Thái tử Felipe cứu tinh của Hoàng gia Tây Ban Nha?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thái tử Felipe cứu tinh của Hoàng gia Tây Ban Nha?

Vua Tây Ban Nha Juan Carlos xuất hiện trước công chúng ngày 03/06/2014 – REUTERS/Sergio Perez

Theo RFI – Minh Anh – Thứ Ba 03 Tháng Sáu 2014

Tin tức quốc vương Juan Carlos của Tây Ban Nha bất ngờ thoái vị chiếm nhiều trang báo lớn của Pháp sáng nay 03/06/2014. Cả hai tờ Libération và Le Figaro đồng loạt chạy tít lớn trên trang nhất «Tây Ban Nha: Juan Carlos thoái vị…» và «Những thách thức cho tân vương Felipe».

Các tờ báo còn dành nhiều trang bên trong để nhận định sự việc. Theo các báo, tuổi tác, bệnh tật và các vụ tai tiếng trong bốn năm gần đây đã dẫn đến quyết định bất ngờ của Quốc vương Juan Carlos sau 39 năm trị vì đất nước.

Juan Carlos: Vị anh hùng của nền dân chủ Tây Ban Nha

Hầu hết các báo Pháp cũng như thần dân Tây Ban Nha đều có cùng nhận xét chung, đó là Quốc vương Juan Carlos được xem như là một vị «anh hùng» của nền dân chủ.

Juan Carlos chính thức lên ngôi vua vào tháng 11/1975, khi ấy ông 37 tuổi sau khi nhà độc tài Francisco Franco qua đời. Quốc vương đã đưa Tây Ban Nha chuyển sang nền dân chủ, sau 40 năm hứng chịu sự cai trị khắc nghiệt của chế độ quân sự độc tài.

Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, Quốc vương Juan Carlos gây nhiều bất ngờ cho người dân trong nước và trên quốc tế. Ông ban hành lệnh tổng ân xá, hợp pháp hóa mọi đảng phái chính trị, kể cả đảng cộng sản, đập tan các mạng lưới thuộc chế độ độc tài và thông qua Hiến pháp năm 1978, đưa đất nước Tây Ban Nha theo nền quân chủ lập hiến.

Cũng từ đây, người dân Tây Ban Nha bắt đầu khám phá ra những đức tính tốt của Quốc vương mang dòng máu Hoàng gia Bourbon: Kiên nhẫn, hóm hỉnh, vui vẻ, cường tráng và nhã nhặn. Nhưng có lẽ phải đợi đến ngày 23 tháng Hai năm 1981, Juan Carlos mới hoàn toàn chinh phục được cảm tình của thần dân. Đối mặt với âm mưu đảo chính, trên truyền hình, trong bộ quân phục, cùng với cậu con trai kế bên, Quốc vương đã ra lệnh cho các sĩ quan tham gia đảo chính trở về doanh trại. Chính hình ảnh này đã thắt chặt mối thâm tình giữa người dân và quốc vương.

Kể từ ngày đó, uy tín của Đức vua Juan Carlos ngày càng lên cao. Người dân Tây Ban Nha càng ngày càng cảm thấy tự hào về vị vua của họ. Dưới sự dẫn dắt của ông, đất nước Tây Ban Nha trải qua những thời điểm vàng son nhất, kinh tế phát triển nhanh chóng và tiếng tăm đất nước vang danh bốn bể : Gia nhập Cộng đồng Châu Âu năm 1986, đăng cai Thế Vận Hội Barcelona 1992.

39 năm trị vì là một sai lầm?

Dù sao đi chăng nữa, Quốc vương cũng là một con người. Đã là con người thì cũng phải có sai lầm. Những năm gần đây, uy tín của Juan Carlos cũng bắt đầu suy giảm. Tuổi tác, sức khỏe và các vụ tai tiếng đang gậm nhấm dần danh tiếng, đến mức Libération cũng phải thốt lên «Juan Carlos Đệ nhất, sự sa lầy của vị vua dòng họ Bourbon».

Còn theo Les Echos thì «Bốn năm tai tiếng đã đặt dấu chấm hết cho sự trị vì». Tờ báo trích dẫn các kết quả thăm dò gần đây cho thấy ngày càng có nhiều người dân Tây Ban Nha không muốn duy trì chế độ quân chủ lập hiến, mà muốn theo chế độ cộng hòa. Đối với họ, duy trì Hoàng gia quá tốn kém. Vẫn theo các thăm dò chính các vụ tai tiếng đã làm cho uy tín của Hoàng gia tụt dốc thê thảm.

Sự việc bắt đầu vào năm 2010, khi ngành tư pháp Tây Ban Nha cho mở điều tra quận công Inãki Urdangarin, cựu ngôi sao bóng ném và phu quân của công chúa Cristina, con gái út của vua Juan Carlos, về tội tham nhũng. Sau đó đến lượt Cristina cũng bị triệu ra trước tòa án để giải thích vai trò của cô trong các phi vụ của chồng. Hai vợ chồng cô công chúa này bị nghi ngờ trốn thuế và biển thủ 6 triệu euro tiền tài trợ của chính phủ.

Nhưng có lẽ vụ việc gây chấn động và làm giảm niềm tin của thần dân vào Quốc vương chính là việc ông tham gia săn voi tại Botswana. Ông bị chỉ trích có thú vui xa xỉ (ước tính tốn kém hết 37000 euro, theo như tờ L’Humanité trong bài viết «Tây Ban Nha: Nghĩa trang của bầy voi»), trong khi người dân trong nước đang đắm chìm trong khủng hoảng và thất nghiệp tăng cao. Sự việc có lẽ sẽ không bị tiết lộ nếu như Quốc vương không phải gấp rút trở về nước để tiến hành phẫu thuật xương hông do bị ngã.

Vụ việc xảy ra như một tiếng bom nổ, làm sụp đổ hết niềm tin của dân chúng. Đến mức các thăm dò dư luận vào tháng Giêng năm nay cho thấy 62% số người được hỏi muốn Quốc vương thoái vị. Juan Carlos cũng nhanh chóng hiểu ngay sai lầm to lớn, và đã lên tiếng xin lỗi thần dân. Chỉ có điều là «Bát nước đổ đi thì không thể nào hớt đầy lại được». «Mọi uy tín của Juan Carlos được dựa trên yếu tố tin tưởng. Sự tin tưởng đó đã bị mất đi mãi mãi, có điều gì đó không thể nào chữa lành lại được đã xảy ra giữa công chúng và Quốc vương», theo như bình luận của nhà báo Ignacio Escolar.

Nhưng có lẽ sai lầm lớn nhất của Quốc vương chính là ở chỗ «ngồi trên ngai vàng quá lâu, cho đến khi mà uy tín xuống quá thấp mới chịu nhường ngôi cho con» theo như nhận định của ký giả Casimiro Garcia-Abadillo, phụ trách báo Tây Ban Nha El Mundo.

Felipe VI: Cứu tinh của Hoàng gia Tây Ban Nha?

Về Thái tử Felipe thì sao? Đa số các bài viết đều cho rằng việc kế vị vào lúc này khi Hoàng gia đang chìm đắm trong các vụ tai tiếng sẽ là một gánh nặng lớn cho Thái tử Felipe.

Dù vậy, các tờ báo cũng lạc quan khi cho rằng sự kiện này đang mở ra một «kỷ nguyên mới cho nền quân chủ Tây Ban Nha», theo như tựa đề bài viết trên Les Echos. Một quan điểm cũng được tờ Le Figaro chia sẻ trong bài viết đề tựa «Nền quân chủ Tây Ban Nha đổi mới».

Trong bài diễn văn truyền hình hôm qua, Quốc vương Juan Carlos bày tỏ tin tưởng vào người kế vị, cho rằng «Thái tử có đủ sự chín chắn, chuẩn bị, tinh thần trách nhiệm cần thiết để đảm đương chức vụ lãnh đạo đất nước». Đối với Les Echos, điều đó hầu như là đương nhiên. Tờ báo cho là «Felipe, sinh ra là để làm vua». Định mệnh đó đã được an bài ngày từ lúc mới lọt lòng, tờ báo viết.

Vị vua tương lai 46 tuổi của Tây Ban Nha là hiện thân cho «thế hệ mới». Được làm quen với những lễ nghi ngay từ nhỏ và được đào tạo ở nước ngoài về các ngành luật (tại Anh quốc) và quan hệ quốc tế (Mỹ), Hoàng tử xứ Asturies có đủ năng lực và kinh nghiệm để đảm đương trọng trách và các thách thức mới, theo như nhận xét của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy.

Libération nhận thấy «Felipe VI, niềm an ủi cho nền quân chủ». Thái tử đã biết cách gìn giữ hình ảnh của mình trên trường quốc tế, do đó ông cũng có thể sẽ tạo dựng lại được dáng vẻ uy nghi cho một thể chế đang bị mai một.

Một trách nhiệm mà Le Figaro đánh giá  «nặng nề» để Felipe VI có thể «hợp nhất một đất nước đang trong giai đoạn khủng hoảng».

Niềm tin các nước Đông Âu dành cho Mỹ cạn dần

Cũng tại Châu Âu, hai tờ Les Echos và Le Figaro cùng quan tâm đến vòng công du Châu Âu của Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu từ hôm nay 03/06/2014 qua hai bài viết đề tựa «Obama đến Châu Âu để trấn an các cựu quốc gia Đông Âu trước mối đe dọa từ Nga» và «Obama, giữa Lịch sử và Ukraina».

Lịch sử và bối cảnh nóng bỏng khủng hoảng Ukraina đan quyện khá chặt chẽ trong chuyến đi công du Châu Âu tuần này của ông Obama, Le Figaro nhận xét. Hành động sáp nhập Crimee và các chiến dịch gây bất ổn ở miền đông Ukraina của Tổng thống Nga Putin đang làm cho các nước Đông Âu khiếp sợ. Họ trông đợi nhiều vào bài diễn văn ngày mai của Tổng thống Obama tại Vacxava, mong muốn có một bài diễn văn đanh thép kiểu Kennedy hay Reagan. Theo đó, Mỹ sẽ cam kết triển khai quân thường trực tại Đông Âu.

Nhưng Le Figaro cảnh cáo rằng đừng quá trông đợi vào điều này. Chắc chắn là người Mỹ không có ý định thông báo triển khai quân, theo như phân tích của một vị chuyên gia.

Chính vì điều đó, người dân Đông Âu hiện nay không còn mấy tin tưởng vào ông Obama vốn nổi tiếng hay thoái thác trách nhiệm. Trước thái độ hung hăng của Nga, người dân Đông Âu không mấy thoải mái với chính sách xoay trục sang Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Một chính sách mà họ cho là «quá thế kỷ 21 và quá kỹ trị».

Một cảm giác bất an mà tờ Les Echos có cùng cảm nhận. Đối với tờ báo, ông Barack Obama khó mà trấn an được các đồng minh của mình, do bởi chính sách ngoại giao dè chừng mà họ cho là quá nguy hiểm. Mà sự thật hiển nhiên đã rành rành ra trước mắt, đó là Syria và Ukraina.

Vụ chìm phà «Sewol»: Khủng hoảng mô hình xã hội tại Hàn Quốc?

Nhìn sang Châu Á, báo Libération quay trở lại vụ chìm phà Sewol làm thiệt mạng 200 học sinh. Đã sáu tuần trôi qua, Hàn Quốc vẫn còn bị sốc. Các chương trình thể thao và văn hóa đều bị hủy. Kinh tế trì trệ và sự phẫn nộ chống chính phủ gia tăng. Người dân bắt đầu nghi ngờ về một mô hình xã hội tưởng chừng như không thể nào bị hoen ố.

Với lối ghép từ theo vần, danh từ ‘matin’ với tính từ ‘chagrin’, Libération chạy tựa «Au pays des matins chagrins» (Tạm dịch Nơi buổi sáng sầu thảm), như cũng để nói lên nỗi đau đáu, cú sốc của người dân Hàn Quốc về thảm họa chìm phà. Một nỗi đau chưa thể nào quên được. Con số thống kê cuối cùng đưa ra cho biết tổng cộng có 286 người thiệt mạng và 16 người bị mất tích, phần đông là các em học sinh.

Vụ chìm phà Sewol đối với người Hàn Quốc giống như là vụ tấn công tòa tháp đôi 11/09/2001 tại Hoa Kỳ. Đã hơn một tháng trôi qua,  cảm giác tang tóc vẫn còn bao trùm tại Hàn Quốc. Ngoài các kết quả điều tra lộ rõ những lỗi lầm nghiêm trọng do con người gây ra, thì vụ chìm phà Sewol còn mang một dấu hiệu xã hội khác: Đó là «thảm kịch của cả một dân tộc».

Một mặc cảm giác tội lỗi đang dần hình thành. «Một hình thức tội lỗi tập thể thay thế cho trách nhiệm cá nhân, hệ quả của một hình thái xã hội được kiến trúc truyền thống xung quanh khái niệm nhóm», theo như phân tích của nhà nghiên cứu Benjamin Joinau tại EHESS.

Mà hệ quả nghiêm trọng của việc cảm thấy có tội đó là kinh tế đất nước đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Mọi hoạt động giải trí vui chơi đều bị hủy và cấm đoán. Tương tự như Hoa Kỳ sau vụ tấn công tháp đôi 11/9, sức mua của các hộ gia đình giảm đáng kể.

Dù vậy, Libération cũng nhận thấy càng ngày càng có nhiều người Hàn Quốc muốn thay đổi. Họ muốn biến mặc cảm tội lỗi, sự đau thương đó thành lời bất bình. Nhiều người đứng lên tập hợp lại biểu lộ sự giận dữ yêu cầu chính phủ mở điều tra nghiêm túc và kỹ càng. Một đòi hỏi khác cũng được những người biểu tình đưa ra đó là chính phủ phải có những biện pháp cụ thể để tránh một thảm họa tương tự xảy ra.

Các thảm họa liên tiếp xảy ra gần đây sau vụ Sewol đã lộ rõ vấn đề an toàn đã bị xem nhẹ, hiện đang trở thành mối bận tâm hàng đầu của người dân xứ kim chi này. Sự việc còn cho thấy mức độ tham nhũng trong mọi lãnh vực xã hội. Không những thế lòng tin của người dân vào giới chính khách, doanh nghiệp và giới truyền thông ngày càng sụt giảm.

Giờ đây, người dân Hàn Quốc đang phải trả giá cho chính niềm kiêu hãnh của mình. Điều đó thể hiện rõ nhất qua sự mất lòng tin của giới trẻ. «Vụ Sewol đã làm thay đổi cách nhìn của người Hàn Quốc về đất nước. Từ trước cho đến giờ họ rất tự hào về những thành công của đất nước, từ Samsung cho đến K-pop. Giờ đây cũng là lần đầu tiên người Hàn Quốc nghi ngờ về chính bản thân mình», theo như nhận định của một nhà nghiên cứu Hàn Quốc