Các hộ dân bị cưỡng chế nhà ở giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng và vườn rau Lộc Hưng ở Sài Gòn chia sẻ với VOA rằng họ “ăn cái Tết hết sức đau đớn và bi thảm, xuân về nhòa trong nước mắt và sự cam chịu.”
Ông Huỳnh Ngọc Trương, người dân tại giáo xứ Cồn Dầu, mô tả nỗi khó khăn của người dân bị cưỡng chế. Ông nói rằng họ từng có nhà cửa khang trang nhưng đã trở nên vô gia cư.
“Tết đến xuân về mà họ không có nhà, họ phải trọ ở các nhà khác trong giáo xứ Cồn Dầu. Hai ba gia đình gom về ở chung với nhau. Các gia đình còn nhà thì chia sẻ với gia đình mất nhà; vài lon gạo, chai nước mắm, hay đòn bánh tét. Đó là tình cảm của bà con dành cho những người mất nhà. Họ sống rất vất vả, khó khăn. Một cái Tết rất là buồn!”
Chính quyền thành phố Đà Nẵng loan báo họ đã thực hiện cưỡng chế hôm 15/11/2018 đối với 7 trường hợp có nhà đất tại tổ 85, phường Hòa Xuân “nằm trong diện giải tỏa, nhưng không chịu bàn giao mặt bằng để triển khai dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.”
Mất nhà khi đang ở Mỹ
Ông Trường nói thêm rằng chính quyền thực hiện cưỡng chế nhà và đất của bà Nguyễn Thị Hải trong ngày hôm ấy ngay khi bà đang thăm con ở Mỹ.
“Sau khi bà Nguyễn Thị Hải đi vắng thì chính quyền thành phố đã cưỡng chế nhà bà. Khi bà quay về thì nhà đã tan hoang. Bà lăn lộn thảm thiết khi nhìn thấy ngôi nhà của mình không còn nữa. Bà có dựng căn lều nhưng chưa đến 2 tiếng sau thì chính quyền huy động lực lượng giống như hôm cưỡng chế xông vào và xô ngã lều chở về phường.”
Bà Nguyễn Thị Hải, cũng là một giáo dân ở giáo xứ Cồn Dầu, nói với VOA rằng chính quyền có “âm mưu cưỡng chế” khi bà vắng nhà.
“Tôi đi khỏi thì họ có âm mưu cưỡng chế nhà. Tôi cứ nghĩ rằng họ sẽ không cưỡng chế vì tôi không có ở nhà. Nhưng họ làm thật, con tôi có chứng kiến và bị ngất xỉu, họ lôi cổ con tôi đưa về phường. Họ hốt hết tài sản, của cải, và tiền bạc.”
Bà Nguyễn Thị Hải chia sẻ thêm rằng trong chuyến đi đến thủ đô Washington vào đầu tháng 11/2018 bà đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Mỹ và Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ về nguy cơ nhà bà bị cưỡng chế.
“Tôi đã nhờ Bộ Ngoại giao Mỹ can thiệp, cứu giúp tôi. Nhưng sau đó thì chính quyền vẫn cưỡng chế vào ngày 15/11.”
Người già vô cư
Bà Nguyễn Thị Mộng Hoàng, một nạn nhân khác có nhà bị cưỡng chế, thuật lại sự việc diễn ra hôm 15/11:
“Người ta cắt điện, cắt nước vào sáng ngày 14, lực lượng an ninh bao quanh nhà, khuya ngày 14 thì họ đi quanh cả đêm. Đến sáng ngày 15 thì lực lượng công an, an ninh tổng cộng cả ngàn người cùng xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phá sóng, ….có cả những người bịt khẩu trang đến cưỡng chế. Nhà tôi bị bắt giam lỏng cả thảy 8 người ở trên phường.”
Đang cùng cha mẹ già tá túc tại nhà người thân trước thềm xuân Kỷ Hợi, bà Hoàng không cầm được nước mắt, nói:
“Bây giờ nhà mất, trời mưa rét nhưng cha mẹ không có chốn nương thân, phải ở nhờ nhà người khác. Cha mẹ tôi lớn tuổi muốn tái định cư tại chỗ, gần nhà thờ để đi lễ sớm hôm, nhưng họ không cho.”
Báo Đà Nẵng nói đã được triển khai hơn 10 năm nhưng Dự án Hòa Xuân vẫn chưa về đích. Tình hình ở Cồn Dầu “nóng” lên khi một số ít hộ dân ở đây tiếp tục gửi đơn khiếu kiện về thu hồi đất.
Chính quyền thành phố nói đã xem xét, giải quyết những kiến nghị của người dân, “nhưng một số hộ chưa chấp nhận nên tiếp tục khiếu kiện lên trung ương.”
Tết nương náu ở công viên
Trong khi đó, Tết đến với các cư dân có nhà bị cưỡng chế tại vườn rau Lộc Hưng, Quận Tân Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh, lại còn bi đát hơn, khi hơn 100 hộ nơi đây vất vả đi tìm nơi lưu trú sau hai đợt cưỡng chế vào ngày 4 và 8 tháng 1/2019.
Bà Trần Minh Thi, một cư dân Lộc Hưng, chia sẻ với VOA về cuộc sống hậu cưỡng chế:
“Chúng tôi không còn nhà cửa để đón Tết. Chúng tôi tứ tán mỗi người mỗi nơi. Tinh thần hoảng loạn. Chúng tôi không có không khí gì gọi là Tết cả. Chúng tôi phải tìm nơi khác thuê nhà. Không còn cái gì cả. Thôi thì chúng tôi đành phải chấp nhận.”
Bà Thi nói thêm:
“Ai chui rút được với cha mẹ thì chui rút. Một số thì đi thuê mướn nhà ở xa như Bình Chánh, Hốc Môn, Nhà Bè có giá rẻ hơn một chút để có nơi sinh hoạt hằng ngày. Một số người khó khăn thì phải sống ở công viên, vào nhà sách, siêu thị…để tắm rửa, còn ăn uống, ngủ nghỉ… thì thật khó khăn.”
Ông Trường chia sẻ rằng ông sẽ cùng người dân giáo xứ Cồn Dầu sau Tết sẽ ra thủ đô Hà Nội khiếu kiện và có kế hoạch lưu ở đó dài hạn, trong khi đó hơn 160 hộ dân Lộc Hưng cùng với sự trợ giúp của 17 luật sư đã lập hồ sơ khởi kiện chính quyền.