Thư Cho Con: Bài Học Thầy Huy và Ðộc Tố Ðỏ Nguyễn Thanh Sơn – Giáo Già
Ngày 11 tháng 4 năm 2014
H,
Trên đài RFA, ngày 6 tháng 4 năm 2014, thông tín viênTường An có cho đăng một bản tin cho biết: “Ngày 12 tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và đại sứ Việt Nam tại Canada có cuộc gặp gỡ riêng với Thượng Nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải. Sau đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài Phố Bolsa TV, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã tiết lộ về nội dung cuộc gặp gỡ này, trong đó có những chi tiết đã làm một số người Việt trong cộng đồng hải ngoại bất mãn và nghi ngờ về quan điểm của Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải. Ðể rộng đường dư luận, Thông tín viên Tường An có cuộc trao đổi với Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải để có tiếng nói hai chiều.”
Trong cuộc phỏng vấn này, Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải cho biết phái đoàn của ông Nguyễn Thanh Sơn xin gặp riêng ông để trình bày một số việc, trước khi có cuộc gặp chính thức với bên phái đoàn của Bộ Ngoại Giao.
Do vậy, ngày 12/3/2014, chúng đã gặp riêng ông Hải trong vòng 1 tiếng. Trong buổi họp này Nguyễn Thanh Sơn đã thuyết phục ông Hải về Việt Nam để nhìn thấy sự phát triển của đất nước nhưng ông Hải đã cương quyết từ chối. đồng thời ra điều kiện:
“Nếu tôi về thì các ông (Nguyễn Thanh Sơn) phải thả 10 người tù nhân chính trị mà tôi đã đưa danh sách; đó là Cha Lý, là Nguyễn văn Hải Ðiếu Cày, Võ Minh Trí tức là Việt Khang, rồi Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, rồi Ðinh Nguyên Kha… Muốn tôi về thì điều kiện là anh phải thả các tù nhân chính trị…” Ông Hải cũng đòi “Cô Phương Uyên phải được đi học, Huỳnh Thục Vy, Thầy Quảng Ðộ, bác sĩ Nguyễn Ðan Quế không bị quản chế…”
Khi đề cặp đến chuyện Nguyễn Thanh Sơn đã nói với đài Phố Bolsa TV rằng: “Thượng Nghị sĩ Hải đã hoàn toàn nhất trí với quan điểm của ông ấy (Sơn) về việc Việt Nam đã xử sự hợp tình hợp lý với những người bất đồng chính kiến vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như đồng ý với quan điểm của ông Sơn rằng Linh Mục Nguyễn văn Lý là người quậy phá…” thì ông Hải đã thẳng thắn phủ nhận luận điệu của ông Sơn; đồng thời cho biết thêm là “Chính tôi (ông Hải) đã vận động Bộ Ngoại giao Canada can thiệp cho Linh Mục Lý đi chữa bệnh thì không có lý do gì mà tôi đồng ý với ông Nguyễn Thanh Sơn rằng Linh Mục Lý là người quậy phá cả.” Ông Hải cũng cho biết thêm là “…hồ sơ (Cha Lý) đã xong xuôi hết rồi, vào giờ chót thì chính Cha Lý không chịu đi qua Canada bởi vì Cha Lý sợ khi qua Canada chữa bệnh rồi thì ông không được trở lại Việt Nam để tranh đấu.”
Dịp này ông Hải cũng lưu ý là “Cái chuyện mà ông Nguyễn Thanh Sơn nói là tôi đồng ý với các vấn đề của Cộng sản Việt Nam thì tôi không bao giờ tôi nói là tôi đồng ý cái gì cả.” Xin đừng để những lời bịa đặt của ông Sơn làm lung lay sự đấu tranh của cộng đồng.
Nên nhớ, đài Phố Bolsa TV là cái loa tuyên truyền của Việt cộng. Do vậy, cuộc phỏng vấn đài này dành cho Nguyễn Thanh Sơn là cái dịp để Nguyễn Thanh Sơn vừa tạo mâu thuẫn khiến cho cộng đồng công kích Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải; đồng thời cũng khiến Nguyễn Thanh Sơn có cớ bịa đặt những chuyện vô lý công kích người Việt hải ngoại. Chẳng hạn như, theo lời nói của Nguyễn Thanh Sơn trên đài Phố Bolsa TV:
“…Trong rất nhiều người đã về Việt Nam, chúng tôi đã gặp, và chúng tôi biết chứ, rất nhiều người tham gia những cuộc biểu tình trước đây từ những cuộc biểu tình… phản đối chuyến đi thăm của nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang Hoa Kỳ năm 2007, trong số họ rất nhiều người đã về Việt Nam và chúng tôi gặp, chúng tôi biết. Chúng tôi có hỏi một vài người tại sao lại tham gia như thế làm gì thì họ bảo là thực tế nói thật là cũng đi để kiếm thêm vài ba chục đô la vì họ phát tiền, họ cho tiền thì tại sao không đi…” (Nhưng Nguyễn Thanh Sơn không dám cho biết hắn đã gặp ai, tên gì, ở đâu…)
Chính điều này đã khiến nhà bình luận Bùi Văn Phú, cây bút thường có bài viết gởi đăng trên BBC, nói: “Ông Nguyễn Thanh Sơn ơi, nếu mà người Việt đi biểu tình vì tiền thì sao ông không bỏ tiền ra để có một số người đi biểu tình ủng hộ nhà nước, lãnh đạo khi họ sang Hoa Kỳ hay các quốc gia khác. Sao những chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam toàn gặp chống đối mà không có ai ủng hộ vậy…”
Chính điều này đã khiến nhà vẽ biếm họa Babui đã họa bức biếm họa có tên “Con lợn có béo bộ lòng mới ngon” [trích trên danchimviet.info/ ngày 9-4-2014].
Ðiều này khiến người ta nhớ lại chuyện 4 năm trước một bản tin được phóng viên Việt Long đưa lên đài RFA ngày 5-5-2010 cho biết:
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, gửi một bức thư cho Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Cao Quang Ánh. Thư đề ngày 31 tháng 3, nội dung thỉnh cầu sự hợp tác của vị Dân biểu Mỹ gốc Việt nhằm tổ chức những cuộc trao đổi giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng người Việt ở Mỹ, Canada, trong đó, theo thư viết, có cả những cá nhân, tổ chức còn mang tư tưởng hận thù và những lời nói vịêc làm chống lại Nhà nước Việt Nam.
Sau đó, ngày 29-4-2010, Dân biểu Cao Quang Ánh có thư trả lời trực tiếp cho Nguyễn Thanh sơn, từ chối cộng tác, theo nội dung bức thư viết bằng Anh ngữ . Sau đây là bản dịch Việt ngữ đính kèm:
“Tôi đã nhận văn thư của Ông Thứ Trưởng yêu cầu tôi triệu tập buổi gặp gỡ với phái đoàn của Ông nhằm xóa tan những “ngộ nhận” giữa cộng đồng người Mỹ gốc Việt và chính phủ Việt Nam. Ở thời điểm này, tôi phải từ khước.
Tiền đề cho buổi gặp gỡ nhằm giải toả những điều được gọi là “thiếu thông tin đúng đắn” là tiền đề sai lầm và chắc chắn không phải là khởi điểm mang tính cách xây dựng cho việc đối thoại. Những người Việt quyết định đánh đổi mạng sống để rời bỏ quê hương không hề hiểu lầm về chính phủ Việt Nam. Họ ra đi vì đã không thể sống dưới một chế độ toàn trị vốn xem thường quyền con người và tự do tôn giáo, và trừng phạt những công dân can đảm lên tiếng.
Lịch sử của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam hãy còn in sâu trong ký ức của nhiều người đã đau khổ vì cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu trong thập niên 1950 và gần đây hơn là chính sách “trại cải tạo”. Ðó là chưa nói đến những người bất đồng chính kiến mà chính phủ của Ông tiếp tục giam cầm vì họ kêu gọi dân chủ và tự do. Người Mỹ gốc Việt đã chọn lựa không sống trong một đất nước công an trị nơi mà người dân không có tiếng nói đối với việc điều hành quốc gia. Quả vậy, phần lớn những người Việt đến đây đã quyết định trở thành công dân Hoa Kỳ chính vì Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo đảm một cách rõ ràng quyền tự quyết và tự do thiên phú của mỗi con người.
Tôi, giống như đa số người Mỹ gốc Việt, mong muốn một Việt Nam giàu mạnh. Chỉ là điều tự nhiên khi người ta có thiện ý đối với quê hương. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi con người được hành xử quyền suy nghĩ cho chính mình và nói lên những điều mình nghĩ, thì mới bắt đầu có những phát kiến thực sự và một Việt Nam tự do sẽ càng hùng mạnh và thêm phồn thịnh. Trong môi trường ấy, nhiều người Mỹ gốc Việt tài giỏi sẽ hăng hái tìm cách đóng góp để làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia tốt đẹp hơn.
Có một số bước mà chính phủ Việt Nam có thể thực hiện để đáp ứng những quan tâm của người Mỹ gốc Việt, bao gồm:
- Trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Nguyễn Văn Ðài, Vũ Hùng, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và nhiều nữa;
- Trả tự do cho những tù nhân đang bị bắt bớ vì những lý do nguỵ tạo, như tác giả Trần Khải Thanh Thuỷ;
- Ngưng sách nhiễu những nhà vận động cho dân chủ như Ts. Nguyễn Thanh Giang và Bs. Phạm Hồng Sơn;
- Hoàn trả tài sản cho các tổ chức tôn giáo và cho phép các tôn giáo thực hành tín ngưỡng của họ;
- Ngưng mọi hành động phá huỷ các biểu tượng và tài sản tôn giáo, và những hành động lạm dụng về thể xác và tinh thần đối với các tín đồ;
- Trả tự do cho tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc các sắc dân thiểu số đã từng bị giam cầm trong nhiều năm;
- Hơn nữa, bồi thường cho các nạn nhân trong vụ Daewoosa American Samoa theo phán quyết của Toà Thượng Thẩm American Samoa đối với chính phủ của Ông sẽ chứng minh rằng Việt Nam sẽ tuân thủ nguyên tắc pháp trị.
Ðấy là những bước cụ thể và hợp lý. Là người Mỹ gốc Việt độc nhất phục vụ tại Quốc Hội, tôi nhất thiết yêu cầu chính phủ Việt Nam chứng tỏ thiện chí giải quyết những vấn đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu tiến trình hàn gắn những vết thương sâu đậm đã chia cắt chúng ta và có những cuộc đối thoại cởi mở và chân thành trên những vấn đề trọng yếu về lợi ích chung.
Cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo, lời kêu gọi của Ông Thứ Trưởng đến với cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục không được đón nhận. Tôi trông chờ hồi âm của Ông.”
Sự dứt khoát từ chối hợp tác; lại còn đòi hỏi “chính phủ Việt Nam có thể thực hiện để đáp ứng những quan tâm của người Mỹ gốc Việt” khiến Nguyễn Thanh Sơn “cứng họng”. Trong khi đó, rất tiếc, Thượng Nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải đã bị Nguyễn Thanh Sơn lợi dụng cuộc tiếp xúc để cho kẻ chuyên “tráo bài ba lá” Nguyễn Thanh Sơn lên đài Phố Bolsa TV lên tiếng tuyên truyền cho Việt cộng, dựng chuyện nói xấu người Việt hải ngoại…
Bốn năm trước Nguyễn Thanh Sơn chẳng những không thành công trong việc lợi dụng Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Cao Quang Ánh để khai triển Nghị quyết 36, lại còn bị ông này gài vào thế kẹt, không dám trả lời những đòi hỏi chánh đáng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt; thì 4 năm sau hắn tưởng lợi dụng được Thượng Nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải [xem hình], nhưng gặp mặt được rồi, khai thác để tuyên truyền được rồi, chẳng tuyên truyền được gì, lại còn bị dư luận gọi là “Thằng láu cá bi bợp tai!”; đặc biệt là không khai triển được Nghị quyết 36, không ai nghe chủ trương Hòa giải Hòa hợp, lại còn bị Tiến sĩ Lê Minh Nguyên làm sáng khía cạnh phải Hòa giải Hòa hợp như thế nào, qua bài viết được đưa lên các Diễn đàn, rất đáng lưu ý như:
Ông Sơn luôn nhắc là ông đi [Canada hôm 12/3/2014, rồi sau đó đi Houston, Bắc và Nam California] để thể hiện chính sách HOÀ HỢP HOÀ GIẢI. Chúng tôi biết là hoà hợp hoà giải (HHHG) hoàn toàn khác với hoà giải hoà hợp (HGHH). Khác ở chổ thứ tự trước sau, nếu CS phía ông Sơn và Việt Kiều (VK) là hai đối tượng thì HHHG đòi hỏi VK phải HỢP với CS trước, tức là chấp nhận chế độ CS, hợp tác với chế độ rồi mới GIẢI, tức là đối thoại – hợp tác trước, đối thoại sau. Trong khi HGHH đòi hỏi đối thoại ngang hàng trước, rồi mới xem là có nên hợp tác hay không nên hợp tác.
Ðiều cũng nên lưu ý là vấn đề hòa giải phải được thực hiện ngay trong nước, đặc biệt là phải hòa giải với những người tù lương tâm ở trong nước, đặc biệt hơn nữa là những người đang bị giam cầm trong các nhà tù khắc nghiệt, như những Blogger Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ phong Tần, Ðỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Ðoàn Huy Chương, nhạc sĩ Việt Khang, Luật sư Lê Quốc Quân… hay những người đang bị quản chế khắt khe như Ðại lão Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân… Chẳng những chúng không dám hòa giải với họ mà hơn nữa chúng còn rất sợ họ và luôn tìm cách truy giập không nương tay, như trường hợp trước đây, năm 1993, khi Phong trào Thống nhất Dân tộc và Xây dựng Dân chủ của Giáo sư Nguyễn Ðình Huy tổ chức cuộc Hội thảo Quốc tế Phát triển Việt Nam đã bị chúng đàn áp khốc liệt, bỏ tù những người tổ chức, ngay cả Giáo sư Stephen B. Young từ Mỹ về phụ giúp cũng bị bắt giam, thẩm vấn, và trục xuất khỏi Việt Nam… Còn chuyện hòa hợp thì chúng cũng phải tiến hành việc hòa hợp với thành phần bị chúng gọi là “thế lực thù địch”… Làm được như vậy thì mới nói hòa giải hòa hợp.
Trở lại chuyện “Thằng láu cá Nguyễn Thanh Sơn bị bợp tai!” dư luận không thể không nhớ lại bài học của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy [1924-1990] [Xem hình trên], lúc còn sanh tiền, trong cuộc phỏng được vấn Giáo sư do 2 phóng viên Lê Ðình Ðiểu [1939-1999] [Xem hình dưới] và Hoàng Khởi Phong của báo Người Viẹt thực hiện; xin được trích nguyên văn:
Hỏi: Trong trường hợp Trịnh Xuân Lảng [nguyên Ðại sứ Cộng sản Việt Nam tại LHQ] hay Nguyễn Cơ Thạch [nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Cộng sản Việt Nam] ngỏ ý được gặp Giáo sư, xin Giáo sư cho biết: nhận hay không và lý do nhận hay không nhận.
Ðáp: Trong trường hợp Trịnh Xuân Lảng hay Nguyễn Cơ Thạch (hay một nhân vật nào khác của chính quyền cộng sản) ngỏ ý được gặp, tôi sẽ từ chối không gặp vì hai lý do: (1) Tôi không công nhận chính quyền cộng sản Việt Nam. (2) Tôi không tin là cộng sản Việt Nam thực sự chấp nhận dân chủ hóa chế độ của họ. Do đó, tôi nghĩ rằng việc tôi gặp người của họ chẳng những hoàn toàn vô ích mà còn làm mất chính nghĩa tranh đấu của người quốc gia Việt Nam.
Cho tới giờ này không ai biết có bao nhiêu người nghe đài RFA để biết Ngô Thanh Hải là nạn nhơn, một người được coi là “chánh khách” nông cạn, thiếu suy xét, sa bẩy Việt cộng, để cảm thông, để thấy lập trường của người quốc gia Việt Nam chống cộng ở hải ngoại vẫn kiên cường… nhưng chắc chắn số người nghe đài Phố Bolsa TV không phải là ít. Như vậy giọng điệu tuyên truyền của tên thứ trưởng mặt heo Nguyễn Thanh Sơn vẫn tiếp tục là thứ độc tố đỏ phát tán trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Do đó, bài học của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy rất cần được nhắc lại; nhút là trong giai đoạn CSVN đang trên đà suy bại, cho dầu chúng có ve vản dư luận qua việc trả tự do cho vài người tù lương tâm vì áp lực không cưỡng được của quốc tế.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già