Thiếu xăng đổ lỗi cho dân, quan chức Chính phủ và thói quen trốn tránh trách nhiệm
RFA – 2022.10.17 – Cư dân mạng Việt Nam hồi tuần qua phản ứng trước lời phát biểu của Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM vì cho rằng ông này đã đổ lỗi cho người dân tích trữ xăng, góp phần làm khan hiếm xăng ở TPHCM thời gian qua. Một số người dân được RFA phỏng vấn cho rằng đây là một thói quen đổ lỗi thường thấy ở các quan chức Chính phủ.
Trong những tuần qua, người dân TPHCM phải vật lộn với cảnh xếp hàng dài mua xăng tại các cây xăng do tình hình khan hiếm xăng.
Chiều 13 tháng 10 năm 2022, khi trả lời phóng viên báo chí Nhà nước về việc các ngành chức năng nói nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng các cửa hàng lại đóng cửa vì hết xăng, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói rằng: “Có người, xe còn nửa bình xăng, vẫn chen vào đổ.”
Blogger Nguyễn Ngọc Già, một người dân ở TPHCM, nói với RFA:
“Cách ăn nói của ông ta cho thấy sự ấu trĩ với tư cách là một phó giám đốc một sở quan trọng. Câu chuyện này nó làm tôi nhớ lại chuyện người ta không gọi ổ bánh mì là lương thực thực phẩm. Nó gây ra sự nhạo báng cho ngay các cán bộ công chức đang làm việc và hưởng lương từ người dân.”
Theo blogger Nguyễn Ngọc Già, việc để xảy ra tình trạng thiếu xăng là trách nhiệm của Nhà nước:
“Xăng dầu tại Việt Nam hiện nay là độc quyền từ xuất, nhập cho tới giá cả tăng, giảm, chiết khấu, phân phối… đều do Nhà nước quyết định, cụ thể là Bộ Công thương xuống tới Sở Công thương các tỉnh, thành. Vậy tại sao TP.HCM lại để xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu rồi lại đi đổ lỗi cho người dân?”
Với phát biểu mới đây của Phó Sở Công thương TPHCM, ông Minh Đức, chủ một cơ sở kinh doanh vận tải, cho rằng đây là cách nói “bản năng” của hầu hết quan chức Nhà nước:
“Rõ ràng đó là thiếu trách nhiệm, phủi trách nhiệm. Việc cung cấp mặt hàng thiết yếu cho dân là trách nhiệm của Nhà nước, còn việc dân đổ xăng ít hay nhiều là chuyện cá nhân của người ta.”
Người dân bất an
Kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Quang cho rằng, đây là cách nói vô trách nhiệm của một quan chức đang chịu trách nhiệm quản lý mặt hàng chiến lược và cấp thiết của quốc gia, đó là xăng dầu. Ngoài chuyện quản lý tồi, người đứng đầu lãnh vực công nghiệp và thương mại TP.HCM còn phải nhận lãnh một trách nhiệm khác, đó là sự bất an của người dân:
“Vấn đề thứ hai là tâm lý người dân rất bất an do một loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa không bán do nhiều lý do. Do đó, người dân vẫn cố đổ xăng dù còn nửa bình. Đó là tâm lý. Như vậy trách nhiệm của Bộ Công thương, xuống tới Sở Công thương ở đâu trong tình hình như thế?”
Một số người dân ở TPHCM cho RFA biết họ đã phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ để mua có khi không đầy một bình xăng.
Một người dân giấu tên hôm 12 tháng 10 nói với RFA TV khi đang xếp hàng mua xăng tại một cây xăng trong thành phố:
“Mua được 50 ngàn. Cũng hơi khó mua. Ở đây đông quá phải xếp hàng mua. Thấy đông quá vô mua để giành thôi. Xe ở nhà cũng hết xăng rồi. Nãy mình chạy xe lại mình thấy lâu quá. Đi bộ vô mua dễ hơn.”
Một người dân giấu tên khác nói với RFA TV nỗi lo trong cuộc sống hàng ngày bị đảo lộn do thiếu xăng:
“Người lao động sống nhờ gắn máy nhiều nhất. Giờ làm sao người ta sinh hoạt? Còn đưa con đi học, này nọ nữa. Rồi buôn bán, chạy xe grab. Cái đó phải đề nghị nhà nước thôi chứ sao giờ!”
“Chuyện thường ngày”
Câu chuyện các quan chức trốn tránh trách nhiệm, không nhận lỗi hoặc thay đổi lời nói xảy ra khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Mới đây nhất là trong lĩnh vực giáo dục.
Khi một video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy bà Tuyến, Hội
trưởng Hội Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học An Hội ở quận Gò Vấp –
TP.HCM nói, phụ huynh “nghèo” đừng cho học lớp này vì sẽ không đóng góp
nổi, vị Hiệu trưởng trường này khẳng định mình không có trách nhiệm gì
khi để sự việc xảy ra. Theo bà Hiệu trưởng, người đầu tiên chịu trách
nhiệm là phụ huynh Tuyến. Người thứ hai chịu trách nhiệm là người đăng
clip.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định: “Hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động trong trường kể cả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không thể có việc Ban đại diện cha mẹ học sinh thu, chi nội dung gì mà lãnh đạo nhà trường không biết. Nếu hiệu trưởng không nắm thì không nên giữ cương vị trên.”
Người lao động sống nhờ gắn máy nhiều nhất. Giờ làm sao người ta sinh hoạt? Còn đưa con đi học, này nọ nữa. Rồi buôn bán, chạy xe grab. Cái đó phải đề nghị nhà nước thôi chứ sao giờ! – Người dân ở TPHCM
Tháng 10 năm ngoái, báo Lao Động dẫn lời ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM – khẳng định tại kỳ họp thứ 3, Hội Đồng Nhân dân TP.HCM rằng thành phố đã chi hàng ngàn tỷ đồng để giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Ông Tấn nói: “TP.HCM hiện chi ra gần 8.000 tỉ đồng. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cũng ủng hộ gần 8.000 tỉ đồng. Do đó, bảo đảm bà con không ai thiếu ăn, thiếu mặc, không ai phải khốn khổ”.
Trước sự phẫn nộ của cư dân mạng xã hội về phát biểu bị cho là vô tâm, vô tình của mình, một ngày sau, ông Tấn lên tiếng cải chính. Báo Tuổi Trẻ dẫn lại câu nói của ông: “Tôi không có nói chưa có ai bị khốn khổ, khó khăn, mà là không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc và khốn khổ. Trách nhiệm của chúng tôi là phải lo cho bà con”.
Hay như trường hợp ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc buột miệng nói tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 9 năm 2021: “ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào”. Hôm sau, ông Phớc cải chính câu nói trên và được báo Nhà nước trích đăng: “Có thể cách nói của tôi bị hiểu sai ý, cũng có thể do tôi nói tiếng Nghệ An, nên nghe không rõ.”