Tên Hà Nội mới có từ năm 1831, nhưng văn hóa vùng đất cố đô đã có trên 2000 năm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tên Hà Nội mới có từ năm 1831, nhưng văn hóa vùng đất cố đô đã có trên 2000 năm

Nguyễn Trọng – Nếu Thăng Long là đất “Ngàn Năm Văn Vật” thì thành phố Hà Nội như hiện nay là do người Pháp xây vào năm 1888, sau khi Tổng Thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Như vậy, Hà Nội ngày nay mới chỉ có trên 129 năm lịch sử mà thôi!

Thành phố Hà Nội ngày nay khác hẳn thành cổ Thăng Long ngày xưa, hiện vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất từ 1 đến 2 mét. Thành cổ này mới được khám phá cách nay 7 năm, vào tháng 12 năm 2002. Người viết sẽ đi vào chi tiết Thành cổ Thăng Long ở phần sau.

Dời đô vào Huế

Trong lịch sử Việt Nam, có hai lần dời đô quan trọng. Lần thứ nhất do Lý Thái Tổ quyết định, vào năm 1010, khi nhà vua bỏ Hoa Lư nhỏ bé dời đô về Đại La, sau được đổi tên là Thăng Long. Trong chiều dài lịch sử gần một ngàn năm, thủ đô độc lập của nước ta đã nhiều lần đổi tên, từ Thăng Long qua Đông Đô rồi Đông Kinh và sau cùng đến năm 1831 được vua Minh Mệnh đổi cố đô Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Từ Hà Nội ra đời từ thời đó. Dưới thời Pháp thuộc, Hà Nội được thực dân Pháp coi là thủ đô, còn Phú Xuân Huế được gọi là Nam Triều, thuộc các vua nhà Nguyễn. Hà Nội là kinh đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay.

Danh từ Hà Nội không gợi lên được một âm vang lịch sử nào đáng ghi nhớ, trong khi danh từ Thăng Long dù cho có là một huyền thoại thần bí linh thiêng như mọi huyền thoại linh thiêng khác, nó đã gieo vào lòng người Việt Nam từ Bắc vào Nam, một hình ảnh quen thuộc và trìu mến, như lũy tre làng, đồng lúa chín, như tiếng hát Quan Họ hay lời ca cải lương Dạ Cổ Hoài Lang của Cao văn Lầu.

Còn lần dời đô thứ hai là từ Hà Nội vào Phú Xuân Huế, vào năm 1802, do vua Gia Long khởi xướng.

Một câu hỏi được đặt ra cấp bách mang nhiều giải thích khác nhau là tại sao vua Gia Long lại chọn Phú Xuân làm kinh đô?

Có rất nhiều giải thích khác nhau, đưa ra nhiều lý do đôi khi tương phản. Người viết chỉ là một nhà báo, không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghề. Vì thế, phải căn cứ vào sử liệu để giải thích vì sao vua Gia Long đã dời đô vào Phú Xuân – Huế mà không đóng đô ở Thăng Long như các vua Lê thời trước. Việc dời đô của vua Gia Long từ Thăng Long vào Phú Xuân chẳng khác nào việc dời đô từ Hoa Lư lên Đại La, sau đổi là Thăng Long của Lý Thái Tổ 800 năm về trước, vào năm 1010.

Như mọi người đều biết, Phú Xuân – Huế, trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài hàng trăm năm, nhà Trịnh lấy th? phủ là Thăng Long để phò vua Lê, còn họ Nguyễn lập nghiệp ở Phú Xuân – Huế. Do đó, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long, nhà vua có lấy Phú Xuân – Huế làm kinh đô cũng là điều dễ hiểu mà thôi. Dù cho Thăng Long có là đất “ngàn năm văn vật” thì đất “Sông Hương Núi Ngự” vẫn nhiều đời là thủ phủ của nhà Nguyễn, kể từ đời chúa Nguyễn Hoàng, vào năm 1558.

Sau khi đã dứt được nhà Tây Sơn, thu phục được giang sơn cũ của chúa Nguyễn và h?p cả nam bắc lại một nhà, Nguyễn Ánh mới xưng đế hiệu là Thế Tổ (1802-1819), đặt quốc hiệu là Việt Nam, đóng kinh đô ở Phú Xuân, tức là thành phố Huế bây giờ.

Còn một điều cần nói rõ là vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đất Bắc ngày nay được gọi là Bắc Hà. Nhưng khi vua Thế Tổ Gia Long lấy được Bắc Hà rồi thì nhà vua liền đổi Bắc Hà thành Bắc thành, đặt quan tổng trấn để cai trị.

Như vậy, kể từ năm 1802, Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, còn Thăng Long chỉ còn là thủ phủ của mảnh đất miền Bắc mang tên Bắc thành mà thôi.

Còn tên Hà Nội có từ bao giờ? Tên Hà Nội chính thức xuất hiện vào năm 1831, do vua Minh Mệnh đặt ra, sau khi nhà vua cải cách hành chính, mảnh đất từ Quảng Bình trở ra chia làm 18 tỉnh trong đó có tỉnh Hà Nội.

Rồi vào năm 1835, vua Minh Mạng cho rằng thành Hà Nội, trước khi được xây dựng với quy mô của một trấn thành, nay trở thành tỉnh thành cho nên “thân thành quá cao” cần phải bạt xuống cho thấp, đúng với quy định của một tỉnh thành. Theo sử liuệu thì thành Hà Nội chỉ được bạt thấp xuống có 2 thước ta mà thôi.

Thành Hà Nội thời vua Gia Long hay trước đó dưới thời các vua Lê, nay được gọi là Cổ thành Hà Nội hay Cổ thành Thăng Long.

Vậy ai đã phá thành Hà Nội khi xưa để xây lại thành Hà Nội nhu ngày nay?

Theo cuốn “Thăng Long Hà Nội, một nghìn sự kiện lịch sử” của tác giả Vũ văn Quan (sách xuất bản ở Việt Nam) thì sau khi Tổng Thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội vào năm 1888, chỉ một năm sau đó, người Pháp bắt đầu tiến hành phá thành Hà Nội theo quyết định của Hội Đồng th? chính ngày 28 tháng 7 năm 1893. Theo sử liệu còn truyền lại cho tới nay thì người thầu việc phá thành Hà Nội là một “me Tây” có tên là cô Tư Hồng, cô này lấy những viên gạch của thành để xây những dãy nhà cho thuê, và cô đã nổi tiếng là người giầu có vào thời đó.

Đã nói về Cổ thành Thăng Long thì phải nói cho hết. Thành Thăng Long đã được xây từ thời các vua Lê, gọi là Hoàng Thành.

Khi người viết về Hà Nội cách nay một năm, có đi ngang qua khu Hoàng Thành nhưng khu này bị rào chung quanh, người lạ không được lai vãng cho nên người viết chỉ được đọc qua sách vở báo chí và rất tiếc không được nhìn thấy nhãn tiền.

Và sau đây, để quý độc giả có một khái niệm về Hoàng Thành này, người viết cho đăng nguyên bài

“Những Phát Hiện Mới Về Hoàng Thành Thăng Long”, tác giả là giáo sư sử học nổi tiếng Lê Văn Lân:

Cấm thành là nơi tập trung những cung điện tiêu biểu nhất của các vương triều, những sản phẩm cao cấp nhất của nền kinh tế, văn hóa của đất nước qua các thời kỳ lịch sử.

Ngày 9/2/2002 một cuộc hội thảo khoa học về khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được tổ chức tại Hà Nội quy tụ các nhà sử học, khảo cổ học trên cả nước. Được sự đồng ý của GS sử học Phan Huy Lê, chúng tôi xin đăng tải bài tham luận về những kết luận mới làm giàu thêm nhận thức về di tích đặc biệt quý hiếm này.

1.- Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu bắt đầu khai quật từ 12-2002 và được phát lộ trên diện tích lớn vào giữ năm 2003.

Diện tích khai quật cho đến nay là 19.000 m2. Ngay từ khi mới phát hiện, giới khảo cổ học và sử học đã xác định sơ bộ là khu di tích nằm trong phạm vi Hoàng Thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng và thành Hà Nội thời Nguyễn. Nhưng đây là một phức hợp di tích khảo cổ học đô thị gồm nhiều di tích kiến trúc và một khối lượng di vật đồ sộ của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau nên rất nhiều câu hỏi được đặt ra và lôi cuốn sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Qua các hội thảo, rất nhiều vấn đề được đặt ra từ những vấn đề tổng quát như vị trí của khu di tích trong cấu trúc thành Thăng Long Hà Nội, tính chất và niên đại các di tích, giá trị của khu di tích…

cho đến những vấn đề rất cụ thể như cấu trúc và niên đại từng di tích kiến trúc, loại hình và đặc điểm, nguồn gốc, niên đại một số di vật, niên đại và mối quan hệ giữa các tầng văn hóa, giải mã các chữ viết trên một số di vật, đặc điểm cấu tạo địa chất, mội trường sinh thái, nguồn gốc các di tích sông, hồ…

2.- Nhận thức chung tương đối đồng thuận về giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu có thể tóm lược như sau:

  • Khu di tích ngay khi mới phát hiện được xác định nằm trong Hoàng thành Thăng Long thì dần dần được xác định cụ thể hơn là nằm trong Cấm thành tức trung tâm của Hoàng thành. Kinh thành Thăng Long gồm ba vòng thành: Đại La thành, Hoàng thành (tên dùng từ thời Lê sơ) và Cấm thành. Thành Đại La và Hoàng thành có những thay đổi từ thời Lý, Trần sang Lê sơ, từ thời Lê sơ sang thời Mạc và Lê trung hưng, nhưng vị trí và quy mô của Cấm thành thì hầu như không thay đổi, chỉ có các cung điện thì trải qua nhiều lần xây dựng, tu sửa, phá d?, hủy hoại… Cấm thành là nơi tập trung những cung điện tiêu biểu nhất của các vương triều, những sản phẩm cao cấp nhất của nền kinh tế, văn hóa của đất nước qua các thời kỳ lịch sử.
  • Khu di tích gồm nhiều tầng văn hóa nối tiếp nhau khá liên tục từ thời An Nam đô hộ phủ Đại La thế kỷ VII-IX, đặc biệt từ thời Lý, Trần, Lê sơ đến thời Mạc, Lê trung hưng thế kỷ XI-XVIII rồi thời Nguyễn thế kỷ XIX. Khu di tích mang bề dầy lịch sử văn hóa từ thời tiền Thăng Long và gần nghìn năm thời Thăng Long Hà Nội. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao giá trị này vì hiếm có kinh đô hiện tại một nước mà trong lòng đất còn bảo tồn di tích tương đối có hệ thống và liên tục với chiều sâu lịch sử văn hóa gần nghìn năm như thế, nếu kể cả thời tiền Thăng Long thì lên đến 13 thế kỷ.
  • Khu di tích 19.000 m2 chỉ là một bộ phận của Cấm thành, nhưng đã bộc lộ một di sản văn hóa vô giá của kinh thành, kết tinh những giá trị lịch sử văn hóa của cả dân tộc. Giá trị này được thể hiện qua các di tích kiến trúc và các loại hình di vật, trong đó có những giếng nước, những cống thoát nước, những nền móng kiến trúc, những vật liệu xây dựng, những đồ gốm sứ tinh xảo, những vật liệu kiến trúc mang đặc trưng các thời đại…. Tất cả cho thấy một trình độ phát triển cao của kinh tế, văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, nhất là trong thời kỳ văn minh Đại Việt thế kỷ XI-XV cùng khả năng tổ chức xây dựng, dinh t?o tài giỏi của tổ tiên.
  • Những di vật có nguồn gốc nước ngoài như tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Á chứng tỏ quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa rộng rãi của kinh đô nước ta với nước ngoài. Đây cũng là một đặc điểm và giá trị của văn hóa Việt Nam, luôn luôn phát triển trên nền tảng bền vững bên trong kết hợp với sự giao lưu và hấp thụ những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài.

Có thể nói, trong số các kinh đô của đất nước, mỗi kinh đô đều có vai trò lịch sử của mình, góp phần tạo nên dòng chảy của lịch sử văn hóa các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia. Trong số đó, kinh thành Thăng Long Hà Nội có lịch sử lâu dài nhất và tiêu biểu cho hai thời kỳ thịnh vượng của đất nước: kinh thành Thăng Long thời văn minh Đại Việt và thủ đô Hà Nội ngày nay, sau 1954. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu vừa phản chiếu lịch sử phát triển của kinh thành, vừa qui tụ và kết tinh những giá trị của lịch sử và văn hóa dân tộc qua hàng ngàn năm.

Nguyễn Trọng

TỔNG QUAN 36 PHỐ CỔ HÀ NỘI

“Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà
Quanh đi đến phố hàng Da
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.” 

Bài thơ phía trên muốn nhắc đến một địa điểm vô cùng nổi tiếng tại mảnh đất kinh kì mà hầu như ai ai cũng đều biết đến. Đó chính là khu vực 36 phố phường Hà Nội sầm uất, nhộn nhịp một thời, là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về đất và con người thủ đô.