Tham nhũng sẽ hạ gục Đảng Cộng Sản Trung Hoa vào năm 2030
Trong khuôn khổ khóa họp thường niên Quốc Hội TC, khai mạc từ ngày 05/03/2016, vấn đề tham nhũng là một hồ sơ rất được quan tâm. Đối với với nhiều nhà phân tích, sớm muộn gì, tệ nạn này sẽ là sát thủ đánh gục đảng Cộng Sản Trung Hoa. Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Mỹ The New York Times ngày 29/02 vừa qua, nhà Trung Hoa học Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) tại Hoa Kỳ đã không ngần ngại cho là thời điểm mà đảng độc quyền lãnh đạo ở TC phải thay đổi sẽ không còn xa nữa, chỉ từ nay đến năm 2030.
Về nhà nghiên cứu Bùi Mẫn Hân, New York Times nhận xét: Một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội bỏ ra cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu những đề tài nhỏ có thể giúp chúng ta hiểu được những thế lực hùng mạnh nhào nặn cuộc sống chúng ta. Hoặc chẳng có tác động gì cả. Có nhiều bài nghiên cứu chẳng bao giờ được nhắc đến.
Đối với Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), đó không hề là vấn đề. Ông luôn đặt chỉ tiêu rất cao và không ngần ngại nhắm thẳng tới vấn đề mấu chốt khi đề cập đến một trong những chủ đề có lẽ là lớn nhất trong chính trị học : Đó là trong tương lai, liệu đảng Cộng Sản Trung Hoa còn có thể tồn tại dưới hình thức độc đoán như hiện nay hay không ?
Ông Bùi Mẫn Hân, giáo sư về quản lý chính phủ tại trường Claremont McKenna Collge, cho rằng có rất nhiều khả năng là từ nay đến năm 2030, chế độ Trung Hoa sẽ khác hẳn, bị buộc phải thay đổi do nạn tham nhũng phổ biến trong hệ thống lãnh đạo của Đảng hiện nay. Tham nhũng là chủ đề cuốn sách sắp ra mắt của ông, mang tựa đề «Chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Hoa: Động lực thúc đẩy sự suy tàn của chế độ – China’s Crony Capitalism: The Dynamics of Regime Decay ».
Trong bài trả lời phỏng vấn của báo New York Times , ông Bùi Mẫn Hân đã giải thích vì sao ông nghĩ rằng chế độ độc đảng lãnh đạo tại TC là không thể bền vững.
Sau đây là nội dung phần hỏi-đáp:
Hỏi : Ông nói rằng đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, để thay đổi hình thái hiện nay vào năm 2030 thì phải phá bỏ nhiều tiền lệ. Tại sao lại vào thời điểm đó ?
Bùi Mẫn Hân : Hiện nay sự phát triển xã hội kinh tế của Trung Quốc – tính trên thu nhập và trình độ giáo dục – đã đạt đến mức trung bình của các nước có đặc điểm tương tự (nghĩa là theo chế độ cộng sản, thuộc diện thu nhập trung bình và là nước châu Á), từng có một quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài sang một hình thức dân chủ nào đó trong 40 năm qua.
Nếu sự phát triển của Trung Quốc tiếp tục trong 15 năm tới, cho dù với nhịp độ chậm nhất, thì vào năm 2030, thì điều đó sẽ tạo ra một xã hội trong đó việc duy trì một chế độ độc đoán sẽ khó khăn hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là không thể.
Về mặt lịch sử, không chế độ chuyên quyền nào sống sót quá 74 năm, do sự suy đồi về ý thức hệ và tệ nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo. Tính đến năm 2030, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ nắm quyền trong suốt 81 năm.
Hỏi : Ông nhận thấy những hiện tượng gì tại Trung Quốc đã khiến ông giả định là đảng Cộng Sản đã bắt đầu phải đối mặt với sự suy tàn của chế độ và đi theo hướng mà các nước khác đã trải qua ?
Bùi Mẫn Hân : Bằng chứng quan trọng nhất là nạn tham nhũng tràn lan trong giới lãnh đạo. Sự đoàn kết trong giới lãnh đạo cũng đã tan rã, như đã thấy từ năm 2012 trong các vụ thanh trừng Bạc Hy Lai (Bo Xilai), Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) và các thân hữu của những người này.
Sự suy đồi về ý thức hệ đã làm cho Đảng mất đi ý thức về sứ mệnh của mình, vốn là một công cụ quan trọng để động viên các đảng viên bình thường. Cái giá phải trả về kinh tế và đạo đức để duy trì chế độ độc đảng lãnh đạo thông qua đàn áp cũng lên tới mức không thể chịu đựng nổi.
Hỏi : Vậy kịch bản nào có nhiều khả năng xảy ra nhất ? Cải cách ? Cách mạng ? Hay như ông đã từng nêu ra, một sự kết hợp cả hai kịch bản mà ông gọi là « Cải cách mạng (Refolution) » ?
Bùi Mẫn Hân : Cải cách – cải cách theo hướng dân chủ hóa – vẫn là kịch bản tốt nhất, nhưng khả năng này nhanh chóng biến mất và trong lịch sử thì không một chế độ Cộng Sản nào đã tự cải tổ thành công để trở thành một chế độ dân chủ.
Cách mạng – một dạng đồng khởi theo kiểu cuộc biểu tình ở Thiên An Môn – không thể xẩy ra vì có thể bị lực lượng an ninh Trung Quốc nghiền nát dễ dàng.
Cải cách – cách mạng – một tiến trình khởi đầu với cuộc cải cách có giới hạn nhưng sau đó trở nên triệt để – là một kịch bản có nhiều khả năng hơn.
Chúng ta có thể dự báo một kịch bản như vậy vào giữa những năm 2020, khi đảng Cộng Sản, sau một thập niên suy đồi chính trị và đình trệ kinh tế, sẽ trở nên tuyệt vọng đến mức buộc phải cải cách chính trị để tự cứu mình. Nhưng thời cơ để cải cách không còn nữa, và cũng giống như Liên Xô trước đây, sự cải cách nửa vời đã làm rạn nứt hàng ngũ giới lãnh đạo, tập hợp các lực lượng xã hội đang muốn có thay đổi cơ bản và phát động một cuộc cách mạng.
Hỏi : Ông từng nói rằng rằng một lúc nào đó, chế độ Trung Quốc sẽ phải thay đổi. Năm 1994, ông đã công bố quyển « Từ cải cách đến cách mạng », nói đến sự cáo chung của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Một số người cho rằng giờ đây đảng Cộng Sản Trung Quốc trên nhiều khía cạnh có vẻ bền vững hơn là cách nay một thế hệ. Liệu họ có nhầm không ?
Bùi Mẫn Hân : Thực ra, trong cuốn sách đăng hồi năm 1994, tôi nói đến sự cáo chung của Chủ Nghĩa Cộng Sản, chứ không phải là của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vào lúc đó, cũng như nhiều người, tôi đã lạc quan cho rằng cải cách kinh tế có thể làm giảm bớt sự kìm kẹp của đảng Cộng Sản và do vậy có thể dẫn đến cải cách chính trị.
Thế nhưng, các sự kiện xẩy ra sau đó cho thấy giả định này quá giản lược. Chúng tôi đã không dự tính tới việc thành công kinh tế có thể giúp tăng cường vai trò của Đảng trong một giai đoạn đáng kể và ngăn chặn thay đổi chính trị.
Tuy nhiên, do tính chất cướp đoạt của chế độ độc đảng, thành công kinh tế như vậy cũng sẽ không kéo dài. Tôi đã đưa ra kết luận này trong cuốn sách « Con đường quá độ đầy cạm bẫy của Trung Quốc », xuất bản năm 2006, sau khi chứng mình rằng hiện đại hóa kinh tế dưới chế độ độc đảng lãnh đạo sẽ tất yếu thất bại.
Đối với các nhà phân tích cho rằng Đảng Cộng Sản hiện nay bền vững hơn trước, thì các yếu tố mà họ nêu ra giờ đây không tồn tại nữa. Tăng trưởng đang chậm lại. Đảng đang trong tình trạng hỗn loạn, bởi vì các quy định mà Đảng thiết lập nhằm hạn chế các cuộc đấu đá chính trị nội bộ đã sụp đổ. Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang đưa quan hệ Trung-Mỹ đến chỗ xung đột. Sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu bắt đầu suy giảm do môi trường xuống cấp, dịch vụ tồi tệ, bất bình đẳng và tham nhũng.
Hỏi : Trong lĩnh vực đầu tư, có một tục ngữ là thành tích của quá khứ không bảo đảm kết quả trong tương lai. Vậy có hữu ích hay không khi dùng ví dụ của các nước khác để dự báo những gì có thể xẩy ra tại Trung Quốc ?
Bùi Mẫn Hân : Thực ra, tục ngữ này cũng áp dụng cho chính đảng Cộng Sản Trung Quốc. Có nghĩa là các thành công trong quá khứ của Đảng không bảo đảm cho sự sống sót của họ trong tương lai. Khi nghĩ đến tương lai của Đảng, các ví dụ của những nước khác cung cấp những hiểu biết cần thiết về việc giới cầm quyền phản ứng ra sao trước các môi trường thay đổi.
Trung Quốc có thể là một đất nước to lớn, nhưng cũng do những con người lãnh đạo, và giống như đồng nhiệm tại các nước nhỏ bé hơn, họ đưa ra những lựa chọn bị hạn chế do các ràng buộc thực tế và đoán trước được.
Trong ngành chính trị học so sánh, việc sử dụng các ví dụ của những nước khác không chắc mang lại kết quả tốt, nhưng đây vẫn là cách tiếp cận tốt nhất, giống như nghiên cứu một cây trồng trong lúc rừng chưa tồn tại.
Hỏi : Các lãnh đạo Trung Quốc muốn tránh cái « bẫy thu nhập trung bình » ngăn cản nhiều quốc gia chuyển tiếp lên quy chế thu nhập cao. Phải chăng Trung Quốc không thể làm được việc này nếu không cải cách chính trị ?
Bùi Mẫn Hân : Theo sử liệu thì tình hình không phấn khởi lắm cho đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ngoại trừ các nước sản xuất dầu lửa chuyên chế, chế độ bán dân chủ Singapore và Hồng Kông nguyên là thuộc địa của Anh, chỉ có những nền dân chủ đã được xác lập từ lâu và các nước vừa dân chủ hóa mới thoát được cái « bẫy thu nhập trung bình ».
Ngoài các thách thức cải cách kinh tế thuần túy, lịch sử cho thấy rõ hai việc. Thứ nhất là các thể chế độc tài dường như sẽ rơi vào mức thu nhập trung bình. Đó chính là vì sao chúng ta không thấy có các chế độ chuyên chế thu nhập cao ngoài các nước sản xuất dầu lửa. Thứ hai là các chế độ độc tài đã cướp quá nhiều từ xã hội và không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Điều này không có nghĩa là chỉ có dân chủ hóa mới dẫn đến thu nhập cao. Sẽ không như vậy. Nhưng gạt bỏ chế độ độc tài là một điều kiện cần thiết, tuy chưa đủ, để đạt được thu nhập cao.
Hỏi : Giới chuyên gia và phân tích chính trị khác tại Trung Quốc đón nhận lập luận của ông như thế nào ?
Bùi Mẫn Hân : Lập luận của tôi đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại, nhưng cũng nhiều ý kiến bi quan. Điều này có thể hiểu được vì sự chuyển đổi chế độ là một sự kiện có tính xác suất cực kỳ thấp. Nhưng chúng tôi cũng muốn tránh lập lại sai lầm như là đã không thấy được sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết hoặc Mùa Xuân Ả Rập.
Với tư cách là một hoạt động trí tuệ nghiêm túc ẩn chứa nhiều hệ lụy chính trị sâu sắc, cuộc tranh luận một cách có hệ thống và dựa trên những bằng chứng về tương lai Trung Quốc là một công việc lành mạnh và được mong đợi từ lâu.
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160308-tham-nhung-se-ha-guc-dang-cong-san-trung-quoc-vao-nam-2030