Theo chân Liên Xô, TQ thua Mỹ trong Chiến tranh lạnh mới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Theo chân Liên Xô, TQ thua Mỹ trong Chiến tranh lạnh mới
Ngày đăng 10-09-2018
…BĐN 

 

Theo Giáo sư Minxin Pei, có vẻ Trung Quốc đang đi vào vết xe đổ của Liên Xô khi tham gia cuộc chạy đua vũ trang gần như không có cửa thắng với Mỹ.

 

Khi Liên bang Xô-viết sụp đổ vào năm 1991, Trung Quốc – cũng như nhiều quốc gia trên thế giới – đều cho rằng cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev phải chịu phần lớn trách nhiệm cho sự sụp đổ ấy. Các lãnh đạo Trung Quốc đã cố tìm hiểu và học hỏi từ những sai lầm của khối Liên Xô cũ, nhưng có lẽ họ vẫn chưa “học” kĩ.
Khác với các lãnh đạo Liên Xô, lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng nền tảng tài chính vững mạnh là điều thiết yếu đối với thể chế chính trị của một quốc gia.
Bởi vậy nên Bắc Kinh đã tập trung thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP trong vòng những thập kỷ vừa qua và đạt được sự “tăng trưởng thần kì”, với mức GDP bình quân đầu người nhảy vọt từ 333 USD trong năm 1991 lên 7.329 USD trong năm 2017.
Tuy nhiên, việc lơ là khiến nền kinh tế suy thoái không phải là thất bại lớn nhất của Liên Xô.
Vào thời điểm đó, Liên Xô bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém với Mỹ – mà thậm chí họ còn không có cơ hội thắng. Ngoài ra, Liên Xô còn phạm sai lầm khi dàn trải quá nhiều tiền của và tài nguyên tại những quốc gia có ít giá trị chiến lược và có tiền lệ yếu kém về kinh tế.
Ngày nay, đứng trước cuộc Chiến tranh Lạnh với Mỹ đang thành hình, Trung Quốc có thể đang đi vào vết xe đổ trước đây của Liên Xô, và đối mặt với nguy cơ thua cuộc trước siêu cường Mỹ.
Chạy đua vũ trang
Thoạt nhìn, thì Trung Quốc trông không giống như đang chạy đua vũ trang với Mỹ. Thực tế là ngân sách quốc phòng của chính phủ Trung Quốc năm nay chỉ ở mức khoảng 175 tỉ USD – bằng 1/4 ngân sách quốc phòng 700 tỉ USD của Mỹ.
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, khoản chi tiêu thực tế của Trung Quốc dành cho lĩnh vực này cao hơn nhiều so với khoản tiền được quy định trong ngân sách nhà nước.
Năm ngoái, Trung Quốc đã chi khoảng 228 tỉ USD cho Quốc phòng, tương đương 150% so với khoản 151 tỉ USD quy định trong ngân sách nhà nước.
Trên thực tế, việc chạy đua vũ trang không thể chỉ xét theo số tiền Trung Quốc bỏ ra để mua súng đạn, mà ta phải xét đến xu hướng gia tăng chi tiêu quốc phòng qua các năm. Việc gia tăng đều đặn khoản chi tiêu quốc phòng cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng và quyết tâm tham gia trận chiến tiêu hao về lâu dài với Mỹ.
Tuy nhiên, nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu chạy đua vũ trang của nước này, chứ chưa nói đến việc giành chiến thắng trước Mỹ trên mặt trận ấy.
Nếu như Trung Quốc sở hữu một mô hình tăng trưởng bền vững hay một nền kinh tế có hiệu quả cao, thì có thể họ sẽ đủ điều kiện chi trả cho cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Nhưng họ chưa có mô hình bền vững, cũng chẳng có nền kinh tế hiệu quả cao.
Giẫm lên vết xe đổ của Liên Xô, TQ mất cửa thắng Mỹ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới? - Ảnh 2.
Trung Quốc đang ngầm chạy đua vũ trang với Mỹ.
Xét về tầm vĩ mô, thì có thể thấy rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dần giảm tốc trong tương lai do dân số già hóa nhanh chóng, lại phải gánh thêm khoản nợ lớn, đối mặt với rủi ro chênh lệch đáo hạn giữa tài sản và nguồn vốn, và cuộc xung đột thương mại do Mỹ khơi mào ngày càng leo thang.
Tất cả những yếu tố trên sẽ khiến cho ngân sách của Trung Quốc trở nên kiệt quệ. Ví dụ, khi dân số già hóa và tỉ lệ người cao tuổi thuộc diện phụ thuộc tăng lên, thì khoản ngân sách dành cho các chương trình y tế và hưu trí cũng phải tăng theo.
Hơn nữa, mặc dù thực tế là kinh tế Trung Quốc hiện nay có hiệu quả hơn nhiều so với kinh tế Liên Xô trước đây, thì nó cũng chưa thể so bì với hiệu quả của nền kinh tế Mỹ.
Sở dĩ giữa Mỹ và Trung Quốc có sự cách biệt lớn đến vậy là bởi Trung Quốc đang phải gánh “quả tạ” mang tên doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này tiêu tốn một khoản tiền lớn, trong khi chỉ đem lại 20% giá trị gia tăng và tạo việc làm cho 20% lao động Trung Quốc.
Tuy nhiên đối với thể chế chính trị hiện nay của Trung Quốc thì các doanh nghiệp nhà nước vẫn có vai trò rất quan trọng. Do đó, Bắc Kinh hiện đang ở trong tình thế ‘tiến thoái, lưỡng nan’ bởi các doanh nghiệp nhà nước không đem lại lợi nhuận như kì vọng, nhưng nếu còn tiếp tục duy trì thì Trung Quốc sẽ không còn đủ tiền để chạy đua vũ trang với Mỹ.
Đầu tư quá dàn trải
Bên cạnh việc chạy đua vũ trang, thì Trung Quốc cũng có nguy cơ mắc phải sai lầm dàn trải quá nhiều tiền của và tài nguyên trên thế giới như Liên Xô trước đây. Khoảng một thập kỉ trước, Trung Quốc đã bắt đầu tìm đến các thỏa thuận đầu tư nước ngoài khi thặng dư thương mại của nước này đạt mức kỉ lục.
Điển hình là siêu dự án Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc thường gọi là “dự án thế kỉ”. Với tổng mức đầu tư lên đến 1.000 tỉ USD, BRI là dự án cho vay ưu đãi để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia đang phát triển trên thế giới.
Bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia và bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô, chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm đẩy mạnh dự án BRI, và thậm chí còn coi đó là một trong những trụ cột quan trọng nằm trong “chiến lược lớn” của nước này.
Một ví dụ còn điển hình hơn về việc dàn trải tiền của và tài nguyên là Trung Quốc đã và đang hào phóng viện trợ cho nhiều quốc gia trên thế giới – từ Campuchia tới Venezuela và Nga – mà hầu như không nhận được nhiều lời lãi từ các nước này.
Theo dữ liệu của trường cao đẳng William & Mary (Mỹ), trong giai đoạn từ năm 2000-2014, Campuchia, Cameroon, Bờ biển Ngà, Cuba, Ethiopia và Zimbabwe đã nhận 24,4 tỉ USD dưới hình thức viện trợ hoặc vay ưu đãi từ Trung Quốc. Cũng trong giai đoạn này, Angola, Lào, Pakistan, Nga, Turkmenistan và Venezuela đã nhận 98,2 tỉ USD từ Trung Quốc.
Gần đây chính phủ Bắc Kinh đã cam kết sẽ cho Pakistan vay ưu đãi 62 tỉ USD cho dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Dự án này được kì vọng sẽ giúp Pakistan vượt qua cuộc khủng hoảng dự trữ ngoại hối; nhưng đồng thời nó cũng sẽ tiêu hao một khoản tiền lớn trong kho bạc của chính phủ Trung Quốc.
Trong bối cảnh xung đột kinh tế Trung-Mỹ được dự đoán sẽ còn âm ỉ lâu dài, chính phủ Bắc Kinh cần cân nhắc kĩ lưỡng những khoản vay hào phóng như vậy.
Cũng giống như Liên Xô trước đây, Trung Quốc đang phải trả cái giá quá đắt chỉ vì một vài mối quan hệ ít có tính chiến lược, và chỉ đạt được một số lợi ích nhất định từ điều đó, trong khi nước này ngày càng lún sâu hơn vào một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ.
Do đó, nếu cứ tiếp tục đi vào vết xe đổ của Liên Xô, thì Trung Quốc coi như đã xác định thua cuộc từ trước khi Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ thực sự bắt đầu.