Thành phần “phản động” bây giờ là những ai?
Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023
Ngày càng nhiều “tù nhân lương tâm, “tù nhân chính trị” ở Việt Nam. Dưới con mắt của đảng và nhà nước cộng sản, thì tất cả họ đều là “thành phần phản động”. Câu hỏi là THÀNH PHẦN “PHẢN ĐỘNG” BÂY GIỜ LÀ NHỮNG AI?
Chúng ta thấy, khoảng 20, 25 năm đầu sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, những người chống lại đảng và nhà nước cộng sản, chống lại mô hình thể chế độc tài toàn trị lúc ấy đa phần là người thuộc chế độ VNCH cũ, trong đó rất nhiều người từng làm việc cho quân đội, chính quyền VNCH cho tới trí thức, văn nghệ sĩ, tu sĩ, linh mục…
Nhưng ít nhất hai mươi năm trở lại đây đa phần những người dám đứng lên chỉ trích chế độ cộng sản là ai? Là những người sinh ra và lớn lên dưới chế độ này, từng tham gia vào lực lượng quân đội của cộng sản trong những cuộc chiến tranh khác nhau, từng hoạt động trong bộ máy nhà nước cộng sản, từng là đảng viên, hay là những người không dính dáng đến đảng nhưng đang có công ăn việc làm tốt, thành đạt trong xã hội chứ không phải là những người thất bại, bất mãn. Ví dụ, những người vừa là nhà văn, nhà báo vừa là cựu chiến binh như nhà báo Bùi Tín, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ Nguyễn Đức Thạch, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà hoạt động Lê Đình Lượng…cho tới những người từng làm việc trong các cơ quan khác nhau của nhà nước cộng sản như nhà văn Phạm Thành (cựu thư ký tòa soạn Đài Tiếng Nói Việt Nam), nhà báo Trương Duy Nhất (từng làm việc cho báo Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, báo Đại Đoàn kết, văn phòng miền Trung), nhà báo thuộc loại “con nhà cách mạng nòi” như Phạm Chí Dũng, nhà báo Phạm Đoan Trang, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân… Kể không xiết.
Và mới đây kỹ sư Trần Văn Bang, người bị đưa ra xét xử ngày 12/5 về tội “tuyên truyền chống nhà nước” cũng lại xuất thân là một quân nhân tham gia cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược vào thập niên 80. Xuất ngũ, ông trở lại giảng đường đại học Thủy Lợi và tốt nghiệp với văn bằng kỹ sư.
Hoặc anh Bùi Tuấn Lâm, tức Peter Lâm Bùi, cũng sắp được đưa ra xử, là một người dân bình thường, đang êm ấm, hạnh phúc bên gia đình, không có gì phải bất mãn về bản thân hay cuộc sống.
Những quan chức cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam và toàn bộ bộ máy tuyên truyền của nhà nước luôn luôn nổ hết công suất ngày đêm tụng ca chế độ, tụng ca tài năng lãnh đạo của đảng, tụng ca cuộc sống ở “thiên đường xã hội chủ nghĩa VN” v.v… nghĩ gì trước tình trạng thành phần chỉ trích đảng, chống đảng cứ ngày càng đông, và là con cháu của chế độ này? Đáng nói hơn nữa, đảng và nhà nước cộng sản nghĩ gì khi những người như vậy bước vào tù với tâm thế bình thản, chấp nhận bản án không sợ hãi, khuất phục?
DĐTK
***
Nhà giáo PHẠM MINH HOÀNG, từ Pháp:
VIẾT CHO EM, KỸ SƯ TRẦN BANG.
Có thể nói rằng vào khoảng thời gian của những năm 2014-1016, phong trào đấu tranh cho dân chủ bắt đầu có những bước lớn mạnh nối tiếp sự ra đời của Khối 8406 cũng như sự khởi sắc trong các phong trào dân oan đòi đất. Và chính trong không khí hưng phấn đó tôi đã có dịp tiếp xúc với anh Trần văn Bang – mà anh em hay quen gọi là Trần Bang.
Hôm ấy, đang quanh quẩn trong chợ thì bà xã gọi về: ”có một số bạn bè đến thăm anh”. Thế lả tôi bỏ cả mọi việc, quýnh quáng ba chân bốn cẳng chạy về. Đối với những người còn đang sống trong cảnh giam lỏng (quản chế) mà nghe nói khách đến thăm là mừng như trẻ trông mẹ về chợ. Và cảm động hơn khi “phái đoàn” lần này là các anh chị đến từ Hà Nội. Và đó là ngày lần đầu tôi gặp Trần Bang. Tính đến ngày hôm nay có lẽ đã gần 10 năm.
Anh Bang vốn tốt nghiệp Đại học Thủy lợi loại giỏi. Theo tường thuật của bạn bè thì trường đã giữ anh ở lại giảng dạy. Ngày đó, thời bao cấp, một suất biên chế giảng dạy đại học tại thủ đô là ước mơ không tưởng của biết bao người. Nhưng anh đã từ chối, gác lại chuyện riêng, xung phong lên đường nhập ngũ, vì lúc đó đang nổ ra cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của bọn giặc Tàu ở toàn tuyến biên giới phía Bắc. Hết chiến tranh, anh xuất ngũ và xung phong vào tham gia xây dựng công trình thủy điện Trị An.
Lần thứ hai gặp lại Bang là trong một buổi tiệc ở Sàigòn. Vốn nghe nói anh là dân thủy lợi nên tôi muốn đến hỏi thăm vài chi tiết kỹ thuật. Nhưng không ngờ, điều làm tôi ngạc nhiên gần như bị thôi miên là kiến thức về chính trị của anh. Trong suốt buổi tiệc, anh say mê thuyết cho tôi về một tác phẩm đã làm anh thay đổi nhận thức về đất nước. Đó là cuốn “Nền dân trị Mỹ” (De la démocratie en Amérique) của triết gia Pháp Alexis de Tocqueville và là cuốn sách gối đầu của các sinh viên luật. Ý tưởng chính trong cuốn sách này và cũng là điểm mà anh Bang tâm đắc nhất đó là bản chất và các nguyên tắc của nền dân chủ, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của các hiệp hội tự nguyện trong nền dân chủ. Càng nói anh càng hăng, gân cổ gân trán nổi lên cuồn cuộn.
Đang “chóng mặt” về chính trị, không biết vì lý do gì Bang “lái” sang cuốn Khuyến học của Fukizawa Yukichi. “Khuyến học” đã được viết từ hơn một thế kỷ trước nhưng vẫn là tài liệu đầy chất thời sự cho những đất nước, những con người đạt đến văn minh bằng giáo dục.
– Thế em có nghĩ chủ trương viết trong những cuốn sách này có áp dụng được cho thể chế đất nước trong tương lai hay không. Tôi ngắt lời Bang. Anh hơi ngả người ra đằng sau, mắt sáng lên. Tất cả máu nóng dồn lên đầu anh và có lẽ anh chỉ chờ đợi câu hỏi này:
– Tuyệt vời. Bang nhắc lại chữ nay hai ba lần cùng với một cử chỉ khua tay quyết liệt.
Thú thật, vốn là dân kỹ thuật nên tôi mù tịt về khoa học nhân văn. Và chính điều đó làm tôi có một suy nghĩ trong đầu. Cái gì đã làm Bang thay đổi 180 độ? Đang là một kỹ sư thủy lợi với một tương lai đầy hứa hẹn, vậy mà sau khi đã tham gia chiến tranh phía Bắc, Bang đã bưóc vào một cuộc chiến khác, cuộc chiến cho dân chủ cho đất nước với bao nhiêu nghịch cảnh vây quanh. Nếu sự thay đổi đó đến từ các tác phẩm về chính trị và giáo dục thì đó là một điều tuyệt vời. Bang không chỉ đi giành lại dân chủ, tự do cho người dân mà còn chuẩn bị một con đường xây dựng một thể chế mới cho đất nước.
Nói đến nghịch cảnh vây quanh, có lẽ mọi người còn nhớ tấm hình anh bị an ninh nhà nước đánh vỡ đầu, máu chảy đầy mặt và ướt đẫm chiếc áo No-U. Hôm ấy là dịp Tập Cận Bình sang Việt Nam. Anh và một số bạn bè xuống đường lần thứ hai (lần thứ nhất ở Bến Bạch Đằng) và bị hành hung dã man tại Hồ Con Rùa. Bạn bè đưa anh vào bệnh viện 115.
Khi tôi đến phòng Cấp Cứu thì họ đã khâu bốn mũi lên trán và băng kín đầu. Hỏi thăm anh mấy câu thì thấy anh trả lời lan man lắm, nhưng chỉ có cảm giác đầu đau như búa bổ. Thường thì sau khi bị hành hung người ta không thấy đau vì không khí đang hưng phấn, nhưng sau khi băng bó thì cơn đau mới ập đến. Thỉnh thoảng anh nhăn nhó đưa tay ôm lấy chỗ mổ trên đầu, tiện tay lau nước mắt. Không biết anh khóc vì đau hay vì bị chính những người “cùng chiến tuyến” hành hung? Tôi cố gắng nhớ lại vài chi tiết để tường thuật lại cho các anh chị trong ngành Y để đánh giá tình trạng sức khỏe của Bang. Một tiếng sau, vợ anh gọi xe đưa anh về nhà.
Kể từ ngày đó, hai anh em chúng tôi sát cánh trong những lần xuống đường, trong những buổi hội thảo, trong những buổi cầu nguyện cho đất nước, cho những người nằm xuống ở cả hai miền. Và sau cùng, cũng anh và vài người bạn đến ghé thăm tôi lần chót trước ngày bị trục xuất. Hôm ấy trong lòng buồn vô hạn, chỉ biết cảm ơn Bang rồi chia tay.
Ra ngoài, thỉnh thoảng gọi điện về chúc Tết hoặc hỏi thăm em. Không khí đấu tranh lúc này khác hẳn những ngày trước. Hàng chục người bị bắt, nhiều người bị bắt lần 2, thậm chí lần 3. Tôi nghĩ giấc mơ xây dựng một nước Việt Nam như De Tocqueville vẫn luôn luôn ám ảnh anh, nhưng vào thời điểm này nó phải nhường cho một suy nghĩ khác. Suy nghĩ: “Có lẽ cũng đến phiên mình thôi”.
Thế rồi anh bị bắt. Và ngày 12/5/2023, tòa đã kết án anh cực nặng: 8 năm tù giam cộng thêm ba năm quản chế. Mức án cao nhất theo điều 117 Bộ Luật hình sự: “làm, phát tán tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước..”.
Anh ý thức được bản án sẽ rất nặng và xót xa không biết có gặp lại mẹ mình khi mãn tù. Sáng nay 12/5, trên những tấm hình chụp sau phiên tòa, ai xem cũng xé tâm can khi nhìn ảnh bà cụ bước đi không nổi, phải có người cõng. Tuy nhiên, điều còn đáng lo hơn là không biết anh em có còn gặp được nhau hay không sau suốt thời gian tù đày. Theo những tin tức từ gia đình thì hiện nay trong mình anh Bang bị khá nhiều bệnh.
Tôi còn nhớ khoảng năm 2016, có lần đi ngang qua Đại học Thủy lợi ở Hà Nội. Tôi liền gọi về cho Bang, anh tíu ta tíu tít nhắc về trường cũ. Anh huyên thuyên đến nỗi tôi không chen vào câu nào. Làm như anh chưa bao giờ quên lại ngôi trường đã đào tạo anh trở thành một kỹ sư.
Nghĩ đến đây, lòng tôi bỗng chùng xuống khi nghĩ đến rất nhiều bạn bè khác đã bỏ đi ước mơ về một cuộc sống riêng tư mà chấp nhận đi vào con đường chông gai để xây dựng một ước mơ khác cao cả hơn gấp trăm lần. Nhưng cho dù dòng đời có thay đổi đến đâu đi nữa, người ta vẫn không quên mái trường xưa.
Tôi mong ước sẽ có ngày cùng Bang quay trở về ngôi trường cũ của em. Lúc ấy anh em mình không cần phải huyên thuyên về kỷ niệm xưa, không còn phải nhắc đến De Tocqueville hay Fukizawa Yukichi, và nhất là không còn phải “ước mơ” xây dựng một thể chế dân chủ và một nền giáo dục nhân bản.
Mong mọi việc an lành đến cho em.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh từ Việt Nam:
KỸ SƯ TRẦN BANG, NGƯỜI YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH
Kỹ sư Trần Bang, cựu chiến binh chiến trường Vị Xuyên, người yêu nước cương trực, người đấu tranh cho nhân quyền không mệt mỏi, bước ra khỏi toà án trưa ngày 12/5/2023 cùng bản án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế với gương mặt bình thản và cương nghị
Kỹ sư Trần Bang, người yêu nước chân chính và dũng cảm.
Năm 16 tuổi anh tốt nghiệp cấp ba, là học sinh xuất sắc của trường cấp ba Cẩm Giàng, Hải Dương thời đó.
Mười sáu tuổi anh vào đại học, và 21 tuổi anh tốt nghiệp kỹ sư thủy lợi loại giỏi. Trường đại học Thuỷ Lợi giữ anh ở lại giảng dạy. Ngày đó, thời bao cấp, một suất biên chế giảng dạy đại học tại thủ đô là ước mơ không tưởng của biết bao người. Nhưng anh đã từ chối, gác lại chuyện riêng, xung phong lên đường nhập ngũ, vì lúc đó đang nổ ra cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của bọn giặc Tàu ở toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Nhập ngũ, anh được đưa ra tham chiến tại Lao Cai, mặt trận ác liệt ở phía Bắc. Anh trở thành người lính dũng cảm trên chiến trường.
Hết chiến tranh, anh xuất ngũ và xung phong vào tham gia xây dựng công trình thủy điện Trị An.
Rồi bọn tàu cộng lại gây hấn ở Biển Đông, bắn giết ngư dân, cắt cáp tàu thăm dò… anh là một trong những người đầu tiên xuống đường biểu tình ở Sài Gòn.
Rồi từ người đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, anh dần trở thành người đấu tranh bảo vệ dân chủ và nhân quyền.
Trong nhiều lần xuống đường, kỹ sư Trần Bang đã bị bắt vào đồn công an hoặc bị hành hung đổ máu.
Anh luôn là người đồng hành với dân oan, đồng hành với các gia đình tù nhân lương tâm, đồng hành với bạn bè trong cơn nguy khốn.
Và vì thế, anh bị bao vây, bị cô lập, bị liên tục nhận giấy triệu tập lên đồn công an. Sức khỏe đã suy yếu, nhưng anh không ngừng nghỉ đấu tranh, không ngừng nghỉ hoạt động xã hội dân sự với tâm niệm vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Thế rồi anh bị bắt. Và ngày 12/5 này anh bị đưa ra toà theo điều 117 “làm, phát tán tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước..”.
Anh có thể bị kết án từ 5 đến 12 năm tù như nhiều bạn bè của anh.
Anh là người yêu nước, anh đấu tranh để mong đất nước giàu mạnh tốt đẹp hơn. Anh không chống lại đất nước.
Mẹ Việt Nam luôn tự hào về những đứa con như anh.
Ảnh chụp kỹ sư Trần Bang bị đánh đổ máu phải đi cấp cứu trong một lần xuống đường ở Sài Gòn
***
Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Việt Nam:
GIÁ NÀO CHO SỰ TỰ DO?
Anh Bùi Tuấn Lâm tức Peter Lâm Bùi trước khi bị bắt. Nguồn: Facebook Peter Lâm Bùi |
Mấy hôm trước, tại Trạm tạm giam Công an thành phố Đà Nẵng, luật sư Lê Đình Việt và tôi có vào thăm gặp bị can Bùi Tuấn Lâm (hay còn gọi là Peter Lâm Bùi). Cùng đi để thực hiện quyền giám sát có đại diện Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng và đại diện Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng. Dù có một vài khúc mắc nho nhỏ ban đầu nhưng tôi thực sự ghi nhận, buổi thăm gặp được diễn ra thuận lợi, không bị hạn chế về thời gian. Mặc dù buổi gặp được ghi hình để phục vụ công tác giám sát nhưng chúng tôi không gặp trở ngại trong nội dung trao đổi vì các bên cùng thống nhất rằng, chẳng có gì bí mật ở đây cả. Lâm cũng ghi nhận rằng, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, Lâm không bị phân biệt đối xử; đó là sự nhân văn cần thiết và là tín hiệu tốt cho một phiên toà cởi mở hơn.
Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy Lâm là một người rất thẳng thắn, cương trực, kiên định dám làm, dám chịu. Lâm cho biết, cậu ấy đã xác định sẽ đi tù từ lâu rồi nên hoàn toàn không có gì bất ngờ về việc bị bắt giam; không chống đối lực lượng chức năng và thừa nhận mọi hành vi mà mình thực hiện, trừ việc nhận tội. Lâm cho rằng, những hành vi của mình là đúng và thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp chứ không phải là hành vi phạm tội. Lâm không đề nghị luật sư bất kỳ điều gì nhằm gỡ tội cho mình mà chỉ mong luật sư làm theo pháp luật. Hơn thế nữa, Lâm còn động viên ngược lại các luật sư là không nên quan tâm tới mức án nặng nhẹ của Lâm để tự gây thêm áp lực cho mình. Lâm cho hay “10 hay 12 năm trong tù với Lâm không phải là vấn đề”. Tôi có trao đổi với Lâm, rằng không vấn đề với cậu nhưng có thể là vấn đề với vợ con mình; nếu ra sớm hơn để phụ vợ một tay chăm sóc con có tốt hơn không? Bọn nhỏ vẫn cần có sự quan tâm của bố mà… Lâm im lặng một lát nhưng sau đó, cậu ấy vẫn bảo lưu quan điểm của mình.
Là luật sư, chúng tôi không thể đồng thuận và hùa theo suy nghĩ của thân chủ, tung hô họ lên mây xanh để rồi họ lãnh những mức án cao chót vót được. Họ đi tù, vợ con họ khổ, chúng tôi không khổ. Dù trong lòng có đồng cảm với thân chủ bao nhiêu đi nữa, chúng tôi cũng phải giữ cái đầu lạnh, giữ mình ở vị thế trung dung chứ không thể thuộc hay chạy theo cảm xúc của họ; chỉ có thế thì họ mới có thể có thời gian suy ngẫm và ra quyết định một cách độc lập. Chúng tôi biết, Lâm đã quyết là không thay đổi và giả sử có thêm thời gian để suy nghĩ thì cậu ấy vẫn thế. Chúng tôi cũng không có ý định thay đổi suy nghĩ của Lâm. Thời gian suy nghĩ đôi khi chỉ dành cho kẻ hèn như chúng ta thôi…
Phải thấy rằng, con đường Lâm đi, cách Lâm làm có thể đúng, có thể sai nhưng mơ ước của cậu ấy là không hề sai. Nếu mơ ước cậu ấy thành hiện thực, chúng ta có thể được hưởng ké thành quả; nếu Lâm sai, cậu ấy và gia đình mình phải gánh hậu quả. Chúng ta chỉ được lợi chứ không phải trả giá cho hành vi của cậu ấy. Do đó, xã hội cần có cái nhìn công bằng hơn đối với Lâm và những người như Lâm nếu muốn từng bước tiệm cận, chuyển mình qua một xã hội văn minh hơn.
Chúng ta có quyền sống hèn để mua lại sự bình yên (dù là thật hay giả tạo) cho bản thân và gia đình thì cũng đừng ném lời cay độc với những người sống khác mình vì chính họ chứ không phải chúng ta là những kẻ có thể làm cho đất nước này tốt đẹp hơn trong tương lai – cái giá họ phải trả cho sự khác biệt ấy, chắc chắn không thể quy đổi được bằng tiền.