Thư Châu Âu: Khi kỹ năng sống không phải là môn để tính điểm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thư Châu Âu: Khi kỹ năng sống không phải là môn để tính điểm

Dân Luận – Bởi Trà Mạn – 16/03/2015 – Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy) – Theo Thể Thao Văn Hoá

Thưa quý anh chị,
Tôi đã từng giật mình đến mức buồn cười khi một đồng nghiệp người Châu Á ở New York có lần bảo: “Có một hôm con tôi quá hư. Tôi định dang tay tát nó như hồi còn ở trong nước thì nó lao ra điện thoại, cầm ống nghe lên và nói, nếu bố đánh con, con gọi 911 để cảnh sát đến bắt bố”. Nhưng bây giờ, khi đang ở một đất nước mà ngay cả những đứa trẻ biết tự làm gì để bảo vệ mình, trong chừng mực có thể, tôi không giật mình hay buồn cười nữa. Vì hiểu rằng, chúng được dạy như vậy và chúng có quyền làm như vậy. Đối với nhiều người có tư tưởng Á Đông về việc dạy con, coi đánh con là một việc cần phải thực hiện khi chúng hư, hoặc làm điều gì đó trái với ý mình, hành vi của đứa trẻ Châu Á, nhưng được học trong một ngôi trường ở Mỹ như trong câu chuyện trên, là kì quặc. Nhưng những đứa trẻ tiếp thu những môi trường giáo dục mà chúng được truyền bá những kiến thức cơ bản (và trên thực tế, đã được kiểm chứng bằng hành động) về quyền và trách nhiệm của chúng một cách chủ động, với chúng là chủ thể, thì đấy là điều bình thường. Và như thế, tôi tin rằng, những vụ bạo lực học đường như mới rồi xảy ra ở Trà Vinh, sẽ không thể xảy ra hoặc sẽ xảy ra ít hơn, nếu những đứa trẻ là đối tượng bạo hành và bản thân cha mẹ chúng hiểu được mình sẽ phải làm gì nếu rơi vào hoàn cảnh đó. Tại sao đứa trẻ bị đánh im lặng, và cha mẹ chúng, khi sự việc vỡ lở trên báo chí, hai tháng sau khi sự việc xảy ra, mới trả lời phỏng vấn rằng họ “đau đớn” vì điều đã xảy ra với con mình?

Những hình ảnh bạo lực học đường xảy ra ở Trà Vinh gây xôn xao dư luận

Sự im lặng của đứa trẻ bị đánh và của gia đình nó (họ không thể không nhìn thấy hoặc cảm nhận được bằng mắt thường cũng như bản năng làm cha mẹ sẽ hiểu điều gì vừa xảy ra với con họ) chính là một sự đồng lõa, tiếp tay cho những hành động bạo lực tiếp tục xảy ra. Những chuyện tương tự có xảy ra ở các nước phát triển không? Có, không ít. Và bạo lực học đường luôn là một vấn đề nổi cộm ở đây. Tại Ý, các thăm dò cho thấy, ít nhất 35% học sinh nước này đã từng chịu ít nhất một lần bạo hành (về thể xác hoặc tinh thần). Năm ngoái, Chính phủ Italy đã thực hiện một chiến dịch toàn quốc nhằm chống bạo lực học đường, với việc lập ra một đường dây nóng nhằm tố cáo các hành động như thế, tổ chức hàng loạt hoạt động khác nhau nhằm nêu sự nguy cấp của vấn đề và khuyến khích các nạn nhân cũng như các gia đình của họ lên tiếng tố cáo trước pháp luật các sự việc. Một trang web được lập ra để chỉ rõ đâu là bạo lực học đường, những hành động nào không được coi là bạo lực học đường và làm thế nào để can thiệp, và khi can thiệp, cần phải gọi điện đến những cơ quan nào. Người ta đã từng bị sốc và tranh cãi không ít về trách nhiệm thuộc về ai khi những vụ bạo hành (được quay clip và sau đó đưa lên mạng xã hội hoặc YouTube) bùng nổ. Sự tranh cãi lên đến đỉnh điểm vào năm 2013, sau khi một cô bé 14 tuổi ở miền Bắc Italy tự tử vì đã phải chịu đựng một thời gian rất dài những cuộc khủng bố tinh thần của bạn bè qua các mạng xã hội. Người ta đã làm gì sau đó? Những cuộc điều tra với các thiếu niên đã sỉ nhục cô bé được tiến hành và cha mẹ chúng trở thành mục tiêu công kích của dư luận vì đã để con họ có hành động xấu với bạn. Những quan chức của Bộ giáo dục phải lên tiếng liên quan đến sự việc. Hội cha mẹ học sinh toàn quốc Italy thậm chí đã kiện Facebook về việc không kiểm soát các nội dung thông tin liên quan đến các vụ bạo hành tinh thần với học sinh. Trên thực tế, phản ứng của cả xã hội trong việc bảo vệ trẻ em trên thực tế chỉ có thể đến sau khi chính bản thân nạn nhân và gia đình họ có cách để bảo vệ mình. Và kĩ năng sống, như là một phần để tránh những rủi ro là những điều mà bọn trẻ được dạy trong trường. Những thứ được học ấy không tính điểm và được coi là kiến thức cơ bản để chúng tự bảo vệ mình. Tôi nghiệm ra những điều ấy trên cơ sở theo dõi những gì con tôi được học. Bạo lực học đường là điều đã được các giáo viên nhắc tới từ khi chúng còn học cấp 1. Các giáo viên đã khuyến khích bọn trẻ phải báo với họ về những chuyện xích mích dù nhỏ nhất xảy ra trong lớp và chính họ theo dõi, nghe ngóng mọi chuyện. Bọn trẻ con cũng được dạy những kiến thức cơ bản về giao thông, về cảnh báo cho mọi người khi có cháy (trong trường hợp ở nhà một mình, biết gọi điện khẩn cấp như thế nào), biết cách sơ cứu người. Những buổi sinh hoạt hướng đạo sinh trong các khu rừng hoặc công viên quốc gia là một cách để dạy chúng cách tồn tại trong các điều kiện không bình thường cũng như nâng cao tinh thần đồng đội qua khả năng phối hợp nhóm. Nhưng chúng không hề được dạy việc phải đánh lại một ai đó khi chúng bị tấn công. Chuyện học võ không phải là chuyện được đưa ra trong trường hợp, ở các giờ chính khóa, mà chỉ là một môn học ngoại khóa cho những ai có nhu cầu. Mái trường luôn dạy đứa trẻ rằng, bạo lực là xấu và không thể là cách để giải quyết mâu thuẫn. Họ không có giờ giáo dục công dân, nhưng họ có cách và có hành động thực tế để chúng hiểu quyền, nghĩa vụ và sự hình thành nhân cách của chúng trong xã hội, cũng như những kĩ năng sống cần thiết để không lúng túng trước cuộc sống, trong khuôn khổ của luật pháp và văn minh bậc cao của xã hội. Một đứa trẻ được dạy tự lập và trên thực tế tự lập từ rất nhỏ của họ khác hẳn với những đứa trẻ hoặc “tồ” hoặc quá “ranh” ngày càng đông lên ở nước mình. Chúng đông lên, vì bản thân gia đình không biết cách để dạy chúng những kĩ năng ấy mà chỉ lo chúng thua kém chúng bạn về điểm số, và vì những đứa trẻ “công nghiệp” ngơ ngác giữa cuộc sống bề bộn và trở nên mất phương hướng, khi bản thân người lớn cũng mất phương hướng trong chính cuộc sống của họ. Tôi đọc được ở trên một số diễn đàn, người ta chỉ trích đứa trẻ ở Trà Vinh không biết đánh lại những bạn cùng lớp đã đánh cô bé và cứ co rúm lại, để cho chúng hành hạ mình một cách tàn bạo. Đứa trẻ không làm thế, có lẽ vì nó sợ đến mức không thể kêu cứu, vì nó không có võ, hoặc cũng có thể vì nó đang bàng hoàng, không thể tin được tại sao nó bị đối xử như vậy. Nhưng trên hết, có phải, khi nó nhìn thấy tất cả mọi người khoanh tay nhìn nó bị những kẻ kia đánh, nó hiểu ra là sẽ không ai cứu nó hết? Một đứa trẻ bị đánh như thế làm sao nhớ được có những Công ước mà người ta ra rả tuyên truyền có thể cứu được nó, một khi người ta tuyên truyền như thế là để cho người lớn nghe, đâu phải để cho chúng hiểu và hành động. Phải, những đứa trẻ cần học võ để tự vệ khi cần thiết. Nhưng khi đứa trẻ phải thực hiện cách tự vệ bằng bạo lực để chống lại bạo lực nhắm vào nó, thì đấy là lúc nó không còn tin vào những thể chế, luật lệ, Công ước hay quy định được tạo ra là để bảo vệ nó nữa. Và chỉ cần một lần thành công, sau này, khi ra đời, nó cũng sẽ áp dụng bài học ấy vào cuộc sống: bạo lực là cách duy nhất để đáp trả bạo lực, còn pháp luật là một chuyện khác…