi về nhân quyền đã đến Việt Nam, với mục đích tham dự phiên tòa xử vào hôm sau [23/3/2016]. Phía gia đình các nạn nhân có bà Lê Thị Minh Hà, vợ của Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, và mẹ của Nguyễn Thị Minh Thúy là cộng sự của Anh Ba Sàm. Buổi ra mắt cũng thu hút một số nhân sĩ, trí thức và nhiều bạn trẻ quan tâm đến vụ án Anh Ba Sàm, vụ án xử một người yêu nước, can đảm nói lên sự thật và chấp nhận đàn áp, không ngại bắt bớ [Xem hình]. Tập sách Anh Ba Sàm là một tập sách song ngữ đầu tiên về một nhà đấu tranh trên mặt trận truyền thông; ở đó tập trung những bài viết của các bạn trẻ về vụ án này. Tập sách cũng cung cấp nhiều tư liệu của vụ án và những hình ảnh về Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh, chị Nguyễn Thị Minh Thúy do J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Lân Thắng và các blogger khác thực hiện.
Từ Hà Nội đi vào Sài Gòn, tin từ đài RFA cho biết “Tòa án TP Hồ Chí Minh cho biết Blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật Nguyễn Đình Ngọc, hôm nay, 30/3/2016, bị Tòa Án Nhân dân Thành phố HCM tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Truyền thông CSVN loan tin nói blogger Nguyễn Ngọc Già phát tán nhiều bài viết trên Internet có nội dung nói xấu, chống Đảng. Blogger Nguyễn Ngọc Già bị cơ quan an ninh đến nhà lục soát và bắt khẩn cấp với lý do có những hoạt động mà cơ quan này gọi là bất hợp pháp. Blogger Nguyễn Ngọc Già thường viết bài đăng trên các trang blog và những trang tin trên mạng độc lập như Dân Luận, Dân Làm Báo và có những bài viết đăng trên trang web của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do. Nội dung những bài viết của ông là phê phán nhà cầm quyền Việt Nam cũng như việc bắt bớ các tiếng nói đối lập”.
Đồng thời, các hãng thông tấn AP, AFP, RFA, BBC, VOA… cũng cho biết: “Sau phiên xử kéo dài nửa ngày 30/3/2016 CSVN vừa kết án ba phụ nữ cầm cờ ba sọc ‘biểu tình trái phép’ trước Lãnh sự quán Mỹ.
- Bà Ngô Thị Minh Ước, sinh năm 1959, ngụ ở TP. HCM bị mức án 4 năm 3 tháng tù;
- Bà Nguyễn Thị Trí, sinh năm 1958, ngụ ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bị án 3 năm tù;
- Bà Nguyễn Thị Bé Hai, sinh năm 1958, ngụ ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, bị án 3 năm tù.
Ba người này còn bị phạt quản chế 2 năm.
Theo cáo trạng, do khiếu kiện đất đai lâu năm tại Bình Phước, Bình Dương, và Đồng Tháp không được giải quyết, sáng ngày 7 tháng Bảy 2014 nhóm phụ nữ này đã ‘tụ tập biểu tình trái pháp luật trước Lãnh sự quán Mỹ’, mang theo 3 lá cờ lớn, 51 lá cờ nhỏ, cùng các băng-rôn, biểu ngữ ‘bôi nhọ’ đảng và so sánh chế độ hiện hành với những thể chế khác. Cáo trạng nói hành vi của ba phụ nữ này là ‘đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia, xuyên tạc, xúi giục, gây nghi ngờ và làm mất lòng tin của nhân dân đối với đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.’ Tờ Thanh Niên dẫn lời 3 bị cáo tại tòa khai có tham gia ‘Phong trào Liên đới Dân oan Tranh đấu’ được thành lập từ tháng 3/2014 do dân oan Trần Ngọc Anh làm đại diện. Công an Việt Nam cho hay khi khám xét nơi ở của các bị cáo có phát hiện thêm 2 biểu ngữ ‘vu khống đảng và nhà nước’ viết bằng tiếng Anh. Trước khi bị bắt, cả ba người từng bị phạt hành chính về cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ vì tham gia ‘biểu tình trái phép’.”
Cũng như nhiều phiên tòa xử những người tù lương tâm trước đây, như những vụ xử Bà Tạ Phong Tần, các ông Điều Cày, Phan Thanh Hải, Đoàn Văn Vươn…; vụ xử Anh Ba Sàm và chị Minh Thúy với số người biểu tình đông đảo đã thêm lần nữa gây nhức nhối công an, từ trong phòng xử cho đến bên ngoài tòa án… Công an đã ra tay bắt giữ một số người ở địa phương và ở nhiều nơi khác kéo về Hà Nội. Nó khiến Đại tướng Công an Trần Đại Quang, đương nhiệm Bộ trưởng Công an, chưa kịp tiến lên vị thế Chủ tịch nước, ngang nhiên lộng quyền ban hành Thông tư Số: 13/2016/TT-BCA quy định những người bị lực lượng này cho là quấy rối tại tòa sẽ bị bắt giữ. Thông tư bắt đầu có hiệu lực trong vòng 1 tháng nữa.
Thông tư này cho biết “Kể từ ngày 24 tháng 4, những ai có mặt tại các phiên tòa và bị cho là vi phạm trật tự, nội quy của tòa hay những người tụ tập bên ngoài gây rối trật tự tại khu vực xét xử sẽ bị lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tòa nhắc nhở chấm dứt hành vi và giải tán. Trong trường hợp không chấp hành, công an sẽ bắt giữ người chống đối”. Ngoài ra, “Nếu diễn biến của phiên tòa diễn ra phức tạp thì công an bảo vệ phiên tòa đề xuất chủ tọa dừng xét xử”.
Đây là thông tư thay thế qui định bảo vệ phiên tòa ban hành hồi tháng Bảy 2006. Nó quy định: “Công an làm nhiệm vụ trong phòng xử phải giám sát mọi hành vi của bị cáo, nhân chứng, người có quyền lợi liên quan, phải nhắc nhở khuyến cáo để không xảy ra chuyện đe dọa tấn công Hội Đồng Xét Xử, chuyện hủy hoại, cướp hồ sơ, tài liệu, vật chứng, gây mất an ninh trật tự trong phòng xử”. Bên cạnh đó “Công an giữ trách nhiệm có thể buộc người vi phạm rời phòng xử hoặc bắt giữ người đó theo quyết định của vị chủ tọa phiên tòa”. Trong những tình huống tụ tập đông người và gây rối trật tự tại khu vực xét xử “Công an được quyền bắt giữ người chống đối, chủ mưu, cầm đầu khi cần thiết”. Xét ra chuyện này không có gì mới vì “Trước giờ công an vẫn thường ra lệnh, đánh đập và bắt người mỗi khi có những phiên tòa lôi kéo sự chú ý của dư luận”.
Nhìn lại Thông tư 13/2016 của Bộ Công An vừa được ban hành ngày 22, trước phiên xử blogger Anh Ba Sam và người cộng sự Minh Thúy, nói rằng sẽ “có hiệu lực trong vòng 1 tháng nữa”; nhưng đâu phải đợi tới ngày 24 tháng Tư mà “Ngay trong ngày 23 tháng Ba, tức ngày xảy ra phiên xử blogger Anh Ba Sam thì hai người tự ra ứng cử Quốc hội là tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi Nguyễn Đình Hà đã bị công an bắt về đồn thẩm vấn mấy tiếng đồng hồ; blogger Đoan Trang bị bắt tại nhà…”
Đây chỉ là một thứ “Hợp pháp hóa việc trấn áp của công an đối với làn sóng đấu tranh đòi công lý của người dân ở trong nước”. Nó khiến blogger Nguyễn Lân Thắng phải chua xót nói: “Thông Tư 13/2016 của Bộ Công An không làm ai ngạc nhiên mà chỉ cho người ta cái cảm giác là cái chế độ công an trị ngày càng mạnh mẽ hơn”. Nói cách khác đó là một thứ “Công An Phiệt” độc hại hơn cả Quân Phiệt.
Nói rõ hơn, Luật sư Lê Công Định, khi trả lời phỏng vấn của cô Phạm Thanh Nghiên [được đăng trên một số diễn đàn], đã nói: “Nó thiết lập cơ sở pháp lý cho hành động đàn áp và bắt giam những người đến tụ tập bên ngoài khu vực xử án nhằm ủng hộ tinh thần của bị cáo và phản đối phiên tòa bất công. Với lý do bảo vệ phiên tòa từ nay, lực lượng công an có quyền trấn áp thẳng tay những ai bị xem là ‘gây rối trật tự khu vực xử án’. Hơn nữa, nhận định có hay không tình trạng ‘gây rối trật tự khu vực xử án’ cũng hoàn toàn võ đoán và một chiều, từ phía công an. Khi muốn đàn áp và bắt giam những người đến tụ tập bên ngoài khu vực xử án, thì công an sẽ đội cho họ cái mũ ‘gây rối trật tự’ rồi áp dụng ngay Điều 14 của Thông tư 13, bất kể họ chưa và không có khả năng đe dọa sự an toàn của phiên tòa…”
Luật sư Lê Công Định nói thêm: “Biểu tình và tự do ngôn luận là hai quyền được Hiến pháp 2013 ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực thi. Như vậy, việc tập hợp đông người để ủng hộ tinh thần của bị cáo và phản đối phiên tòa bất công hoàn toàn thuộc phạm vi các quyền hiến định của công dân. Không một đạo luật hay bản văn luật pháp dưới luật nào có thể hạn chế hay tước đoạt quyền hiến định của công dân dưới mọi hình thức. Một Bộ trưởng thuộc ngành hành pháp không có quyền ban hành một thông tư mặc nhiên xâm phạm các quyền tự do được Hiến pháp công nhận. Thông tư 13 do vậy vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp 2013. Trong một nhà nước pháp quyền thật sự, một thông tư như thế chắc chắn sẽ bị tòa án bảo hiến tuyên vô hiệu, và không bộ trưởng nào dám liều lĩnh đánh cược sinh mạng chính trị của mình bằng việc ban hành một bản văn pháp lý vi hiến hiển nhiên. Nói đi cũng phải nói lại, tất nhiên, nhà nước pháp quyền giả hiệu thì khác”.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già (Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Phụ Đính
Blogger hàng đầu của Việt Nam lãnh án 5 năm tù
Người dịch: Trần Văn Minh (Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng) – 24-3-2016
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Anh Ba Sàm bị truy tố tội “xâm phạm lợi ích nhà nước”
Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 23 tháng 3 đã kết án blogger độc lập nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, được biết với bút danh Anh Ba Sàm, 5 năm tù giam vì tội liên quan đến việc làm của ông. Theo Bộ luật hình sự Việt Nam, ông bị truy tố tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Phụ tá của ông Vinh, bà Nguyễn Minh Thúy, người đã từ chối làm chứng chống lại ông Vinh, bị kết án 3 năm tù. Hai bản án này cho thấy dấu chỉ quan trọng đầu tiên về cách thức giới lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ giải quyết các vụ việc về quyền dân sự. Câu trả lời ngắn gọn dường như là: cũng tương tự như người tiền nhiệm của họ.
Bản án đã được định sẵn
Ông Vinh và bà Thúy đã bị giam giữ để điều tra trong 20 tháng, hồi tháng Giêng, tòa án Hà Nội thông báo rằng vụ việc sẽ được đem ra xét xử vào đêm trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không lâu sau đó, một thông báo thứ hai công bố hoãn phiên tòa. Đại hội Đảng đã bổ nhiệm một giàn lãnh đạo mới sau khi bác bỏ tham vọng của Thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng muốn thay thế ông Nguyễn Phú Trọng làm quan chức Cộng sản hàng đầu. Bộ Chính trị mới thông báo, vào ngày 28 tháng 1, cho thấy một sự gia tăng đáng chú ý số đảng viên giáo điều kỳ cựu và sĩ quan công an cấp cao. Sự phê chuẩn Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng đang chờ thông qua, với Việt Nam trong số 12 quốc gia ký kết. Hiệp ước này gây nhiều gây tranh cãi ở một số nước và những người chống đối ở hải ngoại đã bày tỏ sự nghi ngờ một cách đặc biệt về việc Việt Nam sẽ tuân thủ các cam kết về quyền công dân, hàm chứa trong hiệp định mà những người ủng hộ ca tụng như một “thỏa thuận tự do thương mại dựa trên luật lệ và tiêu chuẩn cao”.
Buổi tiệc tiếp tục
Việt Nam là một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa độc đảng. Tất cả các cơ cấu, bao gồm tòa án, chịu sự giám sát của Đảng Cộng sản. Các thẩm phán và người đại diện tố tụng được chọn lựa từ người của Đảng. Trong khi ngành tư pháp trên danh nghĩa chịu trách nhiệm trước Quốc hội, về mặt lý thuyết, nó là bộ phận cao nhất của quyền lực chính phủ, nhưng Đảng kiểm soát mọi việc. Do blog “Anh Ba Sàm” lên mạng vào năm 2007, nổi tiếng về tính làm báo có trách nhiệm trong môi trường mạng đặc trưng với các bình luận sống động; nhưng khó hiểu và bất kể, phiên tòa đã được theo dõi chặt chẽ tại Việt Nam. Anh Ba Sàm chuyên chở cả phần tổng hợp các tường thuật của phương Tây về Việt Nam lẫn bình luận của một số các cộng tác viên nổi bật. Đồng nghiệp của ông Vinh và bà Thúy đã tiếp tục phổ biến trang blog mặc dù họ đang bị giam giữ. Trang blog đã bị những kẻ không rõ lai lịch tấn công ba lần.
Phổ biến với độc giả
Trong 6 tháng cuối năm 2015, khi các rò rỉ về cuộc tranh giành lãnh đạo của Đảng Cộng sản tăng lên, số lượng độc giả xem trang Anh Ba Sam trung bình trên 100.000 lượt mỗi ngày. Số lượt truy cập tăng vọt hơn 556.000 một ngày(*) trước Đại hội Đảng. Bản cáo trạng chống lại ông Vinh và bà Thúy dựa trên các bài viết không ký tên được cho là đã đăng trên hai blog khác: Dân Quyền và Chép Sử Việt. Bản cáo trạng cho rằng hai người đã âm mưu “bịa đặt và xuyên tạc sự thật về Việt Nam”. Sự kiện họ bị bắt vào tháng 5 năm 2014 xảy ra trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi Bắc Kinh di chuyển giàn khoan nước sâu đầu tiên vào vùng Biển Đông đang tranh chấp. Các lời kêu gọi một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã được gióng lên khắp nơi trong giới blogger Việt Nam. Một số nhà bất đồng chính kiến Việt Nam xem vụ bắt giữ hai blogger là bằng chứng cho thấy chính quyền Việt Nam đã “khuất phục” trước đối tác Trung Quốc, bằng cách bắt giữ blogger “chống Trung Cộng” nổi tiếng.
Tấn công
Blog ABS cũng đã từng là mục tiêu các cuộc tấn công của tin tặc không rõ lai lịch – đầu tiên vào năm 2010 và một lần nữa vào năm 2011. Vào ngày 8 tháng 3 năm 2013, ABS lại bị kẻ tấn công phá hoại, đánh cắp hồ sơ và thay đổi tất cả mật khẩu. Biên tập viên quản trị trang blog ở Mỹ, bà Đinh Ngọc Thu, sau đó trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công cá nhân rất thô bỉ, được làm bằng cách xuyên tạc ý nghĩa từ một số bức ảnh mà tin tặc lấy từ hồ sơ máy tính cá nhân của bà. Cuộc tấn công năm 2013 xảy ra giữa lúc có một cuộc tranh luận sôi nổi trên blog Ba Sàm về cách thức Hiến pháp Việt Nam nên được sửa đổi như thế nào. Mặc dù Quốc hội kêu gọi người dân đóng góp ý kiến, văn bản cuối cùng, được ban hành vào cuối năm 2013, “đã thất bại trong việc đáp lại nguyện vọng của dân chúng về sự thay đổi và cải cách”, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW). Các bài bình luận đăng trên Anh Ba Sàm nghiêng nhiều về phía giải thoát các bảo đảm quyền con người được ghi trong Hiến pháp hiện hành, khỏi một loạt các hạn chế bảo mật tàn hại dựa trên an ninh quốc gia. Cũng có sự ủng hộ đáng kể trong việc giảm thiểu độc quyền quyết định chính trị của Đảng Cộng sản và giải thoát tòa án và các phương tiện truyền thông dòng chính khỏi quá nhiều các chỉ đạo chính trị. Mọi thứ trở lại bình thường vào tháng 6 năm 2013 khi Anh Ba Sàm một lần nữa bắt đầu đăng tải tin tức cập nhật và bình luận hàng ngày tại những địa chỉ web mới, an toàn hơn. Sau đó, vào ngày 5-5-2014, ông Vinh, là người sáng lập và biên tập viên của trang blog – một sĩ quan công an về hưu – đã bị bắt tại nhà riêng và ổ đĩa cứng và các hồ sơ khác của ông đã bị lấy làm chứng cớ. Người phụ tá của ông Vinh, bà Thúy, cũng bị bắt.
____
Đính chính: * Trong bài tiếng Anh, tác giả ghi nhầm con số 258.000. Con số cao nhất là 556.371 lượt truy cập, vào ngày 25-1-2016. Xem ảnh:
Toàn văn bài LS Hà Huy Sơn trả lời phỏng vấn của Bauxite Việt Nam
Vụ xử sơ thẩm đối với Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy của Tòa án nhân dân Hà Nội trong buổi sáng ngày 23-3-2016 còn để lại một dư âm nặng nề trong dư luận, trong nước cũng như quốc tế. Ngay thông báo của Tòa được gọi là “phiên xử công khai”, vậy mà một Nghị sĩ CHLB Đức, ông Martin Patzel đánh đường sang Việt Nam để xin vào dự thính đã bị từ chối. Đại diện nhiều Sứ quán tại Hà Nội cũng cùng chung số phận. Người Việt thì không lạ nhưng các thành viên nước ngoài có mặt trước cửa Tòa án lúc ấy hẳn lấy làm lạ lùng, càng thấu hiểu thực chất “dân chủ đến thế là cùng” của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau khi bản án vừa xử xong, LHQ và các tổ chức nhân quyền quốc tế lớn nhất thế giới như Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International, AI), Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists, CPJ), Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW), Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for Human Rights, FIDH)… đã lên tiếng mạnh mẽ, phản đối bản án sai trái và chỉ trích chính quyền Việt Nam vi phạm các nghĩa vụ quy định trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia. Trong không khí nóng bỏng đặt cơ quan công quyền của Đảng Cộng sản vào thế kẹt nhiều bề như vậy, BVN đã gặp gỡ luật sư Hà Huy Sơn, một trong những luật sư bào chữa cho hai bị cáo, nêu một số câu hỏi phỏng vấn ông, ngõ hầu làm sáng tỏ thêm đôi điều về phiên tòa đặc biệt này. Xin cảm ơn Luật sư Hà Huy Sơn đã nhận lời phỏng vấn của BVN.
Bauxite Việt Nam
Câu hỏi 1 – Lý do hay cơ duyên nào đã khiến LS nhận lời bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, hai người bạn gắn bó nhiều năm với giới đấu tranh chống TQ xâm lược cũng như đấu tranh cho một xã hội dân chủ, nhất là anh Vinh?
Có lẽ tôi được mọi người biết đến kể từ khi làm LS bào chữa cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, kế đó là LS bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), sinh viên Nguyễn Phương Uyên, Luật sư Lê Quốc Quân, bà Bùi Thị Minh Hằng… Ngoài ra, tôi cũng tham gia một số buổi biểu tình những năm 2011, 2013, 2014 phản đối Trung Quốc xâm lược nên có quen biết ông Nguyễn Hữu Vinh. Do có quen biết ông Vinh từ trước nên tôi nhận làm LS bào chữa cho Nguyễn Thị Minh Thúy luôn.
Câu hỏi 2 – Tình hình phiên tòa xử anh Vinh và chị Thúy của Tòa án Nhân dân Hà Nội trong buổi sáng 23-3-2016, theo LS có gì bất thường so với các phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến hoặc blogger khác hay không?
Phiên tòa sáng 23-3-2016, không khí ngột ngạt đè nặng từ bên ngoài cho đến trong phòng xử cũng giống như các phiên tòa mang màu sắc “chính trị” trước đó. Có sự khác biệt là phòng xử nhỏ hơn, diện tích khoảng 79-80m2; trong phòng cũng những người của công an bố trí mặc thường phục ngồi kín chỗ. Lần này, họ cho người nhà của các bị cáo mỗi bị cáo có một người được tham dự ngay từ đầu phiên xử mà không gây khó dễ gì. Thẩm phán chủ tọa cũng cho biết luôn là việc không cho các Luật sư mang laptop vào phòng xử là theo lệnh của An ninh…
Câu hỏi 3 – Theo dư luận và ý kiến của một số LS nhận việc bào chữa cho hai bị cáo thì trong gần hai năm qua, phía cáo buộc và giam giữ hai bloggers đó đã không thể nào tìm ra chứng cứ buộc tội, vậy trong phiên tòa họ dựa vào cơ sở pháp lý nào để kết án anh Nguyễn Hữu Vinh đến 5 năm và chị Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù giam? Cơ sở pháp lý ấy vững chắc đến đâu thưa ông?
Trong phiên tòa này phía đại diện Viện Kiểm sát đã đuối lý không đưa ra được các bằng chứng kỹ thuật kết tội Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy liên quan đến hai blog “Dân quyền” và “Chép sử Việt”. Đến khi tuyên án thì Chủ tọa lại đưa ra các mẩu ghi chép, viết tắt, không rõ câu, không rõ nghĩa từ trong sổ tay của Nguyễn Hữu Vinh để làm bằng chứng buộc tội. Họ kết tội Thúy là đồng phạm với anh Vinh bằng việc thống kê nhiều lần hai người gọi điện thoại cho nhau theo list do các công ty thuê bao di động cung cấp, nhưng không đưa ra được nội dung hai người trao đổi cái gì trong những lần gọi đó.
Câu hỏi 4 – Tinh thần của hai bị cáo trong suốt phiên tòa ông thấy thế nào? Khi nghe tuyên án – mà dư luận chung đều thấy quá bất công, phi lý nữa – ông có thấy họ tỏ thái độ gì không? Họ có quyết định kháng án không?
Tinh thần của anh Vinh và Thúy trong suốt phiên tòa rất bình thản, tỉnh táo, trả lời ngọn ngành, nghiêm túc. Sau khi tuyên án tôi và các luật sư đều nhận thấy đây là một bản án bất công, phi lý, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng hình sự. Tôi tin rằng họ sẽ kháng cáo.
Câu hỏi 5 – Quan điểm của nhóm LS bào chữa có được trình bày đầy đủ và được Hội đồng xét xử lắng nghe không? Có chỗ nào hai bên phải tranh luận hoặc chỗ nào Chủ tọa cắt lời LS một cách bất bình thường không?
Các luật sư đã trình bày rõ ràng và đầy đủ các luận cứ bào chữa của mình và đều khẳng định hai bị cáo vô tội. Phía đại diện VKS chỉ đối đáp cho lấy lệ và không tranh tụng các vấn đề chính do luật sư đưa ra. Chủ tọa đã nhiều lần ngắt lời luật sư khi nói đến nhân thân của bị cáo, vấn đề đảng tịch của anh Vinh và Thẩm phán chủ tọa Nguyễn Văn Phổ đã đánh lừa không cho anh Vinh trình bày về nhân thân của mình.
Câu hỏi 6 – Qua phiên tòa này, LS có lời nhắc nhở hoặc rút kinh nghiệm gì cho tất cả những nhà phản biện chính sách, nhất là những blogger đang sử dụng các trang mạng để đăng những phát biểu góp ý thẳng thắn với chính quyền về các mặt yếu kém nhằm phát huy dân chủ trong xã hội chúng ta?
Qua phiên tòa này, tôi nhận thấy chính quyền [đến nay vẫn] không hề thay đổi. Mọi tiến bộ về tự do, dân chủ đều phải trả giá và điều này phải do chính người dân ý thức được và sẵn sàng chấp nhận.
Câu hỏi 7 – Theo dự đoán của LS, kết quả của phiên tòa phúc thẩm (nếu có) sẽ như thế nào?
Tôi dự đoán phiên tòa phúc thẩm họ sẽ sửa chữa những sai lầm tại phiên sơ thẩm vì áp lực của sự thay đổi bắt buộc họ phải giảm mức án.
Câu hỏi 8 – Nếu phiên tòa phúc thẩm không trả tự do cho hai bị cáo, thì đây có thể thành một án lệ để xử các vụ tương tự trong tương lai hay không?
Phiên tòa phúc thẩm cho dù hai bị cáo có được trả tự do hay không thì hiện tại cũng không thể lấy làm mẫu cho tương lai cũng như hiện tại đã không thể sử dụng quá khứ làm chuẩn mực. Nói cách khác không có một án lệ nào cả, tôi nhận thấy sự thay đổi đang diễn ra rất nhanh chóng trong nước và quốc tế.