Thiên Đàng- Hoài Sơn
Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay ở nước Tề, mai ở nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua, giúp nhiều mưu kế.
Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực không còn, Giới Tử Thôi lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết, nên cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai. Về sau, Tấn Văn Công dành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi lưu vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi không oán giận, nghĩ mình theo phò vua là chuyện nên làm, không bận tâm danh lợi. Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng. Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng để ép Tử Thôi quay về. Không ngờ Tử Thôi cùng mẹ chịu chết cháy trong rừng.
Vua đau lòng thương xót nên đã lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ nguội nấu sẵn tưởng niệm Giới Tử Thôi.
Từ đó, ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn Thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất. Vào những ngày này, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất.
***
Năm 1970 khi tôi đang học lớp Đệ I trường Chu Văn An, tôi xách xe đạp đi tìm một đoàn thể chính trị để gia nhập. Do tình cờ biết được Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến nên tôi chạy đến trụ sở ở đường Phan Đình Phùng để tìm.
Nguời tiếp tôi là bác Hoài Sơn, Bác thấy tôi còn quá trẻ nên không muốn tôi gia nhập ngay, chỉ giải thích và cho tôi một số tài liệu, nói với tôi rằng việc gia nhập một đoàn thể chính trị rất quan trọng, nó giống như việc lập gia đình, đôi khi mình phải ở với nó suốt đời. Bác xưng “qua” (tôi) theo cách của người Nam để nói chuyện với tôi.
Từ đó đến nay đã 52 năm tôi gia nhập đảng Tân Đại Việt. Dọc dài trên bước đường tranh đấu, tôi hết sức kính quý sự hy sinh dấn thân và trong sạch của Bác. Bác và gia đình sống cuộc đời nghèo, nhưng vẫn vui vẻ với cuộc sống.
Năm 1971 Bác làm bài thơ Thiên Đàng và tôi có dịp đọc được khi đó, tôi rất thích bài thơ này với những câu như:
“Con toạ trước che mình như phủ lọng
Vợ ngồi sau choàng bụng tựa mang đai”
Khi Bác qua Mỹ tôi muốn xin lại bài thơ, bởi vì tôi chỉ nhớ lõm bõm. Bác cũng quên phần nào và bóp óc để nhớ ra.
Bác đã vĩnh viễn ra đi ngày 3/5/22, tôi xin đăng lại bài thơ này của Bác, một người hết sức là lý tưởng, trên con đường tranh đấu cho dân chủ pháp trị Việt Nam.
Bác dấn thân hy sinh, trong sạch, kiên trì, khi tự do cũng như khi ở trong nhà tù Cộng Sản. Bác dặn anh em bị đi học tập cải tạo là cứ đổ hết tất cả tội lỗi lên Bác, cứ đổ thừa là do Bác xúi giục để được nhẹ tội.
Trước 30/4/75 tôi có mặt thường xuyên ở trụ sở Cấp Tiến và hay trao đổi với Bác. Đôi khi Bác tự ví mình như Giới Tử Thôi, một người chỉ muốn phục vụ đất nước nhưng không màng danh lợi và vẫn vui vẻ, hạnh phúc dù cuộc sống rất nghèo.
Trong lòng tôi Bác là một tấm gương chính trị lớn mà tôi ngưỡng mộ từ khi mới bước chân vào tranh đấu với sự hướng dẫn của Bác, cho đến ngày Bác nằm xuống. Những kỷ niệm kéo dài hơn nửa thế kỷ và nó vẫn sống động mãi mãi trong lòng tôi.
10 năm đời người chỉ bằng 1 năm vận nước. Từ ngày gặp Bác đến nay đã hơn 50 năm đời người, nhưng với đất nước nó chỉ mới 5 năm để thay đổi.
Việt Nam sẽ thay đổi, đó là điều chắc chắn. Nhưng thay đổi như thế nào thì nó vẫn còn là một dấu hỏi.
Xin Bác thảnh thơi nơi Miền Miên Viễn, các thế hệ nối tiếp sẽ nhìn gương của Bác để xây dựng dân chủ pháp trị cho Việt Nam.
Thiên Đàng
Sau 26 năm dài tranh đấu
Tôi tôi được gì? một vợ bốn con yêu!
Với con chó Mi Na chuyên sủa gẫu,
Và một xe gắn máy đã hư nhiều.
Chỉ có thế mà thôi, nhưng quá đủ
Vợ yêu chồng, con rất đổi thương cha.
Đến con chó cũng trung thành với chủ,
Ngày như đêm quấn quít mãi bên nhà.
Chỉ có chiếc xe tàn gây khổ mãi,
Hết nghẹt lò đến gãy bạt long dên.
Cân vít lửa, đạp hoài không nổ máy,
Siết xong vòi, lại bể dĩa tuông sên.
Nhưng hư đấy rồi sửa tu cũng chóng,
Cởi ra đường là rất đổi nên oai:
Con toạ trước che mình như phủ lọng,
Vợ ngồi sau choàng bụng tựa mang đai.
Ngày hai bữa chỉ cá kho rau luộc,
Không đổi dời mà lua vẫn quên thôi.
Cần chi nữa, đến bữa ăn, miễn được
Nhìn con yêu, ngắm vợ đã ngon rồi.
Nếu chỉ đứng bên ngoài nhìn cuộc sống,
Thì cõi đời là địa ngục trần gian.
Nhưng chấp nhận vào trong tim Lẽ Sống,
Thì nhân gian quả thật cõi Thiên Đàng.
Vũng Tàu 1971
(Bác bắt đầu tham gia tranh đấu năm 1945, đến năm 1971 là đúng 26 năm)
Lê Minh Nguyên – 9/5/22