Tháng Tư, 1975, một ngày khứ quốc…

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tháng Tư, 1975, một ngày khứ quốc…



Sài Gòn trước năm 1975 với hình ảnh xe thổ mộ trước Hội Trường Diên Hồng bến Lê Quang Liêm. (Hình: Viên Linh cung cấp)Người ta có thể từ bỏ tất cả để ra đi, từ bỏ một gia đình là thông thường nhất, người này từ bỏ kẻ kia là chuyện hằng ngày, người hay vật bị bỏ lại tùy theo chủ quan có khi là bị trừ khử hay không.

Nhưng quê hương bị bỏ lại được gọi khác hơn: “Đất nước đã qua, đất nước những năm xưa, khứ quốc, đất nước ta đã từ bỏ.”

Kẻ khứ quốc là kẻ đã bỏ nước ra đi không bao giờ trở lại, như người viết bài này, ít nhất là cho đến bây giờ, 44 năm sau…

Những dòng này được viết ra quanh một chuyến đi khiến quê hương rồi trở thành đất nước đã qua. Tôi biết có nhiều người bỏ nước ra đi từ mấy chục năm trước chưa có dịp trở về, hy vọng một ngày về sẽ đến, hy vọng đất nước của người đó sẽ không bao giờ là mội nơi bị từ bỏ, là khứ quốc…

1.

…Anh John W. mời tôi vào văn phòng của anh, và ra hiệu cho tôi đóng cửa lại.

Khu nhà gạch kiên cố nơi đặt trụ sở hai ba cơ quan khác nhau một phía là Dinh Độc Lập, phía bên kia thời trước gọi là Sở Thú, từ khi sở thú không có đủ các loại thú quý hiếm nó đã trở thành Thảo Cầm Viên, vì có nhiều cây và có nhiều vịt trời gà qué chim ngỗng chăng?

Thời Pháp, khu đất rộng lớn ấy là trụ sở của ngự lâm quân (không rõ cấp số). Sau 1954, các tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ngự trong Dinh Độc Lập, khu đất nói trên được phân ra làm trụ sở cho nhiều cơ quan chính quyền trung ương, trong có các cơ sở tình báo, mật vụ, an ninh quân đội, và cho cả mấy đài phát thanh mật hay không mật, họ và tôi vẫn gật đầu chào nhau, thay vì trao đổi bằng ngôn ngữ, tiếng Việt của họ hay tiếng Miên tiếng Lào tiếng Thái của tôi không rành, gật đầu chào nhau là được rồi.

Tôi có dịp làm việc trong hai ba đài phát thanh hồi những năm 1960, 1970, như đài Tiếng Nói Tự Do, và một đài các thính giả Việt ít nghe nói đến, hoàn toàn mật, vì nó chỉ phát thanh ra Bắc vĩ tuyến 17… Bài vở biên tập xong, ban thực hiện trong có các xướng ngôn viên, các nghệ sĩ trình diễn tên tuổi, các kỹ thuật gia lành nghề… đầy đủ các nhân sự và phương tiện cần thiết để hoàn tất một chương trình truyền thanh đạt tiêu chuẩn cao, nhưng lại không phát thanh cho thính giả miền Nam.

Chương trình mỗi 30 phút được thu băng thu đĩa xong sẽ chuyển ra Đông Hà, từ đó thơ văn âm nhạc bình luận của Sài Gòn sẽ được phát tuyến qua sông Bến Hải, về phía Bắc vĩ tuyến 17. Nhiều khi trong trường hợp nào đó, một bài được thu vào nguyên một chiếc radio transitor, bỏ vào bao nylon, ép dán không thể thấm nước, lại nổi trên mặt nước, và được những chuyến bay thấp sát ngọn cây, thả xuống phía Bắc vĩ tuyến 17.

Hôm tôi bước vào phòng anh John W., giám đốc chương trình Nhà Số 7 – gọi thế vừa dễ hiểu lại vừa bảo mật một cách tự nhiên, ngôi nhà đó có lối ra vào mở ra đường Hồng Thập Tự. Còn nhớ  đó là một ngày trong nửa sau của Tháng Ba, 1975, anh cho tôi biết sơ qua tình hình (sự chuẩn bị di chuyển) và đưa cho tôi một mẫu đơn đánh máy, để điền vào và trao lại anh sau.

Anh cho biết, vì anh đã cho biết anh sẵn sàng “di chuyển theo đài” một khi chiến sự lan tới Sài Gòn, nên anh mới có mẫu đơn này. Anh phải trao lại cho tôi trước 5 giờ chiều nay. Và sau đó đài di chuyển tới đâu, anh và gia đình anh sẽ di chuyển tới đó.

“Trường hợp nhân viên có hai gia đình?” tôi hỏi. “Nhân viên không mang theo gia đình (vợ con) được quyền mang theo mẹ và một em gái hay chị gái để trông nom mẹ. Không ai có hai gia đình cả… (Anh nhìn thẳng và sâu vào mắt tôi) Anh chỉ mang theo một gia đình, dù gia đình anh đông tới 10 người,” anh nói.

Anh nói đúng con số nhân sự gia đình tôi, dĩ nhiên tôi chỉ có một gia đình, nhưng mười năm trước có một gia đình khác, bây giờ lại có gia đình khác, cộng lại cũ mới là gia đình mười người. Tôi nói với anh: “Tôi phải mang đi hết, kể cả gia đình cũ.”

2.

John là người Mỹ, thua tôi 10 tuổi, anh 28 và có vợ Việt người miền Nam, anh là trưởng ban chương trình phân bộ Việt Ngữ của đài. Hôm cậu em tôi vội vã rời chiếc taxi ở Sài Gòn, quên cái máy ảnh trên băng ghế sau, tính tới cảnh sát nhờ kiếm lại, anh John lắc đầu nói với chúng tôi: “Cậu định làm chuyện mò kim đáy biển.”

Tiếng Việt của John có cả ngạn ngữ, phương châm. Phân bộ Việt Ngữ của đài ngoài chúng tôi là nhân viên thường trực, còn mua bài, 5,000 một bài đọc trong 5 phút, của vài nhà văn tên tuổi (vài người thường viết trên tờ Bách Khoa). Anh John cầm bút mực đỏ sửa từng câu. Trang bài bị sửa khoảng 20 chỗ. Tôi nhìn kỹ và thấy anh sửa rất hợp lý và tôi ngậm ngùi cho một hai nhà văn đó. Như tôi biết anh còn dạy học ở một trường Anh Ngữ nổi tiếng ở Sài Gòn.

Khi biết chuyến đi có khứ mà không chắc có hồi, sự lựa chọn đau đớn không thể nói hết.

Tôi nói với anh John: “Đất nước đổi thay trong loạn lạc, đàn bà trẻ con sẽ chết đói, tôi có bổn phận đối với họ, phải mang đi hết. Trong các nhân viên, tôi mang theo gia đình 10 người tưởng là đông, không phải, có một gia đình đúng 20 người.” Anh gật đầu đồng ý.

Lúc đã ở ngoài khơi Phú Quốc đêm 29 chuyển qua ngày 30 Tháng Tư, đứng dưới cái thang dây, tôi đẩy vợ con từng người lên thang trước, mình leo lên cuối cùng ôm đứa con gái út 14 tháng trước ngực, đeo chiếc ba-lô giấy tờ riêng tư và cái phin cà phê với nắm cà phê Gió Bắc Sài Gòn sau lưng.

Một thời gian sau khi đã định cư ở Virginia, tôi tìm mãi không thấy cái ba lô đâu, hóa ra bà vợ cũ của tôi đã ném nó vào sọt rác; nhiều người thường nghĩ cái gì óng ánh mới quý giá.

Nhiều người khi đến Guam không biết con tàu vớt mình tên là gì, riêng tôi đã cố tìm đọc tên nó khi leo lên cái thang dây: American Challenger, hàng chữ bên hông tàu khá lớn. Còn nhớ giữa biển khi tôi lấy nước nóng từ máy nước trên tàu pha cà phê phin thơm lừng, bà vợ Đại Tá T. đã tới chào tôi nói, chồng bà “nghe” mùi cà phê không nhịn được, xin ông nhà báo nửa lon cà phê nóng. Tôi đã mời ông một lon riêng.

Nếu phải khai báo trên giấy tờ về chuyến đi Mỹ hồi 1975, tôi là thuyền nhân, đi thuyền từ Phú Quốc ra hải phận quốc tế và được một con tàu ngoại quốc vớt lên, gần sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Chỉ khác là chúng tôi đã chờ trên đảo đó từ ngày Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức; chúng tôi ngồi trên cỏ với chai Cointrau lấy từ cái ba lô ra lúc từ cái máy radio chạy pin, tiếng ông tổng thống tuyên bố từ chức vang lên… 

Viên Linh