Thời Kỳ Cách Mạng và Độc Tài của Lenin

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thời Kỳ Cách Mạng và Độc Tài của Lenin
Cuộc Cách Mạng Cộng Sản Tháng 10 tại nước Nga xẩy ra vào năm 1917 là kết quả do cuộc Thế Chiến Thứ Nhất, kết quả này mang tính định mệnh đối với dân tộc Nga. Cuộc cách mạng này diễn ra theo hai giai đoạn. Vào tháng 2 năm 1917, chế độ Sa Hoàng bị lật đổ, đưa tới một thời kỳ có chính quyền cấp tiến và tự do, nhưng sau đó luật pháp và trật tự không được duy trì. Lợi dụng tình trạng hỗn loạn này, các người Mác Xít cứng dắn, tức là các đảng viên Bolsheviks, đã tổ chức một cuộc cách mạng thứ hai vào tháng 10 rồi lập nên chế độ độc tài cộng sản.

Việc lật đổ chế độ Sa Hoàng bằng một chính phủ dân chủ mà không được sự ủng hộ của dân chúng đã khiến cho chính quyền này không thể tồn tại. Tinh thần cấp tiến của người Nga vào giai đoạn cách mạng thứ nhất đã chứng minh các khó khăn khi thiết lập một hình thức dân chủ tây phương tại một quốc gia hiện đang thiếu hẳn tinh thần đoàn kết, thiếu một giai cấp trung lưu vững mạnh và một truyền thống tham gia vào các công việc chung với tinh thần trách nhiệm.

Sau Thế Chiến Thứ Nhất, các quốc gia không thuộc tây phương tại miền trung, miền đông và miền nam của châu Âu cũng gặp các hoàn cảnh tương tự, đã theo thể chế độc đoán và rồi sau này, bắt chước chính quyền độc tài của các người Cộng Sản Nga trong công việc xây dựng đất nước.

1/ Chế độ độc đoán của Sa Hoàng.

Vào cuối thế kỷ 19, nếu xét theo căn bản, đế quốc Nga khác với miền tây của châu Âu rất nhiều. Lãnh thổ Nga trải dài từ nước Đức tới Trung Hoa và Nhật Bản, chiếm một phần sáu diện tích của trái đất. Thế nhưng, đất nước này có nhiều đặc tính yếu kém. Vì các biên giới thiên nhiên không được bảo vệ lại quá rộng lớn, xứ sở này đã bị chinh phục do các cuộc xâm lăng từ bên ngoài và bị chia rẽ do nội bộ phân hóa. Khoảng cách xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, phương tiện giao thông nghèo nàn, nhiều sắc dân khác nhau, nhiều loại tôn giáo và văn hóa không đồng nhất nên chính quyền trung ương phải duy trì sự thống nhất bằng sức mạnh, tất cả các yếu tố này đã làm cho nước Nga trở thành một miền đất chậm tiến so với các nước phương tây láng giềng. Qua nhiều thế kỷ, nhiều trào lưu mới đã lan tràn tại các quốc gia tây phương: thời kỳ Phục Hưng, phong trào Canh Tân (Reformation), cuộc Cách Mạng Khoa Học, thời đại Lý Trí và cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ, trong khi đó những tư tưởng tiến bộ này đã không thể du nhập vào đất nước Nga.

Tại nước Nga, nền chính trị được tập trung chặt chẽ hơn là tại các nước phương tây. Mặc dù các định chế của Sa Hoàng được tổ chức theo khuôn mẫu của phương tây nhưng các nhà cai trị Nga bảo thủ hơn. Sau cuộc chiến tranh thất bại của Napoléon, các nhà trí thức và các sĩ quan người Nga khi trở về quê hương, muốn thực hiện cuộc sống văn minh của châu Âu nên đã mang về tư tưởng cách mạng. Do lo sợ các ảnh hưởng cách mạng lật đổ của nước ngoài, Sa Hoàng Nicholas I (1825-1855) đã đề cao ý thức hệ thuần Nga. Người dân Nga được dạy bảo phải tin tưởng vào các tín điều của nhà thờ Chính Thống giáo (Orthodox) và nền văn hóa Slavic cao cấp hơn thứ văn minh tây phương. Để thi hành chủ trương này, Sa Hoàng đã tạo ra Bộ Cảnh Sát với nhiều mật thám, ngăn chặn các tư tưởng mới xâm nhập vào đất nước Nga, khiến cho nước Nga trở nên một quốc gia khổng lồ hoạt động giống như một đạo quân với chính quyền tập trung vào trung ương. Mọi người dân Nga đều phải tuân theo mệnh lệnh của Sa Hoàng. Tham vọng của Sa Hoàng Nicholas I đã gặp thất bại khi quân đội Nga thua trận Chiến Tranh Crimea (1854-56) trước các lực lượng của hai nước Pháp và Anh và do vậy, các ảnh hưởng của Nga không thể lan tràn xuống miền Địa Trung Hải. Sa Hoàng Nicholas I đã qua đời trước khi trận chiến kể trên kết thúc.

Kế tiếp Sa Hoàng Nicholas I là Sa Hoàng Alexander II (1855-1881), một người tiếp tục chế độ độc đoán trong khi lại muốn người dân Nga thực hiện nền tự do mậu dịch (free entreprise) là thứ đã làm cho các quốc gia phương tây hùng mạnh. Cải cách táo bạo nhất của Sa Hoàng Alexander II là giải phóng giai cấp nông nô (serfs) vào năm 1861. Lớp dân nghèo 22 triệu người này không còn thuộc quyền sở hữu của các nhà quý tộc nữa, họ được cấp cho đất cày nhưng chưa được hưởng quyền tự do cá nhân. Họ lệ thuộc vào làng xã là nơi sở hữu đất đai một cách tập thể. Sự giải phóng giai cấp nông nô đã không khiến cho giai cấp này trung thành với nhà vua, đồng thời luật pháp bắt đầu được áp dụng.

Sa Hoàng cũng mở cửa biên giới để liên lạc với các nước phương tây, hầu mong canh tân xã hội Nga, nhờ vậy giới thương mại và giới trí thức tiếp thu được các tiêu chuẩn văn minh mới. Các đàn áp đã giảm bớt đối với một số sắc dân và đường xe lửa được xây lắp để làm dễ dàng việc xuất cảng nông phẩm và nhập cảng hàng hóa phương tây, nhờ vậy nền kinh tế đã tiến triển.

Đồng thời với các tiến bộ về kinh tế, tư tưởng và văn chương Nga đã nở rộ trong thành phần trí thức. Đã có các người Nga được giáo dục tại các nước châu Âu, họ trở về nước và tranh luận giữa công việc bắt chước phương Tây hay phát triển nền văn hóa thuần Slavic, bởi vì có người cho rằng nền văn hóa sau này sẽ vượt trội hơn. Các tư tưởng cấp tiến đã gặp phải sự kiểm duyệt và chế độ cảnh sát, và chế độ độc đoán của Sa Hoàng không cho phép sự thảo luận cởi mở, một việc làm dễ dàng gây nên cách nổi loạn.  Từ thập niên 1860, các người chủ trương đổi mới đã tìm cách tránh né các mánh lới của cảnh sát, lập nên các tổ chức khủng bố bí mật rồi tới năm 1881, họ ám sát Sa Hoàng Alexander II. Vì vậy thời kỳ cải cách đã bị chấm dứt và cuộc cách mạng tiếp tục âm ỉ với các nhà trí thức Mác Xít.

Kế tiếp cai trị nước Nga là Sa Hoàng Alexander III (1881-1894), một người cứng dắn đã trở về các nguyên tắc của Sa Hoàng Nicholas I. Vị Sa Hoàng này đã củng cố thêm chế độ độc đoán, tăng cường ngành cảnh sát và đàn áp sắc dân Do Thái. Nhưng nước Nga vào thời kỳ này đã nhờ vả nhiều vào các món nợ và hàng hóa ngoại quốc, đang cần phải xây dựng các nguồn tài nguyên và hệ thống đường xe lửa để kết nối một lãnh thổ khổng lồ. Vì vậy vào năm 1891, đường xe lửa Xuyên Tây Bá Lợi Á được bắt đầu rồi sau đó, Bộ Trưởng Tài Chính là Bá Tước Sergei Witte đã dùng đường xe lửa để làm thăng tiến nền kỹ nghệ nặng và kỹ nghệ hóa đất nước, đã dùng vàng làm tiêu chuẩn tiền tệ nhờ vậy việc hoán đổi tài chính trở nên dễ dàng. Vào thời kỳ này, các đường dây điện tín được thiết lập, xuất nhập cảng gia tăng. Nền văn hóa theo phương Tây trở nên phong phú hơn do sự đóng góp của các nhà văn như Tolstoy, Turgenev và Dostoevsky hay các nhạc sĩ như Peter Tchaikovsky và Nikolai Kimsky-Korsakov.

Vào năm 1900, Bá Tước Sergei Witte đã trình bày cho Sa Hoàng Nicholas II (1894-1917) sự cần thiết bắt buộc của công trình kỹ nghệ hóa nhưng sự việc này cũng mang lại các hiểm nguy mới, đã tạo nên sự bất mãn của giai cấp công nhân và làm nghèo khó giới nông dân. Tất cả đã làm tăng thêm các biến động chính trị trong số các giới trí thức, công nhân, nông dân và làm tiêu tan tinh thần đoàn kết cần thiết.

Sau sự thất trận của nước Nga trong cuộc Chiến Tranh Nga Nhật, đã diễn ra cuộc Cách Mạng năm 1905 nhưng vào thời gian này, giới quân nhân vẫn còn trung thành với Sa Hoàng và chế độ chuyên chế vẫn tồn tại đồng thời với một Nghị Viện gọi là Duma bảo hoàng, và đây là một nhượng bộ đối với phong trào cách mạng. Chế độ mới này, mặc dù bị Sa Hoàng phản đối, nhưng đã giúp cho nền kinh tế, văn chương và nghệ thuật phát triển nhưng dù sao, ở sâu dưới tầng lớp dân chúng nghèo nàn, vẫn âm ỉ một cuộc cách mạng khác bởi vì sau Thế Chiến Thứ Nhất, vẫn diễn ra cuộc cạnh tranh chính trị giữa các quốc gia tại châu Âu.

2/ Cuộc Cách Mạng Cộng Sản năm 1917.

Sau khi Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ, quân lính Nga tại mặt trận tiếp giáp với nước Đức đã không đủ ăn, không đủ mặc, thiếu vũ khí, nên đã chịu tổn thất nặng nề và phải rút lui về phía đông. Vào năm 1916 tại nước Nga, tiền tệ bị mất giá, các cửa hàng trống rỗng vì thiếu thực phẩm nhưng Sa Hoàng vẫn muốn duy trì chế độ độc đoán lấy lý do vì nhu cầu chiến tranh. Vào thời kỳ ban đầu, người dân Nga rất ái quốc, họ đã đổi tên thành phố St. Petersburg sang Petrograd nhưng qua đầu năm 1917, hầu hết binh lính Nga đã mệt mỏi vì chiến tranh do các vụ thất trận liên tiếp. Họ đã mất niềm tin vào chính quyền đã không bảo vệ được đất nước trong khi nền kinh tế tồi tệ hơn. Thể chế độc đoán sắp sửa bị sụp đổ.

Vào đầu tháng 3 năm 1917, một cuộc đình công và biểu tình phản đối đã diễn ra tại thành phố Petrograd. Các quân nhân trước kia ủng hộ triều đại Romanov vào năm 1905, nay đứng về phe các công nhân biểu tình và trước khi Sa Hoàng thoái vị, đã có hai hội đồng cách mạng, thứ nhất của các quân lính và công nhân được gọi là Xô Viết Petrograd, đại diện cho những người sẵn sàng xuống đường và chết vì tranh đấu, hội đồng thứ hai của các người cấp tiến, họ e sợ cuộc cách mạng và tổ chức Xô Viết kể trên, và họ đã tự nhận là chính phủ lâm thời. Như vậy theo sau sự thất trận là sự bùng nổ các căng thẳng qua nhiều thế kỷ về xã hội và chính trị. Thể chế tự do đã tới với dân chúng Nga không được chuẩn bị trước và kết quả là một tình trạng vô chính phủ mà người dân phương Tây chưa từng gặp phải.

Các biến cố chính trị xẩy ra từ tháng 3 tới tháng 11 năm 1917 là các cuộc đấu tranh nội bộ, với kẻ mạnh nhất sẽ chiến thắng, trong khi người Đức ở bên ngoài và một số sắc dân thiểu số bên trong tìm cách trục lợi do tình trạng vô chính phủ này. Vào thời gian đầu, các người cấp tiến trí thức như các luật sư, bác sĩ, các nhà chuyên môn, các kỹ nghệ gia và thương gia, các chủ đất… đã muốn thành lập một chế độ quân chủ lập hiến nhưng chính quyền lâm thời này đã không thể điều hành đất nước hữu hiệu, thay thế cho chế độ của Sa Hoàng, trong khi đó 2 triệu quân lính Nga đào ngũ, bỏ mặt trận chạy về; binh lính và công nhân nổi dậy, nhiều làng xã tuyên bố độc lập. Một người cấp tiến đã phải nói rằng “vào ngày cách mạng, nước Nga nhận được nhiều tự do hơn số lượng có thể duy trì và cuộc cách mạng đã phá hủy nước Nga”. Trước hoàn cảnh “vô chính phủ và hỗn loạn” này, rõ ràng rằng chỉ có một sức mạnh tàn bạo mới có thể duy trì trật tự và luật pháp.

Trong hoàn cảnh phức tạp như thế, các người Bolsheviks dưới sự điều khiển của V.I. Lenin, đã dùng giải pháp của họ cho đất nước Nga: một chế độ độc tài thiên tả, dùng căn cứ là các Xô Viết, với sự ủng hộ của giới nông dân, giới công nhân nhà máy. Khẩu hiệu tuyên truyền của họ là “Hòa Bình, Bánh Mì và Đất Cầy”. Các người Bolsheviks này là các chiến sĩ chính trị được huấn luyện kỹ càng, đã chiếm giữ chính quyền. Sau đó, họ tự nhận là các người Cộng Sản.

Cuộc cách mạng Bolshevik đã có nguồn gốc từ lâu. Vào đầu thế kỷ 19, các người học thức Nga đã muốn mang lại cho đất nước của họ nền tự do ngôn luận và thể chế lập hiến nhưng vì bị cấm đoán thảo luận tại nơi cộng cộng, họ đã hoạt động bí mật. Qua thập niên 1870, họ trở nên các nhà cách mạng chuyên nghiệp, đã đối phó với cảnh sát của Sa Hoàng và phục vụ mục tiêu cách mạng bằng các hành động “bạo lực” như ăn cướp ngân hàng, ám sát, khủng bố…

Đầu tiên các nhà cách mạng Nga đặt tin tưởng vào giai cấp nông dân nhưng qua thập niên 1880 và 1890, họ đã học hỏi được các lý thuyết kinh tế và xã hội của Karl Marx và nhận ra chiều hướng đi về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Họ tin tưởng rằng lịch sử ngả về phía các người “vô sản” và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và họ mong muốn đưa nước Nga vượt trội các nước phương Tây về mọi mặt.

Vào năm 1900, Vladimir Ilyich Ulyanov, biệt danh là Lenin (1870-1924) đã tập họp được một số nhà cách mạng có học thức. Lenin đã góp công thứ nhất vào việc áp dụng chủ nghĩa Mác Xít vào các hoàn cảnh của nước Nga và thứ hai là cách tổ chức một đảng phái chính trị bí mật, lẩn tránh được ngành cảnh sát của Sa Hoàng, với bộ chỉ huy đặt bên ngoài nước Nga mà vẫn theo sát giới công nhân và các thành phần cách mạng, với chủ trương rằng tài sản và quyền lực của nước Nga phải nằm trong tay đảng Cộng Sản, một tổ chức trí thức, độc tài và tập trung quyền hành.

Lenin thuộc một gia đình trung lưu, có người cha làm thanh tra các trường học và người anh ruột bị hành quyết vì tội cộng tác vào vụ ám sát Sa Hoàng Alexander III. Do tham gia vào các hoạt động cách mạng, Lenin đã bị đuổi khỏi trường đại học Kazan rồi về sau, bị lưu đày tại Siberia trong 3 năm. Từ năm 1900 tới năm 1917, Lenin sinh sống tại các nước phương tây.

Là nhà hoạt động chính trị, lý thuyết gia và chiến thuật gia có tài, Lenin đã là lãnh tụ của đảng Dân Chủ Xã Hội (the Social Democratic party) dù cho ông ta hoạt động ở bên ngoài nước Nga. Lenin thường xuyên nói về lý thuyết Mác Xít và cuộc đấu tranh giai cấp.

Hai người Mác Xít ưu tú khác là Leon Trotsky (1879-1940) và Joseph Stalin (1879-1953). Trotsky tên thật là Lev Bronstein, là con của một chủ trại Do Thái giàu có, thuộc miền nam nước Nga. Stalin là bí danh với ý nghĩa “con người thép”, tên thật là Iosif Dzhugashvili, sinh ra tại vùng Georgia, đã theo học một chủng viện rồi đi theo cách mạng. Cả ba Lenin, Trotsky và Stalin đã từng bị mật vụ của Sa Hoàng cầm tù nhiều năm, bị đầy đi miền băng tuyết Siberia.

Vào năm 1903, các người Mác Xít Nga đã chia thành hai nhóm: phe Menshevik ôn hòa hơn, còn được gọi là phe thiểu số, do nhận được ít phiếu hơn tại Đại Hội Đảng Lần Thứ Hai, còn phe đa số, cực đoan hơn được gọi là phe Bolshevik, chủ trương cứng dắn, dù phạm phải các trọng tội, để đạt được các mục tiêu chính trị và đây là các nhà cách mạng không do dự trước các chiến thuật khủng bố.

Vào ngày 16/4/1917, Lenin được người Đức giúp đỡ, từ Thụy Sĩ trở về Petrograd, đã nhận thấy rằng chính phủ lâm thời với chủ trương tiến bộ nhưng lại quá thận trọng nên không thể đáp ứng được các đòi hỏi về hòa bình và đất đai của các giới quân nhân, công nhân và nông dân. Hai giới sau này là những người muốn báo thù vì đã bị đàn áp trong nhiều thế kỷ. Lenin cũng cho rằng chỉ có cách kiểm soát của chính quyền, mới phục hồi được sự thảm bại của nền kinh tế và ông ta đã nhấn mạnh tới “chế độ độc tài của giai cấp lao động” điều hành bởi các Xô Viết của ba giai cấp kể trên.

Trong khi giới nông dân nổi dậy tại khắp nơi, các người Bolsheviks đã chiếm được đa số tại các Xô Viết trong hai thành phố lớn là Petrograd và Moscow đồng thời chính phủ lâm thời mất quyền kiểm soát các biến cố đang xẩy ra. Vì thế cuộc đảo chính Bolshevik đã được Lenin trù liệu và thi hành vào ngày 24 và 25 tháng 10 theo lịch cũ, tức là ngày 6 và 7 tháng 11 năm 1917. Thực ra chính quyền lâm thời đã bất lực trước tình thế và quyền hành rơi vào tay những người nổi dậy một cách dễ dàng, trái với cách diễn tả mang tính anh hùng của nền văn chương Xô Viết sau này.

Từ nay các người Bolsheviks thiết lập nên một nền độc tài khuynh tả vào giai đoạn mà thế giới bên ngoài còn đang bận tâm về cuộc Thế Chiến. Tờ báo New York Nhật Báo (the New York Times) vào ngày 10 tháng 11, đã coi những người Bolsheviks là “các trẻ em về chính trị, không hiểu biết chút nào về các sức mạnh lớn lao mà họ đang chơi đùa”. Thế nhưng, biến cố chính trị mới mẻ này đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, bởi vì những nhà cách mạng thiên tả này có mục đích tối hậu là chấm dứt tình trạng bóc lột giai cấp và đưa các kẻ nghèo khó, không đất đai của một quốc gia chậm tiến lên nắm quyền lực và tài lực, giống như giai cấp tư sản tại các nước phương tây. Sau khi chiếm quyền tại Petrograd, các người Bolsheviks lo tổ chức cuộc nội chiến để đối phó với những kẻ còn trung thành với Sa Hoàng. Sự tranh đấu sống còn này được giao cho Lenin.

3/ Nền độc tài cộng sản của Lenin.

Hình ảnh của Lenin được phổ biến tại khắp nơi qua các tấm bích chương mô tả một lãnh tụ nhiều năng lực và tự tin, trong bộ âu phục màu đen, đang diễn thuyết trước các công nhân và binh lính. Lenin hứa hẹn với giai cấp vô sản Nga và thế giới là sẽ chống lại ưu thế của giới tư bản tây phương và sẽ đưa nhân loại tới một thế giới không còn cảnh bóc lột và đây là lý tưởng cao đẹp nhất của nhân loại. Vào năm 1918, Lenin đã đổi tên các người Bolsheviks thành các người Cộng Sản và từ nay, trên thế giới có hai lý tưởng: lý tưởng Dân Chủ (democracy) do Tổng Thống Woodrow Wilson của Hoa Kỳ chủ trương và lý tưởng Cộng Sản Xô Viết. Như vậy Lenin đã là một trong các nhân vật có ảnh hưởng quan trọng nhất trong thế kỷ 20.

Sau khi các người Bosheviks nắm chính quyền và trước bối cảnh vô chính phủ, nước Nga đã bất lực trước quân đội Đức. Chính quyền Đức liền đòi hỏi một số miền đất do Nga chiếm đóng trước kia được tự quyết. Theo Hiệp Ước Brest-Litovsk ký vào tháng 3/1918, nước Nga chịu mất các xứ Phần Lan, Ba Lan và các xứ sở Baltic là những miền có cư dân đa số không phải gốc Nga trong khi xứ Ukraine là khu vực kỹ nghệ và lương thực cũng đòi tự trị. Lenin không còn cách nào khác là phải chấp nhận sự thua thiệt này.

Sau khi Hòa Ước kể trên được ký kết, đã diễn ra khắp nơi cuộc nội chiến, một cuộc tranh giành bắt đầu vào mùa hè năm 1917, giữa những người được gọi là Bạch Vệ, đây là giới trí thức bảo hoàng giàu có của nước Nga trước kia. Chống đối các người Cộng Sản mới còn có một số nhà cách mạng xã hội, các đảng viên Mensheviks và giới chủ đất. Cả hai phe thực ra đều nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài. Vào lúc này, quân Đức còn chiếm đóng tại miền tây nam của nước Nga, các nước Anh, Pháp và Hoa Kỳ cũng gửi quân tới miền bắc và miền nam. Tại miền Siberia phía đông cũng có quân đội Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Các nước Tây phương này lúc đầu muốn cân bằng lực lượng với sự bành trướng của nước Đức và hy vọng lật đổ chế độ Cộng Sản mới.

Vào tháng 7 năm 1918, Sa Hoàng Nicholas II cùng gia đình bị tàn sát bởi người cộng sản tại tỉnh Ekaterinburg. Sau đó là hàng ngàn người bị nghi ngờ là “kẻ thù của nhân dân” cũng bị ám sát, khủng bố, thanh trừng bởi các lực lượng công an bí mật. Qua tháng 8, lực lượng Bạch Vệ đã cắt được đường tiếp tế lương thực cho miền trung tâm của nước Nga. Các người cộng sản đã tổ chức lại Hồng Quân do thu nhận các đạo quân cũ của Sa Hoàng và áp dụng kỷ luật nghiêm khắc. Leon Trotsky được chỉ định làm ủy viên chính trị, chăm lo tinh thần chiến đấu. Đã diễn ra các cảnh tàn sát dân sự, binh lính, và trong hoàn cảnh tương tàn này, các lãnh tụ “giảo quyệt” nhất đã thắng lợi, kể cả Trotsky và Stalin.

Vào tháng 11 năm 1918, quân đội Đức đầu hàng quân đội Đồng Minh, sự việc này đã khiến cho nước Nga không còn bị đe dọa như trước trong khi đó Lenin thành lập Tổ Chức Cộng Sản Quốc Tế (the Communist International) để hướng dẫn phong trào cách mạng trên toàn thế giới, để làm giảm đi áp lực của các lực lượng ngoại quốc trên đất Nga. Qua năm 1920, các lực lượng Bạch Vệ đã chia rẽ nội bộ, lại không được sự ủng hộ của đa số dân chúng bởi vì đã từng liên kết với chế độ của Sa Hoàng khi trước, trong khi các người Bolsheviks giỏi hơn về chính trị và tuyên truyền nên Hồng Quân đã chiến thắng tại nhiều nơi. Tới tháng 11 năm 1920, lực lượng Bạch Vệ cuối cùng phải rút lui khỏi bán đảo Crimea với sự giúp đỡ của người Anh.

Trong cuộc nội chiến kể trên, cả hai phe Cộng Sản và Bạch Vệ đều thi hành các bạo lực chính trị của Sa Hoàng khiến cho dân chúng cũng như các cấp chỉ huy thuộc cả hai phía đều chịu các tổn thất rất lớn. Từ năm 1918, ngoài nền canh nông và nền kinh tế đi xuống, nước Nga còn gặp nạn lạm phát, nạn đói, rồi chính quyền cộng sản tịch thu tất cả mọi phương tiện sản xuất, tịch thu ngũ cốc của nông dân và tập trung lao động. Sau cuộc nội chiến, người dân Nga đã nổi lên chống lại các biện pháp cứng dắn. Qua năm 1921-22, một trận đói thực phẩm đã tàn sát hàng triệu người. Vào tháng 3 năm 1921, các thủy thủ tại căn cứ hải quân Kronstadt và các công nhân gần thành phố Petrograd đã nổi dậy, đòi hỏi chính quyền Cộng Sản phải thay đổi chính sách nhưng Trotsky đã đàn áp rất tàn nhẫn các kẻ phản kháng. Vào năm 1921, đảng Cộng Sản Nga áp dụng chính sách kinh tế mới, được gọi tắt là NEP (the New Economic Policy).

Vào năm 1921, đảng Cộng Sản có vào khoảng 500,000 đảng viên nhưng đã tổ chức được một nền độc tài chuyên chế. Điều khiển đảng này do một nhóm nhỏ gồm các lãnh tụ chính trị chuyên nghiệp với mục đích duy trì đà tiến cách mạng và loại bỏ những đảng viên nào không kéo nổi guồng máy, nhờ vậy chính quyền cộng sản mới này hữu hiệu hơn chế độ thư lại của Sa Hoàng khi trước. Thế nhưng, trình độ chậm tiến của dân tộc Nga vào thời bấy giờ cùng với mức độ tàn ác của thời đại khiến cho công việc thi hành chính sách cộng sản đã hủy diệt các chân giá trị của con người trong xã hội mới này.

Điều khiển đất nước Nga về chính quyền và chính trị là đảng Cộng Sản. Đối với người dân, là đảng viên không phải dễ dàng. Các đảng viên phải là những người hăng hái hoạt động chính trị, thuộc lòng lý thuyết Mác Xít Lênin-nít, phải thường xuyên theo đúng kỷ luật của đảng và phải luôn luôn làm gương mẫu trong mọi công tác hy sinh. Nhưng các lý tưởng cao đẹp này thường bị các cán bộ cấp thấp bôi bẩn bởi vì tầng lớp cán bộ này vừa dốt nát, luộm thuộm, vừa tham nhũng, hách dịch, lại hay lạm dụng quyền thế trong khi các đảng viên cao cấp có uy quyền hơn cả các công hầu của Sa Hoàng khi trước, họ là những người giàu kinh nghiệm đấu tranh, có nhiều tham vọng về lòng ái quốc, nhiều khả năng xách động quần chúng nhưng thiếu khả năng quản trị.

Theo Hiến Pháp, đảng Cộng Sản là một cấu trúc dân chủ nhưng thực quyền nằm trong tay Bộ Chính Trị (the politburo). Các lãnh tụ như Lenin, Trotsky và Stalin cùng một vài nhân vật khác đã chỉ định các nhân viên then chốt dưới quyền vì thế các lãnh tụ kể trên thực sự điều khiển Đảng và kiểm soát mọi giai tầng bên dưới. Do đảng Cộng Sản chế ngự toàn thể dân chúng nên không một đảng phái khác nào được quyền hoạt động trong đất nước và các công đoàn trở nên các công cụ bù nhìn của chế độ.

Để biến đổi đất nước Nga thành một quốc gia kỹ nghệ hóa gương mẫu cho thế giới, các người Bolsheviks đã áp đặt một thể chế độc đoán hơn Sa Hoàng khi trước, người dân phải tuân theo mọi mệnh lệnh do nhà nước đặt ra và ngay từ đầu khi thi hành chế độ độc tài cộng sản, Lenin đã không ngần ngại dùng mọi cách khủng bố. Vào tháng 11 năm 1917, các người Cộng Sản đã lập ra Cơ Quan Mật Vụ Cheka để tiêu diệt tất cả mầm mống phản cách mạng. Cơ quan này gồm các đảng viên cứng dắn đã thanh trừng mọi kẻ không theo chế độ bằng các trại lao động cải tạo và các trại giam tàn nhẫn, xấu xa này được thế giới bên ngoài biết rõ dưới thời cai trị của Stalin.

Sau khi nắm được chính quyền, các người Cộng Sản vốn là các “quân phiệt vô thần”, đã tiêu hủy quyền lực của nhà thờ Chính Thống, họ coi tôn giáo là “thuốc phiện của dân chúng” và coi đạo Chính Thống đã cộng tác với Sa Hoàng và ngăn cản các tiến bộ. Các tôn giáo khác cũng bị hạn chế, bị theo dõi và đả phá bằng các tuyên truyền mang tính vô thần. Họ cũng loại trừ dần giới chủ đất, giới kỹ nghệ gia, giới chuyên nghiệp có học thức cao và biến nước Nga vào thời kỳ ban đầu thành một miền đất của tầng lớp nông dân chậm tiến.

4/ Hình thành xã hội Xô Viết.

Các người Bolsheviks đã tổ chức lại nước Nga căn cứ vào giai cấp lao động, họ tuyên bố thực hiện sự công bằng xã hội do phân phối lại thực phẩm, quần áo, nhà ở và phố biến nền giáo dục tới nhân dân. Họ ngăn cấm mọi cách kinh doanh tư nhân, khiến cho “nhà nước” trở thành chủ nhân chính trong công tác thuê mướn công nhân và họ tập trung mọi cá nhân vào việc xây dựng quốc gia. Vào mùa xuân năm 1918, Lenin tuyên bố rằng “Công nhân Nga rất kém so với công nhân của các quốc gia tiến bộ, tức là Tây Phương”. Muốn vượt qua khuyết điểm này, người công nhân phải theo kỷ luật sắt, tuyệt đối vâng theo ý muốn của đảng Cộng Sản. “Hàng ngàn ý chí theo về một ý chí”, đây là nòng cốt của chủ trương kỹ nghệ hóa do nhà nước xô viết chủ trương.

Như vậy mọi tư tưởng của người dân đều bị đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước và qua nền giáo dục, báo chí và truyền thanh, đảng Cộng Sản cố công rèn luyện một thứ lương tâm mới và lý thuyết Mác Xít Lenin-nít là các tín điều của tôn giáo, triết học và chính trị của người dân. Tất cả mọi khối óc đều đồng nhất dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản. Sự “nhồi sọ” ý thức hệ Mác Xít là công tác chính của mọi đoàn thể.

Vào năm 1924, Liên Bang Các Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (U.S.S.R. = the Union of Soviet Socialist Republics) hay Liên Xô, được thành lập và các nhà lãnh đạo Đảng tuyên bố rằng Hiến Pháp mới của họ thể hiện trình độ cao cấp nhất của xã hội, sẽ thu hút các quốc gia khác và cung cấp nền hòa bình cho toàn thế giới qua cách “sống chung hòa bình và cộng tác huynh đệ giữa các dân tộc”. Để tránh người dân Nga nghi ngờ sự ưu việt của xã hội chủ nghĩa, đảng Cộng Sản ngăn cấm mọi công việc so sánh với các nước tư bản, tất cả đều bị kiểm duyệt.

Ngoài tham vọng biến đổi đất nước Liên Xô thành một cường quốc không thua gì các nước phương Tây, Lenin còn muốn chuyển hóa ý thức hệ Mác Xít thành một sức mạnh cách mạng quốc tế. Cuộc Cách Mạng Nga đã hấp dẫn các quốc gia bị trị, đặc biệt là các nước tại châu Á và Lenin muốn mình trở thành người phát ngôn cho trào lưu chống lại thế giới tư bản. Lenin đã thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (the Third International = Conimtern) để giúp đỡ các đảng Cộng Sản nhỏ trong các quốc gia châu Âu trở thành các bộ phận của Liên Xô.

Các dân tộc trong các nước cựu thuộc địa tại châu Á và châu Phi đã bị thu hút bởi tấm gương cách mạng cộng sản. Việc lan tràn chủ nghĩa Cộng Sản đã tạo nên vừa niềm hy vọng cho giai cấp vô sản, vừa nỗi hoảng sợ của lớp người có tài sản, lo lắng về sự an toàn, về niềm tin tôn giáo và lối sống cố hữu của họ, với kết quả là sự ra đời của phong trào chống cộng mà cánh cực hữu là phong trào Phát Xít.

Cuộc Cách Mạng Cộng Sản tại nước Nga đã làm thế giới bị chia thành hai cực: nỗi sợ hãi chế độ Tư Bản tại Liên Xô và một số quốc gia, và nỗi lo ngại chế độ Cộng Sản tại các quốc gia Tây Phương và như vậy Lenin đã góp công vào việc phân chia thế giới.

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., A History of the World in the Twentieth Century by J.A.S.Grenville, Harvard Press, Mass. 2000.

http://www.dslamvien.com/2018/10/thoi-ky-cach-mang-va-doc-tai-cua-lenin.html