Thái Lan bầu cử bổ sung, phe Áo Đỏ biểu tình

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thái Lan bầu cử bổ sung, phe Áo Đỏ biểu tình
Cử tri bầu cử Quốc hội bổ sung tại một địa điểm trong tỉnh Samut Sakhon, lân cận với bangkok ngày 2/3/2014.

REUTERS/Chaiwat Subprasom
Theo RFI – Thụy My

Cuộc bầu cử bổ sung hôm nay 02/03/2014 được tổ chức tại Thái Lan sau đợt bỏ phiếu hôm 2/2 bị đối lập ngăn trở. Phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ đe dọa sẽ xuống đường tại Bangkok.

Cuộc bỏ phiếu hôm nay diễn ra tại 101 địa điểm bầu cử tại 5 tỉnh, với 120.000 cử tri đăng ký. Somchai Srisutthiyakorn, một thành viên Ủy ban bầu cử nói với AFP là việc bầu phiếu diễn ra ổn thỏa, ngoại trừ việc một nhóm người biểu tình tụ tập phản đối tại tỉnh Rayong. Tại Phetchaburi, một trong những tỉnh phía nam Bangkok, cứ địa của đối lập, theo quan sát của AFP có ít cử tri đi bầu hơn. Một số tỉnh khác cũng sẽ tổ chức bầu cử nhưng chưa có lịch cụ thể.

Những người biểu tình muốn thay thế chính quyền hiện nay bằng một « Hội đồng nhân dân » không thông qua bầu cử, đã ngăn trở việc bỏ phiếu tại 10% phòng phiếu hôm 2/2. Ủy ban bầu cử cho biết sẽ không tuyên bố kết quả trước khi đã bỏ phiếu xong tại tất cả các địa điểm, mà hạn chót được ấn định vào tháng Tư. Từ nay đến lúc đó, Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn lãnh đạo với quyền hạn bị hạn chế.

Theo luật bầu cử Thái Lan, phải bầu được 95% trong số 500 dân biểu tại Hạ viện thì mới có thể lập chính phủ. Ủy ban bầu cử cũng đã ấn định ngày bầu cử Thượng viện là 30/3.

Phe đối lập vốn chưa hề thắng trong cuộc tổng tuyển cử nào từ 20 năm qua, thề sẽ hất cẳng bà Yingluck Shinawatha – bị coi là con rối của người anh, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatha bị đảo chính vào năm 2006. Theo nhiều nhà phân tích, trung tâm của cuộc khủng hoảng là đấu tranh quyền lực một khi có người kế tục Quốc vương Bhumipol, 86 tuổi.

Sau nhiều tháng biểu tình và bạo động đường phố đã làm 23 người chết và hàng trăm người bị thương, căng thẳng đã giảm xuống hôm thứ Sáu 28/2 với loan báo của phe biểu tình sẽ chấm dứt chiến dịch phong tỏa Bangkok. Hôm nay phe này bắt đầu dỡ bỏ các lều trại và hàng rào chướng ngại vật tại thủ đô, cho biết có thể tạm tập trung tại công viên lớn Lumpini.

Nhưng nếu áp lực từ đường phố có giảm, Thủ tướng vẫn đang bị đe dọa bởi Ủy ban chống tham nhũng, có nguy cơ mất chức và bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Phe Áo Đỏ ủng hộ ông Thaksin đã từng tổ chức các cuộc biểu tình vào mùa xuân 2010, liên tục xuống đường công khai sau khi đã tránh can thiệp từ đầu cuộc khủng hoảng. Hàng ngàn người biểu tình tối nay tại Khon Kaen, một thành trì của những người Áo Đỏ ở miền đông bắc, mà dân nghèo cho rằng đã được hưởng lợi từ các chương trình xã hội của ông Thaksin. Thanavut Vichaidit, một phát ngôn viên của phe này tuyên bố với AFP : «Chúng tôi sẵn sàng tiến về Bangkok nếu tình hình vẫn bất ổn».

Vụ đảo chính ông Thaksin năm 2006 đã khiến Thái Lan rơi vào khủng hoảng chính trị và bạo động, cho thấy sự chia rẽ của đất nước. Năm 2010, phe Áo Đỏ chiếm đóng trung tâm Bangkok suốt hai tháng, quân đội đã tấn công giải tỏa làm trên 90 người chết và 1.900 người bị thương. Cuộc khủng hoảng hiện nay được đánh dấu bởi nhiều vụ kẻ lạ mặt tấn công vào người biểu tình bằng súng hay lựu đạn.