Thái độ với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga: Bắc Kinh đang cân nhắc thiệt hơn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thái độ với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga: Bắc Kinh đang cân nhắc thiệt hơn

21/03/2022 – Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga khởi sự từ ngày 24/02/2022. Mức độ kháng cự bất ngờ của người Ukraina khiến chiến tranh không sớm kết thúc, trong lúc chính quyền Putin dường như đặt cược vào một thắng lợi hoàn toàn nhờ ưu thế quân sự. Trung Quốc – cường quốc kinh tế thứ hai thế giới – được coi là một chỗ dựa đáng kể của Nga. Thái độ của Bắc Kinh đối với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga là một tác nhân đặc biệt quan trọng đối với kết cục xung đột Nga – Ukraina.

Trung Quốc có thái độ như thế nào về cuộc chiến tại Ukraina ? RFI giới thiệu nhận định của nhà sử học François Godement, chuyên gia về Trung Quốc, qua bài viết « Cuộc xâm lăng Ukraina : Trung Quốc cân nhắc lợi ích », đăng tải trên trang nhà của Viện Montaigne, ngày 16/03/2022. François Godement là cố vấn về châu Á của Viện tư vấn Montaigne, tác giả nhiều khảo cứu về Trung Quốc, trong đó có cuốn « La Chine à nos portes, une stratégie pour l’Europe » (Trung Quốc trước ngưỡng cửa : một chiến lược cho châu Âu), Paris, Odile Jacob (2018).  

Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu (T) và đồng nhiệm Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa, cùng theo dõi cuộc tập trận chung tại Ninh Hạ, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 13/08/2021, nửa năm trước cuộc tấn công Ukraina. AP – Savitskiy VadimTrọng Thành

***

1/ Thái độ của Trung Quốc về cuộc xâm lược Ukraina của Nga chuyển biến ra sao trong những tuần vừa qua ?  

Sử gia François Godement đặc biệt chú ý đến những biến chuyển rất rõ rệt trong lập trường của Bắc Kinh, ít tuần sau cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. « Chỉ trong vòng một tháng », lập trường của Bắc Kinh về tầm quan trọng của quan hệ Trung – Nga đã hai lần thay đổi triệt để. Thoạt tiên Bắc Kinh có quan điểm « đồng lõa » với hành động gây hấn của Nga, với hy vọng gặt hái được các lợi ích, mà không phải chia sẻ các nguy cơ. Ngày 04/02, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin đã long trọng ra một tuyên bố chung « chưa từng có » khẳng định quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, chống lại phương Tây. Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm ngày 02/03 giữa tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc không còn nhắc đến bản tuyên bố chung lịch sử này.  

Bên cạnh thay đổi rõ rệt nói trên, sử gia François Godement cũng chú ý đến những « dao động » mang tính cơ hội trong lập trường của Trung Quốc về cuộc xâm lăng của Nga. Vấn đề « tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ » của Ukraina, vốn hoàn toàn vắng mặt trong những phát biểu đầu tiên của chính quyền Bắc Kinh về cuộc tấn công của Nga, sau đó đã xuất hiện trong các phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị (Wang Yi). Bài phát biểu của ông Vương Nghị ngày 07/03 cho thấy rõ dường như Trung Quốc đang rất khó khăn trong việc thể hiện một lập trường nhất quán trong quan hệ với Matxcơva : Một mặt ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định quan hệ song phương Trung – Nga là « vững như bàn thạch », mặt khác ông Vương Nghị « nói nhiều hơn đến những câu chuyện về lịch sử và tương lai » hơn là tập trung vào các vấn đề nóng bóng của « hiện tại ».  

Sử gia François Godement cũng chú ý đến việc tách bạch giữa « những điểm bất biến » trong lập trường của Trung Quốc với những phát biểu mang tính tình thế. « Những điểm bất biến » trong quan điểm của Trung Quốc là : lỗi chính là do Liên minh quân sự NATO, các nước châu Âu theo đuôi NATO, và cần phải có một trật tự an ninh châu Âu mới (đây là những điều mà Trung Quốc và Nga có chung quan điểm). Về những điểm này, quan điểm của Bắc Kinh không thay đổi. Nhưng chúng ta có thể thấy những biến đổi đáng chú ý trong các phát biểu mang tính tình thế. Bắc Kinh không còn lên án NATO, mà thay vào đó nhấn mạnh đến « những nguyên nhân sâu xa » cần phải được giải quyết. 

Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong các dự thảo lên án Nga xâm lược Ukraina tại Hội Đồng Bảo An, cũng được sử gia Godement rất chú ý. Theo ông, kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, chỉ có 8 trên 19 lần Trung Quốc không bỏ phiếu chống theo lá phiếu phủ quyết của Nga. Đây là một tín hiệu quan trọng gửi đến « các quốc gia vốn rất gần gũi với Nga », đó là bỏ phiếu trắng là điều có thể, mà không sợ bị Nga trả đũa.   

2/ Vì sao Bắc Kinh thay đổi lập trường rõ rệt như vậy ?  

Hy vọng lớn của tổng thống Nga đặt vào cuộc xâm lăng Ukraina, sự kháng cự mạnh mẽ của người Ukraina, phản ứng mạnh mẽ và đoàn kết của phương Tây khiến Trung Quốc bất ngờ. Vị chuyên gia về châu Á của Viện tư vấn Montaigne nhấn mạnh : « Ai có thể hình dung được mà các nền dân chủ thị trường có thể giáng một đòn khốc liệt như vậy vào tiến trình toàn cầu hóa, để đáp trả một cuộc xâm lăng tưởng như đã thuộc về một thế kỷ khác ? », « Ai có thể tưởng tượng nổi là các biện pháp tài chính hết sức triệt để đã tước đi của Nga một phần chủ yếu của khối dự trữ ngoại tệ, trong lúc mà vấn đề trừng phạt và các nguy cơ đứt đoạn về kinh tế đã từng được thảo luận không biết bao lần về tính hữu ích ? »…  

Phản ứng của các nền dân chủ phương Tây đối với nền kinh tế Nga là một bài học nhãn tiền đối với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phải suy tính kỹ càng hơn trước các quyết định mạo hiểm trong tương lai, cụ thể như với khả năng tấn công Đài Loan. Rõ ràng là có một lằn ranh đỏ từ phía phương Tây, với các trừng phạt ở « quy mô chưa từng có », bất chấp thái độ có vẻ « uể oải » của nước Mỹ về các xung đột, và « sự gắn bó của các quốc gia châu Âu với giai đoạn hòa bình kéo dài chưa từng có trong lịch sử đối với khối nước này ».  Cuộc phiêu lưu quân sự của Nga đang diễn ra, đi kèm với các hậu quả, « có nguy cơ hủy hoại chính các tham vọng » của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, các tham vọng lãnh thổ mang tính đế quốc, phá bỏ những nền tảng nhận thức chung về chủ quyền quốc gia dựa trên luật pháp quốc tế đã được cộng đồng quốc tế chia sẻ rộng rãi, kích động « chủ nghĩa dân tộc – tộc người » (ethno-nationalisme) để phục vụ cho mục tiêu bá quyền.  

3/ Liệu Bắc Kinh có ngả theo phương Tây, không tiếp tay cho Nga, để góp phần sớm vãn hồi hòa bình tại Ukraina ?  

Rõ ràng là phản ứng của phương Tây đang buộc Bắc Kinh phải cân nhắc kỹ. Lâu nay, chính quyền Trung Quốc vẫn tin tưởng có thể một mặt « hưởng được những lợi ích có được từ quan hệ thương mại, tài chính với phần còn lại của thế giới », mặt khác chống lại « trật tự tự do quốc tế » hiện hành. Cuộc xâm lăng tàn bạo của Nga cùng các phản ứng quyết liệt từ phương Tây khiến Bắc Kinh không thể duy trì chiến lược nước đôi hưởng lợi nói trên. Sử gia François Godement nhấn mạnh là « tất cả phụ thuộc vào các hệ quả của cuộc xâm lăng, về ngắn hạn cũng như trung hạn ». Và ngay cả khi quân đội Nga có chiếm được Ukraina, thì điều đó không đồng nghĩa với việc chính quyền Matxcơva khuất phục được người dân Ukraina.  

Trong hiện tại, hình dung về viễn cảnh sắp tới của cuộc chiến « dường như tác động hàng ngày » đến quan điểm của Bắc Kinh, như sử gia Godement đã cố gắng lột tả trong phần đầu bài viết. Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh phải liên tục tìm cách một mặt vừa duy trì quan hệ với chính quyền Putin, mặt khác « cố gắng thích ứng với sự mong đợi của các đối tác khác », đặc biệt trong bối cảnh khi chế độ Putin « trở nên quá suy yếu » với cuộc can thiệp quân sự tại Ukraina.  

Về mặt ngắn hạn trên bình diện chiến lược, cuộc xâm lăng của Nga có thể có lợi cho Trung Quốc, khi tâm điểm khủng hoảng của thế giới tập trung vào châu Âu, đặt nước Nga vào thế phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, Bắc Kinh tạm thời không còn bị nằm ở tâm điểm chú ý quốc tế với hình ảnh của thế lực chống lại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mà Hoa Kỳ và các đồng minh đang góp phần xác lập rõ.  

Tuy nhiên, nếu « Nga sa lầy trong cuộc xung đột với cường độ không thể dự kiến được trước này », về nguyên tắc, Matxcơva sẽ tổn thất về phương diện quân sự và tài chính nhiều hơn là bên ủng hộ Ukraina, nếu phương Tây không leo thang quân sự. Kịch bản này sẽ buộc phải Bắc Kinh phải tính nước cờ khác. Chuyên gia Godement đặc biệt chú ý đến những cân nhắc, tính toán thiệt hơn của Bắc Kinh về kinh tế, để xác định lập trường về cuộc xâm lược Ukraina của Nga.  

4/ Đâu là những tác nhân kinh tế chính có thể ảnh hưởng đến lập trường của Bắc Kinh ?  

Cũng giống như về mặt chiến lược chính trị quốc tế, quan hệ tốt với Nga xét về tầm « rất ngắn hạn », có tác động tích cực đến Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ được mua khí đốt, lúa mì giá rẻ từ Nga, theo thỏa thuận mà hai nước vừa ký kết hôm 04/02. Tuy nhiên, các trừng phạt từ phương Tây đang buộc Bắc Kinh đã bắt đầu phải xem xét kỹ lưỡng quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại với Nga.  

Các lĩnh vực tác động mạnh hàng đầu đến Trung Quốc là « trang thiết bị viễn thông và kỹ thuật số » và « hàng không dân sự ». Về viễn thông, kỹ thuật số, « các sản phẩm của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào bằng sáng chế và linh kiện » nằm trong phạm vi kiểm soát của Mỹ. Washington hoàn toàn có khả năng ngăn chặn Trung Quốc trong việc nhập khẩu hàng hóa thuộc lĩnh vực này, nếu Bắc Kinh hợp tác với Nga, trường hợp tập đoàn Hoa Vi mới đây là một ví dụ. Về hàng không dân dụng, Trung Quốc bắt đầu hợp tác với Nga sản xuất phi cơ chở khách đường dài C929 (hơn 200 chỗ ngồi), tuy nhiên các sản phẩm của Nga lại phụ thuộc vào nhiều nhà sản xuất phương Tây. Và cho dù, nếu sản xuất thành công, nhưng khi trừng phạt vẫn được duy trì, thì Trung Quốc rất khó bán được máy bay hợp tác chế tạo với Nga.  

Một ẩn số lớn khác là tài chính. Theo chuyên gia Godement, ngay ở Trung Quốc hiện nay, cũng có hai luồng quan điểm trái ngược về khả năng kháng cự lại được với các trừng phạt về tài chính, đặc biệt với việc bị loại ra khỏi hệ thống thông tin thanh toán liên ngân hàng của phương Tây (SWIFT). Quan điểm thận trọng và tiêu cực chủ yếu đến từ giới tài chính, quan điểm lạc quan mang tính chính trị nhiều hơn, cho rằng Nga có thể trụ được nhờ lượng dự trữ tiền tệ tương đối dồi dào, và nhờ khả năng lách trừng phạt quốc tế thông qua hệ thống thanh toán của riêng Trung Quốc CIPS (China International Payments System). Một chi tiết được chuyên gia Godement chú ý là tờ Hoàn Cầu Thời Báo/Global Times (thường được coi là đại diện cho quan điểm cứng rắn của chính quyền Trung Quốc) « vừa âm thầm rút khỏi trang mạng một bài viết ca ngợi nỗ lực lách trừng phạt quốc tế ».  

Một vấn đề lớn với Trung Quốc là quan hệ thương mại với Nga sẽ ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh đồng rúp mất giá mạnh, và cùng với xu thế này là sức mua của khách hàng Nga sụt giảm mạnh. 

Sử gia François Godement khép lại bài viết với nhận định : Châu Âu và Mỹ đã quyết định chọn phương án trừng phạt kinh tế mạnh mẽ, để buộc chính quyền Putin chấm dứt cuộc xâm lăng Ukraina. Theo François Godement, đây là một giải pháp « đau đớn cho tất cả về mặt kinh tế », nhưng là một giải pháp « thực tế ». Giữa chiến tranh và trừng phạt kinh tế nửa vời, các nước phương Tây không có cách nào khác. Cuộc chiến thương mại – tài chính nhằm hạ gục kinh tế Nga của phương Tây, để hỗ trợ người Ukraina trong cuộc chiến tự vệ, buộc các quốc gia phải chọn bên. Hiện thời Bắc Kinh vẫn đang tính toán thiệt hơn. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220321-thai-do-voi-cuoc-xam-lang-ukraina-bac-kinh-dang-can-nhac-thiet-hon