Thái Lan, ngã tư của các đường dây tội phạm
Thái Lan thiên đường du lịch nhưng cũng là địa bàn hoạt động của giới phạm pháp
Theo RFI –Tú Anh –Thứ ba 11/3/2014
Vụ máy bay dân dụng Malaysia bị mất tích ở biển Đông mà trên đó có hai hành khách sử dụng hộ chiếu tây phương bị đánh cắp ở Phukhet làm dấy lên nghi ngờ do khủng bố. Thái Lan, thiên đường du lịch ở Đông nam Á, bị xem là địa bàn hoạt động của nhiều nhóm khủng bố và tội phạm.
Theo bài phân tích của AFP gửi đi từ Bangkok thì kẻ sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp không bắt buộc là khủng bố. Tuy nhiên, chính phủ Malaysia đã cho tiến hành điều tra theo hướng này và cảnh sát liên bang Mỹ FBI cũng đã gửi nhân viên sang Kuala Lumpur cùng với chuyên gia về tai nạn hàng không.
Giới chuyên gia về vấn đề khủng bố ở Đông Nam Á như ông Rommel Banlaoi nhận định : Các tổ chức khủng bố quốc tế từng chọn Thái Lan làm địa bàn hoạt động, để kinh tài hoặc để lập kế hoạch tấn công.
Điển hình là vào cuối năm 2010, trong khuôn khổ cuộc điều tra quốc tế nhằm triệt hạ một tổ khủng bố liên quan đến vụ thành viên Hồi giáo tấn công ở Bombay, Ấn Độ năm 2008 làm 166 người chết (trong đó có một phụ nữ Việt Nam) và vụ đặt bom trên hai chiếc xe lửa ở Madrid, Tây Ban Nha làm 191 người chết vào năm 2004, hai người Pakistan và một phụ nữ Thái lan bị bắt tại Thái Lan vì bị tình nghi cung cấp hộ chiếu giả cho các thủ phạm.
Chuyên gia Rommel Banlaoi cũng như Interpol không nghĩ rằng trong vụ máy bay Malaysia bị mất tich, hai người hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cấp là khủng bố. Rất có thể họ liên can đến một đường dây di dân bất hợp pháp.
Hai thanh niên người Áo tên Christian Kozel và một người Ý tên Luigi Maraldi có tên trong danh sách hành khách nhưng cả hai đều không đi trên chuyến bay. Cả hai đều bị mất hộ chiếu khi du lịch ở Thái Lan. Một người bị đánh cấp trên chuyến bay Phukhet-Bangkok năm 2012 còn hộ chiếu của người kia bị trộm tại Phukhet năm 2013.
Tham khảo thông tin của Malaysia Airlines, AFP cho biết vé của hai hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cấp này được mua từ Phukhet và trả bằng tiền mặt của Thái.
Một nguồn tin an ninh Thái Lan cũng cho rằng đường dây buôn hộ chiếu này không liên hệ với khủng bố. Tuy nhiên, mạng lưới xã hội đen liên hệ chằng chịt với nhau như mạng nhện : nhóm chuyên đi đánh cấp hộ chiếu, giấy tờ hành chánh, nhóm lo về kỹ thuật làm giả, nhóm trung gian và khách đặt hàng.
Hộ chiếu thật sẽ được bán cho những người có nhân dạng tương tự, hoặc đổi tấm ảnh một cách khéo léo. Cảnh sát địa phương lại ít cảnh giác nếu được cho nhiều tiền.Thêm vào đó, Thái Lan với vị trí địa lý thuận tiện và phi trường quốc tế quan trọng nên được giới xã hội đen chọn làm nơi trung chuyển lý tưởng.
Do vậy, phần lớn hộ chiếu đánh cấp của du khách được bán cho những di dân có tiền muốn sang tây phương với lộ trình truyền thống là bay đến Bắc Kinh và đổi máy bay.
Cho đến hôm nay, vụ máy bay Malaysia bị mất tich với 239 hành khách và phi hành đoàn vẫn còn chìm trong bí ẩn. Mỗi ngày trôi qua, càng có thêm nhiều câu hỏi mà không có giải đáp.
Ahmed Salah Háhim, chuyên gia của Đại học quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore vẫn nghiên về giả thuyết khủng bố. Theo ông, rất khó mà qua được mắt cảnh sát hải quan châu Âu với một hộ chiếu đánh cấp nhất là hai hộ chiếu này đã nằm trong danh sách 40 triệu hộ chiếu theo dõi của Interpol. Cơ quan cảnh sát quốc tế lấy làm tiếc là nhiều nước không khai thác phương tiện kiểm soát của Interpol.