Tháng Tư Ðen: Trận chiến sau cùng tại Quảng Tín
Chân thành cảm ơn:
Trung Tá Hoàng Phổ, Liên Đoàn Phó LĐ12 BĐQ; Thiếu Tá Hồ Văn Hạc, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 39/LĐ12 BĐQ; Đại Úy Nguyễn Trung Tín, Y sĩ Trưởng LĐ12 BĐQ; Đại Úy Trần Văn Quy, Tiểu Đoàn Phó TĐ 37/LĐ12 BĐQ; Đại Úy Trần Văn Vương, Đại Đội Trưởng ĐĐ3/37/LĐ12 BĐQ; Trung Úy Võ Văn Hiền, Đại Đội Trưởng ĐĐ2/37/LĐ12 BĐQ; Trung Úy Nguyễn Duy Tân, Đại Đội Trinh Sát TrĐ 5/SĐ 2BB; Thiếu Úy Đỗ Văn Tuấn, Đại Đội Phó ĐĐ2/TĐ2/TrĐ 5/SĐ 2BB đã góp thêm chi tiết về tình hình chiến sự và những địa danh liên quan tới các trận đánh.
Đầu tháng 3-1975
Tướng Trưởng cho lệnh rút Liên Đoàn 12 BĐQ từ Quảng Ngãi về hậu cứ tại Đà Nẵng ( thôn Phú Lộc, xã Hòa Minh ) để tái trang bị và bổ sung quân số. Đây là lần hành quân dai dẳng nhứt của Liên Đoàn, khi hành quân liên tục suốt từ đầu tháng 4/1974 trong các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín, rồi đến các quận trong địa bàn phía tây của tỉnh Quảng Nam ( phần lớn là bảo vệ quận Đức Dục trong trận tái chiếm Nông Sơn tháng 7/1974 ). Sau đó, Liên Đoàn có nhiệm vụ giữ an ninh sườn trái, khu vực đồng bằng Hà Nha thuộc quận Đại Lộc, để Nhảy Dù rồi Thủy Quân Lục Chiến rảnh tay cự địch tại Hà Nha và cao điểm 1062 vào tháng 10/1974) và cuối cùng là trở vào Quảng Ngãi từ đầu tháng giêng 1975 (bảo vệ quận Minh Long và mặt tây bắc của Tiểu Khu) cho đến sau Tết.
Một tuần trôi qua thật nhanh, nhưng cũng vừa đủ để chỉnh đốn và nhận thêm quân số bổ sung. Đây cũng là khoảng thời gian kỷ lục để Liên Đoàn nhận lại tất cả những quân nhân cơ hữu vốn đã có mặt ở Saigon, Dục Mỹ hay Vũng Tàu để học các khóa huấn luyện chuyên môn về Tiếp Liệu, Tổng Quản Trị, Truyền Tin, Quân Báo, Bộ Binh Cao Cấp và cả Viễn Thám.
Thời gian một tuần cũng vừa đủ để Liên Đoàn 12 BĐQ triệu hồi Đại Đội Trinh Sát 12 từ Dục Mỹ và những sĩ quan ưu tú của các Tiểu Đoàn được gởi đi học, trong số những vị này có Đại Úy Trần Văn Vương của Tiểu Đoàn 37 BĐQ, Đại Úy Thông thuộc Ban 4 Liên Đoàn và Đại Úy Trần Văn Quy, người chịu trách nhiệm dẫn bốn Đại Đội Trinh Sát của các Liên Đoàn BĐQ thuộc Quân Khu 1 về thụ huấn ở quân trường BĐQ tại Dục Mỹ. Ngoại trừ Đại Úy Quy chuyển qua làm Tiểu Đoàn Phó TĐ 37 BĐQ, những vị khác đều trở lại vị trí cũ của mình như trước khi được gởi đi học các khóa chuyên môn. Tuần lễ đầu tháng 3-1975 cũng là mốc thời gian khai mào cho một cuộc quyết đấu sinh tử giữa Quân Lực VNCH và bộ đội chính quy Bắc Việt, vì bỗng dưng áp lực địch gia tăng một cách trầm trọng trên toàn lãnh thổ của Quân Khu 1 và trên vùng Hoàng Triều Cương Thổ thuộc Quân Đoàn II và Quân Khu 2. Tin tức chiến sự mỗi ngày một căng thẳng suốt từ Quảng Trị đến Quảng Đức.
Ngay khi địch tung quân vào Quảng Đức ( tấn công tỉnh lỵ Gia Nghĩa, và quận Kiến Đức ) vào ngày 08-03-1975, thì Liên Đoàn 12 BĐQ đã có mặt tại vùng tiếp giáp giữa quận Thăng Bình của tỉnh Quảng Tín và quận Quế Sơn của Quảng Nam, để vừa góp phần bảo vệ khu vực phía tây bắc thị xã kiêm tỉnh lỵ Tam Kỳ, vừa cùng với Trung Đoàn 56/ SĐ3BB đề phòng địch quân dùng hành lang Hiệp Đức- Quế Sơn lấn chiếm về phía đông, tức quốc lộ 1 và ven biển.
Lúc đầu không thấy động tĩnh của địch trong vùng thung lũng Quế Sơn và phần đất giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, nhưng chiều ngày 08-03-1975, sơn pháo của địch rót đạn liên tục vào vị trí của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ đóng tại căn cứ Hương An thuộc quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Tín. Không có thiệt hại nhân mạng, nhưng kho đạn của căn cứ bị trúng một quả 122 ly làm nổ tung một số lớn đạn dược tồn trữ. Không có cách để dập tắt ngọn lửa vì đạn nổ liên tục.
Cột khói đen ngòm, nghi ngút, dựng cao trên nền mây càng làm lộ rõ mục tiêu. Hương An bị pháo kích cho đến tối, nhưng mối lo ngại nghiêng về phía Tam Kỳ vì tin tình báo cho biết toàn bộ Sư Đoàn 2 CSBV cùng với một lực lượng tăng cường gồm các Trung Đoàn biệt lập của quân khu 5 CS và cả thành phần chủ lực tỉnh cũng đã có mặt trong vùng núi của hai quận Tiên Phước và Hậu Đức của tỉnh Quảng Tín. Thêm một lần nữa, người Lính QLVNCH lại lâm vào thế bị động và chỉ biết chờ địch chọn địa thế và mục tiêu để bày cuộc chơi.
Thứ hai 10-03-1975
Tờ mờ sáng, địch đồng loạt tấn công Chi Khu Tiên Phước và Hậu Đức. Sau thời gian chừng hơn nửa năm được sống trong yên bình, người dân khốn khổ của hai quận miền núi này lại phải gồng gánh nhau tản cư và các cao điểm cũng như những căn cứ trọng yếu quanh các chi khu và dọc theo hai bên Tỉnh Lộ 533 nối Tam Kỳ- Tiên Phước, lại trở thành chiến trường đẫm máu.
Địch tung lực lượng hùng nhậu nhứt của quân khu 5 là Sư Đoàn 2 CSBV với nòng cốt là Trung Đoàn 31 và 38, cộng với Lữ Đoàn 52 cùng một tiểu đoàn đặc công tăng cường. Ngoài ra, còn có hai Trung Đoàn pháo 368, 572 cùng với Trung Đoàn cao xạ 573 và Trung Đoàn 574 thiết giáp. Tất cả mọi nỗ lực của địch đều tập trung vào chiến trường Tiên Phước – Phước Lâm (Hậu Đức) để làm bàn đạp tràn xuống đồng bằng và tiến chiếm thị xã Tam Kỳ.
Không có gì khác lạ trong ý đồ hành quân của địch. Vẫn là những màn thí quân, bất chấp phi pháo thường xuyên hỗ trợ cho các đơn vị trú phòng. Tuy nhiên, đến xế trưa cùng ngày thì tin tức chiến sự tại các vùng núi Tiên Phước đều lâm vào tình trạng nguy ngập, khi trung đoàn 38 CSBV đã bắt đầu trực xạ bằng đại bác 122 ly và 85 ly không giựt vào quận lỵ Phước An. Trong khi đó, Lữ Đoàn 52 CSBV bắt đầu xung phong tại các chốt chiến lược ở phía tây và tây nam của Chi Khu Tiên Phước là núi Tú Sơn ( căn cứ 211 ) và núi Phú Mỹ ( cao điểm 300 ).
Mặc dù được sự hỗ trợ tối đa của Không Quân (từ Đà Nẵng vào oanh kích) và của pháo binh diện địa, các đơn vị trấn thủ tại Tiên Phước và Hậu Đức vẫn bị địch tràn ngập sau gần một ngày cố thủ. Các Liên Đoàn ĐPQ 912 và 916 mở đường máu rút lui khỏi khu vực giao tranh để bảo toàn lực lượng (và sau đó đảm trách nhiệm vụ ngăn chặn địch tại phía đông của thị xã Tam Kỳ, tức bên kia quốc lộ 1, về phía biển).
Để ngăn cản bước tiến quân của địch, Trung Đoàn 5/ SĐ2 BB đang hành quân trong tỉnh Quảng Ngãi được điều động trở về Quảng Tín để giải tỏa khu vực Suối Đá, Bàn Quân và rải quân dọc theo tỉnh lộ 533, cũng như tại các cao điểm chiến lược tại tỉnh lộ 531, bên phía hữu ngạn (hướng Bắc) của sông Tam Kỳ. Cùng lúc đó Liên Đoàn 12 BĐQ nhập cuộc sau gần một năm tạm xa Quảng Tín.
Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ vào đóng chung với Tiểu Khu, còn hậu trạm thì nằm trong Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận ngay kề bên. Các Tiểu Đoàn 21BĐQ và 37BĐQ được tung ngay vào vùng đồi Đức Tân, núi Khánh Thọ Đông, núi Cấm và rải dài bên cánh phải, về hướng bắc của trung đoàn 5/ SĐ 2BB. Tiểu Đoàn 39 BĐQ án ngữ dọc theo tỉnh lộ 586 ( Kỳ Phú, Cẩm Khê, Phú An , Phú Thứ, Ngọc Nam …), trên vùng núi Dương Côn và núi Ngọc. Cao điểm 400 mét này là chốt quan sát trọng yếu, để kiểm soát toàn bộ khu vực đồng bằng phì nhiêu của phía tây bắc thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín.
Thứ ba 11/03/1975 – Thứ bảy 15/03/1975.
Trung Đoàn 5/SĐ 2 BB vừa vào vùng là chạm địch dữ dội tại khu vực Phước Lâm, Suối Đá ( tỉnh lộ 533 ) và tại Dương Lâm ( núi Yon ), núi Lân cùng các cao điểm dọc theo tỉnh lộ 531. Cuộc phản kích của các đơn vị VNCH gặp phải sức kháng cự khá mãnh liệt của địch quân. Tuy Quân Lực VNCH đang trong tình trạng khan hiếm đạn dược và quân dụng một cách trầm trọng, các đơn vị tham chiến tại Quảng Tín vẫn nhận được sự yểm trợ tối đa của pháo binh cơ hữu Sư Đoàn 2 BB và của Không Quân Đà Nẵng với những phi vụ oanh tạc bằng A-37 ngay từ ngày đầu nhập trận.
Cùng lúc đó, địch không ngớt pháo kích vào thị xã Tam Kỳ gây thương vong và thiệt hại tài sản cho nhiều người dân vô tội tại khu vực chung quanh Tiểu Khu và Bệnh Viện Quảng Tín. Cuộc chiến giằng co hầu như bất kể đêm hay ngày tại Quảng Tín, đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Tướng Ngô Quang Trưởng nên ông ra lệnh cho tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh SĐ 3BB, điều động Trung Đoàn 2/Sư Đoàn 3BB, từ Quảng Nam vào tăng cường cho mặt trận Tam Kỳ trong ngày 13/03/1974.
Như biết được kế hoạch điều binh của Quân Đoàn I, Quân Khu 5 của địch gom các lực lượng từ Quế Sơn và Hiệp Đức (gồm một tiểu đoàn chủ lực tỉnh, các tiểu đoàn biệt lập và một trung đoàn chính quy lấy từ lực lượng đang kiểm soát vùng Nông Sơn- Trung Phước) tấn công để tạo áp lực tại phía tây Thăng Bình và ngay ranh giới hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín trong hai ngày 14 và 15/3/1975.
Do đó, Trung Đoàn 2/SĐ3BB – thay vì xuống Quảng Tín để tiếp viện cho mặt trận Tam Kỳ- đã phải chuyển hướng để hành quân khẩn cấp vào khu vực thung lũng Quế Sơn và chạm địch ngay lập tức tại vùng đồng bằng trải dài giữa hai tỉnh lộ 535 (Quảng Nam) và 534 (Quảng Tín). Ngoài một tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 4/ SĐ 2BB từ Chu Lai, được tăng viện khẩn cấp cho trung đoàn 5/ SĐ2 BB, thì không còn đơn vị nào khác để tiếp ứng cho Tam Kỳ kể từ ngày 15-03-1975.
Tuy nhiên, dù phải đương đầu với một lực lượng đông gấp 3 lần về mặt quân số, các đơn vị của SĐ2 BB và LĐ12 BĐQ cũng đã oanh liệt tái chiếm và giữ vững vị trí tại các trọng điểm Suối Đá, Đức Tân, Dương Lân ( cao điểm 90, trong vùng núi Yon ) Phú Ninh, Khánh Thọ Đông và núi Dương Côn. Chiến tranh về gần làm Tam Kỳ rúng động, ngoài các trường học đã phải đóng cửa từ ngày 10/03/75 ( vì tính mạng của học sinh bị đe dọa trầm trọng khi địch pháo kích bừa bãi vào thị xã ) thì Tam Kỳ vẫn sinh hoạt bình thường trong tiếng súng lớn, nhỏ liên tục vọng về hoặc tiếng đạn pháo nổ ngay trong phố.
Chúa nhựt 16/03/1975 – Thứ năm 20/03/1975.
Để dễ dàng theo sát diễn tiến của các trận đánh và cũng để thu ngắn thời gian tiếp nhận quân nhu và đạn dược, Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 12 BĐQ dời bản doanh từ trong Tiểu Khu ra khu vực nhà ga xe lửa cũ, ở ngoại ô, phía tây bắc Tam Kỳ, còn hậu trạm của các tiểu đoàn thì được đưa vào trung tâm thị xã và đóng tại khu nhà dành cho Uỷ Ban Liên Hiệp 4 Bên trước đây. Dãy nhà này chỉ cách trường trung học công lập Trần Cao Vân- nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh tiền phương SĐ 2 BB- chừng 2, 3 khu phố. Nhịp độ giao tranh bắt đầu tăng dần từ ngày 16/03/1975 nên đã có thêm nhiều đơn vị hành chánh và công sở phải đã phải ngưng hoạt động. Không khí chiến tranh đã thật sự tràn về thị xã vốn bình yên nằm trên quốc lộ 1 bấy lâu nay, với các màu áo trận và quân xa thường xuyên qua lại nhiều hơn.
Tuy vậy, vẫn còn sinh khí trong sinh hoạt hằng ngày, nhờ hàng quán mở cửa buôn bán bình thường và các phương tiện giao thông công cộng vẫn được duy trì trên đường phố. Trong khi tình hình ở hướng đông của quốc lộ 1- tức phần lãnh thổ dọc theo ven biển- chỉ rộn lên vài cuộc chạm súng giữa du kích với các đơn vị ĐPQ và Nghĩa Quân, thì bên hướng tây và tây nam của Tam Kỳ đã xảy ra những trận giao tranh khốc liệt giữa bộ đội chính quy Bắc Việt và các đơn vị của Bộ Binh và BĐQ tại các trọng điểm Suối Đá, Đức Tân, Dương Lân, Phú Ninh ( SĐ 2BB ) Khánh Thọ đông, núi Dương Côn và núi Ngọc ( LĐ 12BĐQ )
Ý đồ của địch quân đã bộc lộ rõ ràng khi đánh tốc chiến để dứt điểm Tam Kỳ, sau khi đã làm chủ được toàn vùng phía tây ( Tiên Phước ) và tây nam ( Hậu Đức- Phước Lâm ) một tuần trước đó. Các đơn vị VNCH bị lâm vào tình trạng thiếu hụt quân số và đạn dược một cách trầm trọng. Con đường vào Chu Lai thường xuyên bị du kích của địch quấy phá dọc theo đoạn Kỳ Liên – Lý Tín nên các đoàn công voa tải đạn đã hết sức vất vả trong hành trình hầu như từng ngày.
Trong khi Trung Đoàn 5/ SĐ 2 BB và Liên Đoàn 12 BĐQ dốc hết toàn lực để chống giữ tại phòng tuyến phía tây và tây nam để bảo vệ Tam Kỳ, thì địch cũng ra sức cô lập tỉnh Quảng Tín bằng cách thường xuyên quấy rối rồi tấn công quận Lý Tín, cắt đường tiếp vận ở phía nam và gây áp lực để cầm chân Sư Đoàn 3BB và Thiết Kỵ 11 tại Thăng Bình, quận cực bắc của tỉnh Quảng Tín.
Ngày thứ sáu 21/03/1974 và thứ bảy 22/03/1975
Vào lúc rạng đông ngày 21/03/1975, địch tấn công các căn cứ 175 tại Suối Đá và tại cao điểm 375 (trên đỉnh Bàn Quân), cũng như tại núi My (cao điểm 78), Dương Lâm (cao điểm 97) và trên vùng núi Yon (nơi có căn cứ 83). Ngoài ra, trung đoàn Ba Gia của địch, được thiết giáp và 2 tiểu đoàn chủ lực tăng cường, cũng tấn công các đơn vị khác của Trung Đoàn 5/SĐ2 BB tại núi Tân Lợi, đồi Phú Ninh và khu vực núi Cốc, Núi Lân, dọc theo hành lang của tỉnh lộ 531 và con sông Tam Kỳ.
Trong khi Trung đoàn 5 vất vả chống đỡ tại phía tây nam, thì tình hình chiến sự tại phòng tuyến của Liên Đoàn 12 BĐQ ở hướng tây và tây bắc của Tam kỳ, cũng sôi động không kém. Địch mở đầu trận chiến bằng cách cho đặc công giựt sập cầu Kỳ Phú, trên tỉnh lộ 586 ở phía tây bắc Tam Kỳ đêm 21/03/1975. Sau đó, các lực lượng thuộc tỉnh đội (D72) và huyện đội Tam Kỳ (V12) đồng loạt tấn công núi Cấm, núi Kỳ Phước (cao điểm 104)
Đồng thời, địch tung lực lượng chủ lực tỉnh uy hiếp khu vực Cẩm Khê và núi An Hà, để Sư Đoàn 2 CSBV tung toàn lực tấn công phòng tuyến của các Tiểu Đoàn 21 và 37 BĐQ tại vùng đồi Đức Tân, Thạnh Đức ( Kỳ Ngọc, Kỳ Long, Kỳ An) Khánh Thọ Đông (cao điểm 110), cũng như tại tuyến đóng quân của Tiểu Đoàn 39 BĐQ trên núi Dương Côn, núi Ngọc và tại xã Kỳ Phú.
Các đơn vị tham chiến tại Quảng Tín đã cạn quân trừ bị và không còn đường tiếp ứng , vì sau khi đoàn xe phối hợp của sư đoàn 2 BB và LĐ12 BĐQ tải chuyến đạn cuối cùng từ Chu Lai về Tam Kỳ vào trưa ngày 22/03/1975, thì trung đoàn 36 của bộ đội cộng sản đã thành công trong việc tấn công và cô lập quận Lý Tín ngay đêm hôm đó, để cắt đứt quốc lộ 1 và ngăn chặn ý định tăng cường cho Tam Kỳ hai tiểu đoàn còn lại của trung đoàn 4/SĐ2 BB theo lệnh của Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, Tư Lệnh SĐ 2 BB.
Cường độ giao tranh tại Quảng Tín đã lên đến mức tử chiến trong hai ngày 21 và 22/03/1975. Báo cáo thương vong từ các nơi gọi về đã lên đến mức báo động và trong khi đó thì phi pháo cũng bị hạn chế về mặt số lượng. Chỉ riêng pháo đội (gồm 4 khẩu 105 ly) của liên đoàn 12 BĐQ vừa nhận tiếp tế ngày 22/03, thì ngay buổi tối hôm đó, đã gọi về Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn xin thêm đạn.
Bộ Tư Lệnh tiền phương của Sư Đoàn 2BB cũng rối rắm không kém, khi ban 4 của LĐ12 BĐQ vào tận bản doanh đặt trong trường trung học tỉnh lỵ (trường Trần Cao Vân), để xin thêm đạn dược và các loại tiếp liệu phẩm cần thiết. Mang tiếng là tăng phái cho sư đoàn 2BB, nhưng Phòng 4 của sư đoàn cũng rất công bằng với BĐQ trong việc phân phối đạn dược. Phải nói là cả hai đơn vị đang “đồng cam cộng khổ”, vì tiếp liệu thì như mưa rào tưới ruộng khô, mà nhu cầu chiến trường lại đang bước vào giai đoạn xả láng của một canh bạc. Thật là buồn lòng khi mọi thứ đều phải tiết kiệm, kể cả xương máu của chiến sĩ QLVNCH.
Từng đơn vị của sư đoàn 2BB và BĐQ lần lượt bể tuyến. Các căn cứ của BĐQ trên Dương Côn, núi Ngọc, Khánh Thọ cùng với vùng đồi Thạnh Đức tiếp theo nhau rơi vào tay địch quân. Dưới áp lực của cộng quân, tiểu đoàn 21 và 37 BĐQ đành rút về cố thủ tại vùng Xuân An, Chiên Đàn, Phú Trạch, còn Tiểu Đoàn 39 BĐQ thì bảo vệ mặt bắc dọc theo tỉnh lộ 586. Sư đoàn 2BB ra sức phá vòng vây, rồi lui binh từ Bàn Quân, núi Cốc, Kỳ Tân, Dương Lâm về tận Trường Xuân, Khánh Tân, sau đó tái tổ chức lại đội hình và tuyến phòng thủ tại vòng đai quanh Xuân Trung, Phú Trà, Kỳ Nghĩa là những xã, thôn, ấp phía tây nam, ngay cạnh phi trường Tam Kỳ.
Một số quân nhân bị lạc đơn vị nên đã di tản qua phòng tuyến của bạn, như trường hợp của nhiều quân nhân thuộc các toán trinh sát của Trung Đoàn 5 đã theo BĐQ rút về Chiên Đàn, Phú Trạch. Có người còn về tận thị xã Tam Kỳ trình diện ngay tại bản doanh Bộ Tư Lệnh tiền phương Sư Đoàn 2BB đặt tại trường Trung Học công lập Trần Cao Vân. Ngược lại, đã có khá nhiều chiến sĩ Biệt Động Quân từ cao điểm Charo (Khánh Thọ đông) và vùng đồi Đức Tân- sau khi tan hàng- cũng đã dạt về phía Dương Lâm và kẹt luôn tại đó với các thành phần của Tiểu Đoàn 2/5/SĐ 2BB còn đang cố thủ.
Chúa nhựt 23/03/1975
Địch bày thế trận, chọn sân chơi. Ta lâm vào thế bị động ngay từ phút đầu giao tranh. Địch chiếm đâu, giữ đó. Ta cạn láng lần hồi, nên đành quặn lòng để đất rơi vào tay địch. Dân cũng cùng đường lánh nạn. Đa số phải ở lại nơi chôn nhau cắt rốn, vì không thể theo chân của Lính, như trường hợp dân lành của vùng núi Tiên Phước- Hậu Đức đã làm trong những ngày vừa qua.
Trên đường lui quân vội vã, đã có nhiều tử sĩ phải nằm lại trên tuyến đầu.Trong giờ phút quyết liệt nhứt của chiến trận, sự di tản của toàn thể thương binh đã là một cố gắng tột cùng của các đơn vị. Việc bỏ lại xác của đồng đội các cấp tại mặt trận là việc chẳng đặng đừng. Chưa nói đến sự quyết tử của Tiểu Đoàn 2/5/ SĐ 2BB khi gọi phi pháo dập ngay trên hố chiến đấu, khi họ đã “cài răng lược” với quân địch.
Hành động anh hùng này đã chặn đứng sự di chuyển của cộng quân tại tỉnh lộ 531 và 533 trong đêm 22/03/75. Nhờ đó mà ngày hôm sau, Trung Đoàn 5 mới có cơ hội chỉnh đốn lại đội hình và dàn trận tuyến mới, chỉ cách Tam Kỳ chừng một tầm đạn hiệu quả của súng cối 61 ly (1km). Sự hy sinh nào cũng kèm theo nỗi đau lòng khôn tả. Dân không còn Lính để bảo vệ làng thôn nên đành mang danh phận “vùng giải phóng”. Lính không còn Dân thì chẳng khác gì con cá thiếu nước hay con người thiếu dưỡng khí.
Hậu phương của địch là rừng núi thâm sâu, là Trường Sơn ngút ngàn cây lá. Hậu phương của Lính là thôn trang phú túc và thành thị muôn màu. Nay thôn trang đã lọt vào tay địch, nên người Lính co về bảo vệ phố xá của phần đất tự do, bây giờ đã trở thành một ốc đảo. Tam Kỳ vẫn gượng sống từng ngày và gần như bị tê liệt hoàn toàn khi đến thứ bảy 22/03/75 thì Ty Bưu Điện Tam Kỳ cũng phải chính thức ngừng hoạt động.
Bỗng dưng tiếng súng vang trời từ hai tuần qua thưa dần rồi im hẳn vào buổi xế trưa của ngày 23/03/1975. Các đơn vị tham chiến hối hả chấn chỉnh nhân lực. Việc tái phối trí cũng như di chuyển thương binh được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp. Chỉ đáng buồn hơn hết là đạn dược đã cạn. Sau mấy ngày cao điểm vừa qua, ai cũng đau lòng vì chuyện đánh đấm mà phải dè xẻn, tính toán về mặt yểm trợ và tiếp vận.
Người Lính QLVNCH chưa bao giờ lâm vào tình trạng bi đát như lúc này. Trong khi cường độ của cuộc chiến mỗi ngày một leo thang, thì phi pháo đều bị hạn chế, vì không phải chỉ có Quảng Tín mà các đơn vị trên toàn cõi Quân Đoàn I và Quân Khu 1- từ Quảng Trị vào tới Quảng Ngãi- đều có nhu cầu yểm trợ và yểm trợ ngang nhau. Thì cũng đành tới đâu hay tới đó. Lính mà Em!
Chiến trường lắng dịu không có nghĩa là tình hình đã yên ổn. Trong hoàn cảnh của Tam Kỳ chiều nay thì câu hỏi lảng vảng trong đầu mọi người là đối phương đang toan tính những gì. Địch cũng đang gom quân chuẩn bị cho cú tấp dứt điểm, hay đang say men chiến thắng và chỉ lo vơ vét chiến lợi phẩm hoặc bận khoác lác với người dân hôm qua còn thuộc quốc gia, bây giờ đã nằm trong sự cai trị của nón cối và dép râu.
Tam Kỳ đang sinh hoạt trong tình trạng người dân đã bỏ đi quá nửa. Trên gương mặt của từng người còn ở lại là nỗi bất an mặc dù quán xá vẫn bán buôn như thường lệ. Lính vẫn còn đây, Dân chưa tuyệt vọng. Chiều nay yên lắng nhưng ngày mai sẽ ra sao?! Tam Kỳ đang hồi hộp từng giờ và không khí ngộp thở không khác gì đang ở ngay trong mắt bão.
Sự tĩnh lặng rợn người trong toàn thị xã, càng chùng xuống khi hoàng hôn gác núi. Bóng tối dày đặc hơn thường lệ vì đã có nhiều nhà trống, sân không và phố xá thưa thớt xe cộ di chuyển trên đường phố. Đêm lại về trong đặc quánh thinh không. Đêm dài nhứt của Tam Kỳ đang bắt đầu với câu hỏi rồi mai sẽ ra sao?! Câu trả lời chỉ biết dành cho định mệnh!
HUY VĂN
(Kính dâng hương linh Tử Sĩ các cấp của QL/VNCH đã hy sinh trong trận chiến sau cùng tại Quảng Tín, tháng 3/1975 )