Thế giới lại ‘hai phe bốn mâu thuẫn’?
Cùng Tập là nhiều lãnh đạo Trung Á, Việt Nam và một số nước khác trong khi đa số lãnh đạo các nước lớn ở châu Âu không dự buổi lễ này để tỏ thái độ với Nga.
Sự kiện này khiến người ta không khỏi nghĩ quả là thế giới đang chia làm hai.
Cách nhìn của châu Âu và TC về Nga và Ukraine là hoàn toàn khác nhau.
Nhìn từ nhiều thủ đô châu Âu, các hoạt động của Nga nhằm phục hồi khu vực Liên Xô cũ là rất đáng lo ngại.
Trong khi đó, TC không chấp nhận tất cả những gì Nga đã làm như sáp nhập Crimea và hỗ trợ các nhóm vũ trang tại Đông Ukraine nhưng cũng không muốn Mỹ và NATO mở rộng sang phía Đông.
Hai cực hay hai phe?
Sau Chiến tranh Lạnh, nhiều nhà quan sát tin rằng thế giới ngày càng trở nên đa cực.
Nhưng gần đây lại có các ý kiến nói rằng chính trường quốc tế không còn đa cực mà bắt đầu tụ lại thành lưỡng cực (bipolar world), với một bên là Hoa Kỳ, bên kia là TC.
Chẳng hạn hồi tháng 11/2012, Judy Dempsey viết trên trang carnegieeurope.eu, so sánh bầu cử tại Mỹ và TC với các khác biệt tới mức tương phản, như hai thế giới đối chọi nhau.
Nhưng cũng có ý kiến, như của cựu ứng viên tổng thống Mick Romney (2012) hoặc nghị sỹ Đảng Dân chủ, Adam Schiff gần đây coi Nga là đối thủ chính của Hoa Kỳ.
Như thế, Phương Tây vẫn chưa đồng ý được trong thế lưỡng cực mới thì đối thủ của Hoa Kỳ là ai.
Nhìn từ châu Á, người ta dễ đi đến kết luận rằng đối thủ của Hoa Kỳ hẳn là TC, nhưng nhìn từ châu Âu thì đó lại là Nga.
Cùng lúc, Nga và TC xích lại gần nhau vì sự chia sẻ quan điểm về quyền lực nhà nước mạnh, quyền lợi của quốc gia mạnh, xã hội cần có định hướng.
Về phía bên kia thì vẫn là Hoa Kỳ với các nước đồng minh chủ chốt (Nhật, Úc) trong khi châu Âu về cơ bản đứng về phía Hoa Kỳ nhưng nội bộ vẫn có các chính phủ thân Nga (Cyprus, Hy Lạp, Hungary).
Cuộc tranh chấp hai phe này đang diễn ra trên một loạt mặt trận.
Trong thế kỷ 20, nhiều quốc gia gồm cả Việt Nam đã say sưa với thuyết ‘hai phe bốn mâu thuẫn’.
Theo đó, thế giới chia làm hai phe: phe theo chủ nghĩa xã hội và phe đế quốc, và động lực của chính trị quốc tế là bốn mâu thuẫn.
Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc;
Mâu thuẫn giữa phong trào độc lập dân tộc và chủ nghĩa đế quốc;
Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và giai cấp công nhân tại các nước đế quốc
Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau.
Ngày nay, cách nói này không còn nữa nhưng không phải trên thế giới không còn các tuyến va chạm quyền lợi, cạnh tranh.
Đầu tiên là mâu thuẫn về nguồn năng lượng.
Một bên là Nga có thu nhập chính bằng năng lượng hóa thạch và dùng ngành dầu khí làm một vũ khí kinh tế, ngoại giao trong quan hệ với EU, Trung Quốc, Iran, Venezuela, Việt Nam.
Bên kia là Hoa Kỳ và châu Âu muốn khai thác năng lượng mới (điện mặt trời, điện gió, dầu khí đá phiến), vừa nâng cao công nghệ, vừa đỡ bị lệ thuộc vào các nước xuất khẩu dầu khí.
Dầu khí, từ các mỏ đã khai thác, các nguồn tiềm năng, các đường ống… tiếp tục là tâm điểm của nhiều tranh chấp quốc tế.
Mâu thuẫn thứ nhì là cuộc đấu tại các diễn đàn kinh tế, các khu vực tự do mậu dịch.
EU, cộng với Iceland, Liechtenstein và Na Uy đã thuộc EEA (European Economic Area), còn Nga lập ra Liên minh Kinh tế Âu – Á (EEU) với Belarus và Kazakhstan.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam cũng được mời tham gia Liên minh này, gợi lại một thời Hà Nội từng tham gia khối Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV) dùng đồng rúp của Liên Xô.
Hoa Kỳ chủ xướng lập TPP thì Trung Quốc cũng đang đáp lại bằng Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB).
Tự do kinh tế đã trở thành tín điều nên mâu thuẫn xảy ra ở các chi tiết cụ thể như bỏ thuế quan thì có lợi cho ai, nhận đầu tư lớn có làm hại cho quyền của người lao động, có làm cạn kiệt nguồn nước, quỹ đất?
Tự do hóa thương mại nâng cao mức sống cho nhiều người cũng làm cho một thiểu số giàu lên gấp bội, gây ra xung đột xã hội.
Mâu thuẫn nữa là về mô hình truyền thông toàn cầu.
Các kênh RT và CCTV đều hoạt động thoải mái ở Phương Tây nhưng Moscow và Bắc Kinh lại hạn chế tối đa quyền đưa tin của các đài báo nước ngoài.
Các nước này vừa chặn mạng, không cấp visa cho nhà báo hoặc hạn chế các chuyến làm phóng sự, đồng thời hạn chế mạng xã hội hoặc dùng dư luận viên tác động đến các trang đông người dùng.
Mâu thuẫn thứ tư giữa hai phe là cách diễn giải lịch sử không giống nhau.
Cụ thể nhất, Moscow đang dùng buổi lễ ngày 9/05 này cho mục tiêu tuyên truyền rằng cuộc chiến ở phía Đông Ukraine là sự lặp lại của chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại.
Trình diễn vũ khí tại Hồng trường cũng nhằm đề cao sức mạnh của nước Nga mới, và tạo ‘tính chính danh’ cho các binh đoàn ‘tình nguyện’ sang Đông Ukraine để ‘bảo vệ chính Ukraine chống lại tân phát-xít’.
Cờ và băng tay hai màu đen và cam của du kích chống Hitler vào Thế Chiến 2 đang được phái thân Nga ở Đông Ukraine và giới ngoại giao Liên bang Nga sử dụng để nhấn mạnh nội dung này.
Điều này hoàn toàn khác với những gì Đức, Ba Lan và Ukraine nhìn nhận về lịch sử Thế Chiến 2.
Cũng vì thế mà bà Angela Merkel không đến dự ngày lễ 09/05 nhưng chỉ sang Moscow hôm sau để đặt vòng hoa trước mộ liệt sỹ vô danh.
Ở châu Á, lịch sử Thế Chiến 2 và các tội ác của quân đội Nhật Hoàng cũng đang được Trung Quốc nhấn mạnh nhằm khơi dậy lòng yêu nước phục vụ mục tiêu tự cường dân tộc chủ nghĩa thời nay.
Trung Quốc cũng dùng lịch sử và khảo cổ học hải dương, kể cả việc lập think-tank ngay tại Mỹ, để củng cố cho lập luận trong tranh chấp lãnh hải, biển đảo với các nước láng giềng.
Nói về hai phe ngày nay thì thực ra, việc định hình lại các liên minh chặt chẽ hoặc lỏng lẻo, tan hợp, hợp tan tùy thuộc vào lợi ích quốc gia hay nhận định của các tập đoàn quyền lực từng nước, cũng là rất bình thường.
Ở Trung Quốc ngày xưa đã có thời Xuân thu Chiến quốc, các nước châu Âu sau này đến tận Hội nghị Vienna (1814-15) cũng vẫn là thế giằng co, chia sẻ quyền lực qua các liên minh khác nhau.
Điều quan trọng là giới chính khách có đủ tầm nhìn để suy đoán ra các dịch chuyển của những liên minh đó không.
Nhìn từ Việt Nam, các nhà lãnh đạo cộng sản mấy thế hệ trước đã có thiếu sót nghiêm trọng về tầm nhìn.
Họ quá tin tưởng vào tình thân ái cộng sản nên không dự đoán được rằng mâu thuẫn trong phe đế quốc không gây ra chiến tranh.
Trái lại, chính mâu thuẫn giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa lại bùng nổ khốc liệt hơn cả vào cuối Chiến tranh Lạnh: Đông Âu bỏ Nga, nội chiến Nam Tư, Trung Quốc đánh Việt Nam, Việt Nam và Campuchia thời Pol Pot đánh nhau…
Ngày nay, dù thế giới chia làm mấy phe và có bao nhiêu mâu thuẫn, việc chọn thế đứng sao cho đúng và khả năng dự báo để tránh đổ vỡ cũng không kém phần quan trọng.
Chính sách hay được gọi là ‘đi dây giữa Mỹ và Trung Quốc’ của Việt Nam cũng không có gì là quá sáng tạo vì Indonesia, Hàn Quốc, Mông Cổ, Thái Lan cũng đều đang làm chuyện đó từ lâu nay.
Cùng lúc, nhiều nước Trung Á cũng vẫn ‘đi dây’ giữa Nga và Mỹ, và gần đây phải xử lý thêm vào yếu tố Trung Quốc.
Thiết nghĩ, quyền lợi quốc gia như an ninh và thương mại luôn cần được đặt lên trên ảo tưởng ý thức hệ hay tình cảm hoài cổ nào đó để Việt Nam không đứng hẳn về một phe và bị lôi kéo lần nữa vào xung khắc lớn trên thế giới.