Richard Javad Heydarian (The National Interest) * Hoàng Thủy Ngữ (Danlambao) dịch – Tân lãnh đạo tối cao của Trung Quốc Tập Cận Bình đã loại bỏ hoàn toàn chính sách ngoại giao ẩn mình của những người tiền nhiệm và dốc toàn lực vào việc thống trị thế giới.
Khi suy nghĩ về tương lai trật tự toàn cầu, cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã cảnh báo rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc có hậu quả lớn đến mức nó không chỉ khiến các nước láng giềng phải điều chỉnh sách lược mà còn đến cả việc cải tổ kiến trúc an ninh toàn cầu.
Vị cựu lãnh đạo Châu Á đã nói thẳng là, mặc dù “ban đầu người Trung Quốc muốn cùng vai vế với Hoa Kỳ chia sẻ thế kỷ này”, cuối cùng họ “có ý định trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới”.
Chẳng bao lâu, sau khi nhà lãnh đạo Singapore qua đời, dự đoán sáng suốt của ông tập hợp thành thực tế địa chính trị rõ rệt. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, là nước tiêu thụ hàng hóa cơ bản nhiều nhất và ngày càng là nguồn đầu tư hàng đầu, đặc biệt trong cơ sở hạ tầng chiến lược, chính ở châu Á và các nước đang phát triển. Đồng thời, sức mạnh kinh tế đã chuyển thành quyết đoán chiến lược và sức mạnh quân sự, khi Trung Quốc thành lập các căn cứ ở nước ngoài, khởi đầu ở Djibuti, nhưng kín đáo hơn ở Ấn Độ Dương, mở rộng lực lượng hải quân và cưỡng chế biến các vùng biển lân cận thành “vùng đất xanh lam quốc gia” của mình.
Trên hết, tân lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã loại bỏ hoàn toàn chính sách ngoại giao ẩn mình của những người tiền nhiệm và dốc toàn lực vào việc thống trị thế giới. Ông ta còn bước xa hơn khi đẩy mạnh một “mô hình Trung Quốc độc đáo” ở nước ngoài, và dần dần thiết lập một “trật tự châu Á cho người châu Á” xuyên khắp lục địa Á-Âu để loại trừ các cường quốc phương Tây và Nhật Bản. Mặc dù ngoài mặt được trình bày như một sáng kiến kết nối cả tỷ đô la, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), trên hết, có mục đích đặt nền tảng cho một “trật tự thế giới của Trung Quốc”.
Tuy chưa phải là bá quyền, người Trung Quốc gần như đã cai trị biển cả trước khi chủ nghĩa đế quốc châu Âu ra đời. Những cuộc hành trình vượt hai đại dương của Trịnh Hòa, một đô đốc Hồi giáo từ thời nhà Minh, người phải dựa rất nhiều vào chuyên môn của các thủy thủ đồng đạo, đã nhấn mạnh đến sự không thể tách rời vốn có và sự lệ thuộc lẫn nhau trong mạng lưới văn hóa và thương mại dày dặc trên khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Nhưng thế kỷ này có thuộc về Trung Quốc không? Có 3 lý do để hoài nghi.
Khả năng đối kháng của tính ưu việt Mỹ
Cái mốt đang thịnh hành hiện nay là nói về “thế kỷ của Trung Quốc”. Tuy nhiên, nỗ lực về tính ưu việt chiến lược của Trung Quốc diễn ra trong giai đoạn Mỹ tái lập chiến lược, đặc biệt khi chính quyền Donald Trump đã tự kiềm chế rất ít trong việc thách thức Trung Quốc.
Các quan điểm thông thường về chính quyền Trump mô tả hình ảnh cuộc triệt thoái chiến lược của Mỹ, cụ thể là chuyện tổng thống Mỹ không được ưa chuộng trong khu vực cũng như việc ông quyết định hủy bỏ thỏa thuận TPP. Tuy vậy, một phân tích tinh tế hơn cho thấy hình ảnh phức tạp hơn nhiều.
Một mặt, Washington tăng cường Tự do Hoạt động Hàng hải (Freedom of Navigation Operations – FONOPS) và điều máy bay ném bom hạt nhân tuần tra Biển Đông, công khai thách thức các yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc trong không gian hàng hải tranh chấp. Chính quyền Trump đã cho Ngũ Giác Đài được rộng quyền hơn để kiểm tra tính quyết đoán hàng hải của Trung Quốc, bao gồm cả các quyết định liên quan đến Tự do Hoạt động Hàng hải (FONOPS). Ngay cả lực lượng hải cảnh Hoa Kỳ cũng tham gia, gây thêm áp lực lên chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Washington cũng tăng gấp đôi chi phí quân sự ở nước ngoài dành cho các đồng minh chủ chốt trong khu vực, gồm cả Philippines, công khai kêu gọi Trung Quốc tháo gỡ các cơ sở quân sự tân tiến ở Biển Đông, và thậm chí còn coi các lực lượng bán quân sự của Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực là sự mở rộng trên thực tế của hải quân PLA. Chính quyền Trump còn đưa ra quyết định chưa từng có khi công khai đề nghị rằng, họ sẽ đến cứu giúp Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông.
Với sự hỗ trợ của Quốc hội Hoa Kỳ, chính quyền Trump cũng đã mở rộng quan hệ chiến lược với khu vực thông qua Luật Sáng kiến Tái bảo đảm Châu Á (Asia Reassurance Initiativ Act – ARIA) trị giá hàng tỷ đô la, nhằm tăng cường phòng thủ và dấu ấn quân sự và ngoại giao ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như 60 tỷ đô la trong sáng kiến Vận dụng Thúc đẩy Đầu tư Phát triển Tốt hơn (Better Utilization of Investments Leading to Development – BUILD), dùng để huy động các khoản đầu tư chất lượng cao của Mỹ trên các thị trường chiến lược trong khu vực, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Trên mặt trận thương mại, Hoa Kỳ đã công khai tìm kiếm những thay đổi cơ bản trong chính sách thương mại và công nghiệp của Trung Quốc, đặt nghi vấn về khả năng tồn tại của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), và áp lực các đồng minh và đối tác tránh xa các khoản đầu tư công nghệ cao đầy rủi ro của Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược. Trong khi khoảng cách tương đối về kinh tế và quân sự giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh thu hẹp đáng kể trong thập niên qua, Trung Quốc vẫn thua xa Hoa Kỳ về các nguồn tài nguyên ròng có thể huy động được trong giai đoạn xung đột, bao gồm sức mạnh mềm, công nghệ, nhân lực, phần cứng quân sự, tài nguyên kinh tế, tài năng và khoáng sản quý.
Sức mạnh tập thể của liên minh
Các học giả như Michael Beckley đã lưu ý, “sức mạnh của một quốc gia không xuất phát từ nguồn tài nguyên gộp nhưng từ nguồn tài nguyên ròng – nguồn tài nguyên còn lại sau khi trừ chi phí sản xuất chúng”. Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức lớn về cấu trúc nội tại, bao gồm sự mất cân bằng trong nhân khẩu học, bất ổn xã hội và khủng hoảng môi trường gia tăng và mất cân bằng trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng.
Tuy nhiên, sự tê liệt chính trị trong nước Mỹ cũng gây lo ngại không kém. Nhưng các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy hầu hết người dân trên thế giới vẫn thích Hoa Kỳ lãnh đạo toàn cầu hơn Trung Quốc. Nhưng điều thực sự làm tăng lợi thế của Mỹ trước Trung Quốc là mạng lưới liên minh rộng lớn và bền bỉ đáng ngạc nhiên trong khu vực, đặc biệt là với Nhật Bản, Úc, hai cường quốc hạng trung, và Ấn Độ ngày càng chia sẻ chung mối quan tâm, mặc dù không hoàn toàn giống, về việc Trung Quốc gia tăng quyết đoán.
Trên thực tế, các cường quốc khác trong khu vực, điển hình là Nhật Bản và Úc, đã cam kết với một Ấn Độ Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”, ủng hộ cuộc đẩy lùi Trung Quốc do Hoa Kỳ lãnh. Trong nỗ lực này, người ta nên hiểu những nỗ lực thành công của Nhật , cùng với Úc, trong việc hồi sinh thỏa thuận TPP mà Trump đã hủy bỏ qua loa cho xong chuyện.
Trên thực tế, Nhật Bản (240 tỷ USD) tiếp tục đánh bại Trung Quốc (210 tỷ USD) về phẩm chất và quy mô phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn. Úc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã ký một thỏa thuận đầu tư, với mục đích “phát triển một đường ống trong các dự án phát triển hạ tầng, để thu hút tư nhân và chính phủ đầu tư”.
Ấn Độ đang riêng biệt mở rộng trợ giúp phát triển và hợp tác chiến lược với các quốc gia ASEAN. Thay vì dựa vào chỉ thị và sáng kiến của Mỹ, mỗi cường quốc hạng trung này, hoặc cùng nhau hay một mình, tham gia cùng với các quốc gia ASEAN, góp phần xây dựng một trật tự dựa trên các quy tắc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngược lại, Trung Quốc hầu như không có một đồng minh đáng tin cậy nào để quảng bá tầm nhìn và giá trị của mình trong khu vực. Trên thực tế, cả Bắc Hàn và Pakistan, vốn được xem là đối tác chiến lược thân cận nhất của Bắc Kinh, đã tìm cách đa dạng hóa quan hệ ngoại giao trong những năm gần đây.
Chiến lược khôn khéo của các quyền lực nhỏ
Trong khi Bình Nhưỡng đã tìm cách đàm phán trực tiếp với Washington, phần lớn là để loại bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế đang chật vật của mình, thì đến lượt Islamabad quay sang Ả Rập Saudi, chưa kể đến việc họ liên tục dựa vào sự tài trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giảm lệ thuộc quá mức vào món nợ đang phình to lên do [đã tham gia] Sáng kiến Vành đai và Con đường . Trung Quốc đơn giản là không có đồng minh có khả năng và đáng tin cậy.
Hơn nữa, chúng ta nên nhìn vào những cố gắng bền bỉ của các quốc gia Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa các đối tác chiến lược và nguồn đầu tư nước ngoài của họ. Mặc dù được biết từng có những căng thẳng lịch sử với phương Tây, các nhà lãnh đạo của Malaysia (Mahathir) và Philippines (Duterte), không kể đến giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, đã hoan nghênh sự hợp tác chiến lược và đầu tư chặt chẽ hơn từ Hoa Kỳ, và quan trọng nhất là Nhật Bản.
Ngay cả các quốc gia Đông Nam Á nghèo hơn như Myanmar, Campuchia và Lào cũng đã chủ động tìm kiếm các khoản đầu tư phát triển và cơ sở hạ tầng của Nhật Bản để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á, cả nhỏ lẫn lớn hơn, đã ganh nhau bảo vệ quyền tự trị chiến lược hậu thuộc địa của họ – trò chơi khiến các cường quốc lớn chống đối nhau – trong khi tìm cách tránh phải dựa quá nhiều vào một thế lực nước ngoài duy nhất.
Nhìn chung, cả các nước Đông Nam Á có thu nhập trung bình và thấp đều đang đều đặn tìm kiếm, dù trên cơ sở song phương hay đa phương (thông qua cơ chế ASEAN), đa dạng hóa quan hệ chiến lược với các cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương, từ Ấn Độ và Nga đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ , cũng như các nguồn đầu tư và viện trợ.
Điều này cho thấy các quốc gia Đông Nam Á không phải là con tốt trên bàn cờ địa chính trị. Thay vào đó, họ là những người chơi tích cực với các diễn viên đáng nể trong việc định hình vận mệnh chiến lược của riêng họ. Kết quả của bối cảnh chiến lược rất năng động và gây tranh cãi này là sự xuất hiện của nhiều trung tâm quyền lực và mức độ tự do chiến lược khác nhau dành cho mỗi quốc gia, do đó không một cường quốc nào có thể một mình định hình đầy đủ chương trình nghị sự về an ninh, kinh tế và ngoại giao khu vực.
Các cuộc điều tra có thẩm quyền ở khắp các quốc gia Đông Nam Á cho thấy, bảy trong số mười người được hỏi có quan điểm tiêu cực về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, trong khi chưa đến một nửa tỏ ra tin tưởng vào khả năng của Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo có tính xây dựng trong khu vực. Quốc gia đáng tin cậy nhất trong mắt các quốc gia Đông Nam Á vẫn là Nhật Bản. Trung Quốc chắc chắn là diễn viên lớn trong khu vực, nhưng khác xa với cái quyền bá chủ phải có được của nó .
Nguồn: Will the Chinese Century End Quiker than It Began? By Richard Javad Heydarian, The National Interest
15/12/2019