Thảm họa sẽ tới Phú Quốc
Trần Khải 03/05/2016
Cá chết, tôm chết, cua chết, chim chết, biển chết… sẽ lan từ Hà Tĩnh Tới Phú Quốc, theo tin của báo Người Đô Thị.
Chưa hết, Bauxite VN loan tin theo một lá thư từ một kỹ sư Formosa nói rằng khi nhà máy chạy, môi trường sẽ thê thảm hơn… và không thể nào dò ra nguồn xả thải, vì phong bì đã, đang và sẽ nhét vào tay cán bộ.
Báo Người Đô Thi hôm 29-4-2016 có bản tin tựa đề “Thảm họa cá chết miền Trung: Nguồn độc có khả năng lan xuống tận Phú Quốc” trong đó, trích như sau:
“Qua tính toán dòng chảy đáy biển, KS Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, cảnh báo: nếu không cắt ngay nguồn độc đang gây cá chết tại 4 tỉnh ven biển miền Bắc Trung Bộ, và mới ngày hôm nay 29.4 là Đà Nẵng, thì nguy cơ chất độc sẽ còn lan xuống tận Phú Quốc! Đặc biệt, cần nhìn nhận Sơn Dương – Vũng Áng là một yếu huyệt bảo vệ sự an ninh lãnh thổ Việt Nam từ hướng biển!
Phỏng vấn của Người Đô Thị với KS Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, nguyên trưởng ban Cơ sở hạ tầng cảng biển thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.
Thưa ông, với thảm họa cá chết hàng loạt trong thời gian dài, chủ yếu là cá tầng đáy, ở 4 tỉnh ven biển miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quãng Bình, Quãng Trị, Huế, và mới hôm nay ngày 29.4 là Đà Nẵng, thì liệu tình trạng cá chết này có khả năng còn lan rộng nữa không?
Trong đặc điểm tự nhiên của bờ biển Việt Nam, do chênh lệnh nhiệt độ giữa Bắc Cực và Xích đạo, do trái đất quay từ Tây sang Đông, do bờ biển Trung Quốc khi xuống phía Nam thì lệch về hướng Tây nên trong 365 ngày/năm luôn luôn có dòng hải lưu tầng đáy chạy dọc bờ biển Việt Nam từ Bắc xuống Nam, nhưng mạnh nhất từ Vũng Áng – Sơn Dương, Hà Tĩnh đến mũi Cà Mau.
Tốc độ dòng tầng đáy tính toán được khỏang 0.38 m/s trên hiện tượng di chuyển của các thi thể hành khách trên xe 48K5868 bị tai nạn ngày 18.10.2010 ở Nghị Xuân – Hà Tỉnh.
Về mùa đông, vào tháng 1, 2, 3, 4, 8, 9, 10, 11, 12 (9/12 tháng), vì ảnh hưởng gió đông bắc nên có dòng chảy mặt theo hướng từ Bắc xuống Nam với tốc độ bình quân 0.757 m/s.
Dòng tầng đáy và tầng mặt cộng hưởng đưa phù sa bờ biển Việt Nam theo hướng từ Bắc xuống Nam. Vùng bờ biển Vũng Áng, Sơn Dương nằm phía nam vĩ tuyến cực Nam của đảo Hải Nam, nên bờ biển miền Trung từ vị trí này hướng về Nam là chịu tác động của dòng chảy tầng đáy và cả tầng mặt.
Bạn nhớ bài hát “Quảng bình- Quê ta ơi” với những cồn cát trắng? Ở Bắc sông Gianh, các cồn cát đã cao đến 17-18m, nhưng ở Hà Tĩnh hoàn toàn không có cồn cát. Đó là hiện tượng khác biệt giữa bờ biển Hà Tĩnh và Quảng Bình. Do nguyên lý này mà các vịnh ở bờ biển Đông Việt Nam chỉ sâu khi vịnh chống được dòng hải lưu trên chảy vào vịnh, có nghĩa rằng cửa vịnh phải quay về hướng Nam. Ví dụ như vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, Vũng Rô. Vì là các vịnh ven núi, nên các vịnh chỉ sâu khi không có dòng sông lớn xuất phát từ dãy Trường Sơn. Ví dụ vịnh Dung Quất có sông Trà Bồng nên hạn chế độ sâu. Khi đến mũi Cà Mau, dòng hải lưu bị đẩy về hướng Tây, nên mũi Cà Mau có hình dàng như mũi tàu cong về phía Tây. Chính dòng hải lưu trên làm vịnh Thái Lan bị cạn dần và đang bị ngọt hóa. Chính sự ngọt hóa này mà Phú Quốc có những hải sản khác thường với ngư trường Phan Thiết.
Như vậy sự việc chất độc gây cá chết tại Hà Tĩnh sẽ không giới hạn khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Đúng thời điểm này, gió Tây Nam đưa dòng tầng mặt qua đảo Hải Nam, nên hiện tượng cá chết chưa lan tràn xuống Nam Trung Bộ. Hơn nữa hiện tượng cá tầng đáy bị chết chứng tỏ nguyên nhân gây chết cá là độc tố trong nước. Các chất thải ra biển hầu hết có tỷ trọng cao hơn nước biển nên nhanh chóng lắng xuống tầng đáy. Vì vậy sự viện dẫn cá chết do rong tảo trôi nổi trên tầng nước mặt là không logic và không thuyết phục được những người quan tâm.
Như vậy, dòng tầng đáy đã chắc chắn đưa chất độc xuống bờ biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nam. Tôi cho rằng, khu vực này chưa thấy cá chết do mật độ chất độc thấp, nhưng tiềm ẩn đem lại bệnh tật trong tương lai là khó tránh khỏi.
Tóm lại, theo tính toán dòng chảy như trên, thì chất độc không chỉ ở 5 tỉnh miền Trung mà còn có nguy cơ lan chảy từ Hà Tĩnh xuống Phú Quốc. Những tính toán này là thuộc về vấn đề khoa học cơ bản, rất rõ ràng.
Tôi cho rằng đây là một hiểm họa cực kì lớn đối với cả đất nước, nó triệt tiêu nguồn tài nguyên để nhiều triệu người có thể duy trì cuộc sống trong nhiều ngàn năm qua dọc theo mảnh đất hình chữ S….”(ngưng trích)
Trong khi đó, bản tin tựa đề “Kỹ sư Formosa tiết lộ: Kiểm tra không thể phát hiện vì xả thải trộm và…” đăng trên mạng Bauxite VN/Nguồn Facebooker Lê Quốc Châu/Báo mới/ Nguồn: https://www.tindachieu.com/ ghi nhận, trích:
“…Một thầy giáo có người thân hiện là Kỹ sư môi trường tại Formosa vốn đang là tâm điểm chú ý xung quanh vụ cá chết hàng loạt đã đăng tải trên Facebook cá nhân của mình cảnh báo về xả thải của Formosa. Theo lời của Kỹ sư này, thảm họa vẫn chưa bắt đầu vì khi nhà máy của Formosa chính thức hoạt động, tình hình sẽ thực sự đáng sợ!
Dưới đây là toàn văn bức thư mà Kỹ sư môi trường làm việc ở Formosa gửi thầy giáo Lê Quốc Châu ở Hà Tĩnh.
Lá thư đã được thầy Trần Đình Trợ đăng lên FB của thầy để thông tin cho người dân Việt Nam về nguy cơ kinh hoàng sắp xảy ra đối với chúng ta.
“…..Để đối phó với cơ quan chức năng, người ta bỏ tiền xử lý một lượng vô cùng nhỏ, rồi cho cá vào nuôi để qua mặt. Còn phần lớn là xả trộm qua một đường ống lớn chạy ngầm dưới biển anh ạ. Cơ quan chức năng có đến kiểm tra cũng không bao giờ biết được vi thấy họ nuôi cá bằng nước thải đã qua xử lý, cá vẫn sống ngon ơ. Với lại, cơ quan chức năng cũng không nắm được quy trình xử lý nữa.
Nước thải là điều không tránh khỏi trong phát triển công nghiệp. Nhưng đặc thù của công nghiệp nặng là nước thải chứa rất nhiều hóa chất anh ạ. Các thiết bị trong nhà máy muốn vận hành phải có nước làm mát, nếu không hỏng hết anh ạ.
Bộ phận em làm mỗi giờ cần 40000 m3 nước làm mát thiết bị. Trên lý thuyết, bọn em sẽ xử lý, sau đó tái sử dụng tuần hoàn cho đỡ tốn kém. Nhưng vì phải bảo vệ các thiết bị kim loại và đường ống kim loại, bọn em phải thêm rất nhiều hóa chất vào đó anh ạ…
…Để đối phó với cơ quan chức năng, người ta bỏ tiền xử lý một lượng vô cùng nhỏ, rồi cho cá vào nuôi để qua mặt. Còn phần lớn là xả trộm qua một đường ống lớn chạy ngầm dưới biển anh ạ. Cơ quan chức năng có đến kiểm tra cũng không bao giờ biết được vi thấy họ nuôi cá bằng nước thải đã qua xử lý, cá vẫn sống ngon ơ. Với lại, cơ quan chức năng cũng không nắm được quy trình xử lý nữa anh ạ. Thêm phong bì nữa là ok anh Châu ạ.
Em biết anh là người tốt và biết nghĩ cho người nghèo nên em tin tưởng và chia sẻ với anh. Mong anh giữ kín cho bọn em. Bọn em cũng yêu nước thương dân nhưng cũng phải kiếm tiền nuôi gia đình nữa.
Cho anh thêm một bí mật nữa, từ đầu năm tới giờ, bộ phận em đã xả tổng cộng 56 000 m3 nước thải công nghiệp. Sắp tới, toàn nhà máy đi vào hoạt động mới kinh khủng anh ạ. Ngay cả em cũng không thể biết, bọn Đài Loan xử lý bao nhiêu phần trăm trong đó nhưng chắc chắn là ít lắm. Vì tách hóa chất trong nước là vô cùng khó khăn và tốn kém…”(ngưng trích)
Chỉ biết lắc đầu, hết nước nói.
https://vietbao.com/a252465/tham-hoa-se-toi-phu-quoc