Thiên đường đánh mất: Khi Việt Nam thống nhất 1975
Nguyễn Khoa Thái Anh – 22/01/2023 – Bài này mổ xẻ một luận đề tạm gọi là ‘thống nhất dân tộc’ do giáo sư James P. Pfister đề xướng trong bài tiểu luận ‘Cùng một Lỗi lầm: Việt-Nam và Đài Loan’ của ông (được tạm dịch dưới cùng). Giáo sư Pfister trưng ra luận đề ‘thống nhất’ một cách thẳng thừng, ngắn gọn, và chủ quan, ngụ ý rằng khi một đất nước bị chia đôi thì thực thể mạnh có thể chiếm lĩnh thực thể yếu hơn là điều tất nhiên. Trong bối cảnh của Đài Loan hiện nay và Việt-Nam trong vòng nửa thế kỷ nay, tác giả không quan tâm đến những vấn đề và hệ lụy có thể gây ra do sự xâm chiếm để đi tới thống nhất đó.
Đài Loan, một quốc đảo đã tránh khỏi sự cai trị trực tiếp của Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (phe Cộng Cộng sản) sau khi Mao Trạch Đông chiếm trọn lục địa năm 1949 và ông Tưởng Giới Thạch thua, phải kéo phe quốc gia đến Taipei (Đài Bắc) thiết lập một chính thể Cộng hoà Trung hoa mới, phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay, hiện đang bị Trung quốc đe dọa thống trị. Trong khi Việt Nam, một đất nước đã bị chia đôi từ 1954, 20 năm sau đó thống nhất dưới ý chí của phe Cộng sản thống trị. Theo ông Pfister thế lực thống trị áp đảo (mạnh) là động cơ chính đáng, hợp lý để đoàn tụ, thống nhất dân tộc. Bất kể khi một thế lực thống trị có sác xuất đi ngược lại với chiều hướng tốt đẹp và ước vọng chính đáng của khối dân tộc bị cưỡng chiếm.
Ông Pfister bác bỏ sự can thiệp của một thế lực ngoại bang như Hoa kỳ hiện cố tìm cách ngăn chận sự thống nhất cưỡng chiếm tự nhiên này ở Đài Loan. Có phải là một điều vô tích sự, phí phạm máu xương và tiền tài của Hoa kỳ khi họ vung tay quá trán để can dự vào Việt-Nam và Đài Loan? Ông cho rằng Hoa kỳ ở xa, không có lý do lấn lướt một phạm vi thuộc vòng kiểm soát của Trung quốc. Do đó câu hỏi đối với Đài loan và Việt-Nam, nếu ô. Pfister cho rằng Hoa Kỳ không có phận sự thì cứ để mặc cho Trung quốc muốn làm gì với Đài Loan thì làm, Mỹ đừng nhúng tay vào. Ảnh hưởng xâm lấn của Trung quốc có xấu tốt là quyền tự nhiên của Trung quốc?
Chính sách can thiệp của Hoa Kỳ
Xét theo công tâm – ngoại trừ những năm gần đây khi sự tham quyền cố vị và một tham vọng bất chính của một cá nhân tạo nên một chính phủ đảng phái, một (nền) Cộng hòa chao đảo, mị dân, khiến lòng người bị chia xé – Hoa Kỳ nói chung là một quốc gia từ khi lập quốc đến nay vẫn xứng đáng với vai trò lãnh đạo thế giới, từ bản hiến chương mà chính bác Hồ đã dựa theo để tuyên xưng độc lập cho một Việt-Nam Dân chủ Cộng hòa ở vườn hoa Ba Đình ngày 2 tháng 9 1945:
Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
cho đến những nguyên lý dân chủ, đa nguyên (ý kiến đa chiều của muôn dân bá tánh), tôn trọng nhân quyền và sự bình đẳng mà Hoa Kỳ giương cao khi tham chiến giúp cho phe yếu thế cô. Nhiều quốc gia trên toàn cầu – gần đây nhất, Ukraine – đang dõi mắt trông chờ Hoa Kỳ, tin tưởng và trông cậy sẽ được bảo vệ và cứu giúp khi bị đe dọa bởi những thế lực thống trị bên ngoài tìm cách khuynh loát hay xâm lược. Chả thế mà Hoa kỳ đã hy xương máu và tiền tài can dự vào hai cuộc thế chiến, giúp cho Âu châu, Nga Xô, Trung quốc và Đông Nam Á được vẹn toàn lãnh thổ, thoát khỏi ách phát xít Đức và Nhật. Hẵn nhiên, nhất là những năm vừa qua, Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng đúng, cũng sáng suốt trên đường lối đối nội, đối ngoại. Có những chính sách ngoại giao đã gây nên đổ vỡ ở nước ngoài, những nước trong cuộc và lân cận như Việt-Nam, Lào, Cam bốt, Trung hoa, Cuba, Ba tư (Iran) hay A-phú-Hãn (Afghanistan), v.v..
Người viết xin nêu ra một số vấn đề tiêu biểu mà ông Pfister tự tiện gác qua một bên khi ông muốn đưa đề án và lý luận nửa vời của ông lên trên sự hiểu biết của đọc giả. Tuyên bố Cairo 1943 do Tổng thống Franklin D. Roosevelt (Hoa kỳ), Thủ tướng Winston Churchill (Anh quốc) và Đại Tướng Quân Tưởng Giới Thạch (Cộng hòa Trung quốc, phe Quốc gia) ký kết nhằm bác bỏ sự chiếm đóng của Nhật bản ở Đông Nam Á. Cộng Hoà Nhân Dân Trung hoa – phe Cộng sản của Mao không có dự phần – Tuyên bố Cairo không giaọ phó Đài Loan cho Trung quốc (CHND Trung hoa hôm nay). Ngoài ra có một số điều nhập nhằng trong bài tiểu luận mà ông Pfister lướt qua đối với các quốc gia như Việt Nam, Đài Loan.
Không hẳn là sai khi nói Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thế giới công nhận, nhưng theo Công pháp Quốc tế, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (chính quyền Việt Nam) hiện nay là một chính quyền hiện hữu trên thực tế (de facto) nhưng không phải là một chính quyền chính danh hay hợp pháp (de jure). Họ đã vi phạm Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký kết ngày 27 tháng Giêng, 1973 (Paris Accords) khi Hà nội và thuộc hạ, tức là Lực lượng Giải Phóng Việt Nam, còn được gọi là Việt-Cộng (PRG) ký kết với Hoa kỳ và chính quyền Việt-Nam Cộng hòa cam kết sẽ không xâm lược miền Nam bằng vũ trang:
* Sự thống nhất Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình mà không có sự ép buộc hoặc thôn tính của bất kỳ bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. (The reunification of Vietnam through peaceful means without coercion or annexation by either party, and without foreign interference.)
*Bãi bỏ sự thuyên chuyển thêm quân lính vào Nam Việt-Nam(A ban on introducing further military personnel into South Vietnam.)
Không khác gì lời tuyên bố của ông Hồ chí Minh: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.”Tiêu chí cốt lõi là dân tộc của các quốc gia trên toàn cầu, chí ít Việt-Nam, Đài Loan, hoặc hiện nay Ukraine đều có quyền sinh sống, bình đẳng, tự do và hạnh phúc. Có lẽ tác giả Pfister quyết định phủ nhận những quyền này, bất chấp khi một nước lớn muốn chiếm lĩnh và đồng hóa một nước nhỏ như trường hợp Trung quốc muốn nuốt chửng Đài Loan như hiện nay. Một chính sách bá quyền mà họ đã và đang thực hiện với Mông cổ, Tây Tạng, Tân cương, Ngô Duy Nhỉ, Hồng Kông, Đài Loan hay một ngày kia Việt-Nam. Đây cũng chính là một điều mà hiện nay tổng thống Putin ở Nga đang cố tình thực thi: thôn tính trọng gói Ukraine bằng một cuộc chiến khốc liệt, tàn phá và hủy hoại các thành phố, các hạ tầng cơ sở, triệt tiêu quyền sinh sống của người dân Ukraine bằng cách pháo kích và đánh bom tan tành hệ thống điện nước, khí đốt, năng lượng và các phương tiện sống còn của dân tộc Ukraine.
Có lẽ Ukraine là một là thí dụ mà ông Pfister không dám nêu ra để minh định lập trường ủng hộ một thế lực thống trị (mạnh) đang manh nha thống nhất (xâm nhập) một thực thể yếu hơn của mình. Không khác gì tuyên bố của Putin cho rằng Ukraine là một phần tử xuất xứ từ Nga nên phải được Nga sát nhập, cho nên Hoa kỳ và thế lực ngoại bang như NATO ở Tây phương không được nhúng tay gián đoạn tiến trình đồng hóa (thống nhất) của Putin. Có phải ông Pfister muốn Mỹ buông tay để cho diễn biến tự nhiên như chuyện tiếp tục thôn tính một nước yếu hơn, bé hơn xảy ra? Có khác gì cứ để cho Trung quốc chiếm đoạt cả Đài Loan và gộp đảo này vào sự bành trướng của đế quốc Đại Hán; và như thế mọi người phải đồng loạt ngợi khen sự cai trị trên toàn cõi Việt Nam dưới sự thống trị của đàn em Xã hội Chủ nghĩa là một sự đã rồi, tự nhiên, và tốt đẹp?
Theo nhận định của ông Pfister, Việt Nam Cộng hoà là một thực thể yếu kém hơn thế lực thống trị của Xã hội Chủ nghĩa miền Bắc nên sự xâm chiếm, thống nhất và thống trị miền Nam của họ là điều tất nhiên phải chấp nhận. Người viết bài này trên một phương diện nào đó có lẽ cũng chấp nhận chuyện hạ quyết tâm đưa đến sự thống lĩnh miền Nam của phe Cộng sản, một lý lẽ mà Huy Đức trong một buổi họp bạn ở nhà một giáo sư đại học Berkeley đã lý giải: miền Bắc thắng vì chế độ Cộng sản chuyên chế bắt buộc mọi người dân phải đồng tâm nhất trí dốc hết tâm lực vào guồng máy chiến tranh, trong khi miền Nam dân tình được tự do hơn nên không chú tâm dồn hết tâm trí vào chuyện đánh nhau nên thua. Trong khi người viết không bác bỏ tiền đề của anh Trương huy San, đương sự vẫn tin rằng trong suốt cuộc chiến miền Nam không yếu thế hơn miền Bắc, duy chỉ không biết và không chủ động chiến lược hay kết hợp lợi thế chiến trường với đồng minh mà nhiều lúc nhượng bộ chính sách của Hoa Kỳ. Tỉ dụ như:
Vấn đề Bắc Tiến không được thực thi, hoặc những năm từ 1968 khi toàn bộ Lực lượng Giải phóng miền Nam bị tiêu diệt, phe Cộng hoà không biết tận dụng thời cơ, cho đến 1973 (khi Mỹ rút quân) nhất là năm 1975, dưới sự lãnh đạo bối rối của tổng thống Nguyễn văn Thiệu, ông Thiệu đã củng cố nhận định yếu kém của Việt-Nam Công hòa, khi ông dùng miền Nam làm lá bài phé với chính quyền Hoa Kỳ bằng cách bỏ ngỏ các vùng chiến thuật phía Bắc cho Quân đội Nhân dân tiến quân vào chỗ không người phòng thủ, rút hết quân đội về trấn thủ Sàigòn, một sự liều lĩnh thiếu khôn ngoan. Trong lúc ông Nixon đã sắp bị truất phế phải từ chức vì vụ Watergate không thể giải cứu miền Nam được nữa, ông Thiệu lên TV, nước mắt nước mũi ràn rụa, phất phơ lá thơ của Nixon hứa sẽ can thiệp nếu Hà Nội tiến quân vi phạm Hiệp định, lên án Mỹ cắt bỏ viện trợ.
Tiếc thay trong cuộc chiến Quốc Cộng ở Việt-Nam cho đến nay vẫn có những sai lầm về tư tưởng, và lãnh đạo Việt Nam từ ngày thống nhất đất nước cho đến giờ vẫn không tìm cách thoát Trung, vẫn trông cậy vào Cộng sản Bắc triều để giúp mình giữ vững ngôi vị bằng cách dựa vào Trung quốc để an dân trị quốc. Ông Bùi Tín đã nói cuộc chiến Việt-Nam đã ngã ngũ rồi khi lịch sử đã sang trang. Không thể xoá đi và làm lại một ván bài hay một bàn cờ đã chơi. Tôi có một đàn anh thân thương, đáng kính nay đã mất, như một số nhân sĩ và trí thức miền Nam, ông vẫn mong được như Hàn quốc (ngày nay giàu mạnh hơn Việt-Nam), nên tranh cãi với đàn em, vì ông muốn giành lại miền Nam làm lại ván bài Việt-Nam Cộng hòa để không bị thống nhất dưới sự cai trị ̣của Việt-Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khi đó, tôi thiển nghĩ người Việt còn quan tâm đến xứ sở nên thiết thực hơn bắt đầu từ đây nổ lực thay đổi cục diện, thoát Trung, để thực sự độc lập, kiến thiết Việt-Nam giàu mạnh, vẹn toàn sứ sở, công bằng vị tha trong dân chủ.
Cho nên có một điều: qua sự thống nhất đất nước của đảng Cộng sản Việt Nam, tác giả bài viết này trong tinh thần muốn rộng đường dư luận xin đưa ra một giả định mà chắc rằng sẽ không bao giờ có cơ may lãnh đạo trong Bộ Chính Trị sẽ nghiệm lại diễn biến trong nửa thế kỷ qua để xem mình có thể cứu vãn được gì không, vì trên thực tế họ đã đánh mất một cơ hội trời ch năm 1975. Biến cố 30 tháng Tư, 1975 là một cơ hội ngàn vàng vì trong lịch sử nước nhà trong những thế kỷ gần đây ít khi Việt-Nam có một khoảng thời gian thực sự được độc lập, không lệ thuộc ngoại bang, hay nằm đưới sự kềm tỏa hay ảnh hưởng của một nước nào. Liên bang Xô viết của Nga đang khủng hoảng vì chuyện thanh trừng nội bộ của Brezhnev với phe Kosygin và Podgorny. Ngày mà lãnh tụ miền Bắc gọi là giải phóng miền Nam, ngay cả Trung quốc cũng không muốn thấy Việt-Nam được độc lập thống nhất dù dưới sự lãnh đạo của đàn em xã hội chủ nghĩa. Nói trắng ra Trung quốc không bao giờ muốn có một nước Việt đoàn kết và hùng cường để trở nên một cái gai ở ba sườn họ. Cho nên không có giúp đỡ hay ảnh hưởng gì của Trung quốc trong lúc đó với Việt-Nam Để trả đũa cho sự lớn mạnh và cao ngạo đó chỉ 4 năm sau Trung quốc xô quân qua biên giới phía Bắc của Việt-Nam để sát phạt người em vươn vai Thánh Gióng của mình.
Tù tội và đàn áp giết chết mật cơ hội kiến thiết đất nước
Tóm lại, lãnh đạo miền Bắc không được như Hoa kỳ trong cuộc nội chiến Nam Bắc phân tranh (1861-1865), nồi da sáo thịt, khi số tử vong chiến trường Mỹ cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, miền Bắc không biết nối vòng tay lớn đón nhận người em sinh tử miền Nam như Hoa kỳ. Miền Bắc Hoa Kỳ thắng nhưng họ không trả thù, bắt giam cựu thù, tức là anh em miền Nam của họ. Họ biết rằng đây là lúc họ mong mỏi sự góp sức của toàn dân để kiến thiết, để xây dựng lại đất nước, xoá bỏ hận thù, hòa giải, hòa hơp dân tộc. Vì lẽ đó nhiều người Việt miền Nam không thích Công sản cũng nán ở lại Việt-Nam sau ngày thống nhất trông chờ góp sức xây dựng đất nước. Tất nhiên sự ghét bỏ và căm thù của nhiều người dân trong những năm cai trị hà khắc của Cộng sản vẫn còn, biết đâu sẽ tiêu tán theo thời gian NẾU lãnh tụ miền Bắc biết hòa giải, biết hòa hợp dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh để kiến thiết quốc gia, đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế. Nếu từ 1975 đảng Cộng sản Hà nội được như vậy thì có lẽ Việt Nam ta ngày nay đã vươn ra biển lớn, nở mặt với thế giới lâu rồi. Thật ra bây giờ vẫn chưa muộn!
Cùng một Sai lầm: Việt Nam và Đài Loan
(Nhật báo Daily Telegram)
James W. Pfister
Chủ nhật, ngày 8 tháng 1 năm 2023 lúc 1:00 AM PST·(dài 4 phút)
https://news.yahoo.com/james-w-pfister-same-mistake-090059084.html
Hoa Kỳ ra sức bảo vệ thực thể miền Nam. Miền Nam Việt Nam đã rơi vào tay Bắc Việt, đối thù chúng ta vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Việt Nam hiện nay là một quốc gia thống nhất theo luật pháp quốc tế.
Tổng thống Joe Biden đã nói ít nhất bốn lần rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan chống lại nỗ lực thống nhất cưỡng bức của Trung Quốc. Chắc chắn, có nhiều sự khác biệt lớn giữa hai trường hợp. Đài Loan là một thực thể chặt chẽ và phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn Nam Việt Nam. Và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân với Đài Loan còn cao hơn nhiều. Tuy nhiên, cả hai trường hợp đều có những điểm tương đồng quan trọng: Trong diễn biến lịch sử cả hai đều được thống nhất dưới một thực thể thống trị mạnh hơn, cả hai đều bị chia xé bởi một kẻ xâm nhập bên ngoài hùng mạnh hơn, và cả hai đều trải qua sự can thiệp của Hoa Kỳ nhằm cản trở quá trình thống nhất. Ngoài ra, cả hai đều nằm ngoài vòng ảnh hưởng địa dư của Hoa Kỳ nhưng trong quỹ đạo của Trung Quốc. Cả hai trường hợp đều có thể được coi là một cuộc nội chiến, nơi chúng ta không nên áp dụng cái được gọi là thuyết domino. Người Mỹ (chúng tôi) đã phạm sai lầm với Việt Nam. Có phải chúng ta sắp bị sa vào một lỗi lầm tương tự với Đài Loan?
Vào thế kỷ 16, Việt-Nam bị chia thành ba phần: dưới nhà Mạc, nhà Trịnh và nhà Nguyễn. Kết cuộc tất cả đều được thống nhất dưới thời Nguyễn Ánh, người lấy niên hiệu là Gia Long, vào ngày 1 tháng 6 năm 1802. Người Việt bắt đầu mất hợp quần của họ vào tay thực dân Pháp vào những năm 1860 và Việt-Nam vào những năm 1880 hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Pháp.
Tại Đài Loan, quốc đảo này do Trung Quốc kiểm soát vào năm 1683, họ đã đánh đuổi được người Hoà Lan và Tây Ban Nha và trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã mất Đài Loan vào tay người Nhật do Chiến tranh Trung-Nhật và Hiệp ước Shimonoseki ngày 17 tháng 4 năm 1895.
Do đó, trong cả hai trường hợp, thực thể thống trị có chủ quyền và chiếm đoạt được thực thể yếu kém hơn, cho đến khi thực thể này bị mất vào tay một thế lực bên ngoài mạnh hơn vào cuối thế kỷ 19. Mục tiêu của cả hai thực thể mạnh là giành lại chủ quyền và quyền sở hữu mà họ từng có.
Tại Việt Nam, Pháp đã bị người Việt quốc gia (dưới trướng của Việt-Minh, chú thích của người viết) đánh bại tại Điện Biên Phủ vào ngày 7 tháng 5 năm 1954. Hoa Kỳ đã chi trả 80% phí tổn chiến tranh cho Pháp. Hội nghị Genève, ngày 21 tháng 7 năm 1954, quy định việc Pháp rút quân trong danh dự và tổ chức bầu cử vào tháng 7 năm 1956, dự kiến sẽ là cơ sở cho sự thống nhất dưới một thực thể Việt Minh áp đảo hơn.
Do hậu quả của Thế chiến II, người Nhật đã bị đánh bại ở Đài Loan. Một quan chức của chính phủ Trung Quốc đã chấp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản tại Đài Loan vào ngày 25 tháng 10 năm 1945. Những người theo chủ nghĩa quốc gia Trung Quốc đã thua trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc; Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là CHND Trung Hoa) vào ngày 1 tháng 10 năm 1949 tại Bắc Kinh. Tuyên bố Cairo năm 1943 được đảng Cộng sản Trung Quốc nêu lên, khẳng định Đài Loan được trả cho Trung Quốc, theo Frank S. T. Hsiao và Lawrence R. Sullivan, trong bài “The Chinese Communist Party and the Status of Taiwan” năm 1979. (Đảng Cộng sản Trung quốc và tình trạng Đài Loan). Đài Loan được hiến pháp CHND Trung Hoa coi là một tỉnh lỵ của CHND Trung Hoa.
Hoa Kỳ trở thành một thế lực can gián ở Việt Nam và Đài Loan. Tại Việt Nam, Hoa Kỳ từ chối không chấp nhận các dàn xếp của Hội nghị Genève và phản ứng với Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO/Southeast Asia Treaty Organization), một liên minh phòng thủ chống lại chủ nghĩa cộng sản, trái ngược với các Dàn xếp ở Genève, cho phép một thủ tục theo đó Nam Việt Nam, Campuchia và Lào, có thể được SEATO bảo vệ dưới dạng các thực thể “giao thức”.
Tại Đài Loan, Hoa Kỳ đã ngăn chặn sự thống nhất bằng cách đưa Hạm đội 7 vào eo biển Đài Loan trong Chiến tranh Triều Tiên và bằng cách tham gia một hiệp ước phòng thủ vào năm 1955 với Tưởng Giới Thạch về Đài Loan. Ngay sau khi đó, Hoa Kỳ cuối cùng cũng công nhận CHND Trung Hoa là chính phủ của toàn bộ Trung Quốc vào ngày 1 tháng 1 năm 1979, bao gồm cả Đài Loan (chính sách Một Trung Quốc), và chấm dứt hiệp ước phòng thủ nói trên. Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan, tiếp tục mối quan hệ phòng thủ của Hoa kỳ với Đài Loan và tạo ra một sự mơ hồ chiến lược mà chúng ta hiện có về CHND Trung Hoa.
Một lần nữa, như với Nam Việt Nam, chúng ta đang bảo vệ một thực thể yếu hơn mà trong lịch sử đã thống nhất với thực thể thống trị. Trong cả hai trường hợp, chúng ta (Hoa kỳ) đã can thiệp để ngăn chặn kết quả tự nhiên của sự thống nhất. Chúng ta nên bãi bỏ Đạo luật Quan hệ Đài Loan và quan tâm đến công việc riêng của mình, thay vì lãng phí mạng sống và tiền bạc trong một hướng đi đã thất bại.
[Ông Pfister có bằng Luật khoa ở đại học Toledo, Tiến sĩ về Khoa học Chính trị, về hưu sau 46 năm trong ngành khoa học Chính trị ở Eastern Michigan University]
source: https://www.danchimviet.info/thien-duong-danh-mat-khi-viet-nam-thong-nhat-1975/01/2023/27984/