Thiên hạ ai người chẳng nhớ Anh? (*) – Nguyễn văn Trần
“Ai xui con Quốc gọi vào hè” là tiếng thơ của Nguyễn Khuyến. Nhà thơ ái quốc, qua tiếng “Quốc! Quốc!”, đã bộc bạch cõi lòng của người dân mất nước do bị giặc ngoại xâm thực dân cướp nước. Tiếng “Quốc! Quốc!” của Tiên sinh còn thốt lên một nỗi đau buồn, uất hận vì thấy mình bất lực trước cảnh nước mất, nhà tan. Tiếng kêu “Quốc! Quốc!” cũng là tiếng nói của lương tâm sĩ phu thôi thúc người ái quốc xông vào cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc.
“ … Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ ?”… (Nguyễn Khuyến)
Lịch sử Việt nam là lịch sử mất nước. Mất vào tay giặc ngoại bang. Tàu chệt, thực dân và ngày nay, cộng sản hán ngụy. Thời gian nước mất dài hơn thời gian tự chủ thật sự. Nhưng cứ mỗi lần nước mất thì có người đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm khôi phục đất nước. Nhờ những vị anh hùng dân tộc xả thân cứu nước mà Việt nam vẫn tồn tại.
Trong lần mất nước gần đây, ngày 30-04-1975, khác hơn những lần mất nước trước kia vì nước mất vào giặc hán-ngụy. Những người ái quốc tranh đấu chống giặc thực dân và giặc hán ngụy không được lịch sử chánh thức Vìệt nam ngày nay nhắc nhở vì họ là những người thất bại. Lịch sử từ 1945 do người cộng sản viết theo sử quan của kẻ chiến thắng.
Không được lịch sử «chánh thức» nhắc nhở nhưng không có nghĩa là những nhà ái quốc này không được đông đảo người Việt-nam ghi nhớ trong lòng, mà còn tổ chức lễ tưởng niệm gần như ở khắp nơi. Riêng nhà tranh đấu ái quốc Nguyễn Ngọc Huy, hằng năm, cứ tới mùa hè, được đồng chí, môn sinh ở nhiều nơi tổ chức lễ giỗ để long trọng hóa con người và sự nghiệp của ông, với sự tham dự đông đảo của đồng bào địa phương.
Và năm nay, nhơn lần giổ thứ 24, giữ lời hứa với Ban Chủ biên Tập san Tuyên huấn Tân Đại việt, tôi nhắc lại vài kỷ niệm riêng với Chí sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Cựu Đảng trưởng sáng lập Tân Đại Việt tuy vẫn biết rằng viết về ông tới nay không thiếu. Tôi có nhắc thêm, chắc cũng không dư. Khi nhắc về ông, tôi không thể không nhắc tới Cụ Trần văn Ân, một Đấu sĩ Nam kỳ, người luôn luôn hết lòng ủng hộ ông. Cụ Ân một lần viết thư cho Ông Huy, đã viết bằng tâm huyết «Đây, Trần đọc kỹ lá thư tôi gởi cho anh Huy. Móc ruột mà nói – cũng vì lo cho sự việc chạy». Khi nói về cụ Ân, Ông Huy thường nhắc đi nhắc lại «Ông già làm chánh trị lúc tôi còn tắm mưa ở truồng». Hai người vẫn là hai người bạn tâm giao và đồng chí hướng.
Cụ Trần văn Ân giỗ bạn
Lúc sanh tiền, suốt hơn mười năm dài, cứ tới ngày giỗ Giáo sư Huy, Cụ Trần văn Ân sửa soạn cơm nước, bánh trái, nhang đèn, dọn lên bàn thờ Tổ quốc, trên đó có bài vị thờ các bạn quá cố của Cụ. Trước Nguyễn Ngọc Huy, Cụ cúng Hồ văn Ngà, Tạ Thu Thâu, Nguyễn văn Sâm,… Mỗi lần tới ngày giỗ người này, Cụ cũng cúng luôn những ngưòi khác vì tất cả đều là những nhà ái quốc mà Cụ tưởng niệm. Cụ nhớ lại như chuyện mới vừa xảy ra hôm qua. Người vừa chia tay Cụ sau một buổi họp bị Việt minh giết, kẻ rời khỏi Tòa báo Quần Chúng (Cơ quan ngôn luận của Phật Giáo Hòa Hảo) chỉ vài giờ sau, bị Tây ám sát. Cụ giỗ bạn và khóc bạn!
Cụ Ân thoát khỏi bị thực dân và cộng sản sát hại, nhưng sau đó bị Ngô Đình Diệm đày ra Côn Đảo giam suốt 9 năm trong khám tử hình (bản án tử hình không thi hành vì sau khi xử Thiếu tướng Ba Cụt bị dư luận phản ứng bất lợi). Phải chăng những người yêu nước thật sự và lương thiện đều mang cái nợ lớn phải trả, và mỗi người trả một cách?
Giỗ đầu tiên của Gs Nguyễn Ngọc Huy tổ chức ở Paris, Cụ Ân nhận được thư mời. Năm đó, Cụ đã 89 tuổi. Đường đi hơn 400km không phải xa nhưng Cụ không dám đi mặc dầu lòng rất muốn tới để thắp cho người bạn quá cố nén hương trước bàn thờ. Để tỏ lòng nhớ bạn, Cụ lấy thư mời đặt lên bàn thờ, trước di ảnh bạn, thấp nhang đèn, khấn vái chơn linh Nguyễn Ngọc Huy. Ngoài ra, mỗi tối, niệm Phật hoặc ngồi thiền xong, Cụ vẫn giữ thói quen nhìn di ảnh bạn và tưởng niệm.
Cụ Trần văn Ân tưỏng niệm bạn Nguyễn Ngọc Huy như một Chí sĩ Việt nam! Đó là nếp sống tâm linh của Cụ.
Cụ sống vói bạn quá cố như vậy để hiện tại được trọn vẹn. Cụ viết về Nguyễn Ngọc Huy:
«Ân tôi thường niệm Chí sĩ Nguyễn Ngọc Huy. Tưởng nìệm người quá cố là nhớ lại, là ghi lại, những gì phải nhớ, phải ghi mà người quá cố đã diễn giảng, đã viết ra, những gì nên lấy đó làm bài học cho nay và mai.
Trước hết phải nói Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tận tụy vì nước, vì dân và tận lực tuyên dương học thuyết Dân chủ. Với bao nhiêu sách vở, vừa khảo cứu, vừa trước tác của Giáo sư, ta có thể gom trong câu:
Phục vụ Tổ quốc
Khai thác và diễn giảng Dân chủ.
Tôi cho là đủ. Có thể hơn đủ.
Giáo sư thành người thiên cổ. Những gì ông viết còn ở bên ta và sẽ còn cho con cháu ta. Tôi xin không tóm lược nơi đây những dòng tư tưởng bất hủ của bạn về chánh trị và văn hóa.
Tôi chỉ đặc biệt nhắc lại mong chư hữu khai thác đoạn nói về «Người cầm quyền lãnh đạo một dân tộc» trong cuốn «Các Ẩn số chánh trị trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung».
… Đọc tới trang 276 «Người cầm quyền lãnh đạo một dân tộc vốn có nhiều sức mạnh trong tay. Nếu họ dùng sức mạnh đó để mưu đồ thế lực hay lấn áp dân tộc khác, thì chẳng khác nào có sự Đại hùng, Đại lực mà thiếu Đại Từ bi. Hành động xâm lăng của họ chẳng những có hại cho dân tộc khác mà cuối cùng cũng làm cho chính dân tộc họ bị nhiều hậu quả không tốt. Ngay cả trong trường hợp người lãnh đạo một dân tộc có lý tưởng mà họ cho là cao đẹp nhưng lại dùng sức mạnh mình có trong tay để cưỡng bách dân tộc mình hay dân tộc khác làm theo ý mình để đạt được cái cho là lý tưởng cao đẹp, họ cũng chỉ gây ra đau khổ cho nhơn dân.
Chỉ có thái độ cởi mở khoan dung và chánh sách đặt trên nến tảng xót thương và cải hóa những kẻ làm ác như Phật giáo chủ trương mới có thể đưa các nhà lãnh đạo các dân tộc đến sự hòa giải hòa hợp với nhau và xây dựng nền hòa bình chung cho nhơn loại…».
Cụ Ân không kìm được sự xúc động, cụ viết «Đọc tới đây, tôi cảm xúc đến muốn ôm anh ấy mà hôn, nếu anh ấy ở bên tôi».
Người tử tù, kẻ lưu vong tỵ nạn
Sau khi Ông Ngô Đình Diệm nắm được quyền lực, Ông Ngô Đình Nhu trả lời thẳng với Ông Nguyễn Tôn Hoàn về chánh phủ thiếu đoàn kết «Người Mỹ đưa anh tôi về lập chánh phủ, không có đặt vấn đề phải dân chủ, phải đoàn kết với các đảng phái…» (**). Hai ông Nguyễn Tôn Hoàn và Nguyễn Ngọc Huy chỉ còn kịp chọn con đường lưu vong để vừa đưọc yên thân, vừa chờ một cơ hội khác giúp nước.
Chế độ độc tài Ngô đình Diệm vừa sụp đổ, hai ông trở về nước. Những năm dài lưu vong ở Paris đã trang bị cho Nguyễn Ngọc Huy thêm những hiểu biết uyên bác về chánh trị học.
Việc đầu tiên phải làm, ông bắt tay vào chương trình đào tạo ngay một lớp người trẻ có khả năng vững vàng về luật học và chánh trị học cung cấp cho các cơ quan chánh phủ như bước đầu xây dựng hạ từng cơ sở môt chế độ pháp trị, chấm dứt chế độ suy tôn. Mặt khác, ông thành lập đảng Tân Đại việt như một chánh đảng đầu tiên ở Việt nam tuy lúc bấy giờ chưa có qui chế chánh đảng. Tân Đại việt và Phong trào Quốc gia cấp tiến chẳng những làm thay đổi hẳn mà lần đầu tiên còn làm khởi sắc sanh hoạt chánh trị quốc gia. Đó là sanh hoạt chánh trị dân chủ, nhưng không tránh khỏi có một số người chưa quen, họ công kích Ông Nguyễn Ngọc Huy làm đối lập cuội với chánh quyền vì họ vẫn còn mang nảo trạng cũ, đảng phái là phải hạ chánh quyền tại nhiệm để thay thế bằng một chánh quyền khác.
Ông Nguyễn Ngọc Huy vẫn tâm đắc là Việt nam phải có dân chủ để thực hiện đoàn kết dân tộc, động viên nội lực nhằm chiến thắng cộng sản, bảo vệ đất nước.
Trong lúc ấy, Cụ Trần văn Ân cũng rời Côn Đảo trở về đất liền với những suy tư thâu đạt được qua chín năm đối diện vách đá. Đìều mà Cụ tâm đắc hơn hết là «Gia đình tình thương». Khi làm Tổng trưởng Chiêu hồi, Cụ đem áp dụng nguyên lý «Gia đình tình thương» xây dựng thành chánh sách chiêu hồi. Và «Gia đình Tình thương» đã cảm hóa được hàng chục ngàn cán binh việt cộng trở về với chánh nghĩa quốc gia.
Paris, điểm hẹn của hai nhà ái quốc
Rồi hai người, Cụ Trần văn Ân và Giáo sư Nguyễn ngọc Huy, gặp lại nhau trên đất Pháp trong những ngày Hòa đàm Paris và vào đầu năm 1980 làm thân tỵ nạn.
Giữa năm 1978, chúng tôi từ Mã-lai tới Pháp theo diện tỵ nạn cộng sản. Trong lễ Tết Việt nam năm1979, chúng tôi gặp anh Trần văn Bá và hỏi xin địa chỉ Cụ Ân vì Cụ Ân là bạn với Cụ Trần văn Văn, thân phụ của Anh Trần văn Bá.
Qua đầu năm sau, Cụ Ân nhận lời của một nhóm bạn, xách gói lên Paris ở với chúng tôi để tổ chức «Hội Phục Việt» và xuất bản tờ báo Hồn Nước, vừa làm phương tiện qui tụ anh em, vừa làm cơ quan tranh đấu phục việt. Một nhóm anh em lối hai mươi người thường xuyên gặp nhau. Bạn ở xa tới cũng thường. Có một hôm, Cụ Hà Thúc Ký, nhơn dịp từ Huê kỳ qua Pháp, cùng với Cụ Đoàn Bá Cang, Thuợng Nghị sĩ VNCH, từ Úc tới, cũng ghé qua thăm Cụ Ân và nhóm Hồn Nước. Các Cụ tới vào 2 giờ sáng vì đi lạc.
Lúc này Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua Pháp vận động và tìm bạn bằng những buổi nói chuyện về thời cuộc quốc tế và Việt nam.
Tết năm 1980, anh em Phục Việt tổ chức lễ Tết tại nhà Giáo sư Bùi Khắc Diệp ở ngoại ô phía Tây Paris, một thành viên của Phục Vìệt, với hơn trăm người tham dự trong đó có cả Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Thế là từ đó, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy có nhiều cơ hội gặp Cụ Ân và nhóm Phục Việt cùng nhau trao đổi về tình hình chánh trị Việt nam và thế giới và thảo luận chương trình tranh đấu.
Năm 1984, Anh Võ Kim Cương, Thiếu tá Không Quân, tỵ nạn ở Cambridge, Anh quốc, mời cụ Ân, Giáo sư Huy, anh em Phục Việt và nhiều người nữa qua Luân-đôn thảo luận với «Tổ chức người Anh giúp người tỵ nạn Việt nam» về khả năng họ có thể giúp được gì cho Việt nam chống chế độ độc tài cộng sản. Lúc bấy giờ, Giáo sư Huy đã có Liên Minh Dân chủ nên anh em từ các nơi ở Âu châu kéo tới Luân đôn khá hùng hậu. Đại diện Tổ chức Phục Việt gồm có Cụ Ân, Bác sĩ Nha khoa Lê văn Tài, nguyên Phó Khoa trưởng Nha khoa ở Sài gòn, Bác sĩ Trần Ngọc Quang, Anh Nguyễn văn Thuận và Nguyễn văn Trần. Tất cả quây quần tại nhà Anh Nguyễn Trọng Long. Chủ nhà dành phòng cho Cụ Ân, Giáo sư Huy, Bác sĩ Lê văn Tài là những ngưòi lớn tuổi hơn. Anh em trẻ ngủ bụi đời.
Chiều lại phía người Việt nam sẽ vào Quốc Hội Anh họp với «Ủy Ban Anh quốc giúp người tỵ nạn» do Dân biểu Patrick Walk làm Chủ tịch, bà De Roland Peel làm Tổng Thư ký. Cụ Ân và Giáo sư Huy đề nghị phía người Việt nam tổ chức lại hàng ngũ. Tât cả đồng ý lập «Ủy Ban Việt nam Tự do». Giáo sư Huy yêu cầu cụ Ân lãnh Chủ tịch và Liên Minh Dân chủ sẽ phụ giúp.
Nghe qua, cụ Ân trả lời:
«Ý của anh Huy rất rõ. Tôi cảm ơn. Nhưng xin nói ngay. Nếu tôi bây giờ chưa quá bảy mươi, tôi không đợi để Anh nói tới tiếng thứ nhì. Tôi nhận lời ngay. Còn với tuổi tác này, nếu tôi nể lời Anh, tôi nhận, rồi biết tôi đi được với anh em mấy ngày. Việc quan trọng bỏ dở sao được. Vậy tôi yêu cầu Anh gánh vác thêm một trách nhậm nữa. Tôi xin hứa, anh em tụi tôi hết lòng phụ Anh. Không để Anh một mình đâu mà Anh ngại.
Trước tấm lòng ưu ái và sự quả quyết của cụ Ân, mà cũng là ý muốn của toàn thể anh em có mặt lúc ấy, Giáo sư Huy vui vẻ nhận lời. Và “Ủy ban Việt nam Tự do” ra đời. Phía người Anh, từ “Ủy Ban Anh quốc giúp người tỵ nạn Việt nam”, họ đổi ra thành “Ủy Ban Anh quốc giúp Việt nam Tự do”.
Năm 1993, “Phong trào Thống nhứt Dân tộc và Xây dựng Dân chủ” ra mắt ở Thượng viện Huê kỳ, Bà De Roland Peel, Đại diện Ủy Ban Anh quốc, qua tham dự.
Và cũng từ Ủy ban Việt nam Tự do, năm 1985, Giáo sư Huy vận động nhiều nhơn sĩ ngoại quốc từ Âu châu tới Huê kỳ, Canada và thành lập “Ủy Ban Quốc tế Yểm trợ Việt nam Tự do”, ra mắt tại Bruxelles, với Ông Paul Vankerkhovan, người Bỉ, làm Chủ tịch.
Thế là từ đây, anh em Phục Việt bắt tay vào làm việc dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Huy mà không gia nhập Liên Minh Dân chủ. Nhiều lần Giáo sư Huy đề nghị Cụ Ân để Tổ chức Phục Việt gia nhập hẳn vào Liên Minh Dân chủ. Cụ Ân trả lời làm Giáo sư Huy rất hài lòng: “Để Phục Việt hợp tác với Liên Minh, như vậy Anh có thêm Phục Việt. Nhưng thực tế, anh chỉ có một mà thôi”.
Riêng cụ Ân, lúc nào và bất kỳ ở đâu, Cụ luôn luôn nhắc nhở là Cụ và anh em Phục Việt sát cánh, hết lòng ủng hộ việc làm của Giáo sư Huy. Có thể nói Cụ Ân đem trọn vẹn những ngày còn lại để ủng hộ Giáo sư Huy.
Từ đó, cứ mỗi lần qua Pháp, Giáo sư Huy dành thì giờ cùng với chúng tôi đi thăm Cụ Ân ở Rennes, cách Paris 400 km về phía cực Tây.
Có một hôm, ở nhà Cụ Ân, sau nhiều giờ nói chuyện, Cụ Ân thấy Giáo sư Huy thấm mệt nên bảo ông hãy nằm nghỉ chốc lát. Lúc nằm, ông để lộ ra một chiếc vớ lủng nhiều lỗ, làm cho cụ Ân cảm động đến rơi nước mắt. Cụ kêu tôi chỉ cho xem và nói nhỏ: “Thật tội nghiệp Anh Huy. Thật là con người chưa từng biết hưởng thụ cho mình”.
Sau lần thăm viếng Cụ Ân hôm đó, Ông Huy không còn dịp trở lại nữa.
Cho tới mùa thu năm 2002, cứ hằng năm, vào hè, Cụ giỗ bạn và tưởng nhớ bạn như bạn vẫn còn bên mình.
Và Cụ nhắc nhở chúng tôi hãy cùng một tâm trí nhớ người ái quốc, với những đức tánh thương nước, thương bạn, với ý chí tranh đấu không bao giờ nao núng tuy cơn bạo bịnh đang hành hạ thể xác.
Nhơn ngày giỗ Anh, chúng tôi nhắc Anh để trân trọng hoài bảo của anh: “Nước Việt nam ta có hòa bình chỉ khi nào người lãnh đạo biết dẹp bỏ giáo điều và chánh trị chuyên chế, gian manh, ác độc và diệt tộc”!
Roissy en Brie, hè 2014
(*) Ý ở «Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ, Thiên hạ thùy nhân bất thức quân» – Cao Thích
(**) François Guillemot, Le Đai Việt, L’échec …, Ed. Les Indes Savnates, Paris, 2012.