Thời thơ ấu và niên thiếu của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy – Tố Liên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thời thơ ấu và niên thiếu của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy – Tố Liên

Kính dâng lên anh linh Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.

Tôi phải ngừng ở mỗi bài viết của gần 100 tác giả trong quyển sách “Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, nhà chí sĩ thời đại” mà tôi vừa xem xong. Sau đó cổ họng tôi cứ nghẹn ngào, con tim cứ thổn thức xót xa và dòng lệ tận đáy lòng cứ cuồn cuộn dâng lên hai khóe mắt.

Toàn thể các tác giả viết về Giáo Sư (GS) Nguyễn Ngọc Huy đều là những chánh khách cao cấp, trí thức lỗi lạc từ khắp nơi trên thế giới,  ngoại quốc cũng như Việt Nam. Tất cả đều tỏ lòng thương tiếc thương đau đớn đau cho sự từ biệt cõi đời của GS, một người tài đức vẹn toàn, đầy lòng bao dung nhân ái, nhất là một lòng kính yêu, trăn trở để quang phục cho dân tộc, đất nước Việt Nam. Một vị thầy đã đào tạo biết bao bậc tài cao lương đống cho Việt Nam Cộng Hòa.

Cây thước để đo, xác định tầm vóc của con người GS Nguyễn Ngọc Huy chính là nhân cách và những hoạt động của GS từ tuổi thanh xuân cho đến phút lâm chung. Tất cả những nhận xét đều rất thực tâm, tinh tế và chính xác. Có điều tôi chưa tìm thấy tác giả nào nêu lên thời thơ ấu vả niên thiếu của GS Nguyễn Ngọc Huy. Tôi có đề nghị anh em trong gia đình GS Nguyễn Ngọc Huy ghi lại để mọi người biết thêm cho trọn vẹn cuộc đời của Giáo Sư. Anh em bảo rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương, không khéo đôi khi người ngoài nghĩ rằng anh em thêu dệt, đánh bóng như lối tôn vinh lãnh tụ đảng cộng sản. Nhận thấy không thể bỏ qua những cá biệt của cậu bé Ngọc Huy đối với những niên thiếu của người khác, nên tôi xin phép anh em được ghi lại những nét chính trong tâm tưởng mình. Cá nhân tôi không có bà con ruột thịt gì với GS Nguyễn Ngọc Huy nhưng tôi có mối dây liên hệ gia đình vì thân mẫu của GS là chị Hai của mẹ chồng tôi (em út, thứ chín).

Vào năm 1971, tôi về làm dâu bên chồng, ngày ngày nấu cơm dưới bếp. Lúc đó má chồng tôi đã 70 tuổi nhưng còn minh mẫn, sáng suốt lắm. Có lẽ vì thấy tôi là “dâu mới” chưa biết nhiều về gia tộc bên chồng nên bà kể cho nghe rất nhiều chuyện. Nhất là bà rất tâm đắc khi kể về gia đình và cá nhân của GS Nguyễn Ngọc Huy. Bà kể rất tự nhiên có sao nói vậy chớ không có một lời khen ngợi hoặc đề cao đứa cháu đang nổi danh của bà.

Bà kể: “Con biết không hồi trước ông ngoại con tên Trần Minh Đức. Ông là người thông thạo chữ Hán, Nôm. Ông là thầy đồ cuối cùng ở Biên Hòa. Khi chữ Nho suy tàn, ông đi học chữ quốc ngữ rồi về dạy lại ở địa phương đầu tiên. Ông còn sáng tác nhiều tuồng cổ, nghiên cứu y học cổ truyền, bốc thuốc trị bệnh miễn phí v v. Ông làm hương lễ lo việc cúng tế tại miểu, đình trong làng và các vùng lân cận. Nhà ông ngoại có một pho sách rất quý gồm chữ Hán, Pháp, Nôm và quốc ngữ. Ông ngoại giữ kỹ lắm con. Thằng Huy lúc còn nhỏ hay lén lấy sách ông ngoại đọc, ông ngoại biết được rầy nó hoài.

Cậu Sáu của con ở với ông ngoại. Cậu tên là Trần Văn Giáo làm thầy giáo tiểu học sau làm Huyện (tác giả Lê Duy Việt có nhắc đến ông Huyện Giáo này ở trang 268). Dì dượng Hai, ba má thằng Huy ở bên kia sông Mỹ Lộc (cách nhà ông ngoại khoảng năm, sáu cây số thuộc quận Công Thành). Dượng Hai dạy tiểu học, về già tu tại gia. Dì Hai ép dầu phọng bán độ nhật. Nhà dì dượng thuộc xã Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, Biên Hòa (Hiện nay CSVN đổi tên là Tân Mỹ, thuộc tỉnh Bình Dương).

Hồi trước dì Hai sanh ba đứa con trai đầu lòng không nuôi được đứa nào cả. Tới chừng dì Hai sanh đứa con thứ chín, thấy đứa nhỏ kháo khỉnh lạ thường nên ông ngoại với dì dượng Hai đặt nó tên Ngọc Huy, là viên ngọc sáng. Trong lúc đó dì Hai thì lo sợ sẽ khó nuôi Ngọc Huy như ba đứa kia. Trong khi cậu Sáu có hai con trai nuôi được hết, vì vậy dì Hai mới làm giấy cho cậu Sáu, đổi tên giả gái, đeo bông tai. Thỉnh thoảng mới đưa Huy về thăm cha mẹ vài ba ngày.

Khi thằng Huy biết chạy giỏi ngày ngày nó cứ đến trường Mỹ Lộc đu cửa sổ lớp học, thầy dạy gì bên trong nó thuộc hết trọi hà con. Lớn lên một chút mỗi lần dắt nó vô chùa lạy Phật thầy đọc kinh tiếng Phạn mà nó cũng thuộc lòng hết luôn đó con. Khoảng đầu mười tuổi mà nó thuộc lòng hết bộ Tam Quốc Chí đó con. Nó siêng năng, cần mẩn lắm con. Nó đậu bằng thành chung hạng ưu được toàn quyền Pháp thưởng 300 đồng bạc Đông dương. Số tiền nầy lớn và giá trị lắm vào lúc đó và dì dượng Hai với nó đủ đi du lịch giáp vòng Đông dương. Sau khi đi du lịch về có một bữa đó nó chạy xe đạp từ Sài Gòn về Biên Hòa. Nó ghé qua Má đâu khoảng ba, bốn giờ chiều. Nó mượn bàn máy đánh chữ để về nhà tập đánh. Má biểu nó ở lại ăn cơm nó không chịu, lo hối hả đạp xe về Mỹ Lộc, sợ trễ đò không về nhà được. Mỹ Lộc cách chợ Biên Hòa tới mười bảy, mười tám cây số lận con. Nó thiệt là chịu khó!

Đến năm 1945, trong lúc toán quân Anh, có lính Ấn Độ da đen nữa con. Họ đi lùng trong làng để tước khí giới lính Nhựt Bổn thì có thằng du kích Việt Minh núp ở đàng xa sau hàng rào bông bụp của nhà ông ngoại liệng lựu đạn tụi lính Anh, Ấn. Nhà ông ngoại lớn lắm hàng rào bông bụp bao xung quanh và gần đó nhà lớn của dì Tám. Lính Ạnh trả đủa bằng cách phóng hỏa đốt xóm nhà đó làm nhà ông ngoại và nhà dì Tám ra tro (có lẽ nhà cửa và pho sách của ông ngoại GS Nguyễn Ngọc Huy trong đó có bài thơ ca ngợi triều Tây Sơn và vua Quang Trung nên GS đã trả lời trong cuộc phỏng vấn trang 18 là “bài thơ này đành chịu thất lạc luôn”).

Trên đây là những chuyện thời còn nhỏ của GS do má chồng tôi kể lại. Giờ tôi xin phép kể chuyện tôi tiếp xúc với GS Nguyễn Ngọc Huy. Khi GS nổi danh tại Sài Gòn có một lần đi nghe GS thuyết trình. Tôi để ý nhiều thí dụ GS đều đề cập tới bưởi Biên Hòa… kèm theo lời nói, giọng nói, tốc độ nói và phong cách của GS chứng tỏ rằng GS yêu mến xóm làng, thương quý dân tộc và rất có trách nhiệm với đất nước… Những cuồn phim năm xưa quay lại trong tâm tưởng tôi. Dưới là những lời tôi muốn thưa cùng Cố Giáo Sư; người  anh bạn dì của chồng mà tôi gọi thường gọi là “anh Chín”.

Kính thưa anh Chín;

Nhớ lại năm 1971 đám cưới của tụi em anh rất bận rộn việc đại sự nhưng hay tin thôi mà anh cũng đăng báo chúc mừng:

“Anh ưu ái, Anh chu đáo, Anh ấm tình”

Rồi năm 1973, dì Hai mất, má ruột em đến chia buồn và lạy trước linh cửu dì Hai. Anh liền ngăn không để má em lạy và nói với Má em rằng: “Thưa Bác, cháu xin Bác miễn lạy, vì tuổi Má cháu nhỏ hơn tuổi Bác. Cháu cảm ơn Bác đã đến đây chia buồn cùng gia đình cháu.”

“Anh khuôn phép, Anh đạo nghĩa, Anh chuẩn mực”.

Đến năm 1974, chị Chín qua đời. Em đến chia buồn lúc chưa tẩn liệm chị. Em đứng ở cửa dưới, chỉ nửa giờ mà đã thấy ba lần Anh đến vén chăn đắp cánh tay chị lên. Anh vuốt ve âu yếm. Anh hôn nhẹ lên bàn tay chị mà mắt lưng tròng. Anh muốn chị quanh quẩn mà trời nỡ bắt chị chia lìa Anh.

“Anh thủy chung, Anh son sắt, Anh nghĩa tình”

Em nghe nói năm 1975 Anh không chịu rời đất nước, nhưng có người bốc Anh đi. Sau khi Anh ra khỏi Việt Nam, Cộng Sản đã treo thủ cấp Anh năm triệu đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa. Đến năm 1976, khi biết cháu Lê Ngọc Ẩn con chị Năm Huệ (chị ruột Anh) dạy toán có tiếng ở trường trung học Biên Hòa. Họ biết là cháu ruột Anh nên bắt giam, tra tấn. Ít tháng sau đó, họ gọi chị Năm lãnh xác cháu về, với lý do tự tử. Vào phòng giam, chị Năm nhìn co bất động với chiếc đũa còn cắm sâu vào lỗ mũi cháu. Ôi đau lòng thay cho nỗi thống khổ của người mẹ hiền. Chị Năm câm lặng! Lúc đó, ở Mỹ, Pháp, Anh… Anh có hay tin này?

Nhớ lại hồi năm 1987 Anh sang Úc thuyết trình ở thủ đô Canberra. Trong lúc Anh dùng bữa cơm tối với các em, cháu trong gia đình, em đã lên tiếng hỏi Anh: “Thưa Anh Chín, hồi trước Má của tụi em nói rằng Anh còn nhỏ mà thuộc làu bộ Tam Quốc Chí hả Anh Chín?” Anh đã từ tốn đáp lời: “Ờ em, hồi anh mới đậu bằng thành chung, anh lấy sách của ông ngoại anh đọc. Ông ngoại rầy anh, ông nói ‘con biết gì mà đọc, sao cứ lấy sách của ông đọc hoài vậy? Đâu con nói thử cá tính của Quan Công, Lưu Bị, Tào Tháo coi, nếu con nói đúng ông cho con đọc’. Anh nói ra cá tính từng nhân vật. Ông ngoại ngạc nhiên nói ‘Ủa, thằng này nói đúng hết vậy cà?’ “.

Anh nói tiếp: “… mà anh đọc bằng chữ Hán, ông ngoại tưởng anh không biết chữ Hán nhiều nên ông bảo ‘để ông dẫn con đến thầy học thêm’. Khi đến thầy hỏi anh mấy câu, thầy nói ‘Thôi, thằng này khỏi học, hỏi nó mấy bộ, nó biết hết trọi mà'”

Anh còn nói thêm: “Anh đang viết cuốn “nguồn gốc dòng họ Việt Nam’ để anh viết xong, anh dịch ra Việt ngữ rồi gởi qua cho mấy em xem.”

Sang Úc chỉ vài ngày để thuyết trình, vậy mà Anh cũng sắp xếp và ở lại với gia đình chú Năm một đêm, với gia đình chú Sáu một đêm cho dù hai gia đình cách xa nhau 400 cây số.

“Anh trọn vẹn, Anh quân bình, Anh tình cảm”

Kính thưa anh Chín;

Lâu nay em tưởng Anh đọc Tam Quốc Chí bằng chữ quốc ngữ, không ngờ hôm nay Anh nói Anh đọc bằng chữ Hán. Em rất ngạc nhiên, quá kính phục nên ngẩn người mà quên hỏi Anh học bằng cách nào? Gần đây anh Sáu (con cậu Sáu) nói hồi anh còn nhỏ ông ngoại dạy chữ Hán cho Anh chưa nhiều nhưng Anh tự hệ thống hóa lại rồi Anh hiểu nhiều. Anh đọc cả bộ sách Tâm Quốc Chí và nhớ. Trí nhớ Anh thiệt là siêu đẳng. Tụi em thường bảo nhau “cái gì vô đầu anh Chín thì nó dính luôn”. Chúng em hết sức đau buồn khi gặp lại anh biết anh đang mang chứng bệnh nan y.

Năm 1993, em đi du lịch bên Mỹ tạm ở nhà anh chị Năm Hương (con dì Tám). Chiều tối hôm đó tình cờ em đọc tờ báo Việt ngữ thấy hình Anh nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ. Sau khi đọc xong những bài viết ca ngợi Anh em liền điện thoại lên tòa soạn của tờ báo đó ở San José cách đó khoảng 6, 7 trăm cây số để hỏi mua một tờ đem về Úc cho chú Năm và chú Sáu xem. Em không ngờ chỉ đúng một giờ sau khoảng 8 giờ tối có hai chiến hữu của anh mang đến tận nhà tặng cho em không phải một tờ mà tới hai tờ khác ngày. Em mải mê nói chuyện về Anh mà quên hỏi tên hai anh ấy. Hai anh ấy rất lịch sự, nhã nhặn và khiêm tốn. Hai anh rất kính trọng Anh, lúc nào cũng gọi Anh là thầy, Hai anh nói rất nhiều cho đến khuya. Đến bây giờ em chỉ còn nhớ hai câu:

1. Thầy em đã tiên liệu chế độ cộng sản Đông Âu sẽ sụp đổ vì lý do… “Đúng quá, cả cộng sản Nga nữa, em tiếc quá anh không còn nữa để mãn nguyện với những viễn kiến của Anh.

2. Thầy em không biết xài tiền. Ăn uống anh em dọn lên gì Thầy dùng nấy.

Em rất ngạc nhiên và khâm phục sự trong sạch, vô tư, coi nhẹ vật chất của Anh. Rồi em nghĩ vào năm 1987 chú Năm và Chú Sáu cách xa lâu ngày nên tặng Anh một số tiền để Anh thuốc thang lúc ốm đau có lẽ đã xung vào quỹ nào đó cùng với số tiền thu được từ những quyển sách Anh viết (nếu bán).

Em gặp Anh lần cuối vào năm 1987 trong khi anh Hiếu chồng em vẫn còn kẹt bên Việt Nam. Anh em chúng em ở bên Úc, anh lại trú ngụ và hoạt động bên kia châu Âu, châu Mỹ. Trước năm 1975 cũng như sau đó ở hải ngoại không bao giờ Anh kêu gọi anh em, cháu trong gia đình hỗ trợ Anh điều gì hay tạo vây cánh gia đình bằng việc thuyết phục học trường Quốc Gia Hành Chánh hay gia nhập trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến như bao nhiêu nhà lãnh đạo khác. Đối với gia đình Anh là kẻ độc hành.

“Anh liêm khiết, Anh đức độ, Anh cao cả, anh dũng cảm, Anh nhìn xa hiểu rộng, Anh xả thân vì đại cuộc mà quên thân mình”.

Anh đã mở trường trồng người. Anh đào tạo nhân tài, tạo bậc quân tử, hiếu tử, anh kết hoa cho ra biết bao trái ngọt. Trong khi đó cộng sản đào tạo ra kẻ phi nhân, tạo ra kẻ tiểu nhân, nghịch tử, dĩ nhiên họ đã sản xuất biết bao trái đắng!

Kính thưa anh Chín;

Ngày nay Anh đã thiên thu vĩnh biệt cõi đời, hai mươi ba năm qua rồi nhưng em vẫn luôn tin tưởng rằng anh linh Anh vẫn còn phảng phất đâu đây. Anh vẫn hộ trì và luôn bên cạnh các học trò, thân hữu, chiến hữu của Anh. Anh vẫn còn tiếp sức người Việt quốc gia vượt thác ghềnh để sớm được thật sự dân chủ tư do. Điều nầy Anh trọn đời nguyện ước thiết tha. Anh rất mong mỏi nó biến thành hiện thực chớ không phải ước mơ vô vọng của Tạ Hữu Thiện ở bên kia sông Bến Hải:

“Em,

Có phải em là người không bao giờ tôi gặp,

Mới là người tôi ấp ủ trong tim . . .”

Kính biệt Anh Chín,

Em dâu của Anh, viết tại Canberra 25/05/2013