Thân phận những giáo viên
10-3-2018
Vừa có câu chuyện đau lòng vừa tiếp tục xảy ra đối với nghề giáo. Là khoảng 600 giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng bỗng dưng bị mất việc vì nhà trường cho rằng đang thừa giáo viên.
Có người nói mất tới 200 triệu cho một suất chờ để được vào biên chế, có người lâu nhất chờ đến 10 năm mà vẫn không tìm được sự chiếu cố nào.
Tôi cần phải đặt ra các câu hỏi cho một loạt vấn đề lớn trong ngành giáo dục hiện nay.
Lý do gì mà lại có thể thừa nhiều giáo viên đến thế, mà mới chỉ ở một huyện? Và tại sao lại dùng nhiều giáo viên hợp đồng đi dạy tạo nên sự bất ổn trong công việc vì ai cũng lo mình được hay không được, tâm trí họ làm việc chủ yếu chỉ để chờ mong vào được biên chế chứ không thể để tâm vào công việc giảng dạy.
Tại sao trong ngành giáo dục vẫn còn một lượng người đi mua biên chế bằng cách bỏ ra cả đống tiền rồi chấp nhận chỉ đi dạy hợp đồng và chờ đợi, trong khi hưởng những đồng lương hết sức rẻ mạt. Chẳng lẽ giá trị người trí thức lại thấp đến thế và người ta không còn cơ hội nào khác nữa mà chỉ cố bám vào cái biên chế trong hy vọng? Họ với nhận thức và tâm lý như vậy thì làm sao có tự trọng hay trình độ để giáo dục cho những học sinh những giá trị tốt đẹp và tử tế, vì trong đầu họ chỉ có những vấn đề của bản thân họ được hiện ra với những đồng tiền, lương bổng, vị trí của chính họ.
Vấn đề là cần phải đặt ra nghi vấn là việc đào tạo sư phạm đang tràn lan và khiến cho trình độ và chất lượng giáo viên trở nên ngày càng tệ hại? Tạo ra một sự khủng hoảng lớn vì sự lộn xộn trong việc chạy đua thành tích và biên chế sau khi ra trường?
Cũng có thể thấy được rằng câu chuyện tâm lý phổ biến trong xã hội là người ta chỉ cố chăm chăm vào nhà nước bằng mọi giá chỉ để được ổn định cả đời. Và họ có thể đánh đổi bằng cách chạy chọt, lo lót (với mức khá cao) để có thể thoả mãn được một chỗ đứng như vậy. Mất tiền ăn học, hoặc được đào tạo ra chẳng lẽ họ lại chung tay vào những bất công làm xã hội vốn đã lộn xộn và tiêu cực lại thêm nhiễu nhương và tha hoá. Chính họ lại là những người thực hiện những hành động tồi tệ và góp phần làm con người và cả ngành đó trở thành những cuộc trao đổi, ngã giá. Và cuối cùng là chính họ lại là những ngừi bị gạt bỏ và nhận lấy bất công đầu tiên khi cái hệ thống tiêu cực đó phải lựa chọn sự tồn tại của nó.
Bảo sao nghề giáo ngày càng suy thoái và ít được tôn trọng từ phía người dân như vậy. Vì có nhiều người còn chấp nhận đi tiếp khách làm nhiệm vụ chính trị. Có người quỳ gối trước uy quyền. Có người đổi tình lấy biên chế. Có người dối trá để xoá trách nhiệm sau khi gây thương tích cho học sinh. Có người đánh học sinh thậm tệ. Có người dâm ô. Có người bán dâm để kiếm thêm thu nhập. Có người chăm chăm dạy thêm và tìm cách moi tiền phụ huynh, học sinh. Rồi việc chạy chọt biên chế như đang thấy chỉ để có được mức lương vài triệu đồng một tháng. Không thể bỏ quan chuyện háo danh, thành tích và bằng cấp giả hoành hành xã hội.
Giáo dục là một bộ mặt quan trọng để đánh giá trình độ, nhận thức và mức độ tử tế của một xã hội của một quốc gia. Chỉ cần nhìn vào đó là biết đất nước ấy đang trong tình trạng như thế nào.
https://baotiengdan.com/2018/03/10/than-phan-nhung-giao-vien/
1 Bình Luận
Vấn đề có tình trạng thê thảm trong nghành GD hiện nay,không phải tại thầy cô,không phải tại học sinh hay phụ huynh…mà tại cơ chế đã cố tình tạo ra như thế vì mục đích chính trị:Họ muốn ngu dân để trị!”Tác giả thử nhìn xem có bộ ngành nào ra hồn không???Ngay cả ngành luật sư của các ông cũng muốn đạp lên nhau để sống,cũng cúi đầu,cũng chạy án.cũng gạt bỏ lương tâm…Lên án người thì dể ông Luân ạ!Ông là luật sư mà viết phiếm diện quá!!!