Thái Lan có thể soạn bản hiến pháp khác sau trưng cầu dân ý

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thái Lan có thể soạn bản hiến pháp khác sau trưng cầu dân ý

040_bkp260716n1aa.jpg

Các quan chức Ủy ban bầu cử kiểm tra việc in phiếu trưng cầu dân ý tại một cơ sở in ấn ở Phra Pradaeng Samut Prakan, Thái Lan hôm 24/7/2016. – AFP photo
RFA – 2016-08-04
Cử  tri Thái Lan sắp bước vào phòng phiếu, quyết định ủng hộ hay không ủng hộ bản dự thảo hiến pháp do chính phủ lâm thời đưa ra.
Cuộc trưng cầu ý kiến sẽ bắt đầu vào sáng sớm ngày Chủ Nhật, kết thúc vào buổi tối cùng ngày và theo ủy ban bầu cử quốc gia Thái, vài ngày sau đó kết quả sẽ được công bố.
Ủy Ban cũng cho hay Thái Lan có 50 triệu cử tri, dự trù sẽ có 40 triệu người tham gia bầu cử, tức 80%.
An ninh cho cuộc bỏ phiếu sẽ được tăng cường tối đa. Hôm qua, chính phủ Thái cho hay sẽ huy động tới 200,000 cảnh sát để bảo vệ an ninh phòng phiếu, đảm bảo an ninh cho cử tri làm bổn phận công dân.
Cũng ngày hôm qua, khoảng 3,000 sinh viên, công chức và sinh viên học viện quân sự Thái đã xuất hiện ở mọi ngã đường thủ đô Bangkok, kêu gọi mọi người đừng quên đi bầu.
Trong khi đó, Cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra, người bị quân đội lật đổ hồi 2006, cho hãng thông tấn Reuters biết rằng ông chống đối bản dự thảo hiến pháp, lấy lý do văn bản quan trọng này do quân đội soạn thảo nhằm mục đích dành những ưu tiên cho các tướng lãnh khi muốn can thiệp vào chính trường, tiếp tục giữ quyền hành như các tướng lãnh Thái đã nắm giữ từ năm 2014 đến giờ, sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân sự của em gái ông là bà Yingluck.
Không chỉ một mình ông Thaksin nói điều đó, những tổ chức hoạt động bảo vệ nhân quyền, dân quyền và các đảng phái cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng bản dự thảo hiến pháp có những điều khoản phản dân chủ.
Một trong những điều thường được phe chống đối nói đến là điều khoản cho chính phủ lâm thời do quân đội điều khiển được quyền chỉ định người vào Thượng Viện, đồng thời quân đội đương nhiên có ghế ở Thượng Viện, để kiểm soát và hướng dẫn các đại biểu do cử tri bầu chọn.
Khi được hỏi về điều này, Tướng Thawip Netniyom, Chủ Tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Thái Lan nói với hãng thông tấn Reuters rằng những người được cử vào Thượng Viện có trách nhiệm phải kiểm soát những người được cử tri bầu chọn, để đảm bảo những người đó làm đúng trách nhiệm, và đảm bảo kế hoạch đổi mới được thông qua và thi hành nghiêm chỉnh.
Tướng Paryuth Chan-ocha, người đang giữ vai trò thủ tướng lâm thời kiêm tư lệnh quân đội Thái, cho biết nếu ngày Chủ Nhật tới đây đa số cử tri không đồng ý với bản dự thảo hiến pháp, ông sẽ yêu cầu Ủy Ban Lập Hiến soạn một bản khác.
Tướng Prayuth cũng từng nói rằng tương lai chính trị của Vương Quốc Thái sẽ tiếp tục ở trong tình trạng bấp bênh, nếu Chủ Nhật này dân chúng không ủng hộ bản dự thảo hiến pháp.
Điều đáng chú ý là khoảng 3 tuần lễ trước đây, một viên chức thân cận với Tướng Prayuth cho biết bất kể là có hay không có hiến pháp, các tướng lãnh vẫn tổ chức tổng tuyển cử vào giữa năm tới, để người dân chọn đại biểu quốc hội và thành lập một chính quyền dân sự.