Thủ tướng Dmitri Medvedev thăm Crimea
Thủ tướng Dmitri Medvedev trong hình đến Sochi lần trước, nay ông là lãnh đạo cao nhất của Nga đến Crimea từ sau khủng hoảng lãnh thổ
Theo BBC – 08:55 GMT – thứ hai, 31 tháng 3, 2014
Thủ tướng Liên bang Nga, Dmitri Medvedev vừa đến bán đảo Crimea trong chuyến thăm cao cấp nhất của một lãnh đạo từ Moscow kể từ khi Nga sáp nhập nước cộng hòa và vài tuần trước còn thuộc về Ukraine.
Cùng thời gian, cho đến sáng 31/3/2014, các tin tức từ Paris cho hay hội đàm kéo dài 4 giờ liền giữa hai bộ trưởng ngoại giao Nga và Mỹ không đạt kết quả gì cụ thể.
Phía Nga đưa ra đề nghị biến Ukraine thành một liên bang với các quyền gần như độc lập cho các vùng sát Nga ở phía Đông, điều Kiev hoàn toàn bác bỏ.
Thủ tướng Dmitri Medvedev là lãnh đạo cao nhất của Liên bang Nga đến Crimea từ sau khủng hoảng lãnh thổ lớn nhất từ Chiến tranh Lạnh, làm dịch chuyển đường biên giới quốc gia ở châu Âu.
Về phía Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry yêu cầu Nga cùng Mỹ làm việc với chính phủ Ukraine về các vấn đề ưu tiên như quyền sử dụng ngôn ngữ thiểu số, giải giáp ‘các lực lượng không chính quy’ và cải cách Hiến pháp.
Nhưng Hoa Kỳ cũng muốn Nga giải giới các nhóm vũ trang ‘không chính quy’ đông đảo ở Crimea.
Hiện tình hình Crimea vẫn còn nhiều diễn biến sau khi có tin chừng 300 nghìn người Tatar, nhóm thiểu số chiếm 15% dân số ở đây họp bàn về quyết định tự trị.
Không công nhận
Người Tatar ở Crimea họp đại hội hôm 29/3 để nêu ra các đề nghị tự trị
Cả Washington và Brussels cùng đa số thành viên Đại hội đồng Liên hiệp quốc không thừa nhận cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea đầu tiên tuyên bố vùng này ‘độc lập’ khỏi Ukraine rồi nhanh chóng ‘xin vào’ trở thành một bộ phận của Liên bang Nga.
Cũng sáng 31/3, đài Echo Moskvy trích nguồn ngoại giao nói ông Kerry “đưa ra kế hoạch bốn điểm” cho Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov.
Theo đó, Mỹ đề nghị Nga rút quân về các căn cứ như thời điểm trước tháng Ba và cho các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đến mọi vùng của Ukraine, gồm cả Crimea.
Kế hoạch đó cũng yêu cầu Nga thừa nhận kết quả bầu cử tháng Năm nay ở Ukraine và muốn Moscow nói chuyện trực tiếp với chính quyền Kiev.
Cho tới nay, Nga nói Kiev nằm trong tay các nhóm ‘phát-xít’ nên bác bỏ hội đàm với họ dù chính quyền lâm thời có cả sự ủng hộ của Đảng Các Khu vực vốn đồng ý phế truất ông Viktor Yanukovych khỏi chức tổng thống.
Cùng ngày, có tin rằng Quốc hội Nga (Duma) sắp họp để bác bỏ thỏa thuận bán khí đốt giá rẻ cho Ukraine hồi 2010.
Lúc đó, Nga đồng ý như vậy để đổi lại quyền duy trì căn cứ hải quân của Hạn đội Biển Đen ở Crimea.