Chính phủ Thái Lan vừa ban bố tình trạng khẩn cấp nghiêm ngặt mới ở thủ đô Bangkok vào ngày 15/10, một ngày sau khi diễn ra cuộc biểu tình lớn do sinh viên lãnh đạo chống lại định chế truyền thống ở Thái, theo AP.
Sau tuyên bố trước bình minh, cảnh sát chống bạo động đã tiến vào giải tán những người biểu tình tụ tập bên ngoài văn phòng của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, sau một ngày biểu tình và đối đầu, để tiếp tục thúc đẩy cho các yêu cầu của họ, bao gồm thủ tướng phải từ chức, thay đổi và cải cách hiến pháp của chế độ quân chủ.
Nhiều lãnh đạo cao nhất của phong trào biểu tình đã bị bắt giam. Một người sau đó tuyên bố trên trang Facebook của mình rằng anh ấy đã bị từ chối tiếp cận luật sư và bị buộc lên trực thăng và đưa đến một thành phố ở miền bắc Thái Lan.
Cảnh sát cho biết họ đã thực hiện 22 vụ bắt giữ.
Bất chấp lệnh cấm mới đối với các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng, nhiều nghìn người tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình trở lại tại một khu vực khác của thành phố vào cuối ngày 15/10.
Văn bản tuyên bố khẩn cấp nói đây là điều cần thiết vì “một số nhóm thủ phạm có ý định kích động vụ việc và phong trào ở khu vực Bangkok bằng nhiều cách và thông qua các kênh khác nhau, bao gồm cả việc gây cản trở đoàn xe hoàng gia”.
Cuộc biểu tình hôm 14/10 tại khu phố cổ của Bangkok, không xa cung điện hoàng gia, là cuộc tụ tập lớn thứ ba của các nhà hoạt động do sinh viên lãnh đạo. Họ được xem là những người đã đẩy xa ranh giới ngôn ngữ “được chấp nhận và hợp pháp” ở Thái Lan bằng cách công khai đặt câu hỏi về vai trò của chế độ quân chủ trong cơ cấu quyền lực của nước này.
Hoàng gia Thái từ lâu vẫn được coi là bất khả xâm phạm và là trụ cột của bản sắc Thái Lan. Quốc vương Maha Vajiralongkorn và các thành viên chủ chốt khác của hoàng gia được bảo vệ bởi Luật chống phỉ báng hoàng gia, với quy định khắt khe về tội khi quân. Luật này thường xuyên được áp dụng để bịt miệng những người chỉ trích, với nguy cơ có thể bị phạt tù lên tới 15 năm nếu bị khép tội.
Cuộc biểu tình được tổ chức vào dịp kỷ niệm cuộc nổi dậy do sinh viên lãnh đạo vào năm 1973 chống lại chế độ độc tài quân sự.
Các yêu cầu cốt lõi ban đầu của phong trào là các cuộc bầu cử mới, thay đổi hiến pháp cho dân chủ hơn và chấm dứt đe dọa các nhà hoạt động.
Những người biểu tình cáo buộc Thủ tướng Prayuth, với tư cách là chỉ huy quân đội, đã dẫn đầu cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ một chính phủ dân cử, và trở lại nắm quyền một cách không công bằng trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái vì luật đã được thay đổi để có lợi cho một đảng ủng hộ quân đội.
Những người biểu tình nói rằng thật không dân chủ khi một hiến pháp được ban hành dưới thời quân đội cai trị và được thông qua bằng một cuộc trưng cầu dân ý mà trong đó việc vận động chống lại nó là bất hợp pháp.
VOA