Thăng trầm của truyền thông trong lịch sử Mỹ
“…Người ta đã đánh giá quá thấp nhận thức của Cử tri, tưởng là không ai biết gì, tưởng rằng một tin láo khoét cứ loan truyền ngày đêm rồi ai cũng tin là thật… nhưng không, Cử tri đã có quyết định của họ, nó sẽ được thể hiện nơi phòng phiếu…”
Tình hình trước 1954
Từ sau Thế chiến Thứ Hai, thời Tổng Thống Truman (1945-1953) tới nay đã được 75 năm. Ông thuộc đảng Dân Chủ và là Tổng Thống thứ 33 của Hoa Kỳ. Thời Truman mặc dù Thế chiến đã chấm dứt nhưng Hoa Kỳ chưa yên, vẫn phải giải quyết cuộc chiến Trung Hoa rồi sau đó sang Chiến tranh Cao Ly (1950-1953).
Quân Nhật đầu hàng đồng minh năm 1945, Hoa Kỳ đứng ra hòa giải Mao – Tưởng nhưng người Mỹ luôn bị phía CS Nga đánh lừa, họ ngấm ngầm giúp Mao Trạch Đông và cuối cùng đã nhuộm nước Tầu đỏ lòm lòm. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thủ đô là Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh. Cuối năm 1949 Tưởng Giới Thạch và khoảng 2 triệu người Quốc Dân Đảng chạy khỏi Đại lục tới đảo Đài Loan.
Dư luận Mỹ chỉ trích, lên án Tổng thống Truman đã để mất Trung Hoa vào tay Cộng Sản. Thượng nghị sĩ Joe McCarthy cho rằng việc ngăn chận CS Tầu cần phải viện trợ nhiều hơn và có lẽ phải dùng cả không lực. Người ta bắt đầu hỏi ai đã làm mất Trung Hoa? Tỷ lệ ủng hộ Truman từ 70% xuống còn 35%. Bộ trưởng ngoại giao của Truman bị coi là thằng hèn, Tướng George Marshall, bộ trưởng ngoại giao tiền nhiệm bị coi là tên phản bội.
Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Peter Beinart nói nhiều thập niên sau, Lyndon Johnson hồi đó là Thượng nghị sĩ Texas cho rằng Truman đã không tròn trách nhiệm để mất Trung Hoa, khi Johnson lên làm Tổng thống (1963) ông đã cố không đi vào vết xe đổ của quá khứ.
Ngày 29-8-1949, Nga Xô có bom nguyên tử, họ không còn sợ Mỹ và công khai gây chiến tranh Cao Ly năm 1950.
Người Mỹ hay nản chí và không có kế hoạch lâu dài như phía CS, họ nhường Đông Âu cho Nga năm 1944, 45 để nhờ Nga đánh quân Nhật, khi Thế chiến chấm dứt trong khi CS Nga lên kế hoạch chiếm nước Tầu thì họ chỉ mong được hưởng nhàn. Năm 1949 Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và năm sau bắt đầu giúp Việt Minh thành lập các sư đoàn chính qui. 304, 318, 312, 316, 320 và sư đoàn 351 vũ khí nặng. Bấy giờ người Mỹ nghĩ rằng CS đang tiến bước mạnh và nếu không ngăn chận chúng sẽ tràn ngập thế giới. (1)
Sau này năm 1985 cựu Tổng thống Nixon nói (2) Xô Viết không phải gửi quân nhưng đã thống trị được 9 nước kể từ 1974, Nixon cảm phục Liên Xô không đem quân qua, chỉ đứng ngoài giật giây mà đã chiếm được nhiều nước. Cuộc chiến tranh Quốc – Cộng 1946-1949 cho thấy Nga không đem quân vào, trong khi Mỹ đã đưa vào 50,000 quân mà vẫn thất bại.
Cựu Đại Tướng Eisenhower, Thượng nghị sĩ, Ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử Tổng Thống ngày 4/11/1952, ông đại thắng Landslide Victory với Ứng cử viên Dân Chủ Stevenson tỷ lệ 442/89, hơn đối thủ 7 triệu phiếu phổ thông, hồi ấy chỉ có 48 tiểu bang với 531 phiếu cử tri đoàn, ai được 266 phiếu Cử tri đoàn sẽ đắc cử.
Eisenhower là Tổng Thống Mỹ thứ 34, tháng 7 năm 1953 đã giải quyết được cuộc chiến Triều Tiên. Cao Ly vừa im tiếng súng thì cuộc chiến Đông Dương lại vào giai đoạn quyết liệt. Năm 1953 Mỹ gánh một nửa chiến phí Đông Dương, năm 1954 thì 78% chiến phí tại đây là của Mỹ (3)
Năm 1949 TT Truman (Dân Chủ) đã bỏ Trung Hoa và nay 1954 TT Eisenhower (Cộng Hòa ) không cứu Điện Biên Phủ, bỏ miền Bắc
Tại ĐBP, ngày giao chiến đầu tiên 13-3-1954 căn cứ Béatrice sụp đổ trước trận pháo kích dữ dội của 40 khẩu pháo. Tình hình quân sự ĐBP ngày một xấu, sau ngày 26-3-1954, khu lòng chảo chỉ còn tiếp tế tăng viện bằng thả dù quân lính cũng như lương thực, đạn dược. Địch quá mạnh, Việt Minh tập trung hầu hết lực lượng chính qui tại đây khoảng 6 sư đoàn, 63,000 ngàn chủ lực quân. Pháp cũng như Mỹ đều đã thấy nguy cơ ĐBP sẽ thất thủ, giữa năm 1953 Trung Cộng ký đình chiến Triều Tiên rồi quay về giúp Việt Minh đánh Pháp, viện trợ quân sự của họ tăng vọt.
Nay ĐBP chỉ liên lạc với hậu cần bằng máy bay trong khi không quân Pháp quá yếu, toàn chiến trường Đông Dương chỉ có khoàng 200 máy bay (4). Từ cuối tháng 3-1954, Tòa Bạch Ốc đã nghiên cứu kế hoạch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc ồ ạt với khoảng gần 100 oanh tạc cơ hạng nặng B-29, mỗi chiếc mang 9 tấn bom cùng với 400 máy bay chiến đấu hộ tống. Kế hoạch này lấy mật danh Kên Kên.
TT Eisenhower muốn hỏi ý kiến Quốc hội vì rút kinh nghiệm chính phủ Truman tham chiến tại Triều Tiên không đưa ra Quốc hội đã bị chỉ trích. Ngày thứ bẩy 3-4-1954, tám vị Trưởng khối đại diện Quốc hội được chính phủ mời tới Bộ ngoại giao để hội thảo bí mật với Bộ trưởng Foster Dulles, Tổng Tham Mưu Trưởng Radford, một số cố vấn để xin Quốc hội cho phép Hành Pháp xử dụng Không quân, Hải quân tại Đông Dương.
Cuộc tranh luận sôi nổi, ông Trưởng khối thiểu số Thượng viện Lyndon B. Johnson đòi hỏi phải có liên minh các nước. Cả tám vị dân cử cho Hành pháp biết Quốc hội ủng hộ chiến dịch “Kên Kên” dưới ba điều kiện.
1- Lập liên minh các nước tự do ở Đông nam Á, Phi Luật Tân và Liên Hiệp Anh.
2- Pháp phải nhanh trả độc lập cho các nước Đông Dương
3- Pháp phải ở lại tiếp tục chiến đấu.
Những lý do trên đã hủy hoại mọi cơ hội cứu ĐBP vì không còn đủ thời giờ đi tìm đồng minh thành lập “Mặt trận thống nhất” để được chấp thuận kế hoạch “Kên Kên” trong khi ĐBP ngày càng nguy ngập. Màn bi kịch cuối cùng là cuộc họp của Tổng Thống Eisenhower, Đô đốc TTMT Radford, một số viên chức cao cấp ngày 29-4 tại Hoa Thịnh Đốn, họ duyệt lại toàn bộ tình hình một lần nữa. TT Eisenhower quyết định không giúp Pháp, ĐBP thất thủ ngày 7-5-1954.
Hậu quả của Việc Hoa Kỳ không thực hiện được kế hoạch Kên Kên đã ám ảnh theo đuổi chính phủ Eisenhower một cách kỳ lạ ngay cả sau khi ngoại trưởng Dulles qua đời năm 1959 (5). Người Mỹ hối tiếc đã không thực hiện chiến dịch Kên Kên để cho Việt Minh, phía CS thắng lớn thay đổi cả một khúc quành lịch sử.
Trong phần kết luận cuốn ĐBP Bernard Fall nhận định ĐBP đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với Hoa Kỳ, nó cũng là thời điểm Quân đội CSVN thành hình để trở thành lực lượng CS quan trọng CS tại ĐNÁ. Sau này tình thế đã khiên Mỹ phải can thiệp vào miền nam VN những năm 1965, 1966…mà họ đã tránh hồi 1954. Hậu quả mà Mỹ đã phải gánh chịu vì tránh can thiệp ĐBP mà họ sợ sa lầy năm 1954 để rồi sau đó mười năm phải đối đầu một cuộc chiến khác đẫm máu hơn. (6)
TT Eisenhower có quyền oanh tạc cứu nguy ĐBP mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, gần đây hai nhà sử gia Logevall, Ted Morgan cũng đồng quan điểm trong hai cuốn sách lớn viết về ĐBP và cuộc chiến Đông Dương lần thứ I.
Bernard Fall nói:
“Có lẽ ngày 3-4-1954, Johnson đã làm một quyết định quan trọng đầu tiên của ông về VN mà chính ông không biết”(Hell In A Very Small Place, trang 308)
“Perhaps without realizing it, Lyndon B. Johnson, on April 3, 1954, had made his first crucial decision on Viet-nam”
Ý kiến của Thượng nghị sĩ Johnson (đòi phải lập liên minh) được bảy vị dân cử khác nghe theo, người ta coi như ông là người đã ngăn cản Hành pháp thực hiện chiến dịch Kên kên cứu nguy ĐBP.
Trong giai đoạn này, hai đảng Cộng Hòa, Dân Chủ có khuynh hướng hợp tác, và truyền thông Mỹ chưa đóng vai trò gì trong cuộc chiến, nhưng chỉ một thập niên sau tình hình hoàn toàn thay đổi.
Thập niên 60
Ngày 8-11-1960 Ứng cử viên Dân Chủ Kennedy thắng Phó TT Nixon Cộng Hòa với số phiếu Phổ thông rất sít sao (112,827) và hơn Nixon 84 phiếu Cử tri đoàn (303/219), ông là Tổng Thống Mỹ thứ 35.
Kennedy làm Tổng thống chưa hết một nhiệm kỳ thì bị ám sát ngày 22/11/1963, đúng ba tuần sau ngày đảo chính TT Ngô Đình Diệm 1/1/1963. Phó TT Johnson lên thay, là Tổng Thống thứ 36 của Hoa Kỳ. Tại cuộc bầu cử Tổng Thống 3/11/1964 Johnson Đại thắng Goldwater (Cộng Hòa) với tỷ lệ 486/52, hơn đối thủ 16 triệu phiếu Phổ thông.
Thời TT Kennedy và TT Johnson những năm đầu thập niên 60 chỉ có chiến tranh du kích vì Thủ Tướng Nga Khrushchev chủ trương sống chung hòa bình với Mỹ. Nhưng năm 1964 Khrushchevbị hạ bệ, Brezhnev lên thay, Nga đổi chính sách, chủ trương gây hấn Mỹ và tăng quân viện giúp CSBV rất nhiều. Tháng 4-1954 Việt Minh đưa hầu hết Chủ lực quân của họ vào khu lòng chảo, một cơ hội thuận lợi cho các oanh tạc cơ hạng nặng của Mỹ tiêu diệt hết các sư đoàn chính qui địch trong khi quân Pháp tại ĐBP chỉ vào khoảng 5% toàn bộ lực lượng tại Đông Dương.
Chính Johnson đã bỏ lỡ cơ hội cứu Đông Dương năm 1954 để nay 1964, 65… Việt Minh đã lớn mạnh, ông trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ phải đương đầu với một cuộc chiến lớn và đẫm máu hơn nhiều. Những năm 1964, 65, 66.. CSBV đã cho xâm nhập nhiều sư đoàn chính qui vào miền Nam khiến tình hình ngày một nguy khốn, TT Johnson phải đưa quân sang giúp VNCH từ năm 1965. Năm 1965 quân Mỹ tại miền Nam tăng lên 184,300 người, năm 1966 lên 385,300 người, năm 1967 lên 485,600 người, năm 1968 lên 536,100 người.
Theo thăm dò của viện Gallup từ 1965 cho tới tháng 11-1966, người dân ủng hộ cuộc chiến, tỷ lệ ủng hộ từ 61% tới 51%, năm 1967 tỷ lệ giảm chút ít, nhưng sang năm 1968, sau trận Mậu Thân tháng 2, tháng 3 tới cuối năm 1968 tỷ lệ giảm mạnh từ 40 tới 35%, các năm sau còn giảm nhiều hơn nữa (7). Suốt cuộc chiến tranh Đông Dương thời TT Johnson từ 1963-1968, truyền thông Mỹ nhất là các nhà làm phim chiến tranh được tự do sang miền Nam quay những cảnh máu chẩy thịt rơi về nước chiếu thoải mái. Giáo sư Marshall McLuhan, GS người Canada đã nói về Truyền thông trong chiến tranh Việt Nam như sau:
“Truyền hình đã mang những cảnh chiến tranh tàn bạo tới căn phòng khách ấm cúng. Việt Nam thua từ trong những căn phòng ấm cúng ở Hoa Kỳ chứ không phải tại mặt trận bên Việt Nam”(Vietnamwar.net- The Media: Vietnam war.)
Lần đầu tiên chính phủ cho phép truyền thông báo chí được tự do kể lại cuộc chiến mà không bị kiểm duyệt. Những hình ảnh ghê rợn đã cho người dân thấy từ đầu chí cuối mà họ chưa thấy bao giờ. Nay người ta cho rằng chính truyền thông đã khơi dậy phong trào phản chiến. Trong cuộc chiến tranh Triều tiên năm 1950 chỉ có 9% dân Mỹ có TV, nhưng đến năm 1966 số người xử dụng TV đã tăng lên 93%, người dân Mỹ theo dõi tin tức từ truyền hình hơn là từ những nguồn thông tin khác.
Theo thăm dò của viện Louis Harris thực hiện năm 1979, khoảng 60% cựu chiến binh cho rằng truyền hình không nói đúng sự thật, những bản tin về Mỹ Lai khiến quần chúng có cái nhìn xấu về người cựu chiến binh. Nhân dân khinh rẻ bọn lính chiến trở về, coi họ như bọn ác ôn giết cả trẻ con, ngay cả gia đình, bạn bè không muốn nói chuyện chiến tranh với ho, cựu chiến binh bị coi như cá mè một lứa với bọn sát nhân, xì ke, vô lại…
Theo lời kể của các phóng viên họ đã chuẩn bị trước sẽ đi quay phim ở đâu, quay những cảnh nào, quan sát cái gì, cái gì cần và không cần quay, hỏi câu gì, phỏng vấn những. Những hình ảnh, tin tức thu lượm được khi đem về Mỹ phải đem sửa chữa lại để phục vụ cho một bài tường thuật có mục đích phóng đại và bóp méo sự thật để thu hút nhiều khán thính giả, bán được nhiều tiền nếu cần bịa thêm những chuyện láo khoét để có nhiều người theo dõi. Hồi ấy có hai đài chính, nổi tiếng là CBS, NBC
Walter Cronkite giám đốc đài CBS người có uy tín nhất nước Mỹ (the most trusted man in America). Trong một chương trình đặc biệt, Cronkite phát biếu Mỹ thua trận Tết Mậu Thân 1968, cuộc chiến sai lầm, sa lầy và không lối thoát, lời tuyên bố ấy khiến Phản Chiến lên cao, Đông Dương sụp đổ.
Vụ tàn sát Mỹ Lai do trung úy Calley gây ra và vụ Đại Tá Loan bắn một tên Việt Cộng tại Chợ Lớn đã được truyền thông thổi phồng lên cho người dân thấy cuộc chiến dã man, tàn bạo. Trong khi ấy tại cố đô Huế, Việt Cộng giết bằng cán cuộc và chôn sống các nạn nhân khoảng 5,000 người thì báo chí, TV Mỹ chỉ nói sơ sài.
Thập niên 70
Cuối tháng 3-1968, TT Johnson không ra tranh cử tiếp nhiệm kỳ sau (1969-1972) vì biết sẽ chẳng có ai bỏ phiếu cho ông, Johnson nhường cho Phó TT Humphrey. Ứng cử viên Nixon (Cộng Hòa) đã xúi dục ông Thiệu không tham gia Hòa đàm Ba Lê tháng 11-1968 (có lợi cho Dân Chủ). Sau đó Nixon đắc cử, là Tổng Thống thứ 37 của Mỹ.
Dân Chủ Mỹ kết án ông Thiệu nghe lời Nixon không tham dự Hòa đàm Ba Lê tháng 11-68 khiến cho Nixon đắc cử. Chuyện này đã được GS Nguyễn Tiến Hưng kể lại trong Chương Một của cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (in 2005) và tác giả Trần Đông Phong (trang 41 tới 69) đã nói tới trong cuốn “Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng” (in 2006). Trong phim The Vietnam War năm 2017 cũng nói rõ chuyện này y như vậy. Họ nói vì TT Thiệu không tham dự hòa đàm Paris có lợi cho Dân Chủ nên Nixon đắc cử ngày 5-11-1968. TT Johnson tố cáo Nixon chơi bẩn, hai tác giả VN và phim The Vietnam war nói là nhờ đó Nixon hơn được khoảng 500 ngàn phiếu Phổ Thông. Cả hai tác giả VN và phim The Vietnam War đều nói trật lất vì ở Mỹ người ta bầu cử Tổng Thống theo Cử tri đoàn.
Nixon được 301 phiếu CTĐ trên 32 tiểu bang, Humphrey được 191 phiếu trên 13 tiểu bang và DC, Wallace (Ưcv độc lập) được 46 phiếu, trên 5 tiểu bang. Nixon thắng cử với tỷ lệ cao (56%), ông hơn đối thủ Humphrey 110 phiếu Cử Tri Đoàn. Ông Thiệu là Tổng Thống một nước nhược tiểu lại có thể ảnh hưởng tới bầu cử Tổng Thống một siêu cường, ai tin cho được?
Sở dĩ người dân không bầu cho Dân Chủ vì TT Johnson đã sa lầy trong cuộc chiến, trong khi phong trào Phản chiến lên cao ông lại áp dụng chiến tranh giới hạn (Limited war) chậm như rùa nên thua vì cuộc chiến tại đất nhà. Dân Chủ đã làm hai nhiệm kỳ (1961-1969), đã sa lầy trong cuộc chiến mà lại đòi làm ba nhiệm kỳ thì ai tin cho nổi? Người dân Mỹ đã chán ngấy đến tận cổ cuộc chiến sa lầy của Johnson nên họ tìm một đảng khác để hy vọng rút ra khỏi cuộc chiến.
Từ cuối thập niên 60 trở đi, hai đảng Cấp Tiến (Con Lừa) và Bảo Thủ (Con Voi) bắt đầu sát phạt nhau thẳng cánh khác với không khí hòa bình các thập niên trước. Truyền Thông đã đóng vai chính trong trận chiến huynh đệ tương tàn này.
Nixon vào Tòa Bạch Ốc sau khi đắc cử, theo lời Kissinger kể lại (8): Phản chiến lên cao, mới đầu đảng Dân Chủ đứng trung lập sau họ hùa theo Phong trào để chống chính phủ. Cộng Hòa giữ Hành Pháp, Dân Chủ nắm được Phản chiến và Truyền Thông.
Năm 1970 và 1971, TT Nixon giúp VNCH đưa quân sang Miên, Lào tấn công các hậu cần CSBV để làm cho địch suy yếu giúp VNCH vững mạnh, mục đích cuối cùng là Việt Nam hóa chiến tranh để rút quân về nước. Phong trào chống chiến tranh nổi dậy dữ dội hơn trước, giới trẻ nhất là sinh viên ngày càng hung dữ, bạo động diễn ra khắp nơi, có đổ máu, từ tháng 1/1969 tới tháng 2/1970 có 7,500 người bị bắt, 247 vụ đốt nhà, 426 người bị thương, 43 người chết (9)
Nixon vừa phải lo thương thuyết với CS tại bàn Hội nghị Paris, vừa yểm trợ cuộc chiến tại Đông Dương, ông cũng phải lo chống lại các cuộc biểu tình trong nước do Truyền Thông cổ võ. Đảng đối lập Dân Chủ đã kết hợp Truyền thông, Phản chiến để gây khó khăn cho Nixon. Từ 1968 tới 1972, Dân Chủ luôn chiếm ưu thế đa số 56, 57% tại Lưỡng viện Quốc hội đẩy Hành Pháp vào chỗ vô cùng khó khăn. Tháng 10/1972 Mỹ và VNCH thắng lớn trận Tổng công kích của BV trong Mùa hè đỏ lửa 1972, Hà Nội vừa đánh vừa đàm nhưng họ muốn ký sớm trước bầu cử Tổng Thống tháng 11/1972 vì sợ Nixon đắc cử sẽ khó thương thuyết hơn.
Tại cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 7-11-1972, Nixon đại thắng với số phiếu cao nhất từ xưa đến nay, sau này chỉ có Reagan mới sánh được. Ông được 520 phiếu Cử tri đoàn (96% số phiếu), hơn đối thủ McGovern 18 triệu phiếu Phổ thông, người Mỹ gọi là Lanslide Victory. Người dân dồn hết phiếu cho Nixon vì ông đã đem quân về nước gần hết, hòa được với Trung Cộng tháng 2/1972, hòa được với Nga tháng 5/1972, sắp ký được Hiệp định Paris.
TT Nixon lại gặp trở ngại lớn tại Hòa đàm Ba Lê, Hà Nội không chịu ký kết Hiệp định, họ trở mặt phá Hòa đàm vì hy vọng Quốc hội mới sẽ họp đầu tháng 1/1973 sắp tới. Quốc hội mới sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh rút quân về nước, cắt viện trợ VNCH để đổi 580 người tù binh Mỹ, lúc ấy khỏe re, khỏi cần phải ký kết Hiệp định.
Vì mơ tưởng chuyện xa vời mà BV phải ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết. Nixon và cả Kissinger đều giận điên lên, cả hai đồng ý một kế hoạch oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng bằng B-52 để buộc BV trở lại bàn Hội nghị. Cuộc oanh tạc bắt đầu ngày 19-12 tới cuối tháng mới chấm dứt, Hà Nội chịu trở lại bàn Hội Nghị sau khi đã lãnh 20,000 tấn bom. Các vị trưởng khối Quốc hội Mỹ yêu cầu Nixon phải ký sớm nếu không họ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh (10). Hiệp định Paris ký ngày 28-1-1973, CSBV vẫn được ở lại, nhiều người chế trách Nixon, Kissinger điểm này, nhưng Quốc hội bắt phải ký sớm, không cho thương thuyết vì trước sau họ cũng rút bỏ Đông Dương. Nửa năm sau sau Hiệp định Paris, Quốc Hội Dân Chủ cắt giảm viện trợ VNCH mỗi năm 50% cho tới tháng 4-1975, đạn dược, tiếp liệu chỉ còn đủ dùng trong một tháng.
Từ năm 1972, báo Washington Post bắt đầu cho đăng vụ nghe lén của TT Nixon, năm 1973, 74 thì vụ bê bối ngày càng nổ lớn. Dân Chủ nắm đa số Quốc Hội, họ lại kết hợp được Truyền Thông và Phản Chiến nên rất mạnh. Ngày 10-10-1973, Phó TT Agnew từ chức vì bị tố cáo trốn thuế, Nixon cử Gerald Ford, Trưởng khối thiểu số Hạ viện lên thay. Cuộc chiến đảng phái tàn nhẫn phũ phàng chưa từng có trong lịch sử Mỹ ngày càng nổ lớn. Ngày 8-8-1974, Nixon từ chức để khỏi bị truất phế, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một Tổng Thống từ chức. Gerald Ford kế vị Nixon trở thành Tổng thống thứ 38 của Mỹ
Mới đầu Truyền Thông tiết lộ sự việc, sau họ cổ võ bọn Phản Chiến biểu tình dữ dội, đảng Dân Chủ chỉ điều hợp các chủ lực quân. Truyền Thông có công đầu trong việc lật đổ Nixon, một ông Tổng Thống đắc cử với số phiếu cao nhất từ xưa đến nay. Sự thực vụ Watergate khiến Nixon phải ra khỏi Tòa Bạch Ốc chỉ là đảng phái đánh phá nhau. Tội nghe lén cũng chẳng có gì to tát, chính TT Johnson cũng đã cho nghe lén Nixon liên lạc với đại diện của ông tại Sài Gòn để khuyến khích ông Thiệu đừng tham gia Hòa đàm Paris có lợi cho Dân Chủ, ông Nguyễn Tiến Hưng, ông Trần Đông Phong và trên Wikipedia đều nói thế.
Nixon từ chức, trong khi tiếp liệu đạn dược của miền Nam bị cắt giảm chẳng còn bao nhiêu. Tại Quốc Hội năm 1974, Dân Chủ nắm đa sồ Hạ Viện (67%) và Thượng Viện (60%) quyết trừng trị VNCH vì năm 1968 ông Thiệu không tham gia Hòa Đàm Paris giúp cho Nixon đắc cử. Miền Nam sụp đổ cuối tháng 4-1975 vì cạn kiệt đạn dược tiếp liệu. Các dân biểu trẻ tại Quốc Hội Mỹ phát biểu cương quyết không cho người tỵ nạn Việt Nam, Đông Dương vào Mỹ.
Từ thập niên 80 tới ngày nay
TT Ford thất cử ngày 2/11/1976, Jimmy Carter, Ứng cử viên Dân Chủ thắng cử và là Tổng thống tứ 39 của Mỹ
Carter thắng với tỷ lệ bình thường, cử tri đoàn 297/240, Carter hơn Ford một triệu phiếu phổ thông. Dưới thời TT Carter kinh tế trì trệ, thất nghiệp nhiều và tăng trưởng chậm, cuối nhiệm kỳ của ông từ 1979-1981 gặp nhiều khủng hoảng chính trị như Iran bắt con tin Mỹ, năm 1979 khủng hoảng năng lượng, Xô viết xâm lăng Afghanistan…
Tại cuộc bầu cử ngày 4/11/1980 Reagan (Cộng Hòa) thắng Carter với gần 500 phiếu cử tri đoàn (489/49), hơn Carter 8 triệu phiếu phổ thông, đó là cuộc Đại Thắng Landslide Victory, Reagan trở thành Tổng Thống thứ 40 của Hoa Kỳ. Những năm cuối nhiệm kỳ của (1980) TT Carter lạm phát trung bình là 12.5% so với 4.4% của TT Reagan trong năm cuối của ông tại Tòa Bạch Ốc (1988). Tỷ lệ thất nghiệp thời Reagan giảm từ 7.5% xuống 5.4%, GDP thời Carter tăng trung bình 3.4%, thời Reagan tăng trung bình 7.4%.
Bốn năm sau, vào ngày 6/11/1984 Reagan Đại thắng Walter Mondial (Dân Chủ) với tỷ lệ 97% phiếu cử tri đoàn (525/13), hơn đối thủ 17 triệu phiếu phổ thông, Reagan thắng Landlide Victory ngang với Nixon năm 1972. Bốn năm sau, ngày 8/11/1988 Phó TT Bush cha lại Đại thắng (Landslide) Ứng cử viên Dân Chủ Micheal Dukakis với 426 phiếu Cử tri đoàn (426/111), hơn đối thủ 7 triệu phiếu, thành Tổng thống thứ 41 của Mỹ.
Cộng Hòa Đại Thắng Landslide với Dân Chủ liên tiếp 3 nhiệm kỳ, thập niên 80 là thảm bại lớn nhất của Dân Chủ từ sau Thế chiến. Năm 1974 sau khi lật đổ được Nixon, Dân Chủ hân hoan sung sướng, đã loại bỏ được một Tổng Thống đắc cử với số phiếu cao nhất từ xưa tới nay, nhưng có dè đâu thảm kịch chờ họ ngay phía trước. Lần đầu tiên kể từ sau 1945, Cấp Tiến phải chấp nhận một nhiệm kỳ và Bảo Thủ được cử tri tín nhiệm với ba nhiệm kỳ Landslide. Người dân phần nào bất mãn với việc Đàn hặc Nixon, ông có công lớn với Hoa Kỳ, đã hòa được khối CS quốc tế đem lại hòa bình lâu dài.
Tại cuộc Bầu cử Tổng Thống ngày 3/11/1992, Bill Clinton (Dân Chủ) thắng Bush cha tỷ lệ 370/168 (Cử tri đoàn), hơn Bush khoảng 5 triệu phiếu phổ thông. Clinton trở thành Tổng Thống thứ 42 của Mỹ. TT Bush cha với chính sách đối ngoại thành công chấm dứt chiến tranh lạnh, làm tan rã khối CS Liên xô, hòa bình sau cuộc chiến Vùng Vịnh nhưng kinh tế trì trệ nên thua Clinton.
TT Bill Clinton gặp hên trước sự bùng nổ của high tech, internet, kinh tế lên, tỷ lệ thất nghiệp giảm, chính ông Bush con sau này cũng được hưởng sự bùng nổ của high tech. Từ ngày Clinton nhậm chức tới hết nhiệm kỳ tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7.4 tới 1994 còn 6 chấm, khi hết nhiệm kỳ khoảng 4.2.
Clinton bị Hạ viện Luận tội ngày 19-12-1998 vì nói dối qua vụ bê bối tình dục tại tòa Bạch Ốc. Bill Clinton bị đàn hặc vì nói dối và cản trở công lý, Thượng viện tha tội cho ông ngày 12/2/1999, với tỷ lệ phiếu bầu 55/45 và lần bầu lại 50/50, rất xa số phiếu đòi hỏi 2/3 tức 67 phiếu. Thời điểm này Cộng Hòa giữ đa số tại Lưỡng viện: Hạ viện họ giữ 51% và Thượng viện 55%, tuy nhiên không đủ mạnh để được 67 phiếu Thượng Viện
TT Clinton được coi như đã làm nhục nước Mỹ với các vụ án tình dục rất bê bối Paula Jones, Lewinsky. Ông thoát tội vì người dân không muốn truất phế Tổng Thống từ sau vụ Watergate 1974, họ cho là truất phế chỉ là trò đảng phái đánh phá nhau. Cũng có người cho là Cộng Hòa không muốn truất phế Clinton vì ông chỉ còn tại chức không đầy hai năm, họ sợ Phó TT AlGore thay thế rồi làm thêm một hai nhiệm kỳ thì Cộng Hòa hết hy vọng.
Tại cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 7/11/2000 giữa Phó TT Al Gore (Dân Chủ) và Thống đốc Texas Bush con (Cộng Hòa) thật gay go, (hồi ấy cá nhân tôi bỏ phiếu cho Al Gore), có lẽ đây là cuộc bầu cử sát nút nhất từ xưa đến nay. Các tiểu bang khác đã đếm xong, chỉ còn chờ Florida, hai bên chờ 25 phiếu Cử tri đoàn, khi ấy Bush được 246 phiếu Ctđ, Gore được 266 phiếu Ctđ. Khi kết quả đếm phiếu xong Bush thắng Gore với tỷ lệ 271/266, chỉ hơn Gore có 5 phiếu, nhưng thua Al Gore hơn nửa triệu phiếu phổ thông. Bush con thắng trên 30 tiểu bang, Gore chỉ được 20 tiểu bang. Ông Bush con thành Tổng Thống thứ 43 của Mỹ.
Trước bầu cử cả năm Truyền thông đăng tin Gore hơn Bush con 6% theo thăm dò, ai cũng tưởng là Gore ăn chắc kỳ này. Dù thắng lớn, thắng nhỏ cũng là thắng, người ta giải thích là Dân Chủ đã làm hai nhiệm kỳ, Cử tri muốn cho đảng Bảo Thủ làm tiếp hai nhiệm kỳ sau đó. TT Bush con nhậm chức chưa được một năm thì bị khủng bố ngày 11/9/2001, năm 2001 ông đánh Afghanistan, hai năm sau 2003 đánh Iraq vì nghi Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt và bị sa lầy trong cuộc chiến.
Về kinh tế, TT Bush cũng gặp hên gặp khi có sự bùng nổ của high tech, internet như TT Clinton, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhiều nhưng khi kinh tế lên cao từ thời Clinton nay nó phải xuống. Gần cuối nhiệm kỳ của Bush con, kinh tế bị trì trệ Recession, hãng xưởng sa thải nhân công, chứng khoán xuống khiến mọi người đều lo sợ.
Cuộc bầu cử ngày 4/11/2008 khiến Obama, người da mầu đầu tiên trở thành Tổng Thống Mỹ, ông là Tổng Thống thứ 44. Obama (Dân Chủ) thắng McCain (Cộng Hòa) 365/173 Phiếu Cử tri đoàn, hơn McCain 9 triệu rưỡi phiếu Phổ thông. Truyền thông, TV, báo chí suốt ngày đêm quảng bá cho gà nhà Obama, ông thắng McCain dễ dàng vì người ta quá chán Cộng Hòa, TT Bush con đã sa lầy tại Iraq, suýt gây khủng hoảng kinh tế. Obama thắng là nhờ hơn 40% phiếu của cử tri da trắng, họ tin vào những lời hứa hẹn của ông.
Chứng khoán ngày một tuột dốc, tỷ lệ thất nghiệp ngày một tăng, hai năm sau khi TT Obama nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp lên gần 10 chấm, người dân biểu tình khắp nơi đòi công việc làm. Tuy mỗi năm thất nghiệp có giảm nhưng phải 8 năm nó mới xuống còn 5 chấm. Sau năm 2008, ông Bush con được xếp trong số nhưng Tổng Thống tồi tệ nhất nước Mỹ vì sa lầy tại Iraq và vì Recession. Đến năm 2014, người ta cũng xếp ông Obama trong số những Tổng Thống tồi tệ nhất Mỹ vì thất nghiệp cao và vì rút quân khỏi Iraq cuối năm 2011 khiến Issis chiếm 1/3 Iraq làm cả thế giới kinh hoàng.
Cuộc bầu cử tiếp theo đó 8/11/2016 rất gay go và tốn nhiều giấy mực nhất trong nhiều thập niên qua. Đại diện Dân Chủ là cựu Đệ nhất phu nhân Hilarry Clinton, nhà tỷ phú Donald Trump đại diện Cộng Hòa. Trong thời gian hai bên đang tranh cử, Truyền thông phe tả ngày đêm cổ võ Clinton, bà luôn dẫn đầu trước ông D. Trump 20, có khi 30 điểm, cựu TT Obama tích cực giúp đỡ dìu dắt gà nhà Clinton để Dân Chủ làm thêm một kỳ nữa. Nếu theo thăm dò Donald Trump không có cơ hội vào Tòa Bạch Ốc vì điểm thăm dò của ông thấp hơn đối thủ nhiều trong khi Clinton có tới 80%, 90% hy vọng thắng cử.
Kết quả bầu cử sau khi đếm phiếu xong nửa đêm 8/11/2016, Donald Trump thắng cử với 304 phiếu Cử tri đoàn trên 30 tiểu bang, bà Clinton được 227 phiếu Cử tri đoàn trên 20 tiểu bang. Clinton hơn Trump gần 3 triệu phiếu Phổ thông nhưng vứt vào thùng rác, không được tính tới, ai đủ 270 phiếu Cử tri đoàn là đắc cử Tổng Thống. Kết quả bầu cử năm 2016 là cái tát vào mặt Truyền thông của người dân Mỹ.
Trong khi tranh cử Truyền thông hò hét rát cổ bỏng họng, họ tưởng những bản tin TV, những bài viết có thể đổi trắng thay đen nhưng Cử tri đã có quyết định của họ. Chúng ta thấy trong diễn trình bầu cử Tổng Thống 75 năm qua, từ 1945 tới nay chỉ có một trường hợp duy nhất Dân Chủ làm một nhiệm kỳ, Cộng Hòa ba nhiệm kỳ còn lại Cấp Tiến và Bảo Thủ luân phiên nhau mỗi đảng 2 nhiệm kỳ. Lần này Dân Chủ không thể làm ba nhiệm kỳ, chưa có ai dễ tin bằng Obama, khi nghe Truyền thông thổi ống đu đủ nói Obama một vị Tổng Thống có uy tín không thua gì Reagan thì ông tin ngay. Obama tưởng rằng với cái uy tín Tổng Thống No-Jobs của ông có thể đưa Clinton vào lại Tòa Bạch Ốc. Bà Clinton đã từng là chính trị gia nhiều kinh nghiệm mà còn ngây thơ như thế thử hỏi nếu đắc cử thì làm được cái trò gì?
Mặc dù Truyền thông Mỹ đã bị ăn một cái tát nổ đom đóm mắt của Cử tri năm 2016, nay vẫn chứng nào tật ấy chết không chừa. CNN đài TV lớn nhất Mỹ hiện nay có từ năm 80 và Washington Post tờ báo lâu đời từ 1970 nay ngày đêm loan tin cho phe ta đại thắng. Như chúng ta đã thấy từ sau Thế chiến hầu hết là Cộng Hòa, Dân Chủ luân phiên nhau cầm quyền tám năm, người dân sợ độc tài nên Cộng Hòa sẽ làm hai nhiệm kỳ từ 2016 tới sau 2020, không có gì khó hiểu.
Truyền Thông thời chiến tranh VN chỉ biết có tiền, họ làm giầu trên xương máu của con người … Họ tưởng rằng những năm 1965, 66… có thể loan truyền tin tức bịp bợm khiến người dân đòi rút bỏ Đông Dương, tưởng chỉ uốn ba tấc lưỡi có thể đánh xụp được cả một cuộc chiến. Truyền Thông năm 1974 cho rằng họ có thể truất phế một ông Tổng Thống đắc cử với số phiếu cao nhất từ xưa đến nay, nhưng cái thời ấy nay đã hết rồi, nó chỉ còn để lại một tiếng vang, vang bóng một thời.
Hồi ấy Truyền thông chuyên loan truyền những bản tin lòe bịp người dân Mỹ, bịp bợm cả thế giới khiến cục diện cuộc chiến thay đổi theo ý họ, nhưng nay họ đã bị hố từ cuộc bầu cử 2016, và người dân, Cử tri chẳng bao giờ còn bàn về những tin tức, nhận định của họ.
Một điểm tồi tệ xuống dốc của Truyền thông Mỹ ngày nay là bắt chước y hệt như Việt Cộng, loan toàn tin láo khoét, ba trợn. Nay Truyền thông tỏ ra vô cùng trơ trẽn chẳng biết ngượng ngùng gì, chỉ biết tiền, quyền lực. Khi họ đi theo theo lối loan tin của VC tức là đi vào con đường chết. Một sự xấu hổ cho một siêu cường đã có tiếng là thành thật về nhiều phương diện.
Nay có những bản tin nói ông Biden hơn ông Trump 14 điểm trong khi ông ta chưa được Dân Chủ đề cử, chưa có Phó Tổng Thống, chưa có một chính sách nào… nghĩa là còn zero mà đã được thổi phồng trắng trợn như vậy. Không thấy một bài bình luận nào đề cập vấn đề này, người ta cho là chẳng đáng bàn. Vả lại nếu nói là Cấp Tiến nay có ưu thế mạnh, tại sao họ cứ đòi bầu bằng thư để dễ gian lận, đã nắm ưu thế theo thăm dò tại sao lại phải tính chuyện gian lận bầu cử ?
Cách đây khoảng 5, 6 tháng, có lần CNN, Washington Post hai cơ quan ngôn luận của Cấp Tiến than phiền về Đảng ta, họ nói nếu chúng ta không có chính sách về kinh tế, chính trị … mà chỉ chửi, đánh phá, thọc gậy bánh xe … thì cho tới 2024 chưa chắc ta đã lấy lại được Tòa Bạch Ốc. Theo Truyền Thông cánh tả thì năm 2020 coi như hy vọng của Cấp Tiến chỉ là vứt đi, mà chuyện 4 năm sau đó 2024 mới là quan trọng, có lấy lại được Tòa nhà Hành Pháp hay không mới là chuyện đáng bàn.
Người ta đã đánh giá quá thấp nhận thức của Cử tri, tưởng là không ai biết gì, tưởng rằng một tin láo khoét cứ loan truyền ngày đêm rồi ai cũng tin là thật… nhưng không, Cử tri đã có quyết định của họ, nó sẽ được thể hiện nơi phòng phiếu.
Trọng Đạt
Cước chú:
(1) Communists Win China’s War, Macrohistoory and World Time Line, Fsmitha.com.
(2) Richard Nixon, No More Vietnams trang 214
(3) The Pentagon Papers Volum 1, Chapter 2
(4) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 230
(5) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang 313
(6) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place trang trang 462.
(7) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
(8) White House Years trang 227
(9) No More Vietnams trang 126.
(10) Larry Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam, trang 200