Thái Lan nói không với Triều Tiên trước thềm chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ — TC xây trại tị nạn đề phòng chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thái Lan nói không với Triều Tiên trước thềm chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ — TC xây trại tị nạn đề phòng chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói hôm thứ 3 (12/12) rằng không có quan hệ thương mại giữa Thái Lan và Triều Tiên ngay trước chuyến thăm của một đặc phái viên Mỹ tới đây nhằm gây thêm sức ép lên Bắc Hàn.

Mỹ thúc giục các nước Đông Nam Á làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các nguồn tài chánh đổ vào Triều Tiên giữa lúc căng thẳng tăng cao khi Bình Nhưỡng đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa có thể bắn tới đại lục Hoa Kỳ.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói với các phóng viên tại văn phòng chính phủ của ông rằng “Chúng tôi đảm bảo Thái Lan tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.”

“Đã có những báo cáo về một số thuyền bè Bắc Hàn ở trong hải phận của chúng tôi… Cách đây khá lâu, tôi đã nghiêm cấm điều đó. Không có mậu dịch… không có thương mại gì hết,” ông nói.

Joseph Yun, đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên, dự kiến sẽ đến Bangkok trong tuần này để thảo luật việc tăng sức ép lên Bắc Hàn – nước đang tiếp tục các cuộc thử nghiệm vũ khí bất chấp các nghị quyết và lệnh trừng phạt của LHQ.

Trong chuyến thăm tới Bangkok vào tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thúc giục Thái Lan, đồng minh lâu năm nhất của Mỹ ở châu Á, có thêm các hành động chống lại Triều Tiên.

Lúc đó Mỹ nói họ tin rằng các công ty của Bắc Hàn có hoạt động ở Thái Lan và rằng họ khuyến khích Thái Lan đóng cửa các công ty này.

Theo sau chuyến thăm của Tillerson, Bộ Ngoại giao Thái Lan nói thương mại với Triều Tiên đã giảm tới 94% so với năm trước. Họ không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào về điều này.

Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất của họ vào tháng trước.

Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến tổ chức một cuộc họp của các bộ trưởng về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vào thứ 6 (15/12) tuần này. – VOA

 

***

Ít nhất 5 khu tạm cư đang được lặng lẽ xây dựng tại tỉnh biên giới Cát Lâm (Jilin) để TC có thể đối phó với làn sóng di dân Bắc Triều Tiên trong trường hợp chế độ Kim Jong Un sụp đổ. Thông tin trên mới đây được một số trang mạng phương Tây đăng tải.

Trang mạng The Guardian của Anh hôm nay, 12/12/2017, dẫn nguồn từ một số tài liệu phát tán trên các mạng xã hội, trong đó có những trang mạng TC hải ngoại, cho biết «vì lý do căng thẳng tại biên giới, đảng ủy và chính quyền huyện Trường Bạch (Changbai) đã đề xuất xây năm trại tị nạn trên địa bàn huyện». Tuy nhiên, trang báo Anh cho biết chưa kiểm chứng được thông tin này.

Năm khu trại nằm trải dài trên 1.416 km biên giới với Bắc Triều Tiên, trong đó có ít nhất ba khu đã được nhật báo The New York Times nêu tên vào tuần trước: Changbai Riverside, Changbai Shibalidaogou và Changbai Jiguanlizi. Ngoài ra, các trại khác được dự định xây ở thị xã Đồ Môn (Tumen) và Hồn Xuân (Hunchun), đều ở tỉnh Cát Lâm.

Những thông tin trên được nêu trong một tài liệu lưu hành nội bộ, và dường như bị lộ từ tập đoàn viễn thông TC China Mobile. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao TC Lục Khảng từ chối khẳng định với báo giới về sự tồn tại của các khu tị nạn, vì ông «chưa thấy các báo cáo như vậy». Câu hỏi của các nhà báo nước ngoài cũng bị loại khỏi biên bản chính thức của Bộ Ngoại giao về cuộc họp báo, vì bị coi là nhạy cảm về mặt chính trị hoặc bất lợi.

“Trừng phạt kinh tế Bắc Triều Tiên tác động đến cứu trợ nhân đạo»

Trên lĩnh vực cứu trợ nhân đạo tại Bắc Triều Tiên, trong phiên họp hàng năm của Hội Đồng Bảo An ngày 11/12/2017 về tình trạng nhân quyền ở nước này, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nhận định các biện pháp trừng phạt kinh tế « kìm hãm các chiến dịch cứu trợ của Liên Hiệp Quốc» tại quốc gia khép kín này.

Cuộc họp thường niên đã diễn ra (với 10 phiếu ủng hộ tại Hội Đồng Bảo An) bất chấp nỗ lực ngăn cản của TC. Theo trợ lý đại sứ TC tại Liên Hiệp Quốc, «ưu tiên của Hội Đồng Bảo An là hòa bình và an ninh quốc tế» và «không nên biến thành một diễn đàn nói về nhân quyền». Ông cũng cho rằng cuộc họp này là «phản tác dụng», trong khi cộng đồng quốc tế đang tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. – Theo RFI