Thư Cho Con: Chống Tàu Diệt Việt Cộng Sẽ Thành Công Nhờ Cách Mạng Mềm – Giáo Già (Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Ngày 5 tháng 7 năm 2018
H,
Tin được hầu hết các cơ quan truyền thông quốc tế và VN trong ngày 10-6-2018 cho biết “Hàng chục ngàn người đồng loạt xuống đường tại Sài Gòn, Hà Nội, Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẵng, Tiền Giang… để phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng, hôm 10 Tháng Sáu, 2018… Đã xảy ra nhiều nơi đụng độ với cảnh sát và nhiều người bị bắt”. [Xem hình: Hàng chục ngàn người dân biểu tình ở Sài Gòn hôm 10 Tháng Sáu, 2018 chống cả dự luật “Đặc Khu Kinh Tế” và dự luật “An Ninh Mạng.” (Hình: KAO NGUYEN /AFP/Getty Images)]. Theo đó, người dân xuống đường biểu tình với băng rôn và những tấm biểu ngữ bày tỏ sự chống đối mạnh mẽ hai dự luật được đảng CSVN muốn cho thông qua ở kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra. Tất cả diễn ra tại nhiều địa phương với số lượng người tham dự nhiều gấp nhiều lần so với cuộc biểu tình chống Formosa. Những tin tức, hình ảnh, video clip được các Facebookers phổ biến nhanh chóng trên các mạng xã hội. Tại Sài Gòn, cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều địa điểm như trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực Nhà thờ Đức Bà, trước tòa đại sứ Mỹ, khu vực lăng Cha Cả, làm lưu thông xe cộ gián đoạn…
Báo chí của CSVN như VNExpress, Tuổi Trẻ, Người Lao Động rất nhiều giờ sau mới đưa tin và hình ảnh; nhưng, dĩ nhiên, với cung cách không phải hậu thuẫn cho những người biểu tình. Dù sao, báo mạng VNExpress cũng phải nhìn nhận: “Nhiều khu vực ở Sài Gòn, Khánh Hòa, Bình Thuận… hôm nay tê liệt vì nhiều người tụ tập phản đối dự thảo Luật Đặc Khu Kinh Tế, trong khi dự luật này đã được hoãn thông qua.” Báo này mô cả cảnh biểu tình ở Sài Gòn: “Từ sáng sớm, đông nghịt người tụ tập ở công viên Hoàng Văn Thụ, khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả và nhiều tuyến đường xung quanh như: Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Giót, Trường Sơn… Đến trưa, dòng người ngày càng đông khiến giao thông quanh khu vực sân bay tê liệt. Nhiều hành khách phải kéo vali chạy bộ cả cây số vào sân bay, không ít người trễ chuyến. Hãng hàng không Vietnam Airlines sau đó phát thông báo khuyến nghị hành khách chủ động thu xếp thời gian ra sân bay sớm nhất có thể, đặc biệt tránh di chuyển qua trục đường Trường Sơn để đảm bảo đi lại không bị chậm trễ.”
Đáng lưu ý, hầu hết người xuống đường là những gương mặt mới, và đông đảo là thành phần trẻ, chứ không phải là những nhân sĩ, trí thức quen thuộc tại các cuộc biểu tình ở những năm trước, vì các nhân vật được nhiều người biết đều đã bị chặn cửa nhà từ đêm hôm trước, điển hình như trường hợp nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân…
Bà Phan Thị Châu, cựu phóng viên báo Phụ Nữ ở Sài Gòn, một trong những người xuống đường hôm 10 Tháng Sáu, tường thuật trên trang Facebook cá nhân rằng: “Dòng người rất đông đổ về khu nhà thờ Đức Bà với đầy đủ loa, biểu ngữ phản đối. Cuộc biểu tình lần này lượng người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ dạng tiểu thương khá đông. Họ rất hăng hái vung tay, hát hò, phản đối lẫn la hét đến khản cổ.”
Tại Hà Nội, cũng như Sài Gòn [xem hình: Dân Hà Nội biểu tình ngày 10 Tháng Sáu, 2018, chống dự luật “Đặc Khu Kinh Tế” và dự luật “An Ninh Mạng.” (Hình: AFP/Getty Images)]. Hàng ngàn người đã tập trung biểu tình tại khu vực hồ Hoàn Kiếm với rất nhiều biểu ngữ. Các cuộc biểu tình cũng đã thấy xảy ra tại nhiều giáo xứ thuộc giáo phận Vinh, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Bình Dương…
Hình ảnh cho thấy ở các đoàn biểu tình nổi bật nhất là băng rôn “Không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày” cùng với những khẩu hiệu khác như “Phản đối Luật Đặc Khu,” “Trung Quốc cút khỏi Việt Nam”… Như vậy, rõ ràng, người dân nghi ngờ nhà cầm quyền có dấu hiệu đưa ra dự luật “Ðặc Khu Kinh Tế” với thời hạn cho thuê đất 99 năm, làm đầu cầu cho người Trung Quốc ùn ùn kéo nhau sang Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Nó sẽ biến một phần những nơi quan yếu ở cả ba miền đất nước Việt Nam thành những kiểu “tô giới”. Có những người còn nói tới nguy cơ mất nước, họa Bắc thuộc tái diễn. Một trong những tấm ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội hôm 10 Tháng Sáu cho thấy điều đó. (Xem hình: Facebook Nguyen Anh Tuan).
Riêng Facebooker “Nha Trang Ngày Về” viết về cuộc biểu tình tại Nha Trang: “Chung sức cùng cả nước, lúc 8 giờ 30 sáng ngày 10 Tháng Sáu, 2018, phản đối dự luật Đặc Khu và dự luật An Ninh Mạng, hàng nghìn, hàng nghìn người yêu nước cầm cờ Việt Nam và biểu ngữ diễu hành đi bộ và xe máy dọc đường ven biển Trần Phú. Khu vực ngã 6 nhà thờ đá cũng đông nghẹt. Đến 10 giờ trưa, tại đường 2 Tháng Tư vẫn còn biểu tình, nghẹt đường Trần Phú ở đoạn C.A tỉnh và đài truyền hình. Công an, xung kích, xe bít bùng… bố trí ở khu vực quảng trường mùng Hai Tháng Tư, nhưng không ngăn cản nổi dòng thác người biểu tình đông áp đảo.”
Đặc biệt, người dân tham gia cuộc biểu tình tại tỉnh Bình Thuận đã xông vào chiếm trụ sở “Ủy Ban Nhân Dân” tỉnh. Người ta cũng thấy một số video clip dân và cảnh sát cơ động ném gạch đá lẫn nhau. Có clip cho thấy cảnh một số thanh niên “đấu gậy” với cảnh sát cơ động và nhóm cảnh sát cơ động bị dồn vào bên cạnh một chiếc xe tải tại thị xã Phan Rí. Tờ Tuổi Trẻ mô tả “điểm nóng tụ tập đông người trên quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, bày tỏ thái độ về dự thảo luật về đặc khu chưa được vãn hồi thì nhiều người đã quá khích tràn vào UBND tỉnh Bình Thuận tại thành phố Phan Thiết” để “la hét, đốt phá.” Họ đã bị đàn áp bằng “phun vòi rồng” nhưng “tình hình càng lúc càng phức tạp”. Tờ Tuổi Trẻ viết: “Đỉnh điểm vào tối cùng ngày, nhiều người xô cổng, đập bể cửa kính vọng gác bảo vệ và lao vào đốt xe trong trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Các đối tượng quá khích liên tục ném đá vào bên trong các phòng ban.” Tờ Tuổi Trẻ cũng nói vì cuộc biểu tình mà quốc lộ 1 qua khu vực Phan Rí, Phan Thiết bị kẹt từ trưa cho đến chiều tối, trong khi nhiều chuyến bay ở Sài Gòn cũng bị bỏ trống nhiều ghế vì hành khách không vào kịp giờ bay. Không biết đích xác có bao nhiêu người biểu tình đã bị bắt, nhưng qua nhiều nguồn tin khác nhau, phải hàng chục người nếu không phải là hàng trăm. Trên Facebook cũng thấy tấm hình một người biểu tình đã bị đánh gãy răng, máu chảy đầy áo phía trước.
Facebook Tran Tien Dung nói: “Chúng tôi nhiều lúc đã không tin vào mắt mình khi chứng kiến và hòa vào dòng người yêu nước như dòng thác lớn. Từ sáng, khởi đầu chỉ khoảng hơn 500 người đứng ở đầu đường Phạm Ngọc Thạch, người biểu tình đứng uy nghi đưa biểu ngữ và hát, tiếng hát vang dội cùng với nhịp tiếng hô khẩu hiệu. Hơn 9 giờ, một nhóm người biểu tình định di chuyển tuần hành nhưng một số khác ngăn họ lại. Ai cũng tưởng rằng nhóm biểu tình chỉ bất động nơi họ đứng để biểu lộ thái độ phản kháng; nhưng không, hơn 9 giờ 30 từ đường Lê Duẩn, một đoàn biểu tình khác kéo đến, sau đó từ phái mặt chính của Vương Cung Thánh đường đoàn biểu tình khác cũng đến, từ phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng kéo về. Vậy là đoàn lớn biểu tình bắt đầu di chuyển về phía Dinh Độc lập, người hai bên đường từ đâu không biết cũng hòa vào dòng người biểu tình như một dòng sông lớn bất tận. Người phía trước đi bộ, người phía sau đi xe máy, người phía trước thì hô khẩu hiệu, phía sau hô theo và cùng nhấn kèn xe máy. Đoàn người vây kín hết cả con đường trước Dinh Độc Lập, phủ kín đường Lê Duẩn kéo dài hút tầm mắt chúng tôi, thật không thể ngờ, sau đó đoàn tuần hành đi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, qua Hàn Thuyên trở lại nhà thờ Đức Bà. Nhưng trên hết là tất cả người tham gia biểu tình đều ôn hòa và di chuyển trong trật tự. Tất nhiên thêm điều không hề ngạc nhiên là công an và các lực lượng trấn áp khác của chế độ vây “đông như quân nguyên. Tôi rời đoàn biều tình lúc 11 giờ 15 phút.” [Xem hình: Đoàn biểu tình vào sáng 10 Tháng Sáu, 2017 phía sau nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. (Hình: Facebook Trần Tiến Dũng)].
Phần Soạn giả Nguyễn Phương, qua email gởi đi các nơi đã viết: “Từ ngày 10/6/2018 đến ngày 19/6/2018, vô internet kiếm hình nghệ sĩ cho Thời Báo, tôi bị cuốn hút vì tin tức biểu tình của dân toàn quốc chống lại nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam âm mưu bán đứng Tổ Quốc cho Tàu Cộng dưới hình thức cho mướn ba đặc khu: Đảo Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong. Các cuộc biểu tình mang theo biểu ngữ: “Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày”, “Giao đất cho giặc Tàu là mất nước”. Dân biểu tình cũng đưa cao biểu ngữ chống luật An Ninh Mạng vì luật này tiêu diệt Tự Do Ngôn Luận, đó là dự luật “Bịt miệng dân”. Cuộc Tổng biểu tình ngày 10 tháng 6 khởi đầu ở Hà Nội, Saigon, Quỳnh Lưu – Nghệ An, Thạch Hà – Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Huế, Các Giáo xứ Công Giáo ở địa phận Vinh, Giáo hạt Can Lộc, Giáo xứ Văn Hạnh, Giáo xứ Song Ngọc, Bình Thuận, Phan Rí, Phan Rang, Nha Trang, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Biên Hòa, Vũng Tàu, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công, Phú Quốc… Riêng ở Saigon, biểu tình nhiều đoàn, nhiều chỗ như ở Phú Nhuận, sân vận động Tao Đàn, quận Tân Bình, khu nhà thờ Đức Bà, công viên Hoàng Văn Thụ… Cuộc biểu tình ở Saigon từ sáng sớm đến 5 giờ chiều vẫn còn đông người, gây tắc nghẽn cả các tuyến đường quan trọng trong thành phố. Nhiều biểu ngữ hơn và tiếng hô khẩu hiệu vang rền nhiều chập: “Cho mướn đặc khu là bán nước cho Trung Quốc.” Riêng tỉnh Mỹ Tho, dân biểu tình hàng mấy trăm người tụ tập trước cổng Bộ Chỉ Huy Quân Sự Tỉnh Tiền Giang, trương biểu ngữ và hô to nhiều lần khẩu hiệu: “Đả đảo Công Sản, Đả đảo Cộng Sản bán nước”. Bọn Cảnh sát cơ động, Công an chìm (mặc thường phục), công an dùng gậy gộc, dùi cui, đánh đập dân biểu tình rất tàn nhẫn. Hành động của bọn công an, cảnh sát cơ động của bọn cầm quyền công sản tàn ác, vô nhân đạo đến mức tưởng chúng là bọn cướp, bọn ác quỷ, bọn ác thú đội lốt người chớ không phải con người. Chúng bắt hơn bốn trăm người ở Saigon và các tỉnh giam cầm và tra khảo… Ngoài ra, ở hải ngoại, Cộng đồng Việt Nam định cư tại Montréal, Ottawa, Toronto, Vancouver – Canada, Paris – Pháp, Đức quốc, Anh quốc, Úc Châu, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cũng biểu tình chống Luật cho Trung Quốc mướn Đặc Khu Kinh Tế và luật An ninh mạng của Quốc Hội và Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam…”
Trong khi đó, thông tin từ mạng xã hội cho biết một thanh niên người Mỹ gốc Việt, tên William Nguyễn bị bắt giữ ở Sài Gòn khi anh tham gia biểu tình phản đối hai Dự luật An ninh mạng, Dự luật Đặc khu vào ngày 10 tháng 6. Bạn trẻ Nguyễn Peng, vào tối ngày 11 tháng 6 kể lại với RFA anh đã nhìn thấy anh William Nguyễn trong đoàn biểu tình, mặc dù không biết anh là ai và cũng bắt gặp hình ảnh anh William Nguyễn bị bắt: “Tầm 2 giờ có một số bạn bị bắt vô phường 6 quận 3. Tụi em đến đòi người nhưng không được cho vào và tụi em đứng cách xe khỏang 1 căn nhà. Lúc đó tụi em nhìn thấy 1 chiếc xe buýt và 1 chiếc xe jeep của phường chở khoảng 5 người về. Trong đó em thấy có 1 anh bạn người nước ngoài, tóc đầu đinh mặc áo thun ba lỗ mà máu đổ đầy mặt. Mấy người còn lại bị cưỡng chế bồng ‘giục’ vào phường. Còn anh này thì bị lôi đi vào trong phường.” Facebook Văn Đắc An đăng tải video ghi lại hình ảnh anh William Nguyễn bị các an ninh Việt Nam mặc thường phục trấn áp, kéo lê trên đường và bị quăng lên xe cảnh sát với phía đầu bên trái bị đổ máu [Xem Facebook Văn Đắc An]
Sau đó, ngày 20/06/2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã được ba dân biểu Jimmy Gomez, Alan Lowenthal và Luis Correa, đại diện cho các địa hạt ở California chính thức yêu cầu “can thiệp” vụ anh Will Nguyễn bị bắt trong khi tham gia biểu tình chống Dự luật Đặc khu và An ninh Mạng ở Việt Nam, một ngày sau khi thanh niên Mỹ gốc Việt này [bị ép cung] nói trên truyền hình rằng hành động của mình “sai trái với pháp luật Việt Nam” [xem phóng ảnh đính kèm].
***
Tuần sau, rút kinh nghiệm, không để người dân có thể tập trung, tại Sài Gòn công an và côn đồ đã sẵn sàng bắt giữ bất cứ ai chúng nghĩ rằng sẽ tập trung như tuần trước. Từ sáng sớm ngày 17/6/2018, các lực lượng cảnh sát, mật vụ (an ninh chìm), dân phòng đã rải quân đông đặc khu trung tâm Sài Gòn. Đường sách Nguyễn Văn Bình, một loạt quán cafe quanh Nhà thờ Đức Bà… đều bị công an ép đóng cửa. Mật vụ đứng ngồi lố nhố trong quán xá, trên vỉa hè, gườm gườm nhìn như muốn lột đồ từng người dân. Tất cả những người trẻ, cầm điện thoại di động, trông “có vẻ khả nghi” đều bị chúng chặn lại hỏi giấy tờ, lục soát đồ, kiểm tra điện thoại và bắt xoá hình.
Cho tới đầu giờ chiều, gần 200 người đã bị bắt đưa về các đồn khác nhau, không lý do. Trong đó, có những người đang ngồi trong quán cafe thì bị công an xô vào bắt, có người đang đi bộ lững thững ở khu bán sách cũ cũng bị cả đám công an vây lại rồi đẩy lên xe đưa về đồn. “Tôi chưa bao giờ thấy cảnh đàn áp người như vậy. Họ coi chúng tôi như tội phạm.” Đó là kết luận của bà Nguyễn Ngọc Lụa [xem hình] với BBC qua điện thoại từ TP Hồ Chí Minh. Bà Lụa cho biết bà bị bắt khi vừa ra khỏi Nhà thờ Đức Bà sáng 17/6. “Lúc ấy vừa xong lễ sớm, khoảng 7:45. Tôi vừa đi ra ngoài Nhà thờ Đức Bà, đang đứng cầu nguyện trước tượng Đức Bà thì bốn người mặc thường phục ập đến túm cổ áo tôi. Tôi la lên thì họ bạt tai rồi lôi lên xe,” bà Lụa nói. Sau đó, bà Lụa được đưa về một khu nhà rộng mà theo bà mô tả là khu thể thao trong công viên. Bên trong nhà chia ra làm hai dãy để chơi tennis, bóng rổ và tập võ. Ước chừng hơn 300 người bị đưa về đây trong sáng 17/6. “Lúc tôi đến mới có 10 người, bị đẩy vào một phòng nhỏ. Ở đó tôi gặp anh Trịnh Toàn và vợ là chị Loan.”
Ít nhất có 10 người bị đánh. Quần áo rách tả tơi, mặt bầm tím. Nhưng nặng nhất vẫn là anh Toàn cùng vợ là chị Loan. Rồi sau đó xe bus tới, mang theo cả trăm người, có cả trẻ em. Khu nhà trở nên hỗn loạn chưa từng có. Trong dãy nhà đó, có một phòng nhỏ. Anh Toàn bị lôi và đánh trong đó. Anh kêu ‘Mọi người ơi cứu tôi với’ rất thảm thương, mặt anh đầy máu. Chúng tôi ở bên ngoài kêu gào: ‘Anh ấy là người Việt, không phải Trung Cộng, đừng đánh anh ấy’… thì một toán công an cầm dùi cui tới trấn áp, lôi mọi người ra ngoài. Lát sau thì xe cứu thương tới, đưa anh Toàn và chị Loan vào bệnh viện. Tôi hỏi sao họ chửi bới người bằng tuổi cha chú họ, họ bạt tai. Họ yêu cầu tôi cởi chuỗi mân côi trên người, tôi không chịu, họ cho một bạt tai. Tôi bị giam ở đó 18 tiếng. Tôi từng tham gia một số cuộc biểu tình trước đó, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh đàn áp người Công giáo như vậy. Họ coi chúng tôi như tội phạm. Bà Lụa cũng cho biết chiều 18/6 bà dự định vào bệnh viện “thăm vợ chồng anh Toàn chị Loan hiện vẫn đang phải điều trị do bị đánh đập hôm 17/6” [Xem hình].
Một người khác, bà Khánh Mai nói với BBC rằng bà bị bắt khi đang chụp ảnh trên đường Nguyễn Văn Bình, Sài Gòn, sáng 17/6. “Do công việc, tôi tới đường Nguyễn Văn Bình để chụp cho người mẫu. Khi tôi và ê kíp đang đứng chụp thì thấy cảnh công an bắt người đưa lên xe. Tôi tò mò đưa máy lên chụp thì ngay lập tức hai thanh niên chỉ thẳng vào mặt tôi từ phía xa. Một anh khác ở gần đó chạy lại, họ hét lên: “Chụp cái gì đấy. Đưa về đồn ngay!” Ngay lập tức tôi bị đẩy lên xe cùng với một chị phụ nữ đang gào khóc. Tôi bị đưa về một trại tạm giữ nơi đó đã có khá đông người ngồi sẵn. Đó là một căn phòng rộng, được dựng tạm bên sân bóng của công viên Tao Đàn, đường Huyền Trân Công Chúa. Phía trên có lớp tôn và phía dưới trải tấm bạt. Rất đông người la lết nằm ngồi một góc ở phía đó. Lần đầu tiên, chứng kiến cảnh tượng cả đoàn người lê lết nằm ngồi, bị lăn tay, chụp hình với tôi là một kí ức khó quên. Vây xung quanh tôi là những gương mặt nông dân lao động, là những cô cậu bé sinh viên hoặc những người thanh niên muốn làm được một cái gì đó cho đất nước này. Lấy lời khai xong chúng tôi ngồi vào một góc nữa. Có người ngồi thiền, có người nằm ngủ. Có người mệt mỏi dựa đầu vào người kia. Tôi bị hốt lên xe lúc 9 giờ 5 phút và được “đặc cách” thả ra lúc khoảng 4 giờ 45 phút. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi là một người bình thường, viết sách, không hề có ý định tham gia biểu tình. Nhưng sự việc hôm nay khiến cuộc sống của tôi bị xáo trộn và tôi vô cùng lo sợ…” Theo biên bản vi phạm hành chính mà bà Mai cung cấp, bà bị phạt vì lỗi tụ tập đông người. [Xem hình: Bà Khánh Mai cho hay đang chụp ảnh cho người mẫu thì bị bắt sáng 17/6]
Một bài viết được Phạm Đoan Trang đưa lên mạng [http://www.phamdoantrang.com/] ngày 19 tháng 6 năm 2018 nói rằng “Khủng bố nhân dân, công an Việt Nam đã hiện nguyên hình là ác ôn cộng sản”. Khởi đầu bài viết Đoan trang nói: “Đây là câu chuyện của một bạn trẻ bị bắt giữ tuỳ tiện và bị công an đánh hội đồng – thực chất là tra tấn – suốt từ 2h chiều đến 7-8h tối chủ nhật, 17/6, ở sân vận động công viên Tao Đàn (quận 1, TP. HCM). Vì bạn còn rất trẻ, không phải người hoạt động dân chủ-nhân quyền, cũng không hề có nhu cầu được “nổi tiếng” theo cách nghĩ thường lệ của dư luận viên và an ninh, nên trong câu chuyện, bạn xin giấu mọi thông tin về nhân thân.” [Xem phụ đính 1].
Đồng thời, trong bài viết “Ai sẽ trả lời cho em Trương Thị Hà?” đăng ngày 30/06/2018 trên mạng Tiếng Dân [https://baotiengdan.com/] nói về Sinh viên Trương Thị Hà [xem hình] xuống đường, phản đối luật đặc khu, bị công an bắt đưa về trại giam, mong được ông Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông của trường (là nhân chứng) lên tiếng xác nhận em là sinh viên của trường và can thiệp, nhưng các ông đã im lặng, tác giả Kong Kong đã viết: Làm Thầy (chưa nói đến chính học trò đang là nạn nhân ở ngay trước mặt) khi chứng kiến cảnh “công an nhân dân” bắt người vô cớ và thẳng tay đánh đập, nhục mạ hàng trăm người vô tội thuộc đủ mọi thành phần tại trại tra khảo dã chiến Tao Đàn, Tp HCM, hôm 17/6/2018 như thế mà không dám phản ứng, không dám nói thẳng được đôi lời thì có là Thầy, là Trí thức hay không? Cứ cho là… cùng có chung lập trường “chống bọn phản động” đi nữa thì việc hai ông im lặng trước tội ác bạo lực của công an là đương nhiên đồng lõa. Với học hàm học vị cao như thế, mà 2 ông làm ngơ trước tiếng kêu gào gần như tuyệt vọng của cô học trò đang gặp nạn thì trường sẽ “giáo dục và đào tạo” ra những ai?
Đến lúc quá căng thẳng, học trò thống thiết van xin “thầy” gọi giúp luật sư “Thầy chỉ cần thông báo cho các Luật sư của em thôi, chỉ cần vậy thôi, thầy ơi. Em sẽ biết ơn thầy suốt đời ạ”. Và “thầy” trả lời: “Thầy không biết về luật”? Tác giả Kong Kong viết tiếp: “…Rất tiếc lúc đó không ai có thể còn giữ được iphone để chụp ảnh nét mặt của 2 “thầy”, chờ đến “ngày thầy giáo” hàng năm, sẽ gửi kèm ảnh đó với bó hoa chúc mừng (!)”
Sau đó, được về nhà sinh viên Hà viết bài “Em đau vì thầy lặng im trước hành vi chà đạp nhân phẩm của công an…” đưa lên FB Trương Thị Hà ngày 29-6-2018. Bài viết của cô Trương Thị Hà, với hình Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, được đăng trên Facebook vài tiếng thì bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, bài viết cũng đã được truyền đi rộng rãi trên mạng. Riêng Tiếng Dân cũng còn giữ và cho đăng lại [Xem phụ đính 2].
Ngoài ra, trên mạng Đàn Chim Việt [http://www.danchimviet.info/] cũng có đăng bài của Facebook Hoài Diễm, ngày 22-6-2018, với tựa đề “Tôi là nhân chứng sống những gì xảy ra hôm đó”, viết rằng: “Sau hơn 72h trở về từ cái nơi mà cả đời tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đặt chân tới đó. Tưởng chừng những cảm xúc hoang mang, những căm phẫn tột độ của ngày hôm đó trong tôi rồi sẽ nguôi thôi nhưng KHÔNG, có thứ gì đó cứ thúc giục tôi, tôi PHẢI LÊN TIẾNG. Tôi phải cùng những người dân vô tội ngày hôm ấy vạch trần tất cả sự thối nát đằng sau cái nơi gọi là thiên đường mà chúng ta đang sống…” Sau khi trình bày hầu như đầy đủ những gian dối và tàn bạo của công an, với sự chịu đựng cực kỳ đau đớn của những nạn nhơn vô tội, tác giả kết thúc bài viết với lời xác nhận của một chị: “NGÀY HÔM NAY, DÙ CHÚNG TA KHÔNG CÒN THỨ GÌ BÊN CẠNH, KHÔNG ĐT ĐỂ CHỤP, QUAY LẠI, KHÔNG GIẤY TỜ GHI CHÉP NHƯNG CHẮC CHẮN NHỮNG SỰ VIỆC DIỄN RA HÔM NAY CHÚNG TA PHẢI MANG THEO SUỐT ĐỜI”. Phần mình tác giả nói: “Dù hôm ấy thật đáng sợ, dù bị bắt về với chẳng vì lý do nào cả, nhưng tôi thật sự cảm ơn vì ngày hôm ấy tôi đã ở đó, đã nghe tận tai, mắt tận thấy những hành động vô cương vô pháp, vô nhân đạo của bọn chúng. Trải qua một ngày để nhận ra cái thiên đường mà tôi đang sống nó ntn. Một ngày quá xứng đáng để tôi có trong đời. Tôi k định nói ra, vì tôi k biết sau những gì tôi kể, tôi và gia đình, bạn bè tôi có bị chúng làm phiền hay k. Nhưng tôi nghĩ sự thật vẫn là sự thật. Tội ác của chúng ngày hôm đó đáng được phơi bày.” [xem phụ đính 3].
Đồng thời, ngày 29/06/2018 VOA Tiếng Việt cũng có bài “Hội chứng 17/6: “Uất nghẹn, giận dữ, cay đắng”. Bài viết cho biết “Người dân biểu tình phản đối các dự luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế. Những người bị công an bắt giữ và đánh đập hôm 17/6 ở TP HCM nói họ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý và thể chất. (Facebook Lê Thiệu)”
Ba trong số hàng trăm người bị công an bắt giữ và đánh đập hôm 17/6 vì bị nghi là ‘tụ tập làm mất trật tự công cộng’ đã lên tiếng tố cáo sự tàn bạo và bất nhân của cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam khi đối xử với họ như “tội phạm” và “con vật”.
Gần hai tuần sau khi sự việc xảy ra, những người này nói với VOA rằng họ vẫn còn “bàng hoàng” trước những “hành xử côn đồ” và “tra tấn dã man” của công an đối với họ. Họ nói vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý cũng như về thể chất.
Đây là lần đầu tiên trong đời họ bị đánh đập như vậy. Một trong số họ bị trầm cảm. Người khác bị ‘sốc’ nặng. Người còn lại vẫn bị ảnh hưởng về sức khỏe và tâm thần.
[Xem hình: Người dân cài hoa hồng lên hàng rào kẽm gai trước đó được dùng để quây khu vực “trại giam” của công an ở Công viên Tao Đàn, quận 1 TP HCM. (Facebook Lê Thiệu)
Theo VOA, Khoảng 200 người – gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ con – đã bị công an và lực lượng an ninh bắt giữ và câu lưu nhiều giờ trong một khu mà họ mô tả là “trại tập trung giữa lòng thành phố” ở Công viên Tao Đàn, quận 1 của TP HCM. Họ bị công an bắt vì nghi là tụ tập để phản đối dự luật An ninh mạng mới được thông qua và dự luật Đặc khu kinh tế đang gây tranh cãi. Những người trả lời phỏng vấn của VOA nói họ cùng hàng trăm người khác bị cảnh sát dùng bạo lực lục soát đồ đạc cá nhân, lấy điện thoại và yêu cầu họ mở mã khóa để công an kiểm tra xem họ có chụp hình, phát live stream hay đưa bất cứ thông tin gì về cuộc biểu tình lên mạng.
Nguyễn Nam Dương, một người từng là phát thanh viên đài Phát thanh Tây Ninh, nói anh bị khoảng 9-10 nhân viên an ninh dùng vũ lực trói tay và đánh anh ngay trên đường phố, ngay sau khi anh bắt đầu truyền live stream về “không gian căng thẳng” của thành phố, hôm 17/6. Anh Dương bị giam và tiếp tục bị đánh đập ở khu Công viên Tao Đàn cùng với hàng trăm người khác mà theo anh “đa phần là phụ nữ.” “Lần đầu tiên trong đời tôi bị đánh như vậy. Họ đánh tôi rất là nhiều đến nỗi tôi còn không nhớ tôi bị đánh như thế nào nữa.” Anh Dương nói anh bị sốc khi bị công an đối xử với mình và mọi người “như con vật.”… Anh Dương mô tả cảm giác của anh là “uất nghẹn, ngẹn ngào, giận dữ và cay đắng” và anh gọi những cảm xúc tiêu cực mà anh vẫn đang phải chịu đựng là “hội chứng ngày 17/6”…
Bên cạnh đó, Nguyễn Tín, một người tham gia biểu tình ngày 10/6 cũng bị bắt giữ trong dịp càn quét của công an ngày 17/6. Cư dân của TP HCM nói anh bị công an triệu tập với lý do kiểm tra hành chính về tạm trú và sau đó bị bắt giam trong 3 đêm từ 16-18/6. Người đang sinh sống bằng việc kinh doanh bán hàng online ở TP HCM này nói đó là lần đầu tiên anh bị bắt và bị tra tấn như vậy. “Chắc chắn nó ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tinh thần của mình trong một khoảng thời gian dài. Hiện tại tôi vẫn chưa làm việc lại được do bị đau và nhức cơ thể. Hiện tại tôi tạm dừng công việc để lo cho sức khỏe của mình trước.”… Nguyễn Tín cho biết những gì công an đã làm đối với anh và với 200 người ngày 17/6 càng làm cho anh thêm quyết tâm “lên tiếng trước những bất công của nhà cầm quyền.” Anh nói anh đã lường trước những khả năng sẽ “bị đánh đập, bị tra tấn, bị bắt hoặc bị đi tù” nhưng sẽ “dấn thân cho đến khi nào không còn thể làm được nữa thì thô.
Facebooker Nguyễn Ngọc Lụa đã nhắc tới một người phụ nữ dù bị công an đánh nhưng không chịu khuất phục. Theo chị Lụa, “người phụ nữ bị an ninh đánh nhiều, đánh gẫy răng (chỉ vì dám yêu nước, dám thực hiện quyền công dân, không khuất phụ bạo quyền) nhưng chị đã nuốt răng và máu vào trong.”
Luật sư Lê Công Định gọi những hành động dùng vũ lực, đánh đập và bắt giữ người biểu tình và tình nghi biểu tình” của công an và lực lượng an ninh ngày 17/6 là “hành động vi phạm luật pháp nghiêm trọng của cơ quan an ninh.” Nói trong một video được đăng tải trên trang Facebook Nhật ký biểu tình, luật sư từng chịu án 5 năm tù giam về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” cho rằng “việc làm của cơ quan an ninh ngày 17/6 cho thấy nhà cầm quyền tự vi phạm luật pháp của chính mình.” [Xem phụ đính 4].
Ngày 26/06/2018, trong một bài nhận định mang tên “Cách Mạng Mùa Hè Việt Nam sẽ thành công?” tác giả Nguyễn Quốc Khải đã so sánh nhiều cuộc cách mạng ở thế giới, đặc biệt là nói nhiều tới sự thất bại của cuộc biểu tình ở Quảng Trường Thiên An Môn; nó cho chúng ta hai bài học chiến lược:
- Chiếm cứ một địa điểm cụ thể dù mang ý nghĩa quan trọng luôn luôn là một rủi ro đối với những người biểu tình, vì chiếm cứ một địa điểm thì dễ nhưng giữ được là rất khó. Nó sẽ trở thành một mục tiêu cố định để chánh quyền dễ dàng tấn công và giải tán;
- Thất bại trong việc động viên những người trong chánh quyến nhưng bất hợp tác với chánh quyền, bao gồm nhân viên dân sự, quân đội, cảnh sát, công nhân trong ngành viễn thông và chuyên chở.
Trong khi đó cuộc nổi dậy của dân Việt ở trong nước, qua cuộc biểu tình nhiều chục ngàn người ở trong nước với sự ủng hộ nhiệt tình của người Việt khắp nơi ở hải ngoại không vướng vào 2 yếu điểm đó. Nó cho thấy:
- Không chiếm cứ một địa điểm cụ thể nào nên không bị giải tán thành tan rả. Trái lại, thành phần tham gia biểu tình là lớp người mới, chẳng những có tinh thần hăng say, ở khắp mọi nơi và có trình độ kỹ thật cao trong việc truyền bá tin tức, vận động người tham gia, nhờ Internet, cell phone…, thể hiện cuộc cách mạng mềm, bị chận nơi này thoát đi nơi khác…, làm thành mạng lưới rộng khắp nơi;
- Ở hải ngoại, nhiều cuộc biểu tình chống CSVN đã diễn ra ở nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Anh, Ba Lan, Na Uy, Nhật, Đài Loan, Đại Hàn, Phi Luật Tân… Chưa bao giờ người ta chứng kiến hiện tượng phản kháng chế độ CSVN lớn lao như vậy. Đồng thời cũng được quốc tế ủng hộ mạnh mẽ, khiến chúng phải hết nhượng bộ này tới nhượng bộ khá, điển hình mới nhứt là phải cho người tù lương tâm Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà ra tù, rồi tức khắc sang Đức quốc, kèm theo vợ của Luật sư Đài là bà Vũ Minh Khánh cũng được theo chồng.
- Môi trường chính trị ở Việt Nam hiện nay cũng rất thuận lợi cho cuộc cách mạng tự do, dân chủ, nhân quyền. Mặt khác, về mặt nội bộ, Đảng CSVN cũng đã rạn nứt thành nhiều nhóm khác nhau về quyền lợi, mà không còn vì lý tưởng. Đã vậy, guồng máy công quyền ngày càng phình to ra, trở nên nặng nề và tốn kém, phải nuôi ăn những kẻ chỉ quen chơi, quen “nhậu” chớ không quen làm.
Vấn đề tiếp theo là việc “Chống Tàu Diệt Việt Cộng” phải mau hoàn mãn. Chống Tàu là cấp thời không cho các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được thành lập; đồng thời những nơi có người Tàu chiếm ngụ không để chúng được ưu quyền ưu đãi, không để chúng lộng hành và cũng không để chúng tràn đến cư ngụ, sinh sống, cho dầu ngắn hạn hay lâu dài. Phần Diệt Việt Cộng là tạo điều kiện cho chúng đào thoát khỏi guồng máy đang gò bó chúng, vừa bằng “tự diễn biến”, vừa bằng “thương lượng” cho chúng có cơ may trở về với dân tộc trong tình bao dung độ lượng của đồng bào… để guồng máy cai trị chỉ còn nhiệm quyền, giải tán quốc hội, ban hành một “hiến ước tạm thời”, tiến hành cuộc bầu cử quốc hội lập hiến, soạn thảo hiến pháp… để Việt Nam đừng là Tây Tạng thứ hai.
Trong các cuộc biểu tình vừa qua, biểu ngữ Giáo Già rất đắc ý là “Nó cấm lên mạng thì ta xuống đường.” Đồng bào đã xuống đường và đang làm cuộc “Cách Mạng Mềm” hoàn mãn tiến trình xây dựng một đất nước Việt Nam sinh tồn độc lập, tự do, dân chủ pháp trị và tôn trọng nhân quyền.
Hẹn con thư sau.
Giáo Già
(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)