TC vô tình giúp Nhựt vươn lên

Cac Bai Khac

No sub-categories

TC vô tình giúp Nhựt vươn lên
Vi Anh – Hành động Trung Cộng [TC] giành giựt biển đảo Senkaku của Nhựt, kết quả đâu chưa thấy, cái thấy rõ là TC đã vô tình giúp Nhựt vươn lên về quân sự, thoát khỏi vòng kim cô của hiến pháp gọi là chủ hoà do Mỹ áp đặt sau khi Mỹ thắng Nhựt trong Thế Chiến 2.

Hai thập niên qua TC phải ép “giá lương tiền”, bán rẻ mồ hôi của đồng bào lao động, bòn vét tài nguyên của quốc gia dân tộc của Trung Quốc để thu hút đầu tư ngoại quốc vào TQ, sản xuất hàng bán rẻ tiền cho các nước, biến TQ thành xưởng sản xuất hàng rẻ tiền của thế giới. Nhờ thế TC trổi dậy thành siêu cường kinh tế hạng nhì, chiếm chỗ của Nhựt. Mạnh vì gạo bạo vì tiền, TC bành trướng ra biển Á châu Thái binh dương, giành giựt biển đảo của một số nước.

Nhựt lợi dụng chiến lược bành trướng biển đảo của TC ở Á châu Thái binh dương để vươn lên về quân sự, đó là một quyền lợi quốc gia tạo lại thế đứng Nhựt là đại siêu cường quân sự trên thế giới. Nói gì thì nói giàu mạnh về kinh tế mà yếu về quân sự, cứ dựa dẫm vào nước khác về quân sự thì không thể là một đại siêu cường được.

Chính vì nhờ TC gây hấn giành giựt biển đảo của các nước Á châu Thái bình dương, muốn giánh thế hải thượng của Mỹ, mà Mỹ mới để cho Nhựt có quân đội, có bộ quốc phòng, tăng quân số và hiện đại hoá quân đội. Mỹ cần Nhựt trong liên minh Á châu Thái Binh dương, Úc, Ấn, Nam dương, Phi luật tân, VNCS để phòng chống, bao vây TC, theo binh thơ của Trung Hoa mãnh hổ nan địch quân hồ. Nhờ vậy Nhựt được cùng Mỹ chiến đấu bất cứ nơi nào trên thế giới và giúp cho Nhựt có thể viện trợ quân sự cho các nước bạn thể theo chiến lược “phòng vệ tập thể” của Nhựt mà Mỹ đã đồng ý và khuyến khích để chia xẻ gánh nặng với Mỹ.

Cao điểm của thành công này của Nhựt thấy rõ trong chuyến công du Mỹ của Thủ Tướng Shinzo Abe. Mỹ cần Nhựt trong chiến lược chuyển truc quân sự về Á Châu Thái Bình dương, như Mỹ cần Việt Nam làm tiền đồn chống CS ở Đông Nam Á thời Chiến Tranh Lạnh. Mỹ dành cho Thủ Tướng Abe một danh dự như đã dành cho Tổng Thống Ngô đình Diệm của Việt Nam Cộng hoà, là Quốc Hội Mỹ mở phiên họp khoáng đại lưỡng viện để nghe TT Abe đọc diễn văn.

Liên minh Mỹ Nhựt siết chặt này sẽ tạo một cơ hội bằng vàng cho TT Abe của Nhựt trở thành một “quốc gia bình thường” không bị kềm kẹp bởi điều khoản chủ hoà của Mỹ bên thắng trận áp đặt suốt 70 năm rồi. Quan trọng nhứt là Nhựt có thể trở thành đầu tàu, máy kéo kéo kinh tế các nước Á Châu Thái Bình dương, sau khi TC tạo nhiều khó khăn cho Nhựt, Nhựt phải dời ra khỏi TQ, hướng các công ty sang VN, Thái, Nam dương.

Chẳng những Mỹ, TT Obama nồng nhiệt thân thiết tiếp kiến TT Abe mà Quốc Hội với Cộng Hoà đa số đều muốn phát huy liên minh Mỹ-Nhựt vững mạnh hơn nữa. Dân chúng Nhựt cùng thế. Dân chúng Nhựt qua hai cuộc bầu cử Thượng và Hạ Viện đã dồn phiếu cho Đảng Dân Chủ Tự do của Ô. Abe chủ trương tăng cường việc bảo vệ bờ cõi giang sơn gấm vóc. TT Abe qua lá phiếu có giá trị trưng cầu dân ý hai lần, được dân chúng uỷ nhiệm bảo vệ an nguy cho Tổ Quốc. TT Abe với sự đồng ý gần như tuyệt đối của Quốc Hội, đưa ra nhiều thay đổi về Quốc Phòng thích hợp với tình hình mới do TC giành giựt biển đảo gây ra.

Nhựt là nước mà Mỹ muốn hay không muốn cũng là đồng minh trụ cột trong liên minh các nước Á châu Thái Bình Dương đối phó với TC đang bành trướng, nhờ tiềm lực kinh tế đệ tam siêu cường của Nhựt và thế lực ngoại giao mạnh của Nhựt như Đức ở Âu châu. Nhựt có thể viện trợ, mua bán vũ khí cho VN, VN tránh khỏi lịnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ.

Mỹ đệ nhứt siêu cường thế giới, đồng minh thân cận có hiệp ước bảo vệ quân sự cho Nhựt, đóng vai chất xúc tác và hậu thuẫn cho một liên minh đối đầu với TC. Nhựt đệ tam siêu cường thế giới đóng vai hành động, kết hợp, điều hợp các nước Á châu Thái bình dương thành liên minh hỗ trợ các quốc gia trong vùng bảo vệ an ninh trên không và trên biển. Trong một phiên họp thượng đĩnh của ASEAN, trước mặt cả trăm mấy phái đoàn đại diện các nước dự khán, trong đó có Mỹ, TC, Nhựt, Úc và mười hai nước ASEAN, Thủ tướng Nhựt Abe với tư cách là khách mời chỉ đạo, long trọng tuyên bố Nhật và Hoa Kỳ đã sẵn sàng thắt chặt hợp tác với Úc và Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Nhựt “ủng hộ tối đa” cho các nước Đông Nam Á, trong đó có một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. “Chính phủ Nhật ủng hộ mạnh nỗ lực của Philippines” và “Chúng tôi cũng ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại. Điều chúng ta ít mong đợi nhất là sợ rằng luật pháp bị thay thế bằng các mối đe dọa, sự hăm dọa chen chân vào luật lệ”. TT Nhựt còn công bố Nhựt viện trợ vô thường, sắp chuyển giao cho Philippines, một trong những quốc gia nghèo trong vùng, 10 tàu tuần duyên và VN 5 chiếc để tăng cường khả năng tự vệ. Và Nhựt cũng đưa chuyên viên Hải quân đến lo bão trì. Đó là một bước tiến mới do tình hình mới của Nhựt so với hiến pháp hiếu hoà không cho phép Nhựt có quân đội và đưa quân ra ngoại quốc. Thủ Tướng Nhựt nhấn mạnh “Indonesia cũng sắp nhận được ba tàu tuần duyên tương tự và Việt Nam cũng có thể được hỗ trợ như hai nước.”

Nhựt là nước Á châu tây phương hoá trước nhứt, biết học hỏi sữ dụng kỹ thuật của Tây Phương và trở thành hùng cường. Chính những nhà ái quốc VN như Ô Phan bội Châu, Kỳ ngoại Hầu Cường Để có thể nói là tiền bối của Ô Hồ chí Minh cũng chủ trương “Đông Du” đi Nhựt tìm đường bài phong, đả thực, giành lại độc lập, tự do cho VN. Chính Ô Hồ chí Minh dù là CS cũng cung kính trong những lãnh tụ Đông Du này.

Nhựt có tiền cừu hậu hận với TQ và TC. Một tấc biển, một tấc đất của Tổ Quốc Nhựt, Nhựt cũng không nhường. Một chữ, một lời trong công văn, trong hiệp ước liên quan đến đất nước, Nhựt cũng không nhượng. Tin Reuters và đài phát thanh RFI của Pháp có lần phổ biến, Nhựt xóa bỏ chữ hữu hảo đối với Trung Quốc trong quyển Sách Trắng mới nhứt về Viện trợ Phát triển ODA của Nhựt. Sách Trắng về ODA của Nhựt ấn bản 2013 là tài liệu chánh thức của Bộ Ngoại Giao Nhật Bản công bố vào ngày 21/02/2014. Trong tài liệu phổ biến tổng quát trong ngoài nước này, Bộ Ngoại Giao đã xóa bỏ hoàn toàn từ ngữ hữu hảo mà Bộ đã từng được dùng trước đây để mô tả tính chất quan hệ song phương Nhật-Trung.

Nói tóm lại TC tốn rất nhiều nhân tài vật lực để tranh giành biển đảo của các nước Á châu bình dương. TC đã vô tình giúp cho Nhựt liên minh chặt chẽ với Mỹ hơn và các nước chẳng những ở Á châu Thái binh dương mà ở Ấn độ dương như Ấn độ, ở Nam Thái bình dương như Nam dương, Úc, Tân tây Lan, có quân đội và quân đội đưọc ra nước ngoài, được viện trơ quân sự cho các nước. Và quan trọng nhứt là được Mỹ hậu thuẩn cho Nhựt trở thành nước điều hợp liên phòng Á châu Thái bình dương gồm nhiều nước Ấn, Úc, Nam dương, Phi, VN. Có thế nói TC làm, Nhựt hưởng, Nhựt vươn lên.