Tháng Tư Bình Thuận và các ông tướng – Phạm Ngọc Cửu

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tháng Tư Bình Thuận và các ông tướng – Phạm Ngọc Cửu

Mồng mười tháng ba, lúc nửa đêm Tiểu Khu Bình Thuận báo động: Quân Bắc Việt với xe tăng, hỏa tiễn, pháo các loại cùng với các Sư đoàn chính quy đánh thẳng vào thị xã Ban Mê Thuột, Phi trường cùng các cứ điểm phòng thủ.

Đại tá Ngô Tấn Nghĩa, Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng qua điện thoại cho tôi tin tức, khác chăng là lần này qua giọng nói, tôi có cảm giác là tình hình rất nghiêm trọng, nên buột miệng:

-Thưa Đại tá, liệu rằng sẽ có một màn Mậu Thân khác?

-Tình hình vẫn chưa rõ ràng… nhưng có lẽ nào ??? Thôi sáng mai họp Tham Mưu chúng ta sẽ nói rõ hơn… Ông cúp máy.

Tôi không thể tiếp tục giấc ngủ như mọi lần nhận tin tức từ Đại tá Nghĩa hay từ Sĩ quan trực Trung Tâm Hành Quân chuyển lại cho biết địch đang mở cuộc tấn công vào một ấp một xã nào đó. Tôi biết sáng mai tôi sẽ làm gì từ vai trò của một Phó Tỉnh Trưởng hành chánh thời chiến. Cắm điện pha ly cà phê, ngồi vào bàn viết theo thói quen, trước mắt là tấm bản đồ lãnh thổ Bình Thuận với các dấu chấm tình hình ta và địch. Bốn năm qua, từ khi được cử vào chức vụ Thứ nhì của Tỉnh, tôi quá quen thuộc với từng vùng lãnh thổ của tỉnh kể các mật khu, trong nỗ lực bình định mang lại an vui cho đồng bào… Song song với lãnh vực an ninh, kinh tế hồi sinh, tự túc về lúa gạo, xuất tỉnh hoa màu, nông sản và lượng nước mắm hải sản gia tăng.

Nên giờ đây có tin VC tấn công vào Ban Mê Thuột hay một đô tỉnh thị nào, tôi vẫn lạc quan về tình hình Bình Thuận. Bốn năm qua, lực lượng cơ hữu Địa Phương Quân & Nghĩa Quân, cán bộ các cấp các ngành luôn ở thế chủ động, bẻ gãy mọi cuộc tấn công của Cộng Sản địa phương. Điển hình là vào ngày ngưng bắn thực thi Hiệp định Paris 1973. VC đã cùng lúc tấn công 21 vị trí chạy dài từ Nam chí Bắc của lãnh thổ, nhưng chỉ trong ngày, chúng đã trả một cái giá rất đắt từ sinh mệnh đến vũ khí, nhất là cái giá dành cho bọn giao liên, cán bộ nằm vùng.

Điều mà tôi có phần lo ngại là VC có thể mở các cuộc pháo kích vào thành phố Phan Thiết nhất là khu vực Tòa Hành Chánh &Tiểu Khu như chúng đã thực hiện trước đây. Qua khung cửa sổ, ánh sáng vàng vọt bên ngoài đủ để tôi nhìn thấy cần ăng-ten trên nóc Trung Tâm Hành Quân, thật gần với văn phòng nơi tôi làm việc. Chợt tôi nhớ tới người bạn cùng khóa Phạm Thăng Chức Phó Tỉnh Trưởng Phước Long đã mất tích khi giặc cộng tràn ngập mà sau đó không có một tin tức nào cho thấy Chức còn sống hay đã chết, thời chiến chức vụ cao ở sau bàn giấy đâu có an toàn?

Chợt câu nói: Có lẽ nào của Đại tá Nghĩa hướng đến tâm trí. Ông đã từng nói với tôi như một sự đoan chắc rằng: Nếu trên Cao nguyên Quân Đoàn II mà mất Ban Mê Thuột thì tình hình quân sự sẽ chuyển biến bất lợi cho QL/VNCH. Câu trả lời này được tôi đặt ra vào năm 1972, năm của Mùa Hè Đỏ Lửa có các trận đánh lớn từ Vùng I đến Vùng II. Đó là một buổi chiều sau giờ tan sở, tôi và ông gặp nhau để lượng giá tình hình ngay tại văn phòng của ông trước tấm bản đồ toàn bộ Quân Khu II.

-Thưa Đại tá, nếu VC chúng cần đánh chiếm một tỉnh của Quân Khu II, đặc biệt là trên Cao nguyên thì tỉnh nào chúng sẽ chọn?

-Ban Mê Thuột, sẽ là Ban Mê Thuột mà không phải là Pleiku, Kontum hay Quảng Đức! Đại tá Nghĩa đáp ngay không cần suy nghĩ.

-Tôi nghĩ phải là Pleiku vì nơi đó có Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, chiếm Pleiku có tác dụng chính trị, tâm lý cần thiết…

-Nhiều người có suy nghĩ giống anh, nhưng với tôi và một số Sĩ Quan khác có nhiều năm làm việc ở Quân Khu II, kể cả các tướng lãnh của Pháp thì câu trả lời sẽ là Ban Mê Thuột. Lý do quan trọng là địa hình, Ban Mê Thuột với các rừng cao su bạt ngàn, giáp sâu vào vùng ba biên giới, dễ dàng cho việc chuyển quân, giấu quân… Phi cơ không thám khó mà phát hiện, ngày nay quy ước cuộc chiến khác trước. Việt Cộng chúng đã đưa vào chiến trường xe tăng, pháo tầm xa, chuyển quân bằng cơ giới, tạo được yếu tố bất ngờ. Đó là chưa nói đến các cơ sở sản xuất cao su của Pháp mà các chủ đồn điền này không mấy thiện cảm với chánh phủ VNCH. Nơi đó cần thiết cho việc trú ẩn, liên lạc, tham mưu và khi đánh nhau sẽ làm trạm xá thương binh. Chưa kể đến Ban Mê Thuột, dân đông, kinh tế dồi dào… Chiếm Ban Mê Thuột, chúng sẽ mở ra các cửa ngỏ xuống vùng duyên hải mà còn hướng về Quân Khu III, miền Đông Nam Bộ.

Và rồi Ban Mê Thuột mất, mất thật sự, cuộc tái chiếm vô vọng, dẫn tới việc rút bỏ các tỉnh Cao Nguyên. Song song với tin tức thất trận, là tin di tản, cái loa của đài BBC luôn đi trước các sự kiện xảy ra, nơi chưa mất đã cho là mất hay sắp mất. Tại các trung tâm thành phố, cơ sở Cố Vấn Mỹ tuyên bố đóng cửa rút về Sài Gòn, đốt hồ sơ giấy tờ… Người Mỹ luôn dành cho người đối thoại cái nhún vai kèm theo câu thượng cấp ra lệnh muốn hiểu sao thì hiểu? Bao nhiêu năm dài trong cuộc chiến chống cộng, người Mỹ là chỗ dựa chính của miền Nam Việt Nam, từ quân trang, chiến cụ, tiền bạc trả lương… Vào lúc này họ tuyên bố rút, thêm nét lo âu trên ánh mắt mọi người.

Bình Thuận từ sau cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm 1963, chỉ có được mấy năm tương đối an bình. Từ ngày Đại tá Ngô Tấn Nghĩa được đề cử vào cuối năm 1969, làm Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng TK Bình Thuận, một tỉnh với mật khu Lê Hồng Phong và các mật khu khác của Quân Khu 6 Việt Cộng, một tỉnh mà giặc Hồ khi còn là một thanh niên cầu bơ cầu bất tìm đến qua bình phong nhà giáo dạy học kiếm cơm. Sau này khi trở thành cán bộ Cộng sản Quốc tế, đã cài cấy, đào tạo nhiều đảng viên nồng cốt cho đảng. Cho nên, Bình Thuận trước năm 1970, không có một đêm, một ngày nào an lành cho người dân. Quốc Lộ 1 xuyên tỉnh bị khống chế, có nơi chúng đặt trạm thu thuế, chận xe đò bắt giữ thanh niên, công chức, quân nhân đi công tác, đi phép. Tỉnh lộ 8 Phan Thiết, Ma Lâm, Thiện Giáo được mang tên con lộ tử thần, với mìn nổ tan nát xe lam, xe đò, không cần biết trên xe có chở đàn bà, trẻ con. Đêm đến, súng cối rót vào thành phố, ngay cả trận chiến mang tên Mậu Thân Phan Thiết cũng nhận chịu 3 lần tấn công của Cộng Sản do miền Bắc gởi vào mặc quân phục màu cỏ úa, nón cối có gắn sao vàng và chân mang giày bố thay cho dép Bình Trị Thiên, còn vũ khí thì AK 47 mới toanh. Hiếm khi nghĩa trang trong tỉnh có một ngày không có đồng bào mặc áo tang trắng tiễn đưa người thân.

Khác với các vị tiền nhiệm, Đại tá Nghĩa vốn từ Phòng 2 của Quân Đoàn II, khả năng tình báo và kinh nghiệm tích lũy từ thời làm Quận trưởng quận Hóc Môn tỉnh Gia Định trước năm 1963. Ông đã hiểu rõ ý đồ của địch và hiểu rõ cách nào để đối phó mang lại chiến thắng, mang lại an ninh cho đồng bào, không để hao máu xương chiến sĩ cán bộ ….

Đối với lính tại mỗi nơi, mỗi chỗ, ngày cũng như đêm, thân ái của tình anh em chiến hữu trong cả lúc nguy hiểm, mấy lần suýt thành cố Chuẩn tướng, đẩy mạnh công tác tình báo nhân dân, công tác địch vận. Không nhân nhượng với cơ quan dân cử, không sợ mất chức khi đưa ra quyết định lập các Ấp Tân Sinh tách dân ra khỏi địch, tát nước bắt cá… Không có dân, địch không có lương thực, không được tin tức. Tối đến mò về kiếm ăn vấp phải hàng rào mìn claymore tự động bỏ xác hàng loạt. Đại tá Nghĩa nói: Không có Giao liên, không có Mũi, chúng nó sẽ tê liệt, cái gọi là chiến tranh nhân dân sẽ bị vô hiệu…

Với nổ lực của mọi cấp mọi ngành theo con đường của Đại tá Nghĩa vạch ra, Bình Thuận đã tự lực trên chiến trường. Hậu cứ của Trung đoàn 44/SĐ/23/BB tại Sông Mao đã di chuyển đến chiến trường mới, Chi đoàn 2/8 M113 cũng đã lên Cao nguyên. Từ năm 1971, chỉ còn lực lượng Địa Phương Quân & Nghĩa Quân trách nhiệm lãnh thổ. Thỉnh thoảng Quân khu II cũng mượn Tiểu đoàn Địa Phương Quân của tỉnh tăng phái cho tỉnh bạn…

Nghị sĩ Tôn Thất Đính đã hướng dẫn một phái đoàn Thượng & Hạ Viện bằng đường bộ ra Trung, dừng lại dùng cơm trưa tại Phan Thiết. Trước đông đảo thành phần dân cử và viên chức chính quyền ông nhắc lại: Đây là cái tỉnh làm tôi đau đầu nhất khi làm Tư lệnh Quân Đoàn II. Sáng nào nghe thuyết trình thì Bình Thuận không việc này cũng chuyện khác. Đồn bót bị tấn công, cầu cống bị giật sập, xã ấp bị đốt… Chưa hết còn có các vụ biểu tình chống chính phủ… Nay thì đã đổi khác, Tôi khen ngợi Đại tá Nghĩa và Quân Cán Chính… Nhưng chính sự có mặt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong một chuyến săn thú ban đêm trên Quốc lộ 1 của nửa phần lãnh thổ Bình Thuận đã chứng minh cho ông cuộc bình định của Tỉnh thành công. Và đó cũng là lý do vì sao Đại tá Nghĩa đã ở chức vụ Tỉnh trưởng lâu dài nhất trong 19 đời Tỉnh Trưởng và không bị cơn lốc di tản cuốn đi vào đầu tháng 4/75, mặc dù sau đó cũng không thoát được số phận của ngày 18-4-1975.

Cơn lốc hung hiểm mang tên Di Tản Chiến Thuật, ngụy trang cho việc rút bỏ, tháo chạy đổ về Bình Thuận vào cuối tháng 3 đầu tháng 4-1975. Không một ai có thẩm quyền ngăn chận nó lại, Trung ương không có một chỉ thị nào, không một ông Tướng nào đến giúp cho Địa phương. Văn thư, phúc trình không một hồi âm, điện thoại viễn liên không ai bắt, thỉnh thoảng mới có người bắt máy và một cách lịch sự: Thưa, chúng tôi sẽ trình… trình với ai?! Vô vọng, một bộ máy cầm quyền thời chiến với cả triệu quân vào lúc hữu sự rơi vào tê liệt… gây nên bao cảnh chết đau chết đớn, chết tức tưởi hàng vạn chiến sĩ đồng bào.

Nói đến chiến tranh là nói đến tương quan lực lượng, địch hùng hậu hơn tất nhiên thắng thế, nhưng còn yếu tố tinh thần, lòng quyết tâm… Miền Nam phải mất trong cái thế chiến lược quyền lợi của Mỹ, nhưng ít ra cũng phải có ngoài mặt trận Xuân Lộc, Long Khánh, một hai trận khác ở Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… rửa mặt cho Quân Lực VNCH. Đằng này từng đoàn xe “nhà binh” quân lính đầy ấp, mũi súng tua tủa, hò hét, nổ súng loạn xạ cướp đường, húc xuống hố xe dân sự. Cướp đường không phải tiến ra mặt trận ngăn giặc mà trái lại để chạy trước dân. Đoàn xe quân sự di tản không chỉ có xe GMC mà có cả chiến xa M113, đại bác 105, 155 ly, loại cơ giới phòng không, cơ giới công binh chiến đấu…

Cho đến khi biết rằng, không thể nào chạy thẳng về Sài Gòn vì chốt VC dày đặc từ Bình Tuy đến Long Khánh, nên toàn bộ cơ giới, chiến cụ được gởi lại các con đường trong thị xã Phan Thiết. Những con đường được dựng lên từ thời Pháp chật hẹp khiến càng chật hẹp hơn! Để tránh trách nhiệm nòng pháo bị phá hủy, bánh xe bị bắn xẹp… khiến nhọc nhằn cho các phần vụ dọn dẹp để bình thường hóa thị xã sau khi cơn lốc đi qua, ngôi chợ, cây xăng bị đốt. Tôi ra đứng ở thềm Dinh Tỉnh Trưởng nhìn qua phố chợ, ánh lửa hừng hực bùng lên, lòng đau thắt vì cảm thấy bất lực không làm được điều gì để cứu tài sản của đồng bào. Nhưng cùng lúc đó, Thiếu tá Phạm Minh từ hầm Trung Tâm Hành Quân bước lên, thấy tôi ông ta đến gặp và nói rằng: Tôi quyết định đem lính qua chợ chữa cháy, tôi đã ra lệnh cho toán cứu hỏa bên cơ quan tiếp vận sẵn sàng xuất phát.

-Vấn đề an ninh, Thiếu tá có điều động đơn vị nào cùng có mặt? tôi nhìn hỏi Th/tá Minh trong sự lo lắng, cảm phục.

-Có! Một Đại đội thuộc Tiểu đoàn 229, ông Phó yên tâm, thôi tôi đi đây..

Th/tá Minh bước lên xe Jeep tự lái lấy, Minh bằng tuổi tôi, dân Bình Thuận, tốt nghiệp Võ Bị, đam mê nhảy đầm, thích chơi bóng tròn, chiều đến sau giờ tan sở nếu không bận công tác hay phải xuống ngủ đêm ở xã, chúng tôi gặp nhau trên sân Tennis… Tôi thích cách làm việc của Minh, đầy tinh thần trách nhiệm. Giờ đây người Sĩ quan xuất thân Trường Võ Bị, thay vì ngồi ở Trung Tâm Hành Quân, theo dõi tình hình, chuyển lệnh ra lệnh đã có cái quyết định chính mình điều động và có mặt để cứu giúp của cải đồng bào tại khu phố chợ. Cả nửa đêm về sáng, Minh đã ở đó điều động dập tắc ngọn lửa, lập chốt an toàn cùng với những người lính của TĐ 229/ĐPQ.

Trong sự mệt mỏi trước tình hình mà từ ngày ra trường chọn về Tòa Hành Chánh Bình Thuận, sau khi thụ huấn khóa 23 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức năm 1967, qua các vai trò Phó Quận Trưởng, Chánh Văn Phòng, Trưởng Ty, sau cùng bước vào chức vụ Phó Tỉnh Trưởng, chức vụ mà tôi chưa hề nghĩ đến và chưa hội đủ thâm niên ngạch trật, nhưng được đề cử để đáp ứng công cuộc bình định lãnh thổ, trong đó có nhu cầu kiện toàn cơ cấu xã ấp, xây dựng LL Nhân Dân Tự Vệ và nhất là tạo được sự kết hợp các tổ chức hạ tầng.

Năm 1971 là năm mở đầu cho tổ chức hành chánh địa phương với vai trò Hành Chánh Chiến Đấu từ Quận xuống đến các Xã Ấp cũng như từ Tỉnh xuống Quận. Tôi đã sát cánh cùng Đại tá Nghĩa bước vào các cuộc hành quân, ngủ đêm ở xã ấp, đến từng nhà có thân nhân theo VC nói chuyện “Chống Mỹ Cứu Nước”, mở ra cho họ con đường về với chính sách chiêu hồi. Nhưng phải nói rằng tôi chưa hề gặp một tình huống nào như đã xảy ra từ cuộc di tản. “Người ta rủ nhau chạy và chạy”, con đường đến là Sài Gòn, nhưng cho dù biết QL1 xuyên qua Long Khánh đã và đang có giao tranh lớn, người ta vẫn hướng về đó cho đến khi bị dội lại từ ngã ba Bình Tuy, dòng người phải quay lại và thị xã Phan Thiết gánh chịu mọi sự xảy ra.

Một số Sĩ quan cấp tá, có vị đã từng làm Tỉnh Trưởng di tản về đến Phan Thiết vào Tòa Hành Chánh gặp tôi xin giúp nhiên liệu, thức ăn vì phố xá đóng cửa, đã dành cho tôi lời khuyên ân cần:

-Tại sao ông còn ở đây? phải di tản thôi, Mỹ nó bỏ rồi, chạy đi kẻo không còn kịp… Ông là dân Hành Chánh, làm việc phải có an ninh nay tình hình xấu lắm rồi!!!

-Cám ơn quý vị, nhưng Bình Thuận chúng tôi vẫn chưa có dấu hiệu nào đến phải di tản và hiện giờ chúng tôi có rất nhiều việc phải làm, chỉ việc lo cứu trợ cho dân di tản, tìm cách để ghe đánh cá chịu cặp vào bờ chở người di tản về Vũng Tàu cũng đã là vấn đề lớn rồi, nhưng quý vị làm sao có thể về đến Sài Gòn khi trên QL1 từ Bình Tuy đến Long Khánh đầy chốt canh của VC.

-Ông Phó đừng lo điều đó, đoàn di tản chúng tôi là “liên binh chủng” có cả Công binh Chiến đấu, trọng pháo 105,155ly, chúng tôi sẽ dọn chốt dọc đường.

-Được như vậy thì quá tốt, lòng tôi không nói ra nhưng cầu mong được như vậy.

Một vị Đại tá Tỉnh trưởng khuyên tôi: Anh Phó nên lo cho mình đi là vừa và hãy khuyên anh Nghĩa vì tôi biết rằng Mỹ nó bỏ nó giao miền Nam cho Bắc Việt. Đừng tưởng bọn tôi chết nhát, 25 năm quân ngũ vào sanh ra tử mà phải chạy sao? Ông đặt tay lên vai tôi với cử chỉ thân ái.

-Cảm ơn Đại tá, nếu tình hình biến chuyển xấu, chúng tôi cũng phải lo liệu thôi, còn bây giờ…

Bây giờ đã gần 40 năm, ngồi viết lại, tôi không thể không tránh khỏi điều ngạc nhiên là tại sao chúng tôi ở lại. Chúng tôi ở lại đây không chỉ có Tỉnh Trưởng, Phó tỉnh, mà hầu hết các Trưởng Ty, Sĩ quan Trưởng Phòng đều ở lại cho đến chiều ngày 18-4-1975 mới rời khỏi nhiệm sở xuống ghe khi Quân đoàn Cộng Sản vào đến cầu Phú Long, tầm đạn pháo rất gần của xe tăng hướng về Tòa Hành Chánh & Tiểu Khu.

Như tôi có viết trong phần đầu: Không ai có thẩm quyền để bắt buộc người khác phải thi hành mệnh lệnh do Tỉnh ban ra khi cơn lốc di tản đã đến. Trong các phiên họp tham mưu, ông Tỉnh trưởng chưa hề nói đến hai chữ tử thủ và cũng chưa hề lưu ý việc rời bỏ nhiệm sở… mà chỉ nói đến công việc phải làm để cứu gỡ tình hình.

Một lần vợ tôi ở Sài Gòn qua hệ thống siêu tần số đã than thở: Anh ơi! Ở đây mấy bà đổ tội anh, cho rằng anh bắt chồng họ phải ở lại, có người còn nói rằng: Chồng bà muốn làm người hùng thì làm, còn chồng chúng tôi không thích đánh nhau, các tỉnh khác bên hành chánh đã về Sài Gòn từ lâu. Cũng may là vào các ngày chót, tôi đã gởi được một số Trưởng Ty lên phi cơ tải thương, cứu trợ về Sài Gòn, và cũng may là không có vị nào phải tử nạn vì công vụ.

Nhân đây xin viết về các vị Tướng đã đến Bình Thuận vào thời gian dầu sôi lửa bỏng của tháng 4 1975. Đầu tháng 4, trên đỉnh đồi Lầu Ông Hoàng, một ngọn đồi gắn liền cuộc tình thi sĩ bạc phận Hàn Mặc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm, nơi đây được chọn làm bản doanh Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Tỉnh. Từ đỉnh đồi, bằng mắt thường có thể nhìn bao quát lãnh thổ ba quận miền nam: Hàm Thuận, Thiện Giáo, Hải Long. Trưa ngày 1 tháng 4, trực thăng chở Tướng Nguyễn Văn Hiếu từ Quân Đoàn III đáp xuống. Tướng Hiếu đến với sứ mệnh đại diện Quân Đoàn III chuyển giao quyết định của chính phủ cho Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II, sát nhập hai tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang) và Bình Thuận (Phan Thiết) vào Quân Khu III do Tướng Nguyễn Văn Toàn làm Tư lệnh. Phi cơ trực thăng của Tướng Phạm Văn Phú đáp xuống sau đó. Khi nghe đọc công điện này, Tướng Phú rút súng ngắn đang mang theo toan tự sát, nhưng các Sĩ quan có mặt bên cạnh đã kịp thời gạt được tay và lấy khẩu súng. Mọi người có mặt sững sờ, Đại tá Nghĩa nói với Tướng Phú một câu: Trình Thiếu Tướng, mình chưa mất hết tất cả mà! Sau đó cả hai vị Tướng rời Bình Thuận bay về hướng Sài Gòn.

Sụ kiện diễn ra thật nhanh, ngoài phái đoàn của Tướng Hiếu, tôi không hiểu có ai trong số Sĩ quan có mặt biết trước việc chấm dứt chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn/Quân Khu II dành cho Tướng Phạm Văn Phú hay không? Bởi theo suy nghĩ của tôi, nếu Tướng Phú biết trước quyết định này thì có thể Tướng Phú đã chọn cho mình cách kết thúc cuộc sống hoặc tại văn phòng Bộ Tư Lệnh hay ở đâu đó theo cung cách mà các vị tướng ở chiến trường thường chọn. Cá nhân tôi, chỉ gặp Tướng Phú 2 lần tại Bình Thuận, lần đầu khi Tướng Phú đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II thay Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn. Đối với các vị Tỉnh Trưởng việc thay đổi Tư Lệnh Quân Đoàn được đặc biệt chú ý vì quyền hành thay thế nhân sự trong lãnh thổ được TT Nguyễn Văn Thiệu ủy cho rất rộng rãi. Ở cương vị chỉ huy, ai cũng muốn có người của mình, hiểu mình, hiểu công việc mà mình muốn làm, nên mới có câu: Đương sự là người của ông đó, đừng có đụng vào… Chuyện một số Tỉnh trưởng/Tiểu Khu Trưởng thường bị thay thế khi có Tư Lệnh mới.

Quân Khu II có tất cả 12 Tỉnh, Thị. Tỉnh Bình Thuận được dành cho cuộc thăm viếng thứ 12, dư luận vào thời gian này đồn đãi rằng đó là một dấu hiệu không tốt, Đại tá Nghĩa có thể được thay thế vì thời gian tại chức đã kéo dài nhiều năm so với các vị khác, đó là chưa kể đến dư luận “chạy chỗ” như một hiện tượng xảy ra trong tổ chức chính quyền. Chúng tôi tổ chức đón Tướng Phạm Văn Phú đến thăm Tỉnh không khác với các vị tiền nhiệm với đầy đủ các cấp đại diện chính quyền, cơ quan dân cử, nhân sĩ… Đáp lại lời chào mừng của Tỉnh ông nói:

-Tôi xin lỗi quý vị vì cho mãi đến hôm nay mới đến thăm gặp vì có nhiều việc khẩn cấp phải giải quyết. Còn Bình Thuận thì trước khi đi nhận nhiệm vụ, Tổng Thống có nhắc tôi: Hãy chú ý đến các Tỉnh Cao Nguyên, còn Bình Thuận nên đến thăm lấy kinh nghiệm vì anh em ở đó họ làm việc tốt lắm… Câu nói này làm mát lòng các cấp, dĩ nhiên không phải là tất cả. Riêng tôi, tôi phục Tướng Phú, cho đây không phải là câu nói màu mè, mà là câu nói thực tình của một quân nhân, Tướng lãnh dày dạn với lửa đạn chiến trường.

Riêng Tướng Nguyễn Văn Hiếu, tôi có hân hạnh gặp ông một lần tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nhân đám tang của con trai Đại tá Nghĩa hy sinh trong một phi vụ Không Ảnh vùng Bến Cát Bình Dương do hỏa tiễn SAT tầm nhiệt. Ông dành cho tôi cái bắt tay sau khi tôi thay mặt Đại tá Nghĩa đọc lời cảm tạ quan khách hiện diện. Phong thái của ông cho tôi cảm giác ông là vị tướng giỏi về tham mưu. Cả hai ông sau đó đều đi vào cõi chết, Tướng Hiếu chết ở văn phòng Tư Lệnh Quân Đoàn III với tin tức cho rằng ông bị súng cướp cò khi lau súng, còn có tin khác là ông bị giết vì liên quan đến một cuộc đảo chánh đang được móc nối. Còn Tướng Phú, ông chết đúng vào thời điểm 30-4-1975, ngày đen tối của mệnh nước khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng để nói chuyện với người anh em bên kia… Ông ngây thơ nghĩ rằng Họ là anh em, như người anh em của ông có mặt trong hàng ngũ của họ đã móc nối được ông bao che.

Nhiều lúc tôi chợt có ý nghĩ, nếu mà không có cái gạt tay, Tướng Phú chết với chính ngón tay của mình kéo cò, chết trên vùng lãnh thổ của Quân Đoàn II sẽ bi hùng biết chừng nào? Khi tôi có dịp đứng trước nơi thờ hương linh của Phật tử tại chùa Long Vân, ngôi chùa đầu tiên của Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản lập nên khi đến định cư tại Florida. Chùa đã tôn thờ di ảnh các vị tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng và Phạm Văn Phú… Nhìn khuôn mặt khắc khổ, dáng người gầy… Tôi cảm thấy thương ông, một con người của chiến trường, hạnh phúc có chăng là chiến thắng, là lo lắng cho thuộc cấp, cho gia đình tử sĩ, tôi không nghĩ niềm vui của ông là sàn nhảy, là tiệc tùng, là những lời ton hót, nịnh bợ… Ông chọn cái chết bằng những viên độc dược để đi về với những chiến hữu đã cùng ông chiến đấu trên các chiến trường từ Bắc chí Nam đã hy sinh vì tổ quốc.

Tôi cũng thầm nghĩ: Xin tất cả đừng bận tâm nhắc lại dư luận về bà Phú… Đó là nỗi khổ tâm lớn lao của những ông Tướng từ ông Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng, ông Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, vân vân và vân vân…

“Tùy anh Phó, chứ đối với tôi vào chỗ hiểm nguy chỉ là chuyện bình thường”. Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư Lệnh Quân Đoàn III đã nói với tôi những lời như vậy vào một buổi sáng của một ngày từ mồng mười đến ngày 18-4-75 mà tôi không còn nhớ rõ trên đỉnh đồi Lầu Ông Hoàng nơi đặt Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Tỉnh Tiểu Khu. Trong thời gian này, chiều đến tôi rời văn phòng lưu động đặt tại Ty Xã Hội đến Lầu Ông Hoàng ngủ đêm tại đó để tránh pháo kích và đặc công. Với một chút lãng mạn, tôi không ngủ trong hầm mà cùng với nhóm tham mưu trải Poncho nằm ngắm bầu trời đầy trăng sao cũng như nghe tiếng sóng vỗ ì ầm vào vách đá sát chân đồi.

Vì tình hình ngày một xấu đi, lúc bấy giờ Phan Rang (Ninh Thuận) là phòng tuyến chính, nếu Phan Rang mất, Bình Thuận cũng hết thuốc chữa. Dù vậy, Quân, Cán, Chính Bình Thuận còn một ngày chiến đấu một ngày thầm mong có một phép lạ hiện ra để phần đất còn lại của miền Nam VN được tồn tại. Tôi nói phép lạ vì từ đầu tháng 4 đến nay, tôi không thấy chính quyền trung ương để tâm cho một trận chiến mang tính sống còn. Duy nhất tại Bình Thuận, được tăng viện một Trung đoàn mà quân số cũng thuộc loại khiêm nhường, dàn quân trên một tuyến trống trải để chờ những Sư đoàn Chính quy của CS đang từ miền Bắc kéo vào có cả xe tăng và pháo các loại. Thương biết bao cho người lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, họ thầm lặng thi hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy, giữ đất, giữ cầu không chút nao núng, nên lực lượng CS địa phương với vài lần thăm dò đã bị giáng trả phải co cụm vào lại mật khu.

Giữ vững tinh thần binh sĩ, cấp chỉ huy là tấm gương nên Đại tá Nghĩa luôn có mặt tại 4 Quận Bắc Bình Thuận, giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận. Đêm hôm qua, ông ngủ tại quận Tuy Phong, sáng nay ông chủ tọa cuộc họp các cấp chỉ huy 4 Quận. Do đó mà tôi được lệnh ở lại trên đồi Lầu Ông Hoàng để đón Trung tướng Toàn, Tư lệnh Quân Đoàn III. Thấy ông Tướng Toàn đến sớm không báo trước, cũng chẳng có gì ngạc nhiên về sự có mặt bất ngờ này. Ông xuống trực thăng, không mang áo giáp nón sắt như thời Trung tướng Ngô Du làm Tư Lệnh, nón Béré đen của binh chủng Thiết Giáp, vũ khí là một loại súng để trình diễn, ông khoát tay không vào hầm chỉ huy để nghe thuyết trình theo lời mời của tôi.

-Được rồi! Mình đứng ở đây… Anh Phó cho tôi biết tình hình ra sao? Lính tráng, công chức có bỏ chạy nhiều không? Ông hỏi tôi một cách lơ đảng, đôi mắt sau kính đen đang hướng về các dãy núi tiếp nhau hướng Thiện Giáo, Lâm Đồng. Tôi nghĩ ông đang lượng giá tình hình, Bình Thuận không chỉ có hướng Bắc nếu Ninh Thuận bị rơi vào tay giặc mà còn từ phía Tây bởi Quảng Đức, Lâm Đồng cũng đã di tản, chúng gom lực lượng đổ xuống làm sao Bình Thuận chịu đựng nổi.

-Trình Trung tướng, vì Đại tá Nghĩa có phiên họp sáng nay tại 4 Quận Bắc Bình Thuận, tối qua Đại tá cũng đã qua đêm ở đó, Trung tướng đến thăm bất ngờ nên tôi xin phép được trình Trung tướng tình hình. Cho đến thời điểm này, tình hình an ninh lãnh thổ vẫn không có điều gì đáng quan tâm. Lực lượng ĐPQ&NQ vẫn giữ vững địa bàn hoạt động của mình, các cấp trưởng cơ quan vẫn còn tại nhiệm sở. Chúng tôi đặt trọng tâm việc cứu trợ đồng bào các nơi di tản về đây mà không thể nào đi tiếp về Sài Gòn. Trung ương đã tiếp tục chở gạo, thuốc men bằng phi cơ đến tỉnh mặc dù đôi lúc phi trường bị pháo bằng 105, 155ly. Tỉnh cũng đã được cơ quan hàng không tái lập đường bay, nhưng tỉnh phải quản lý vì tư nhân không dám làm.

-Tại sao? Ông cắt ngang lời tôi.

-Trình Trung tướng, khó khăn điều hành vì có một số quân nhân vô kỷ luật đòi lên máy bay mà chưa có vé hay không chịu mua vé… Họ dùng vũ khí uy hiếp viên chức hành chánh đặc trách chuyến bay, tôi lo sợ thời gian có mặt của cơ quan hàng không VN không lâu vì tình hình lộn xộn, như vậy chưa kể đến tầm pháo của VC.

-Tỉnh có đặt vấn đề di tản bằng đường biển hay không? Bình Thuận là xứ đánh cá, ông hỏi tiếp.

-Thưa Trung tướng, đó là ưu tiên 1, nhưng không phải dễ dàng vì vào đầu tháng 4, một số ghe đánh cá bị dí súng bắt chở họ đi về Vũng Tàu, nên các ghe đều ra xa bờ… Chúng tôi phải cử người thương lượng, trả tiền trước và sắp xếp cho đi được nhiều đợt. Khả năng của Tỉnh giới hạn, nếu không giải tỏa được, tình hình sẽ khó khăn thêm…

-Tốt! Tốt! Các anh làm việc như vậy là tốt lắm, nhưng dân chúng tinh thần của họ như thế nào?

-Trình Trung tướng, Dĩ nhiên không ai mà không bị ảnh hưởng do đoàn di tản có mặt, nhưng người dân Bình Thuận họ đã đối mặt lâu dài với chiến tranh, nhất là có đến 3 lần VC tấn công vào thị xã hồi Mậu Thân 1968… Trước khi đoàn di tản đổ đến, chúng tôi đã khuyến cáo đồng bào lánh ra ven đô, về Sài Gòn hay ra quận Hải Long… Quan ngại của chúng tôi là vấn đề pháo kích. Trung tướng có ý định đi thăm nơi nào không để tôi cho chuẩn bị?

-Không cần, tôi ghé lại đây không lâu, chợt ông quay mặt lại, gỡ kính đen, nhìn tôi ông nói:

-Hay mình làm một “bất ngờ”, anh cùng mình dùng xe Jeep xuống phố đi một vòng không có hộ tống, mình vào trong chợ thăm đồng bào, khi về mình ghé qua một văn phòng xã nào đó để cho họ lên tinh thần… anh thấy có được không?

Tôi thật bất ngờ trước ý kiến của ông, nhìn ông với sự ngạc nhiên cùng một chút đo lường có thật sự ông muốn như vậy hay chỉ là một ý kiến. Nhưng qua những gì mà tôi có dịp gặp gỡ các Sĩ quan của Quân Đoàn đến công tác, bỏ qua những gì thuộc về cá nhân, tất cả đều nói rằng ông có thừa uy dũng để khích lệ tinh thần người khác. Điển hình là năm 1972, tại mặt trận Kontum, sự hiện diện của ông bên cạnh binh sĩ đang đối đầu với một lực lượng VC hùng hậu về quân số và vũ khí, đã biến đổi tình hình và mang lại chiến thắng cho quân ta. Nhưng tôi không dám trả lời ngay mặc dù lòng tôi rất thích thú được cùng ông làm chuyện này. Tôi xin phép vào Trung Tâm Hành Quân xin lệnh Đại tá Nghĩa và đương nhiên phải báo động cho Tiểu đoàn 229 đang chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực thành phố.

Nhưng rồi, tôi chợt đắn đo theo thói quen trước khi có một quyết định quan trọng: Có thật sự cần thiết như vậy không? Dĩ nhiên là sự có mặt của ông Tướng Tư Lệnh quân Đoàn tại phố chợ Phan Thiết vào thời điểm này sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý người dân và Binh sĩ nếu mọi việc suông sẻ, còn như ngược lại thì sao? Nếu đó là tin tức ông Tướng Tư Lệnh quân Đoàn bị đặc công giết hay bắn bị thương thì sẽ tai hại như thế nào? Tin tức Phòng 2, Cảnh sát đặc biệt cho biết có bằng chứng về Đặc Công CS đã trà trộn trong đoàn người di tản để kích động tình hình, xúi dục quân phạm và quân nhân vô kỷ luật gây hỗn loạn. Một yếu tố khác cũng làm tôi suy nghĩ. Khổ người của ông quá cao lớn nên rất dễ làm tấm bia, cho nên tôi đã quay ra và thưa với ông về điều tôi suy nghĩ để xin ông rút lại…

Ông nhìn tôi, sau đó đặt bàn tay lên vai tôi vừa cười vừa nói:

-Tùy anh Phó Tỉnh, chứ đối với tôi vào chỗ hiểm nguy là chuyện bình thường… sau đó ông cùng các Sĩ quan lên phi cơ bay về Nam, nơi đặt bản doanh của ông, Quân Đoàn III, cánh cửa dẫn vào Sài Gòn, thủ đô của chính quyền miền Nam VN. Trách nhiệm của ông nặng nề vô cùng khi mà Vùng I Vùng II không còn… và mặt trận Long Khánh càng lúc càng khốc liệt.

*

* *

Về Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Nhảy Dù

Tôi tự hỏi: “Thời gian còn lại bao lâu nữa, tấm bản đồ này sẽ được cuốn lại”. Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Binh Chủng Nhảy Dù nói như vậy khi chúng tôi tới ngồi với nhau uống cà phê sau bữa cơm trưa dã chiến trong phòng khách của cơ quan tình báo Mỹ tại ngôi biệt thự nằm gần Trường Nam Tiểu Học Phan Thiết.

Cơm dã chiến mà chúng tôi nói đến là mỗi người một đĩa do nhóm đầu bếp của dinh Tỉnh Trưởng phụ trách. Đã từ lâu chúng tôi tránh đãi khách đến tỉnh tại hai cửa hàng ăn có tiếng tại thành phố, khách là các phái đoàn thuộc Quân Đoàn, hay các phủ bộ đến tỉnh công tác… một phần vì ngân sách, phần khác không muốn dư luận chú ý cho rằng chính quyền ăn uống đãi đằng. Mặt khác trong khi dùng bữa chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi về những công việc mà không sợ người ngoài nghe thấy.

Trong tình hình đếm từng ngày của sự chờ đợi có một giải pháp nào đó cho cuộc chiến vào giữa tháng 4 khi tuyến phòng thủ Khánh Dương trên QL 21 bị tràn ngập và Nha Trang, Khánh Hòa cùng chung số phận như các tỉnh khác của Quân Khu I và II. Phòng tuyến còn lại bây giờ là Phan Rang, Ninh Thuận, quê hương của TT Nguyễn Văn Thiệu được chỉ huy bởi Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi với danh xưng Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân đoàn III, lực lương cơ hữu là Sư đoàn 6 Không quân của Tướng Phạm Ngọc Sang, một Lữ đoàn Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Thu Lương chỉ huy, cùng với ĐPQ&NQ của Tiểu khu đã bị thương tổn về mặt tâm lý khi có cuộc di tản đổ đến.

Tôi vừa nói đến một giải pháp, đó là sự thật xảy ra trong thời gian này, chẳng lẽ cả một chế độ với trên triệu quân lại dễ dàng thua địch trong thời gian ngắn ngủi như vậy hay sao? Việt Nam cũng đã hiện diện tại Vĩ tuyến 17 thì giờ đây cũng có thể xảy ra ở một vĩ tuyến nào đó. Lúc đầu người ta nói đến ranh giới Phú Yên, sau đó thì nói đến ranh giới Ninh Thuận vì dầu sao thì đây cũng là quê hương của TT Thiệu, trong số những người tin như vậy có tôi. Cho nên từ đầu tháng tư đến giữa tháng, chúng tôi vẫn làm việc, hay nói cách khác là chạy theo công việc vì có nhiều vấn đề mang tính khẩn cấp như giải tỏa, cứu trợ… Chưa nói đến tôi được Đại tá Nghĩa giao cho 2 Tiểu đoàn Biệt Động Quân sau nhiều ngày di chuyển trong rừng của tỉnh Quảng Đức, được trực thăng bốc về phi trường Phan Thiết. Sự có mặt của họ mang lại sự yên tâm trong hoàn cảnh này.

Đã lâu rồi từ khi tôi về nhận việc tại Bình Thuận, tuy có nhiều cuộc đụng độ cấp Tiểu đoàn hoặc Trung đoàn, nhưng chưa có lần nào các đơn vị Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân hiện diện… Nhưng vào đầu tháng 4, đồng bào Bình Thuận, nhất là tại phố thị Phan Thiết rất sợ “quần áo rằn ri” Tôi lên phi trường, ở đầu phi đạo, 2 Tiểu đoàn BĐQ đóng quân tại đó. Trước mắt tôi, những người lính BĐQ quần áo tơi tả, kể cả bị đói vì nhiều ngày di chuyển trong rừng… Nhớ lại Đại tá Nghĩa: Ông Phó lo cho họ, có họ mặt phi trường đỡ lo… Tôi gọi về Ty Xã Hội, khẩn cấp mua một số thực phẩm như cá, nước mắm, trứng và gạo, trong khi chờ đợi chuyến tiếp tế gạo và bánh mì từ Sài Gòn ra… Quân trang, quân dụng công việc đó của Tiểu Khu và Bộ Tư Lệnh BĐQ lo. Tôi cũng nghĩ đến kêu gọi đồng bào bảo trợ cho 2 Tiểu đoàn kể cả việc nhờ 2 Tiểu đoàn này cắt cử một toán xuống phố tuần tra ngăn ngừa quân phạm, quân nhân vô kỷ luật như đã xảy ra đầu tháng 4. Tôi trao đổi suy nghĩ đó với hai vị Tiểu Đoàn Trưởng, cùng suýt soát lớp tuổi nên mau thông cảm.

Trở lại với Tướng Lê quang Lưỡng, khoảng sau 12 giờ, phái đoàn được Tiểu khu chở từ phi trường về thành phố, được báo tin tôi ra đứng đón ở bực thềm tòa biệt thự, phái đoàn từ sân bước lên chỉ có 12 quân nhân, nhưng tôi có cảm giác họ đang mang theo một sức mạnh của một binh chủng mà rất nhiều thanh niên mơ ước đước có mặt với màu áo này. Sức mạnh đó đang hiện diện ở tuyến đầu Phan Rang mà với tôi Phan Rang đứng được ngày nào thì Bình Thuận bớt lo ngày ấy.

Sau bữa cơm, tôi mời ông vào phòng khách uống cà phê nhân tiện thăm hỏi tình hình:

-Thưa Thiếu tướng, trong hiện tình này, liệu rằng Phan Rang có thể đứng vững được không?

-Thật là khó… để xem tôi giải thích như thế nào để ông Phó Tỉnh thấy được toàn bộ vấn đề… Lực lượng của chúng tôi là đơn vị chuyên đi chữa cháy, chỗ nào nguy ngập, chúng tôi được đưa đến đó hoặc bằng cách đánh từ ngoài vào hay áp dụng cả hai nhảy xuống ngay bên trong phòng tuyến địch… Xong việc chúng tôi đi chỗ khác, hậu cứ là chỗ dưỡng quân, bổ sung nhưng hiện nay không phải là như vậy, chúng tôi bị cắt ra nơi này một ít, chỗ khác một ít, chưa kể đến việc bảo vệ các cơ quan quan trọng. Nay thì tôi đang có một Lữ Đoàn ở Ninh Thuận, một Lữ đoàn trong tình hình cuộc chiến mà tương quan lực lượng nghiêng về địch. Tôi đến Phan Rang thăm Lữ đoàn, BTL Tiền Phương đặt tin cậy vào chúng tôi… nhưng tôi rất lo nếu không có thêm tăng viện thì Lữ đoàn rồi cũng gặp khó khăn như tại Khánh Dương với Lữ đoàn 3 chiến đấu không được Quân đoàn yểm trợ… có chăng là lời hứa với 2 Tiểu đoàn Biệt Động Quân, nhưng… Tướng Lưỡng trầm ngâm nhìn tấm bản đồ Quân Khu II trên tường, sau đó nhắc ly cà phê uống chậm rãi, quay sang nhìn tôi: – Như thế chắc ông Phó Tỉnh đã rõ…

-Thưa Thiếu tướng, như thế thì Phan Rang Ninh Thuận khó mà đứng vững, tôi nói với nỗi lo âu trong lòng.

-Ngoại trừ phép lạ, mà phép lạ không phải từ chúng ta, những kẻ thừa hành… Chúng ta được đào tạo để chiến đấu bảo vệ miền Nam, chúng ta đã và đang làm điều đó không hề tiếc xương máu của mình…

Rồi với một nụ cười trên khóe miệng, ông chỉ tay lên tấm bản đồ Bình Thuận: Nếu như hiện tình, thì thời gian còn bao lâu nữa, tấm bản đồ này được cuốn lại. Sau đó phái đoàn ra về, bắt tay từ giã ông nói:

-Cám ơn Ông Phó đã dành cho phái đoàn bữa ăn, cho tôi gởi lời thăm đến Đại tá Nghĩa, Bình Thuận có một vị Tỉnh Trưởng hết lòng với binh sĩ của mình, khi từ phi trường đến đây, Sĩ quan Phòng 3 đã ca ngợi ông… Chúc ông Phó mọi điều tốt đẹp, nếu có thời gian chúng ta sẽ gặp lại nhau…

Phái đoàn ra về, tôi vẫn còn đứng hồi lâu trên thềm tòa biệt thự, tôi chợt nhớ đến những người bạn cùng Trung đội đang thụ huấn tại quân trường Thủ Đức khóa 23. Thời gian chọn chỗ ra trường, trừ tôi biệt phái về Bộ Nội Vụ vì vốn là công chức, đa số đều mong muốn được về Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Kích Dù, Biệt Động quân… Những ngày đi phép cuối tuần sắp mãn khóa, biết mình về binh chủng nào, các bạn tôi đều dành thì giờ đi mua sắm nón, quân phục, phù hiệu… Thỉnh thoảng lấy ra ngắm hoặc khoe với nhau… Không biết cho đến giờ phút này, những người cùng Trung đội còn lại mấy người.

Rồi không chỉ có tôi mà còn có nhiều cấp chỉ huy khác bị cuốn vào công việc trước tình hình biến chuyển dồn dập. Để rồi, đến ngày 16-4-1975, như thường lệ chúng tôi lên phi trường để đón chuyến bay chở thực phẩm cứu trợ từ Sài Gòn ra. Trong khi chờ đợi, chợt thấy những chiếc trực thăng bay từ Phan Rang vào, có nhiều chiếc đáp xuống lấy xăng, có chuyến tiếp tục bay, trên phi cơ có mặt quân nhân Nhảy Dù …Chẳng lẽ, tôi chợt nhớ lời Thiếu tướng Lưỡng, một cảm giác lành lạnh sống lưng, chẳng lẽ Ninh Thuận đã tan hàng… và qua một Sĩ quan Nhảy Dù tôi biết đó là sự thật.

Tôi rời phi trường giao việc đón máy bay cứu trợ cho người khác, tôi cần thông báo tin tức này cho Đại tá Nghĩa để ông có quyết định cho cuộc diện mà tôi biết chắc rằng chỉ nội ngày mốt thôi, ngày 18-4, quân Cộng sản sẽ kéo vào lãnh thổ Bình Thuận, có thể chậm lắm là buổi chiều chúng sẽ có mặt tại Phan Thiết… Và điều đó đã xảy ra… khoảng 7 giờ tối, nhóm chúng tôi lặng lẽ rời bến bằng ghe đánh cá. Nhìn nhau lặng thinh, lồng ngực nằng nặng, từ các ống liên hợp của máy truyền tin mang theo, tiếng gọi nhau… Cấp chỉ huy vẫn lo liệu cho những đứa con của mình đang làm công việc án ngữ ở đâu đó… Đẹp biết bao tình chiến hữu, một ngọn sóng lớn đập vào thành ghe, những giọt nước lấp lánh bắn tung lên cao… Tôi đón một số giọt trên mặt mình, vị mặn của nước biển không còn thân quen như ngày nào của trên 8 năm tôi có mặt ở đây: Quê Hương Bình Thuận.

Phạm Ngọc Cửu

(Đốc sự Hành Chánh-Cựu Phó Tỉnh Trưởng Bình Thuận Tù CS 13 năm)