Tham vọng thống trị lân bang của Putin trong Khủng hoảng Ukraine – Bs. Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tham vọng thống trị lân bang của Putin trong Khủng hoảng Ukraine – Bs. Mã Xái

Bình luận thời cuộc – Thứ hai, ngày 10/3/2014

1. Khủng hoảng Ukraine và việc Putin xâm chiếm Crimea

Cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên sôi sục khi Tổng Thống Nga Putin đưa quân vào Crimea. Crimea là một bán đảo trong nằm trong Biển Đen (Black Sea) trước kia thuộc các đế chế khác nhau cho đến năm 1783 Crimea được nhập vào vương quốc Nga dưới thời Hoàng hậu Catherine Đại Đế. Khi cuộc cách mạng đẫm máu Xô-viết thành công, cả Nga và Ukraine đều là thành viên của Liên Bang Xô-viết, và đến năm 1954, Đoàn Xô-viết Chủ Tịch Tối cao ban hành sắc lịnh cắt tỉnh Crimea chuyển cho CHXH Xô-viết Ukraine (quê hương của Tổng Bí Thư Kruschev lúc bấy giờ); năm 1991, khi Liên-xô sụp đổ Ukraine tách ra và tuyên bố độc lập trở thành nước Cộng Hòa Ukraine (gồm 24 tỉnh, một cộng hòa tự trị Crimea và hai thành phố có qui chế đăc biệt là Kiev và Sevastopol). Từ ngày độc lập (1991) đến nay Ukraine đã có hai cuộc cách mạng: cách mạng Cam (2004-2005) đưa Yushchenko đắc cử Tổng Thống vào vòng hai, loại được ứng cử viên thân Nga Yanukkovych; nhưng năm 2010 Yanukovych lại đắc cử Tổng Thống, nhưng chỉ ở chức vụ đến năm 2014 lại đối phó với cuộc cách mạng quần chúng vùng lên do cánh đối lập tổ chức, khiến Yanukovich sau đó phải chạy trốn sang Nga. Lúc đầu cuộc biểu tình như chỉ để phản đối Yanukovych trong việc quyết định ký hợp đồng kinh tế với Nga để được 15 tỉ đô la thay vì ký với E.U. (Liên Hiệp Âu Châu); Yanukovych có thỏa hiệp với cánh đối lập và nhóm biểu tình vào ngày 21/2/14 nhưng tình thế biến chuyển quá nhanh, và bạo lực đã xảy ra, không như cuộc Cách mạng Cam trước kia, cách mạng 2014 đã gây chết chóc gần đến số trăm. Thực tế là đa số phía Tây Ukraine ngả về với EU, về phía Đông như Crimea có khuynh hướng thân Nga; riêng bán đảo Crimea sắc tộc Nga chiếm đến gần 60%; Cộng Hòa bán tự trị Crimea có thủ đô và thành phố của chánh phủ là Simferopol nằm ở trung tâm bán đảo, có nghị viện riêng. Bán đảo Cimea nằm trên mạn bắc của Hắc Hải và Yanukovych trong lúc còn là Tổng Thống  đã gia hạn hợp đồng cho Hạm đội Hắc Hải Nga đến năm 2042.

Moscou cho cuộc cách mạng 2014 là cuộc nổi dậy bất hợp pháp do những thanh phần cực đoan và không công nhận chánh phủ lâm thời chuyển tiếp đó, và và cho rằng việc lật đổ chánh quyền vừa qua là vi phạm hiến pháp Ukraine 2004; Putin tuyên bố tiếp tục ủng hộ ông Yanukovytch là Tổng Thống hợp pháp, hợp hiến của cộng hòa Ukraine. Putin cho quân đội Nga tiến vào Crimea nói là theo lời yêu cầu của chánh phủ Crimea để bảo vệ sắc tộc Nga và những người Ukraine nói tiếng Nga cũng như quyền lợi của Nga; ông cáo buộc có nhiều người bị ngược đãi hoặc bị uy hiếp, tấn công. Cho đến ngày 28 tháng Hai  lực lương quân sự Nga đã kiểm soát các chốt quan trọng, phi trường và chiếm đống các căn cứ quân sự chánh yếu của quân đội Ukraine. Đi xa hơn quốc hội Crimea thông qua nghị quyết ủng hộ sát nhập Crimea vào Liên Bang Nga và ra thông báo dự trù mở cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng Ba (2014), để ủng hộ nghị quyết này;  liền theo là phát biểu của Chủ Tịch Thượng Viên Nga tuyên bố mgười dân Crimea có quyền quyết định tiếp tục ở lại Ukraine hay xin sáp nhập Crimea trở về với Liên Bang Nga. Tổng thống lâm thời Ukraine Olesandr Turchnyov ký sắc lịnh hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý mà Nghị Viện Crimea vừa thông qua. TT Obama ngày 06 tháng Ba cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý như vậy là hoàn toàn không hợp pháp, không phù hợp với Hiến pháp Ukraine, là vi phạm luật quốc tế. Nhưng chánh phủ thân Nga vẫn chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý.

2. Phản ứng khắp nơi về vụ khủng hoảng Ukraine

Viện dẫn bảo vệ kiều dân Nga để Putin can thiệp quân sự vào Crimea là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Ukraine; quan điểm này được phần lớn các nước trên thế giới chia sẻ. Các nhà lãnh đạo trong EU giữa các tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, khối G-7, LHQ, Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Quốc Tế của Châu Âu (OSCE), phái đoàn đại diện Quỹ Tiền Tệ quốc Tế IMF liên tục trao đổi quan điểm hoặc tới lui Ukraine cùng giới chức trong chánh phủ lâm thời mưu tìm một giải pháp ngoại giao cho vụ khủng hoảng và sớm giúp Ukraine giải quyết vấn đề kinh tế đang hồi phá sản. Bà Thủ Tướng Merkel, TT Obama đã trực tiếp điện đàm với TT Putin nhiều lần. Nhưng tới hôm nay thì quan điểm giữa Hoa Kỳ, Tây Phương với Putin vẫn còn nhiều khác biệt trong việc yêu cầu quân đội Nga rút về căn cứ, việc tách Crimea trở về với Moscou, việc bầu cử ở Ukraine, tính chính danh của chành phủ lâm thời Kiev. Cho đến ngày 08 tháng Ba, nhiều quân xa Nga vẫn còn tiến vào căn cứ gần thành phố Simferopol, và cùng ngày đoàn quan sát OSCE bị lực lượng thân Nga từ chối không cho vào Crimea, và đây là lần thứ ba. Cũng ngày hôm đó (8/03/14), Quyền Ngoại Trưởng Ukraine Andrii Deshchysia kêu gọi cho một giải pháp ngoại giao và một kết cuộc hòa bình cho cuộc khủng hoảng; ông cho biết Ukraine đón nhận mọi khả năng đưa tới “kết quả cụ thể” nhưng ông nhấn  mạnh “Crimea là và sẽ là lãnh thổ của Ukraine”. TT Obama trong ngày cuối tuần hôm 8 tháng Ba đã trao đổi quan điểm với các lãnh đạo Lithuana, Latvia, và Estonia, với thủ Tướng Anh David Cameron, Tổng Tống Pháp Francois Hollande, Thủ Tướng Ý Matteo Renzi: mọi nhà lãnh đạo đều đồng ý là Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế và đều đồng ý cần có quan sát viên quốc tế ở Crimea, và bác bỏ quyết định của quốc hội Crimea dự trù cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Crimea vì nó vi phạm hiến pháp Ukraine; và Tòa Bạch Ốc cũng phổ biến tin các lãnh đạo các quốc gia Baltic rất quan nghinh việc NATO  tăng cường quan sát vùng trời Baltic, đáp ứng với tình hình Ukraine. Vài cuộc biểu tình vẫn xảy ra có tính cách khiêu khích của sắc tộc Nga hoăc những người thân Nga với những người chống Nga.

Putin lại điện đàm với Thủ Tướng Đưc Bà Merkel và Thủ Tướng Anh David Cameron hôm chúa Nhựt 09/03/14 rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea (16/03/14) là phù hợp với luật lệ quốc tế. Về phía Hoa Kỳ, ông Kerry nói việc leo thang căng thẳng cùng lúc với các bước thôn tính Crimea, Nga sẽ tự động đóng sập lại bất cứ không gian nào còn có cho cánh cửa ngoại giao.

Khủng hoảng Ukraine cũng tạo sự quan tâm cho người dân Việt Nam hải ngoại và quốc nội về hành động xâm lăng của Nga, liên tưởng đến việc Trung Cộng xâm lăng Việt Nam lấy cớ để bảo vệ kiều dân của họ. Tất nhiên nhà cầm quyền CSVN (cũng như Trung Cộng) đều không dám lên tiếng phản đối vì đều cùng là phe độc tài cả và có liên hệ quyền lợi với nhau, tệ hại hơn là một tướng CSVN lại lên tiếng binh vực Nga sô, cho rằng việc Nga đêm quân vào Crimea như vậy không vi phạm luật quốc tế. Thiển nghĩ cộng đồng người Việt tỵ nạn CS hải ngoại nên lên tiếng phản đối hành động xâm lược Nga.

3. ViệcTrừng Phạt Liên Bang Nga

Mọi ngã ngoại giao dường như không đem lại thành công nào đáng kể, Putin vẫn tiến hành những toan tính của mình, lấy cớ bảo vệ kiều dân Nga, leo thang trong việc xua quân vào Crimea, kiểm soát nước công hòa tự trị này, rồi hỗ trợ chánh quyền Crimea trưng cầu dân ý về việc trao Crimea lại cho Liên Bang Nga, và trong tương lai Moscou toan tính khống chế hoặc đưa Ukraine vào Liên Minh Á Âu (Eurasian Union) như giấc mộng của Putin, thay vì để Ukraine lọt trọn về EU (Liên Hiệp Âu Châu). Tây Phương làm sao đây?  Biện pháp cố hữu của Tây-Phương là trừng phạt. Liệu có kết quả như mong muốn khi quan điểm trừng phạt có khác nhau giữa Hoa Kỳ và EU. Ngày 06 Tháng 03, 2014 TT Obama ký sắc lịnh hành pháp và công bố quyết định trừng phạt Liên Bang Nga; Hạ viện Hoa Kỳ cũng kết án và yêu cầu Hành pháp tăng cường áp lực mọi măt chánh trị, kinh tế để Moscou tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine kể cả Crimea đang bị Nga khống chế. Đại sứ Nga liền phản pháo với ông Kerry rằng chớ vội vã trừng phạt mà phải sẽ bị tác dụng “gậy ông đập lưng ông”, cho rằng hậu quả tai hại rồi sẽ quay về tác hại Tây phương. Sự thực thì nền kinh tế Nga liên hệ nhiều với Liên Hiệp Âu Châu hơn với Mỹ. Đức rất cần khí đốt của Nga, Ukraine cũng vậy. Mới đây bốn nước Trung Âu là cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Slovakia đã yêu cầu Hoa Kỳ bán khí đốt cho họ vì e sợ Nga cúp hoặc giảm cung cấp khí đốt cho Ukraine thì họ cũng bị ảnh hưởng vì hiện nay họ và Ukraine dùng chung đường dẫn khí đốt từ Nga; điều này cho ta thấy vì sao Đức do dự trong việc trục xuất khỏi Nga ra khỏi G-8 mà Hoa Kỳ đề nghị. Âu Châu nhứt là Đức đầu tư lớn vào Nga và Nga cũng cung cấp năng lượng (dầu, khí đốt) cho Âu Châu; cả hai bên đều cần nhau, cùng có lợi; nhưng EU đã không làm hết vai trò của mình để cho đến lúc này mới cố đẩy được Yanukovych thân Moscou ra khỏi Kiev, nhưng liệu có đủ 15 tỉ đô-la để cứu nguy chánh phủ lâm thời Ukraine, trong khi Hoa Kỳ chỉ có thể cho vay một tỉ đô-la thôi, trong khi đó thì số phận Crimea thấy như không còn hy vọng thoát khỏi gọng kềm Kremlin. (“I do not believe that Crimea will slip out of Russia’s hands” như lời phát biểu của Robert Gates cựu Bô Trưởng quốc phòng HK trên Fox News hôm chúa nhật 9/03/14 khi nhận định về tình hình bán đảo Crimea). Và EU cũng chưa ra khỏi suy trầm, liệu EU có dám cùng nắm tay với Washinton đẩy mạnh cuộc trừng phạt? Nga tuy nói già, nhưng không khỏi run sợ khi Putin nghe nói là phải chi ra mỗi ngày 10 tỉ dô-la để giữ gíá đồng Rúp trong tháng qua khi biến động Ukraine bùng nổ. Tóm lại nếu Hoa Kỳ và Âu Châu cùng mở mặt trận trấn áp thì Nga cũng sẽ gặp khó khăn và thế giới cũng bị ảnh hưởng, Thủ Tướng Lâm Thời Ukraine ArsenyYatseniuk sẽ đến Washington gặp Tổng Thống Obama Thứ Tư 14/3/14 nhưng nếu dân tộc Ukraine không cương quyết tự cứu mình thì Obama không còn gì nhiều hơn để giúp.

4. Tham Vọng Của Tổng Thống Putin trong chính biến Crimea và Ukraine

Các chuyên gia quốc tế thấy Putin toan tính gì trong kịch bản Ukraine và Crimea? Để lôi kéo Ukraine về với Moscou, ông hứa hẹn 15 tỉ Mỹ Kim cho Ukraine khiến Yanukovych phải bỏ họp đồng thương mãi với EU, rồi khi nhơn dân phản đối, Putin liền đưa quân vào Crimea; toan tính trong Putin là lấy Crimea xong sẽ khống chề Ukraine. Mục tiêu dài hạn của Putin là lôi kéo các quốc gia vệ tinh cũ của Liên Bang Xô-viết lọt vào quỹ đạo Moscou với chánh sách vừa ưu đãi vừa răn đe. Ông đã ước mơ để thực hiện một tập hơp quốc gia lân bang để hình thành một Eurasian Union (tạm dịch là Liên Minh Á-Âu) để đối trọng với Europian Union (Liên Hiệp Âu Châu), và Putin nhìn về phía tây của tổ chức mới là Cộng Hòa Ukraine, một  nước mầu mỡ có trên 46 triệu dân. Thành viên đầu tiên thật ra là khối kinh tế của Nga, Belarus và Kazakhstan, sau này Armenia và Kyrgyzstan, Tajikistan cũng có ý tham gia. Đối những cựu thành iên Liên xô lân bang, Putin ưu đãi về tài chánh rồi lần đưa quân sự để kiểm soát. Đánh gía Liên Minh Á-Âu (Eurasian Union) của Putin, trong buổi điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Mỹ, ngày 15 tháng giêng 2014 ông Zbigniew K. Brzenski nguyên cố vấn an ninh Hoa Kỳ cho rằng Liên minh Á-Âu của Putin là mộl liên minh mà ông Putin ước vọng hình thành nối kết bằng áp lực và thúc đẩy bởi luyến tiếc về quá khứ không còn phù hợp với thực tế; không một quốc gia nào lại muốn trở nên thành viên cho liên minh nào để rồi chủ quyền bị giới hạn, hoặc tham gia vào việc hình thành một liên minh mới mà nó gợi lại môt hình ảnh của một liên minh vừa tan rã, nếu không muốn nói đến liên bang xô viêt. Nhiều nhà phân tích thời cuộc cho rằng Putin mưu tính làm nên một “liên bang Xô viết kiểu mới, biến cải từ mô hình cũ cũng là điều hoang tưởng trong thời đại ngày nay. Tổng thống Putin có khuynh hướng độc tài, tư tưởng bành trướng, có mưu đồ mở rộng biên cương và khống chế các nước lân bang gốc là thành viên cũ của Liên xô và phát triển nước Nga nhằm nâng cao lại vị thế trên thế giới. Và trong kế hoạch dàn dựng chính biến Crimea-Ukraine chính là để diễn lại kịch bản Georgia sau cuộc chiến Nga-Georgia năm 2008 để rồi hai vùng Nam Ossettia và Abkhazzia tách khỏi Georgia trở thành độc lập nhưng trong vòng ảnh hưởng của Moscou, giống như ngày nay Putin kế hoạch tách cộng hòa tự trị Crimea ra khỏi Ukraine, để về với Nga.

Thay lời kết:

Chỉ có một giải đáp cho chính biến Crimea/Ukraine là thông điệp cho sự tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Cộng Hòa Ukraine Âu châu, là ý nguyện của dân tộc Ukraine và toàn dân Ukraine xứng đáng được hưởng.

Siêu cường Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu có trách nhiệm đạo lý hỗ trợ cho nhân dân Ukraine đấu tranh để bảo vệ và phát huy giá trị tự do, dân chủ và pháp trị cho xứ sở này.

Bác Sĩ Mã Xái